Hiện nay, quảng cáo đã trở thành một phần không thể tách rời cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Đặc biệt, trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì hình thức quảng cáo trên sóng truyền hình quốc gia trở thành một trong những hình thức quảng cáo phổ biến được các tổ chức, cá nhân lựa chọn bởi hiệu quả của nó mang lại là rất lớn. Các kênh truyền hình quốc gia xuất hiện từ rất lâu và được coi là một phương tiện hữu hiệu để truyền đi các thông điệp quảng cáo từ phía người sản xuất, kinh doanh đến khách hàng.
Quảng cáo trên sóng truyền hình quốc gia có phạm vi truyền thông tin quảng cáo rất rộng, khả năng tiếp cận thị trường lớn do có lượng người xem các kênh phát sóng truyền hình quốc gia là nhiều nhất. Từ đó, giúp các chủ thể có thể xúc tiến hoạt động kinh doanh, tăng được doanh số, thị phần và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, do sự phát triển quá nhanh của quảng cáo trên sóng quốc gia dẫn đến vẫn còn xảy ra tình trạng lộn xộn, kém hiệu quả và đôi khi còn gây tác hại cho người tiêu dùng.
Tần suất lớn, thời gian không phù hợp
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), quảng cáo trên sóng truyền hình quốc gia được người xem đón nhận như một sản phẩm nghệ thuật, mang lại định hướng đúng đắng cho người tiêu dùng và từ đó nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đôi khi nhiều doanh nghiệp có biểu hiện quá đề cao yếu tố bất ngờ và sáng tạo, xem nhẹ tính chuẩn mực đạo đức và thẩm mỹ đã khiến cho quảng cáo trên sóng quốc gia trở nên phản cảm, tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng và tạo ra những tranh cãi, ồn ào không đáng có trong dự luận và giữa các doanh nghiệp.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS.
Cụ thể như, quảng cáo xuất hiện với tần suất quá lớn và thời gian phát sóng không phù hợp. Mục tiêu lớn nhất của các doanh nghiệp là thu hút lượng người xem quảng cáo, quan tâm đến sản phẩm càng nhiều càng tốt. Vì thế, họ đua nhau để được quảng cáo vào khung giờ vàng – thời điểm mà số lượng người xem đông nhất. Nhưng chính điều này đôi khi lại phản tác dụng bởi không phải sản phẩm nào xuất hiện vào giờ cao điểm cũng phù hợp. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phải ban hành quy định các loại sản phẩm không được quảng cáo trên Đài phát thanh, Đài truyền hình trong khung giờ từ 18 giờ đến 20 giờ hằng ngày và sẽ bị xử phạt nếu cố tình không thực hiện.
Bên cạnh đó, nội dung quảng cáo còn chưa được quản lý chặt chẽ. Được phát sóng trên sóng truyền hình quốc gia mà chúng ta vẫn có thể bắt gặp những quảng cáo có mội dung cạnh tranh không lành mảnh, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các doanh nghiệp cùng sản xuất, kinh doanh một loại sản phẩm hoặc những quảng cáo thiếu tính chất giáo dục, tác động tiêu cực đến tâm lý, tính cách, suy nghĩ và lối sống của lớp trẻ, nhất là trẻ nhỏ. Đơn cử như quảng cáo của một hãng bột giặt, để lăng xê cho tính năn tẩy sạch mọi về bẩn của mình, clip quảng cáo đã đưa ra câu chuyện “khuyến khích” các em nhỏ đá bóng, vẽ bẩn lên tường, nô nghịch trong bùn, đổ đồ ăn lên quần áo… tạo ra những thói quen xấu cho trẻ khi chúng chưa đủ lớn để nhận diện đó chỉ là những hành động quảng cáo chứ không phải những hành động tốt, đáng làm theo.
Luật sư Lê Quang Vy, Công ty Luật GV Lawyers cũng cho rằng hiện nay, truyền hình vẫn đang là một trong những kênh truyền thông thu hút đông đảo lượng khán giả so với nhiều phương tiện truyền thông, báo chí khác. Ngày nay, đa số người tiêu dùng đều có thể tiếp cận quảng cáo ở nhiều nguồn khác nhau khá đa dạng và phong phú. Đối với các quảng cáo được phát hành trên báo giấy, người đọc có quyền xem hoặc không xem; đối với quảng cáo trên các trang thông tin điện tử người xem đều có thể lựa chọn tính năng bỏ qua để không tiếp tục xem quảng cáo. Tuy nhiên, đối với quảng cáo trên truyền hình thì khán giả không có sự lựa chọn đó. Đây cũng chính là lợi thế của việc quảng cáo sản phẩm trên truyền hình. Bởi để tiếp tục theo dõi các chương trình truyền hình yêu thích, khán giả truyền hình phải chấp nhận xem quảng cáo một cách bất đắc dĩ, điều này dẫn đến nhiều khán giả trở nên “ngán ngẫm” và bị “bội thực” với quảng cáo.
Từ lợi thế cũng như thế mạnh của mình so với các phương tiện quảng cáo khác, nên trên thực tế đã có sự lạm dụng quảng cáo từ phía các nhà đài cũng như các doanh nghiệp. Đặc biệt tại các khung phát sóng giờ vàng, tận dụng sức hút của chương trình với khán giả cũng như ưu thế của thời điểm phát sóng có số lượng khán giả xem đông nhất, các đài truyền hình đều tranh thủ để tăng tần suất phát và chèn quảng cáo vào các chương trình đang phát sóng. Vậy, từ phía nhà đài cũng như các doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ thực tế này, trong khi đó bất cập thay những khán giả, khách hàng tiềm năng của họ vô hình chung lại trở thành bên “chịu đựng” trong bài toán lợi ích này, trong khi đáng lẻ ra họ nên là chủ thể được các nhà đài cũng như các doanh nghiệp “chăm sóc”.
Luật sư Lê Quang Vy, Công ty Luật GV Lawyers.
Quảng cáo là một hoạt động thương mại không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường. Nhà nước luôn có chính sách khuyển khích cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo. Tuy nhiên để cân bằng được lợi ích giữa khán giả truyền hình với các nhà quảng cáo và nhà đài là một bài toán nan giải. Chúng ta đã có Luật Quảng cáo cũng như các quy định chế tài đối với hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo nói chung và hành vi vi phạm thời lượng phát sóng quảng cáo trên các kênh truyền hình nói riêng. Thế nhưng, việc áp dụng vào cuộc sống xem ra còn nhiều điều bất cập bởi do cơ chế giám sát. Thật vậy, không ai có thể ngồi hàng giờ trước chiếc ti vi để kiểm tra, để “cân đo đong đếm” thời lượng phát sóng quảng cáo của các nhà đài. Và hơn nữa nếu có phát hiện thì việc tạo lập chứng cứ cho hành vi vi phạm xem ra là bất khả thi. Do đó, việc thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát để luật pháp đi vào cuộc sống là điều cần phải đặt ra.
Giải pháp kiểm soát
Cùng với sự phát triển của hoạt động quảng cáo trên sóng truyền hình quốc gia, các quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động này ngày càng hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, vẫn có những thiếu sót và bất cập trong quy định của pháp luật khiến cho lợi ích của các chủ thể liên quan bị xâm hại, công tác quản lý cũng khó có thể chặt chẽ. Vì vậy, Luật sư Hùng đưa ra đưa ra một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, các cơ quan quản lý cần thẩm định, kiểm tra và siết chặt về thời lượng và nội dung quảng cáo trên sóng quốc gia. Đảm bảo không để lọt những quảng cáo quá thời lượng gây ảnh hưởng đến người xem truyền hình cũng như nội dung không phù hợp, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, đạo đức và có ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
Thứ hai, vấn đề quản lý quảng cáo trong phim truyền hình với bản chất đặc trưng của quảng cáo là sáng tạo không ngừng, hình thức ngày càng đa dạng và phong phú. Không chỉ là những chương trình quảng cáo mà còn là những chương trình truyền hình thực tế, phim truyện mà hiện tại chưa có quy định kiểm soát chặt chẽ. Luật Điện ảnh năm 2020 có cho phép quảng cáo trên phim và thực hiện theo Luật quảng cáo. Tuy nhiên, Luật Quảng cáo chưa có quy định cụ thể về việc này dẫn đến tình trạng nhiều bộ phim trở thành thảm họa quảng cáo ,quảng cáo một cách lộ liễu, phản cảm, có nhiều chi tiết phân đoạn và hội thoại quảng cáo gây khó chịu cho người xem. Vì vậy, các nhà làm luật nên cân nhắc để bổ sung các quy định làm rõ hơn hình thức quảng cáo trên phim truyền hình này.
Thứ ba, trong văn bản quy phạm pháp luật quy định về quảng cáo nói chung và quảng cáo trên sóng truyền hình quốc gia nói riêng có sự chồng chéo và mâu thuẫn nhau. Cụ thể, trong Luật Thương mại năm 2005 cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên, trong khi đó Luật Quảng cáo năm 2018 lại cấm quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên. Điều này gây lúng túng cho các chủ thể kinh doanh sản phẩm này cũng như các cơ quan quản lý trong việc xử lý sai phạm trong quảng cáo. Vì vậy, các văn bản pháp luật cần có sự điều chỉnh để thống nhất với nhau.
Thứ tư, pháp luật quảng cáo hiện nay cũng chưa có quy định về thời lượng quảng cáo giữa hai chương trình trên riêng biệt. Điều đó tạo kẽ hở để Đài truyền hình tràn nhiều quảng cáo và khoảng thời gian này. Pháp luật có quy định về tổng thời lượng quảng cáo trong một ngày, trên thực tế thì mật độ quảng cáo trong ngày không đều. Quảng cáo được phát dồn dập trong những khung giờ có nhiều người theo dõi trong những khung giờ vàng, khán giả phải xem rất nhiều quảng cáo, đặc biệt quảng cáo trước khi bắt đầu một chương trình truyền hình hấp dẫn thường rất dài. Khán giả đã nắm được lịch phát sóng của chương trình nhưng nhiều khi vẫn phải ngồi xem quảng cáo rất lâu mới đến chương trình yêu thích. Pháp luật quảng cáo cần bổ sung quy định về thời lượng quảng cáo giữa hai chương trình truyền hình riêng biệt.
Thứ năm, tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ quản lý phê duyệt các nội dung quảng cáo trước khi phát trên sóng truyền hình quốc gia để đảm bảo có được những quảng cáo chất lượng, phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
HÀ THẢO
Quảng cáo trên sóng quốc gia: Cần tôn trọng và tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật