/ Pháp luật - Đời sống
/ Cần xử lý nghiêm hành vi cản trở tác nghiệp báo chí

Cần xử lý nghiêm hành vi cản trở tác nghiệp báo chí

01/02/2021 08:21 |

(LSVN) – Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Cơ quan chức năng có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả khi xử lý vi phạm như: buộc xin lỗi; buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép…

Ảnh minh họa. 

Trong bối cảnh cả nước đang căng mình chống dịch thì tại cuộc họp khẩn về Covid-19 chiều ngày 28/01 của UBND TP. Hà Nội, một phóng viên chuyên trách theo dỗi thông tin trên địa bàn TP. Hà Nội của Tạp chí Đời sống & Pháp luật đã bị một chuyên viên UBND TP. Hà Nội cản trở tác nghiệp khi đưa tin về phòng chống dịch Covid-19.

Cụ thể, khi phóng viên này gọi điện liên hệ với chuyên viên UBND TP. Hà Nội có SĐT 09032527xx để đăng ký dự họp thì bị người này từ chối với lý do là tạp chí và giải thích rằng cấp trên chỉ đạo mời các đài truyền hình và các báo, không có tạp chí. Phóng viên chỉ được vào đưa tin khi có trong danh sách lập trước đó để bảo đảm công tác kiểm soát dịch bệnh. Người này cũng đề cập thêm việc diện tích phòng bé không đáp ứng được việc đón tiếp nhiều phóng viên…

Chiều 28/01, phóng viên này tới đưa tin, xuất trình Giấy giới thiệu của đơn vị và yêu cầu được tác nghiệp đưa tin tại cuộc họp nhưng tiếp tục bị từ chối. Trong khi đó, một số nhân sự của các trang tin điện tử tổng hợp (vốn không có chức năng sản xuất tin bài) thì lại được vào tác nghiệp.

Ngoài ra, hai phóng viên ghi hình của hai tờ báo khác khi vào trong khu vực tác nghiệp cũng bị cản trở và buộc phải ra ngoài với lý do chỉ có truyền hình mới được phép ghi hình.

Có thể thấy, Luật Báo chí 2016 đã thể hiện rõ việc bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, cũng bảo đảm quyền tác nghiệp của nhà báo, phóng viên, bảo đảm trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, bảo đảm quyền hành nghề của nhà báo, không ai được xâm hại đến hoạt động tác nghiệp đúng pháp luật của nhà báo… Khoản 12 Điều 9 Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 quy định nghiêm cấm các hành vi “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Việc cản trở hoạt động báo chí được biểu hiện ở các hành vi dùng lời nói, hoặc việc làm nhất định nhằm ngăn cản, gây khó khăn cho quá trình tác nghiệp của các nhà báo, phóng viên; ngăn cản trái phép, không cho nhà báo, phóng viên ghi hình, tiếp cận và thu thập thông tin, tài liệu theo đúng quy định của pháp luật. Nhất là trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khi thông tin về dịch bệnh cần được truyền tải nhanh nhất đến độc giả thì việc một chuyên viên UBND TP. Hà Nội cản trở phóng viên tác nghiệp cần phải được xử lý nghiêm khắc. 

Điều 7 Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản quy định rõ mức phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động của báo chí trái pháp luật. Cụ thể, hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp hay hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. 

 Ngoài ra, còn có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả khi xử lý vi phạm như: buộc xin lỗi; buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép…

Điều 7 Nghị định 119/2020/NĐ-CP: Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp;

b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này;

b) Buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.

Có thể thấy, mức xử phạt cho các hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí trong Nghị định 119/2020/NĐ-CP đã được tăng cao hơn rất nhiều với mức xử phạt từ 10.000.000 đồng cho đến 60.000.000 đồng so với mức xử phạt từ 5.000.000 đồng cho đến 30.000.000 đồng trong Nghị định 159/2013/NĐ-CP trước đây. 

Điều 7 Nghị định 159/2013/NĐ-CP: Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên;

b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên;

c) Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

b) Buộc trả lại phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này.

NGỌC ANH

Bảo vệ công lý trong cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay

Lê Minh Hoàng