Chuyện thật như đùa: Khi Luật sư ‘đụng’ luật

04/02/2024 12:00 | 3 tháng trước

(LSVN) - Đành rằng đến nay hệ thống pháp luật ở nước ta vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện và trước nhiều lề thói cũ đã bám sâu vào suy nghĩ, việc làm của một số đơn vị, cá nhân nên để có ngay môi trường trường “sống theo pháp luật” là không dễ. Chưa nói đến vấn đề to tát, mà chỉ qua mấy vụ việc tưởng rất đơn giản liên quan đến luật mà người viết trực tiếp va phải đã khiến người ta phải ngỡ ngàng, khó hiểu. Chuyện có thật diễn ra mới đây ngay tại Thủ đô Hà Nội giữa thời 4.0 mà vẫn tưởng như đùa.


Ảnh minh họa.

1. Cách nay mấy năm, nhờ anh em bạn bè giúp đỡ, tôi mua lại một căn hộ ở chung cư tái định cư thuộc quận Cầu Giấy (Hà Nội). Theo yêu cầu của Phòng đăng ký nhà đất quận, để hoàn tất thủ tục chuyển nhượng và đứng tên “sổ đỏ” căn hộ, tôi phải về địa phương xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Dù luật dân sự quy định công dân có quyền có tài sản riêng, nhưng theo quy định và “để được việc”, tôi vẫn về UBND xã (nơi tôi đăng ký hộ khẩu thường trú).

Tại “phòng một cửa” đèn điện sáng choang, bàn tủ gọn gàng; các biểu mẫu, thông báo, nội quy, văn bản pháp luật treo la liệt trên tường; hai chiếc máy vi tính gần như còn mới nguyên kết nối mạng internet toát lên phong cách hiện đại. Sau khi được một cô gái đeo thẻ cán bộ tòng teng trước ngực, đon đả như gặp lại người thân, hỏi: “Chú về quê có việc gì ạ?”, tôi phấn chấn nêu mong muốn của mình. Vừa nghe xong, cô vui vẻ đáp: “Cả xã này, ai cũng biết chú đã ly hôn từ lâu, nhưng để cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì chú phải có bản trích lục về việc giải quyết ly hôn”. Nghe vậy, tôi lôi từ cặp ra quyết định giải quyết vụ việc dân sự (quyết định thuận tình ly hôn) của mình vẫn tươi màu dấu đỏ và tự tin trình bày: “Gần nửa đời rồi, hộ khẩu thường trú của tớ vẫn ở đây. May quá, ‘văn bản gốc’ về việc ly hôn tớ vẫn giữ được. Hôm qua phải tìm mãi mới thấy đấy”. Vẫn với nụ cười bẽn lẽn, cô gái bảo: “Vâng, nhưng phải có bản trích lục mới được ạ. Bây giờ còn sớm, chú lên ngay tòa án huyện bảo họ cấp cho là OK thôi”. Tôi ngớ người giải thích: trích lục chỉ là bản sao chép ngắn gọn nội dung, trong khi tôi mang theo cả quyết định gốc; tôi là người địa phương và vẫn đăng ký hộ khẩu thường trú ở đây, nên nếu muốn kết hôn mới kiểu gì chả phải làm ở UBND xã hoặc do UBND xã nhà cấp xác nhận tình trạng hôn nhân; rồi nêu băn khoăn, liệu tòa án có còn lưu và cấp trích lục cho không vì sự việc đã lâu(?). “Nhưng đây là quy định, chú thông cảm” - cô gái có phần ái ngại quả quyết. Thấy vậy, tôi đành tặc lưỡi phóng xe lên huyện.

Tại tòa án nhân dân huyện, tôi lại được một cô gái trẻ khác niềm nở đón tiếp. Sau khi biết mục đích của vị khách không mời mà đến, cô cán bộ tòa án giảm bớt thiện cảm ban đầu, dõng dạc: “Không được đâu chú ơi. Cháu chỉ có thể cấp trích lục cho chú nếu UBND xã xác nhận tình trạng hôn nhân của chú”. “Ơ lạ nhỉ, mình xin trích lục về vụ việc mà tòa án đã giải quyết, mà mình mang theo cả quyết định có chữ ký tươi đóng dấu đỏ chót của thẩm phán đây. Mình vừa ở UBND xã, họ nói phải có bản trích lục thì mới được cấp xác nhận tình trạng hôn nhân” - tôi ngỡ ngàng phân bua. Cô gái lướt qua tờ quyết định giải quyết vụ việc dân sự của tôi, rồi thủng thẳng “Đúng là tòa án ở đây đã xử vụ ly hôn của chú. Nhưng bao nhiêu năm nay chú đi đâu, làm gì, lấy ai thì làm sao biết được. Bây giờ chú cứ về xã bảo họ xác nhận cho, rồi hẵng lên đây”. Phòng làm việc của tòa án hôm đó điều hòa vẫn kêu ro ro, phả ra những luồng không khí mát lạnh mà ngực tôi như có một đợt sóng cuộn lên và cảm giác như mồ hôi lấm tấm cả hai bên thái dương. Trời đất, để xin xác nhận về tình trạng hôn nhân, trong khi cả làng cả tổng đều biết rõ lai lịch, hoàn cảnh, “quyết định ly hôn” cầm ướt tay trình bày mà sao lại như vậy? Nỗi thất vọng càng lớn dần, bởi hôm nay tôi đã phải “trốn việc” cơ quan, mong tranh thủ giải quyết thủ tục cho xong để sớm giải chấp cho người bán căn hộ cho tôi do “sổ đỏ” vẫn đang “cắm” ở ngân hàng. Mặt trời đã giữa đỉnh đầu, tôi đành lủi thủi đội nắng trở về làng thăm mẹ, nơi lúc sáng đã loáng thoáng thấy bóng bà, nhưng do vội lo việc nên đành lướt qua.

Chờ đến đầu giờ chiều, nhờ có mối quen, tôi điện thoại cầu cứu bà thẩm phán mà gần mười năm trước đã giải quyết ly hôn cho tôi, nhưng lúc này đã chuyển công tác đến làm lãnh đạo ở tòa án khác. Rồi tôi cũng nhận được điện thoại phản hồi của vị thẩm phán, bà chia sẻ: “Cô bé lúc sáng anh gặp là cháu tôi. Nó mới về tòa công tác nên không biết anh. Tôi đã nói rõ với nó rồi. Anh cứ cầm chứng minh thư đến là được cấp trích lục”. May thay, với sự can thiệp của vị thẩm phán kia nên ngày hôm sau, sau một vòng từ xã lên huyện, từ huyện về xã và hai khoảng thời gian ngẩn ngơ ngồi chờ người có thẩm quyền ký, cuối cùng tôi cũng “xin” được xác nhận về tình trạng hôn nhân của mình. Cầm tờ giấy A4 trên tay còn thơm mùi mực dấu, tôi hối hả leo lên chiếc yên xe máy bỏng rát giữa nắng hè trở về căn nhà trọ giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến. Lúc này tôi mới thấy thấm thía về nghề luật mà gần ba mươi năm qua tôi đã theo học và vẫn hành nghề “như đúng rồi”. Bài học vừa gặm nhấm suy nghĩ ngây thơ không lâu thì nỗi xót xa liền ập đến khi tôi chợt nhớ về cô con gái đang học tiểu học đã phải tự mình lo việc ăn, học sau hơn một ngày vắng bố.

Nghe kể về chuyện này, vợ tôi nhớ lại, cách nay mấy năm, nhân liên quan đến việc đất nhà, khi làm thủ tục tạm trú (vâng, đúng là tạm trú) cho bố vợ tôi, cô ấy đã bị cán bộ của một phường ở Hà Đông hoạnh họe đủ điều. Nguyên do của điểm nghẽn chính là yêu cầu phải có đăng ký kết hôn của ông bà nếu muốn đăng ký tạm trú cho ông. Mang yêu cầu đó về nhà hỏi, ông bảo: “Bố mẹ lấy nhau đã hơn 40 năm. Lúc ấy đang chiến tranh, biết bao biến cố xảy ra, mấy ai còn giữ được giấy đăng ký kết hôn. Mà bố đã sống, làm việc, rồi mua đất làm nhà ở đây gần nửa thế kỷ rồi”. Nghe được câu chuyện, có người “hiến kế”: để ông bà đăng ký kết hôn lại. Nhưng như vậy lại càng rối rắm, khó khăn hơn, bởi ông sinh ra ở một tỉnh trung du Bắc bộ, khi 17-18 tuổi đã nhập ngũ, sau đó lập nghiệp luôn ở quê vợ (Hà Đông) nên chính quyền địa phương ở quê không còn quản lý, lưu giữ các tài liệu về ông, như vậy làm sao xác nhận được tình trạng hôn nhân,… Chuyện tưởng không thể giải quyết được thì vào một ngày đẹp trời, vợ tôi vô tình gặp ông Chủ tịch UBND phường và phàn nàn về việc của bố. Ông Chủ tịch cười rổm rang: “Chú Định (bố vợ tôi) trước đây làm việc ở huyện (nay một số xã đã chuyển thành phường thuộc quận, trong đó có xã bố vợ tôi “ngụ cư” gần 50 năm). Chính chú Định chủ hôn đám cưới của anh đấy. Chiều em cầm các giấy tờ ra phường, anh bảo họ làm cho”. Vậy là “chưa đầy một nốt nhạc”, bố vợ tôi nghiễm nhiên trở thành công dân chính thức của Thủ đô - tại nơi mà ông đã cư trú gần nửa thế kỷ và suýt không được nhập khẩu vì “không có giấy đăng ký kết hôn”.

2. Chuẩn bị vào năm học mới 2023-2024, theo “chỉ đạo” của bà xã, tôi sắp xếp thời gian đi làm thủ tục xin tạm trú cho cô con gái nhỏ vừa tròn hai tuổi đi học mầm non. Sở dĩ vậy vì lý do tế nhị (chúng tôi tái hôn) nên khi mới sinh, cháu được đăng ký hộ khẩu cùng mẹ ở nhà ông bà ngoại tại một quận nội thành, trong khi tôi đã chuyển khẩu từ quê (huyện ngoại thành) về căn hộ chung cư thuộc một quận khác. Cũng vì lý do tế nhị đó nên tôi đành đi làm thủ tục đăng ký tạm trú cho cô con gái hai tuổi về nhà tôi để thuận lợi cho việc đưa đón, chăm sóc cháu.

Trước mùa tuyển sinh hơn một tháng, tôi cầm theo các loại giấy tờ liên quan: sổ hộ khẩu (tôi là chủ hộ), căn cước công dân, giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất, giấy khai sinh của cháu đến Công an phường TH xin đăng ký tạm trú cho con. Tất cả đều là bản gốc kèm theo bản sao công chứng, trừ giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất là bản công chứng. Xếp hàng chờ khoảng 30 phút, đến lượt mình, tôi liền đề đạt nguyện vọng. Nữ chiến sĩ công an chưa cần xem tập tài liệu của tôi để trước mặt đã hỏi luôn “Anh có sổ đỏ của căn hộ ở đó không?”. Tôi trả lời “có”. Cô hỏi: “Đâu?”. Tôi liền lôi từ trong túi ra bản công chứng “Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất” cùng các giấy tờ khác, nhưng liền bị cô từ chối “Bản công chứng này không có ý nghĩa gì”. Nghĩ cô nghe nhầm nên tôi nhắc lại là chỉ xin tạm trú, đồng thời nói luôn thắc mắc của mình, rằng đăng ký tạm trú thì đâu có liên quan đến “sổ đỏ” hay giấy tờ nhà đất. “Thường trú hay tạm trú cũng đều phải có sổ đỏ. Đó là quy định. Vậy “sổ đỏ” gốc của anh đâu?” - cô gái tỏ ra dứt khoát và tiếp tục hỏi. Thấy vậy, tôi vội trình bày: Tôi là chủ hộ, có hộ khẩu mang theo đây và các giấy tờ liên quan để chứng minh cháu bé xin tạm trú là con gái đẻ của tôi, còn sổ đỏ của căn hộ tôi đang “cắm ở ngân hàng”. Nữ cảnh sát hộ tịch đáp lại có ý không hài lòng: “Vậy anh đến ngân hàng xin họ xác nhận, rồi đến đây”. Nghe thế, tôi vớt vát “Sổ đỏ anh thế chấp đã hơn năm nay, giờ đến xin xác nhận liệu có tiện không. À, anh đã có bản công chứng sổ đỏ căn hộ và anh có thể xin xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố hoặc cảnh sát khu vực có được không?”. Như đã hết kiên nhẫn, nữ cảnh sát xinh đẹp thẳng thừng: “Không được. Hoặc là phải có sổ đỏ hoặc xác nhận của ngân hàng, các giấy tờ kia đều không có tác dụng”. Mặc cho tôi nêu ý kiến: Pháp luật quy định bản sao công chứng được coi như bản gốc; việc đang ký tạm trú diễn ra với bất cứ ai khi lưu trú ở nơi đó, trong khi vợ chồng con cái tôi đã sinh sống ở căn hộ của tôi đã hơn 3 năm nay, gia đình tôi được Chủ tịch UBND phường cấp giấy khen “Gia đình văn hóa” liên tục mấy năm nay; “sổ đỏ” nếu cần thì cũng chỉ đối với trường hợp đăng ký thường trú, nhập khẩu mới, đằng này con gái còn bé tạm trú cùng bố lại không được; căn cước công dân của tôi đã gắn “chíp” với số định danh cá nhân rõ ràng, cần thiết tra cứu là được;… nhưng cô cảnh sát “sổ đỏ” kém tôi đến hơn hai giáp vẫn một mực từ chối tiếp nhận hồ sơ. Đến nước này, tôi đành ngậm ngùi buông lời “cảm ơn”, cay đắng ngoảnh đi để tránh ánh nhìn ái ngại của những người xung quanh, bởi nếu lỡ ai đó nhận ra tôi là luật sư thì không biết phải ăn nói thế nào.

Về đến nhà, nhìn cô con gái hai tuổi líu lo tập hát, trong lòng tôi trào dâng hạnh phúc, nhưng vẫn không nén được những tiếng thở dài. Biết không giấu được vợ, tôi đành thuật lại toàn bộ sự việc sau buổi “lên phường”. Nghe xong, cô ả im lặng hồi lâu, rồi chép miệng: “Đến anh mà còn vậy thì những người dân bình thường không biết họ sẽ phải làm thế nào!”. Việc chưa biết giải quyết ra sao thì một tối, tôi thấy vợ hỏi: “Anh có lưu lại tấm ảnh nào về bìa đỏ của căn hộ nhà mình không?”. Tôi lật đật kiểm tra trong điện thoại và phát hiện vẫn còn hai ảnh đã chụp lại làm kỷ niệm do háo hức khi lần đầu trong suốt nửa quãng đời xuôi ngược được đứng tên làm chủ một căn nhà (dù chỉ là mấy chục m2 của căn hộ chung cư tái định cư cũ mua lại), nhưng ảnh khá mờ. “Cứ thử xem sao”- vợ tôi bảo, rồi lại hí húi bên chiếc máy tính. Không phải chờ lâu, mấy hôm sau vợ tôi phấn khởi thông báo: “Anh không phải đến phường nữa nhé. Em đã nhận được phản hồi rồi, “công chúa” nhà mình đã có giấy “tạm trú””. Hóa ra, trong lúc quẫn bách, cô nàng đã lần mò trên mạng để làm thủ tục giao dịch trực tuyến đăng ký tạm trú cho con. Ôi, thật vi diệu! Một việc tưởng “cỏn con” khiến một luật sư có nhiều năm hành nghề là thằng tôi phải mất ăn mất ngủ, chuẩn bị các loại giấy tờ, đi lại mấy lần không xong, vậy mà vợ tôi chỉ vừa cho con ăn vừa click chuột một hồi đã giải quyết xong. Hoan hô cải cách! Hoan hô cách mạng 4.0!

Ngày đăng ký nhập học cho con vào trường mầm non, vợ chồng tôi dù đã yên tâm về món đăng ký tạm trú nhưng vẫn cẩn thận mang theo tất cả các loại giấy tờ liên quan.

Cầm sấp hồ sơ gần 10 loại giấy tờ khác nhau, cô giáo trẻ tiếp nhận chỉ nhặt 3 tờ (giấy khai sinh của con, căn cước công dân của bố mẹ), rồi hoan hỷ bảo: “Giấy khai sinh của cháu có công chứng, còn căn cước công dân của anh chị chỉ cần bản phô tô là được. Anh chị cất giữ các giấy tờ này đi”. Vợ chồng tôi chỉ biết nhìn nhau cười, rồi hoan hỷ quay sang bàn bên cạnh ký vào tờ giấy ghi danh mục các khoản thu “phụ huynh tự nguyện nộp” và nộp tiền học cho con.

 


Ảnh minh họa.

3. Mới đây, tôi vừa đến văn phòng làm việc chưa lâu, thì nhận được điện thoại của khách hàng là giám đốc một doanh nghiệp. Với vẻ không hài lòng, ông cho biết: Theo hợp đồng dịch vụ pháp lý, nhân viên của ông nhiều lần thực hiện việc chuyển tiền vào tài khoản của công ty luật chúng tôi, nhưng không được. Rồi ông phàn nàn: “Tôi rất tôn trọng và tin tưởng ông, nhưng tôi đi công tác suốt ngày. Luật quy định từ 20 triệu phải chuyển qua tài khoản ngân hàng nên phải làm như vậy. Tôi biết, hợp đồng đã thỏa thuận rồi, mà chưa có kinh phí thì luật sư cũng chưa thể vào cuộc. Việc của chúng tôi như vậy thì đến bao giờ mới giải quyết được?”. Nghe xong, tôi nhẹ nhàng giải thích vì có thể vừa qua, tôi (giám đốc) bị bệnh điều trị nhiều ngày, Công ty ít người, gần đây chủ yếu hỗ trợ pháp lý miễn phí hoặc chỉ nhận tham gia giải quyết những vụ nhỏ lẻ nên ít giao dịch qua ngân hàng mà có chăng là dùng tiền mặt và tôi hứa “chỉ trong hôm nay sẽ thông tài khoản”. Bởi tôi nghĩ công ty của mình làm việc đàng hoàng, việc mở tài khoản lâu nay được xem là đơn giản, chưa kể chúng tôi đã giao dịch ở đó nhiều năm. Đồng thời, tôi thông báo ngay cho kế toán về thắc mắc của khách. Sau một hồi điện thoại, rồi đến trực tiếp kiểm tra các tài liệu, kế toán của tôi cho biết: Tài khoản của công ty đã bị ngân hàng khóa do đã hết tiền. Hết tiền, ngân hàng ít nhất cũng phải thông báo với chủ tài khoản, sao lại tự ý đóng? Tôi thắc mắc và yêu cầu khôi phục lại.

Nửa buổi sau, cô kế toán tất tả trở về, ôm theo một tập hồ sơ dày do ngân hàng phát hành. Cô nói: “Phía ngân hàng cho biết không thể khôi phục được tài khoản cũ mà phải mở tài khoản mới. Họ cũng không giải thích vì sao phải vậy. Đây là hồ sơ xin mở tài khoản mới, có rất nhiều loại giấy tờ, anh xử lý luôn giúp em. Để chắc ăn, anh cứ bỏ trống đừng ghi gì để em đến đó trực tiếp điền và anh cho em luôn 3 bộ, kẻo có gì sai sót hay nhầm lẫn lại mất công đi lại. Làm việc với ngân hàng này phức tạp lắm”. Cực chẳng đã, nhưng để được việc nên tôi cũng chiều theo ý kế toán, chỉ dặn kèm “Giấy tờ nào không dùng đến phải mang về, không được sử dụng sai”. Ấy vậy, nhưng tôi vẫn phải mất gần một giờ đồng hồ để cùng cô rà soát các mẫu tài liệu, rồi ký, đóng dấu theo yêu cầu của nhà băng. Đáng nói, trong tập hồ sơn xin mở tài khoản đó có rất nhiều loại khác nhau (từ đăng ký mở tài khoản, giấy giới thiệu, giấy uỷ quyền, thậm chí có cả thông báo về việc sử dụng mẫu con dấu khai đăng ký mẫu dấu của đơn vị; mỗi dịch vụ (sử dụng hoặc chưa, không) lại có một mẫu in riêng, như đăng ký sử dụng dịch vụ sao kê tài khoản, đề nghị ngừng sử dụng dịch vụ sao kê tài khoản định kỳ, dịch thông báo qua điện thoại, email,… Nửa buổi sáng hôm nay, tôi nhận được điện thoại của kế toán, giọng cô có vẻ khá thất vọng: “Từ sáng đến giờ em vẫn ở ngân hàng. Mọi thủ tục giấy tờ đều ổn hết, nhưng vẫn không thể mở tài khoản được vì họ nói số chứng minh thư ghi trong giấy đăng ký hoạt động của công ty không khớp với căn cước công dân của anh”. Sau mấy phút, tôi điện thoại lại: “Em giải thích với họ là giấy đăng ký hoạt động của công ty đã được cấp từ lâu nên ghi theo nội dung chứng minh thư cũ, còn căn cước công dân do Bộ Công an mới cấp lại cho cả nước có gắn chip nên không trùng nhau là đúng rồi. Lãnh đạo Bộ Công an từng giải thích việc thay đổi căn cước công dân không ảnh hưởng đến các giao dịch của người dân là gì, bởi căn cước mới còn tích hợp nhiều thông tin, có thể tra cứu dễ dàng mà”. Hồi sau, tôi lại nhận được điện thoại:

“Anh có còn chứng minh thư cũ không? Anh cho người mang ngay đến đây”. Sau khi lục tung cả tủ tài liệu, tôi cũng tìm được một bản chứng minh thư cũ đã công chứng từ lâu còn sót lại và cho người chuyển đến ngân hàng. Cuối buổi, cô kế toán thiểu não trở về, thông báo: “Vẫn không được ngân hàng Y chấp nhận. Họ nói rằng, ngân hàng Y hiện vẫn chưa kết nối với bên Bộ Công an để tra cứu, đối chiếu về căn cước công dân gắn chíp mới với chứng minh thư cũ. Họ nói, bây giờ muốn mở tài khoản, công ty của mình phải làm lại giấy đăng ký hoạt động”. Trời ạ, ngân hàng là một trong những lĩnh vực cần phải số hóa sớm nhất do đặc thù quản lý, kinh doanh tiền tệ mà đến nay vẫn chưa kết nối được để kiểm tra, xử lý thủ tục hành chính thì còn biết nói gì. Cũng xin nói thêm, đơn vị như chúng tôi muốn mở tài khoản đều phải có rất nhiều loại hồ sơ, giấy tờ đều được ký tươi, đóng dấu đỏ; ngân hàng là đơn vị kinh doanh, nơi quản lý các món tiền giao dịch của khách hàng; thông tin của một công ty luật xuất hiện công khai trên mạng điện tử và do rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước và liên quan (tư pháp, thuế, thậm chí cả Liên đoàn Luật sư, Đoàn luật sư,…) nắm giữ, theo dõi; công ty và trực tiếp là cô kế toán trẻ đẹp của chúng tôi vẫn giao dịch thường xuyên với chi nhánh ngân hàng đang kể đến đã gần chục năm nay;… Nói cách khác, đây mới chỉ là khôi phục lại tài khoản; ngân hàng luôn giữ đàng chuôi; khách hàng là công ty luật đã quen biết còn phức tạp vậy thì với những vấn đề khác sẽ giải quyết ra sao? Việc thay đổi giấy đăng ký hoạt động công ty đâu phải muốn là làm được ngay, cần phải mất thời gian và có thể còn liên quan đến hoạt động của đơn vị và các đối tác, khách hàng cũng như những hệ lụy (do thay đổi số, thời gian ghi trên giấy đăng ký, thay đổi số tài khoản…). “Không lẽ chỉ vì một chiếc khuy có vấn đề mà phải thay cả chiếc áo?” - câu ví von do các đồng nghiệp của tôi nhận xét. Rồi đối với hàng vạn doanh nghiệp, đơn vị trên cả nước, nếu không may gặp phải những trường hợp tương tự như chúng tôi sẽ biết xoay sở thế nào? Dẫu vô cùng thất vọng, nhưng tôi vẫn quay sang hỏi kế toán: “Khi họ trả lời về việc tự ý đóng tài khoản của mình và giải thích việc không trùng số chứng minh thư - căn cước, không mở lại tài khoản cho công ty, em có bảo họ trả lời bằng văn bản không?”.

Tất nhiên, sẽ có người đặt vấn đề, vậy sao không chuyển luôn sang mở tài khoản ở ngân hàng khác. Việc ấy hết sức dễ dàng, đơn giản. Nhưng ngoài những gì đã nêu thì điều tế nhị là các hợp đồng đã ký với khách hàng gần đây sẽ phải xử lý lại, rồi niềm tin của khách hàng, các cơ quan, tổ chức khác đối với công ty chúng tôi khi phải thay đổi một số thông tin trong giấy đăng ký hoạt động cũng như các tài liệu, trang web… và biết đâu ở ngân hàng khác lại không hành xử như vậy (?).

“Đằng nào cũng chỉnh sửa lại thông tin trên giấy đăng ký hoạt động. Thôi mình làm luôn cho đỡ loằng ngoằng”.Nghe theo lời luật sư đồng nghiệp, tôi sắp sẵn bộ hồ sơ xin thay đổi đăng ký hoạt động và có mặt tại Sở Tư pháp thành phố Hà Nội. Tại đây, tôi chỉ mất khoảng 10 phút để làm xong các thủ tục, bao gồm cả thời gian chờ lấy phiếu hẹn và biên lai nộp lệ phí (50.000 đồng) với nụ cười thân thiện trên môi của một anh cán bộ đẹp trai kèm theo lời dặn “mười lăm ngày nữa mời anh đến lấy giấy đăng ký mới nhé”. Luật pháp là đó, cải cách cũng là đó. Nhưng 15 ngày nữa liệu khách hàng của công ty có thông cảm và hiểu cho câu chuyện này và rồi việc mở tài khoản, giao dịch với ngân hàng Y tới đây sẽ ra sao vẫn là chuyện của ngày mai.

Vừa qua chúng ta đã chứng kiến và được phản ánh khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến việc thực thi pháp luật, quan hệ hành chính. Thực tiễn đã và đang xảy ra vô vàn tình huống tréo ngoe, dở khóc dở cười, buốt nhức hơn nhiều, mà ba câu chuyện trên đây “chưa thấm vào đâu”, nhưng đó là những điều có thật mà chính người viết đã gặp phải gần đây.

Dẫu vẫn biết, để luật pháp đi vào cuộc sống và thực sự “số hóa” giải quyết các thủ tục hành chính vẫn cần thời gian cũng như việc thực hiện đòi hỏi phải đồng bộ từ nhiều phía với các điều kiện, quy trình, nhận thức, tinh thần trách nhiệm, hợp tác của những người trong cuộc và cả xã hội. Nhưng lâu nay, chúng ta vẫn nói và nói nhiều đến công tác tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật của người dân, còn với ý thức, trách nhiệm của người làm luật và thực thi pháp luật thì sao? Thiết nghĩ, để pháp luật được thượng tôn, công cuộc cải cách hành chính thành công thì cùng với việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật một cách đồng bộ, nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ và tuyên truyền phổ biến pháp luật, còn cần chú trọng hơn nữa đến công tác đào tạo, giáo dục để nâng cao năng lực, ý thức đối với những người làm công tác liên quan đến pháp luật, giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời sớm loại bỏ cung cách làm việc theo tư duy độc quyền, xin-cho, thiếu minh bạch.

Luật sư BÙI LƯU NHẬT

Từ khoá : lsvn.vn LSVN luật sư