/ Tin nổi bật
/ Công bố rộng rãi tài liệu lưu trữ quốc gia

Công bố rộng rãi tài liệu lưu trữ quốc gia

05/09/2022 02:48 |2 năm trước

(LSVN) - Nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội trong việc khai thác, tiếp cận thông tin và khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác văn thư, lưu trữ, từ năm 2022 đến năm 2030, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) thực hiện chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”.

Ảnh minh họa. 

Hiện nay, các trung tâm lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đang bảo quản hơn 33.000m giá tài liệu với gần 1.000 phông/sưu tập tài liệu. Còn tại lưu trữ lịch sử của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang bảo quản gần 68.000m giá tài liệu với 3.317 phông tài liệu. Những tài liệu này được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu, phản ánh toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của nước ta từ thế kỷ XIX đến nay.

Trong những năm qua, ngành lưu trữ đã công bố hàng nghìn hồ sơ với gần một triệu trang tài liệu, tư liệu, hình ảnh lưu trữ thông qua các hoạt động như: Xuất bản hơn 100 ấn phẩm lưu trữ; tổ chức hơn 100 trưng bày, triển lãm tài liệu lưu trữ ở trong nước và nước ngoài; xây dựng hơn 20 phim tài liệu và gần 300 clip; viết hơn 2.500 bài giới thiệu về tài liệu lưu trữ. Tuy nhiên, việc công bố tài liệu lưu trữ quốc gia còn một số hạn chế, bất cập do hoạt động công bố tài liệu lưu trữ tự phát, ngắn hạn, phân tán, thụ động, thiếu tính định hướng chiến lược; số lượng hồ sơ, tài liệu đưa ra công bố, giới thiệu phục vụ xã hội quá ít so với khối lượng tài liệu đang được bảo quản. 

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên và để đáp ứng nhu cầu của xã hội trong việc khai thác, tiếp cận thông tin, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước triển khai thực hiện chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2030. Đây là hoạt động thực hiện kế hoạch của Bộ Nội vụ và Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 24-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”.

Các tài liệu đưa ra công bố là tài liệu lưu trữ quốc gia hiện đang bảo quản tại các lưu trữ lịch sử nhà nước và lưu trữ lịch sử của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trừ những loại tài liệu có nội dung bí mật nhà nước và tài liệu thuộc diện hạn chế sử dụng. Việc công bố tài liệu lưu trữ được triển khai trong phạm vi cả nước, ở các ngành, địa phương và tại quốc gia có đông người Việt Nam sinh sống, làm việc, học tập cũng như tại các quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam...

PV

Xử phạt thế nào khi khai sai dẫn đến thiếu tiền thuế phải nộp?

Lê Minh Hoàng