/ Kết nối
/ Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề xuất không cần quy định mức giá khởi điểm khi đấu giá biển số

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề xuất không cần quy định mức giá khởi điểm khi đấu giá biển số

27/10/2022 12:56 |2 năm trước

(LSVN) - Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, không cần quy định mức giá khởi điểm, bởi đây là việc đấu giá cho người có sở thích và điều kiện thì mức giá khởi điểm không cần thiết vì họ sẽ mua với giá cao để có được biển số mình thích.

 

Ảnh minh họa.

Sáng 26/10 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận tại tổ nội dung dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô thông qua đấu giá.

Theo đó, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, không cần quy định mức giá khởi điểm, bởi đây là việc đấu giá cho người có sở thích và điều kiện thì mức giá khởi điểm không cần thiết vì họ sẽ mua với giá cao để có được biển số mình thích.

Bên cạnh đó, cần tạo ra kho biển số xe thực sự đa dạng, phong phú để các tầng lớp nhân dân tham gia để đáp ứng mong muốn của người dân và tăng nguồn cho ngân sách nhà nước.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế phân tích: Khi đấu giá thì không nên phân mức giá khởi điểm khác nhau giữa các địa phương vì người đã đấu giá có mong muốn, sở thích và điều kiện kinh tế.

Thiết kế cơ chế, thủ tục, quy trình đấu giá mới dựa trên khoa học công nghệ và đấu giá qua mạng, khác hoàn toàn Luật Đấu giá tài sản, bởi các nước đã có những bước đi rất nhanh gọn, minh bạch như Singapore mở đấu giá biển số xe thông thường mở từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần để mọi người dân có quyền tham gia đấu giá và không biết ai bỏ giá cao hơn. Cuối ngày thứ Sáu khi Hội đồng đấu giá mở ra mới biết ai bỏ cao nhất và trúng đấu giá. Bên cạnh đó, khi người đấu giá biển số xe bỏ giá bao nhiêu thì đóng tiền trước bấy nhiêu, nếu không trúng thì sẽ được trả lại ngay.

Ông Phan Đức Hiếu cũng tán thành việc chưa mở thị trường thứ cấp trong việc trao đổi biển số xe sau khi trúng đấu giá bởi có thể năng lực các cơ quan chuyên môn chưa đáp ứng cũng như đây là nghị quyết thí điểm, sau khi tổng kết nghị quyết thì có thể xem xét mở ra thị trường này.

Đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa) đề nghị làm rõ, biển số xe chỉ là tài sản công khi chưa đấu giá, đã đấu giá là tài sản cá nhân, sau khi bán rồi mà còn hạn chế khá nhiều quyền của người trúng đấu giá biển số xe sau khi đã bỏ ra một số tiền rất lớn để trúng đấu giá. Theo đó, việc chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho cần được thực hiện theo Bộ luật Dân sự để người dân có quyền định đoạt tài sản của mình thay vì quy định hiện tại là chuyển nhượng thì phải đi kèm với xe là chưa thỏa đáng.

Về mức giá khởi điểm thì không nên áp dụng sự khác nhau giữa các vùng miền và cần cao hơn bởi đây là "cuộc chơi" của người có sở thích và điều kiện kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, phải nâng cao hơn mức khởi điểm hiện nay như dự thảo là 20 triệu đồng và 40 triệu đòng để bảo đảm cho chi phí đấu giá.

Đây là hình thức lựa chọn để nhận biển số, khi có biển số thì quyền như nhau, chỉ tránh đầu cơ đối với người không có xe (phải có phương tiện đi kèm), biển số phải gắn với xe thì mới là tài sản. Hết thời hạn mà không đăng ký thì sẽ thu hồi để đấu giá tiếp.

Cần thiết kế điều luật theo hướng mở rộng, không nên bó hẹp. Do đó, có thể quy định người bán xe vẫn còn quyền giữ lại biển số và quyền của người có biển số ngẫu nhiên với quyền người đấu giá biển số là như nhau.

VĂN QUANG

Hà Nội xây dựng phương án bắn pháo hoa đêm giao thừa 2023

Lê Minh Hoàng