Đắk Lắk: Phân lô bán nền dự án “ma”, chính quyền chậm xử lý!

03/05/2020 19:40 | 3 năm trước

(LSO) – Không phải đất dự án, không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cấp phép. Tuy nhiên, một số cá nhân, công ty BĐS ngang nhiên tự ý xây dựng cơ sở hạ tầng, tách thửa rồi rao bán "đất dự án" rầm rộ mà không hề bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý!?

Hiện nay, thị trường bất động sản trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đang diễn ra hết sức phức tạp. Một số hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh doanh bất động sản nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm có một phần đất đô thị hoặc đất ở nông thôn (thổ cư) sau đó tự ý mở đường, phân lô, tách thửa, kéo điện rồi rao bán nhằm thu lợi bất chính.

Dự án “ma” mọc lên như nấm?

Khi giá đất trong nội thành đang “đứng” vì giá cao do “cò” đất “thổi giá” thì những công ty BĐS, cá nhân bắt đầu ồ ạt dạt ra ngoại thành tìm kiếm cho mình những mảnh đất “béo bở” của các hộ dân thuộc các xã của thành phố và các xã lân cận giáp ranh thành phố Buôn Ma Thuột.

Đất dự án "ma" được rao bán công khai trên mạng xã hội.

Theo tìm hiểu của PV, tình trạng này diễn ra ồ ạt ở nhiều xã. Điển hình như khu đất tại thôn 1, xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) được chia tách làm 2 phần bằng con đường bê tông tự mở rộng 5m, sâu 200m đang được Công ty BĐS Châu Sơn mở bán với số lượng 18 lô trong đó có một phần đất ở nông thôn, số còn lại là đất nông nghiệp, được rao bán công khai, rộng rãi trên các diễn đàn BĐS cũng như mạng xã hội.

Theo đó, ngày 11/01/2019, Công ty BĐS Châu Sơn ra Thông báo số 017/TB.DA-CS về việc mở bán “dự án” khu dân cư Đạt Lý. Theo nội dung thông báo, thời gian mở bán từ ngày 13/01/2019, địa điểm tại văn phòng Công ty TNHH BĐS Châu Sơn. Các lô đất ở đây có diện khác nhau, giá dao động từ 325 triệu đến 1 tỉ 750 triệu đồng/lô. Khách hàng mua sẽ đặt cọc để giữ chỗ trước với số tiền từ 10 triệu đến 60 triệu đồng tùy thuộc vào lô đất muốn mua.

Thông báo của Công ty Châu Sơn.

Điều đáng lo bên dưới dự án “ma” này là hồ dự trữ nước, là nguồn cung cấp nước sạch cho dân cư TP. Buôn Ma Thuột.

Tại xã Hòa Xuân, một khu đất khác cũng được làm đường bê tông rộng 4m, sâu 150m, kéo đường điện rồi rao bán rầm rộ thu hút rất đông người đến xem đất. Mỗi lô đất có diện tích khoảng 120m2, giá 130 triệu đồng/1 lô. Người mua chỉ cần đặt cọc trước 30 triệu đồng/1 lô, sau 03 tháng có GCNQSDĐ thì thanh toán phần còn lại.

Theo tìm hiểu, khu đất này là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm. Trước đây, người dân trồng cây cà phê trên khu đất này nhưng đã chuyển nhượng cho một số cá nhân, công ty BĐS để san ủi phân lô, bán nền. Mặc dù khu đất này chỉ cách UBND xã Hòa Xuân khoảng 700m, thế nhưng chính quyền nơi đây không hề hay biết. Chỉ đến khi người dân phản ánh, phóng viên liên hệ làm việc với UBND xã thì Chủ tịch xã mới cho người đi xác minh sự việc.

Sơ đồ dự án khu dân cư của Công ty BĐS Châu Sơn.

Mức xử phạt chưa đủ răn đe

Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, trước đó, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã ban hành Công văn số 2336/UBND-TNMT ngày 04/6/2019 về việc UBND thành phố đề nghị UBND tỉnh, Sở TNMT thống nhất cho phép UBND thành phố thực hiện các biện pháp: quản lý không giải quyết cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất vượt hạn mức đất ở theo quy định của tỉnh Đắk Lắk; giao trách nhiệm cho UBND các xã, phường thẩm định nhu cầu sử dụng đất. Không giải quyết đối với các hồ sơ không xác định được nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất chính đáng, các hồ sơ của các doanh nghiệp bất động sản để phân lô, bán nền; không giải quyết cho phép mở đường để phân lô bán nền đất nông nghiệp; không giải quyết việc tách thửa đối với các trường hợp phân lô bán nền.

Các dự án "ma" thu hút rất đông người đến xem đất.

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo UBND xã Hòa Thuận cho biết, xã đã nắm được tình hình và tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính đối với chủ đất vi phạm số tiền 16.000.000 đồng. Đối với các công trình vi phạm (đường bê tông, cột điện, đường điện) UBND xã cũng đã có báo cáo cụ thể lên UBND TP. Buôn Ma Thuột để xây dựng phương án cưỡng chế theo quy định.

Điều đáng nói, sự việc trên diễn ra từ tháng 7/2019. Tuy nhiên, đến ngày 20/01/2020 UBND xã Hòa Thuận mới tiến hành kiểm tra hiện trạng sử dụng đất tại khu đất này và cho đến nay, những công trình vi phạm này vẫn còn nguyên vẹn, chưa được trả lại hiện trạng ban đầu.

Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân kiểm tra khu đất sai phạm.

Tình trạng đất nông nghiệp, đất nông nghiệp có một phần đất ở được các cá nhân, công ty BĐS tự ý xây dựng cơ sở hạ tầng rồi rao bán “đất dự án” có lẽ không còn xa lạ tại TP. Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý sai phạm chưa thật sự quyết liệt của chính quyền sở tại không đủ sức răn đe. Thực tế, các công ty BĐS đứng sau những sai phạm này rao bán “đất dự án” với những lời mời gọi hấp dẫn, thậm chí việc đại diện công ty đứng ra nhận cọc, làm hợp đồng, hứa hẹn “ra sổ” cho khách hàng cần phải xử lý nghiêm minh. Việc xử phạt hành chính rồi “bỏ quên” sai phạm sẽ tạo một tiền lệ xấu cho các cá nhân, công ty BĐS tiếp tục phớt lờ quy định của pháp luật.

Luật sư Việt Nam Online sẽ tiếp tục thông tin về sự việc...

LAM SƠN-HƯƠNG TRẦN

/o-to-bi-trieu-hoi-dau-hoi-ve-trach-nhiem-cua-cac-nha-san-xuat-voi-nguoi-dung.html