/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Định giá tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp: Từ luật thực định đến thực tiễn áp dụng

Định giá tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp: Từ luật thực định đến thực tiễn áp dụng

07/07/2023 06:41 |

(LSVN) - Định giá tài sản góp vốn là việc đánh giá giá trị của tài sản góp vốn tại thời điểm nhất định phù hợp với thị trường theo những tiêu chuẩn và phương pháp nhất định. Việc định giá tài sản góp vốn nhằm xác định chính xác giá trị của tài sản góp vốn tại thời điểm định giá. Đây là cơ sở phân định quyền lợi, nghĩa vụ của các thành viên, cổ đông cũng như đảm bảo trách nhiệm tài chính của doanh nghiệp (DN).

Ảnh minh họa.

Thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng quy định về định giá tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp

Về kỹ thuật lập pháp so với các Luật Doanh nghiệp (LDN) trước đây, khoản 2 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020 đã có sự thay đổi trong việc quy định định giá tài sản góp vốn. Cụ thể, tài sản góp vốn khi thành lập DN phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.

Theo cách hiểu của tác giả thì nguyên tắc đồng thuận có nghĩa là “mọi vấn đề đều phải được tất cả các thành viên nhất trí hoặc không phản đối”. Việc sử dụng “nguyên tắc đồng thuận” đã làm rõ định nghĩa hơn so với “nguyên tắc nhất trí” được quy định tại khoản 2 Điều 37 LDN 2014 trước đây. Đồng thời nếu có tổ chức thẩm định giá thì LDN 2020 đã quy định rõ hơn khi thay cụm từ “phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp nhận” bằng “phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận”

Mặc dù, các thành viên, cổ đông sáng lập được quyền định giá theo nguyên tắc nhất trí nhưng việc định giá một tài sản vô hình là không hề dễ dàng. Vì vậy, nếu cho phép các thành viên định giá mà không có sự định giá của các tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp thì sẽ có thể dẫn đến hậu quả là định giá quá cao hoặc quá thấp tài sản góp vốn. Điều này, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của doanh nghiệp cũng như các chủ thể có liên quan khác, đồng thời, vấn đề trách nhiệm cũng sẽ đặt ra đối với các thành viên, cổ đông sáng lập. Vì vậy, việc cho phép sự tham gia của tổ chức thẩm định giá trong hoạt động định giá tài sản góp vốn là hết sức hợp lý và cần thiết, bởi lẽ: 

Thứ nhất, việc định giá tài sản góp vốn đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) không thể sử dụng các phương pháp thông thường như định giá các loại tài sản khác. Bản thân các thành viên khó có thể tự mình tiến hành định giá loại tài sản này;

Thứ hai, thực tế cho thấy, các thành viên góp vốn thường có xu hướng định giá quá cao tài sản góp vốn được sử dụng để góp vốn kinh doanh. Sự tham gia của tổ chức thẩm định giá sẽ giúp cho hoạt động định giá dễ dàng hơn cũng như đảm bảo cho việc xác định giá trị tài sản góp vốn được chính xác hơn.

Pháp luật nhiều quốc gia hiện nay cũng có ghi nhận về sự tham gia của tổ chức thẩm định giá, thẩm định viên trong hoạt động định giá tài sản góp vốn kinh doanh. Tuy nhiên, nếu như pháp luật các quốc gia quy định vai trò của tổ chức thẩm định giá, thẩm định viên định giá mang tính chất độc lập với việc định giá của các thành viên, cổ đông sáng lập thì pháp luật Việt Nam lại quy định, trường hợp nếu các thành viên, cổ đông sáng lập lựa chọn tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận. Do đó, nếu từ 50% trở xuống đa số thành viên, cổ đông sáng lập không chấp thuận với giá mà tổ chức thẩm định giá đưa ra thì phải tiến hành thẩm định giá lại hoặc các thành viên lại phải tự mình tiến hành định giá hoặc thuê một tổ chức thẩm định giá khác.

Bên cạnh đó, tại điểm 2, khoản 2 Điều 36 LDN 2020, khi góp vốn kinh doanh, nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách  nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế. Đoạn 2, khoản 3 cũng có quy định tương tự khi góp vốn vào doanh nghiệp đang hoạt động, nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời, liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

Theo quy định nêu trên, thì tài sản góp vốn kinh doanh nếu được định giá cao hơn so với giá trị thực tế thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế. Còn nếu tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động (do các thành viên, cổ đông hiện hữu góp thêm vốn hoặc do công ty tiếp nhận vốn góp từ thành viên mới) được định giá cao hơn so với giá trị thực tế thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời, liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ dừng lại ở việc quy định các chủ thể trên phải liên đới chịu trách nhiệm vật chất bằng cách góp thêm tài sản để bù vào số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm được định giá, đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế nhưng căn cứ để xác định mức trách nhiệm vật chất cụ thể mà mỗi một thành viên Hội đồng thành viên công ty TNHH và công ty hợp danh, mỗi một cổ đông sáng lập, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, người góp vốn phải chịu là bao nhiêu thì Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định

Theo Thông tư số 06/2014/TT-BTC, đối với các tài sản trí tuệ thì các thành viên, cổ đông sáng lập, chủ sở hữu (khi góp vốn thành lập doanh nghiệp) hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, người góp vốn (khi góp vốn vào doanh nghiệp) có thể thỏa thuận định giá hoặc thông qua tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Nội dung này cũng mang tính kế thừa và chi tiết hóa từ quy định trong LDN 2014 và vẫn còn phù hợp với quy định tại LDN 2020. Thực tế cho thấy, việc định giá tài sản trí tuệ (quyền SHTT) khó khăn và có nhiều khác biệt hơn so với tài sản hữu hình. Xác định giá trị của một quyền sở hữu trí tuệ phụ thuộc vào thời gian, địa điểm và tính sinh lời của loại tài sản đặc biệt này. Ngay khi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thì người sở hữu cũng không tính hết được tính hữu dụng và khả năng sinh lời trong tương lai của tài sản mà mình được sở hữu, nó chỉ được thể hiện giá trị qua thời gian và mức độ chấp nhận của xã hội. Chẳng hạn đối với nhãn hiệu thì một yếu tố quan trọng là nhãn hiệu có một thị trường chuyển nhượng hạn chế, ít người quan tâm điều đó sẽ khó có thể tìm ra được giá trị thật của một nhãn hiệu. Về cơ bản thì giá trị của nhãn hiệu được xác định bằng mức độ quan tâm của người mua và mức độ chấp nhận được của người bán tại thời điểm chuyển nhượng.

Thực tiễn cho thấy, việc trao quyền cho các chủ thể nêu trên quyết định giá trị cuối cùng của quyền SHTT được sử dụng để góp vốn đã dẫn đến tình trạng cùng một đối tượng quyền SHTT, nhưng đem đi góp vốn ở những công ty khác nhau, lại được định giá khác nhau. Điển hình là trường hợp của Tổng Công ty Sông Đà. Theo báo cáo kiểm toán năm 2007, khoản góp vốn bằng nhãn hiệu của Tổng Công ty Sông Đà tại Công ty Cổ phần Sông Đà 909 (hiện tại là Công ty Cổ phần SCI) là 250 triệu đồng, khấu hao lũy kế đến hết năm 2007 là 28 triệu đồng; tại Công ty Cổ phần Sông Đà 10 là 4,93 tỉ đồng, khấu hao luỹ kế đến hết 2007 là 1,214 tỉ đồng. Hay như trường hợp của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), mặc dù không có tài liệu nào được công bố xác định vào thời điểm góp vốn, Vinashin đã định giá quyền sử dụng nhãn hiệu “Vinashin” của mình là bao nhiêu, tuy nhiên, đến khi thực hiện thoái vốn, giá trị vốn góp bằng nhãn hiệu mà Vinashin bán ra lại có sự khác biệt ở nhiều công ty, ví dụ như tại Công ty Cổ phần Công nghiệp nặng Cửu Long, Vinashin định giá vốn góp bằng quyền sử dụng nhãn hiệu là 300 tỷ đồng; tại quỹ Đầu tư Việt Nam liên doanh với BIDV, trị giá 144 tỉ đồng; tại Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng Vinashin và Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Shinec, định giá vốn góp bằng nhãn hiệu là 15 tỉ đồng; tại Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Tam Bạc, định giá là 3,5 tỉ đồng; tại một số công ty khác, vốn góp bằng nhãn hiệu chiếm tỷ lệ lớn, giá trị từ 3 tỉ đồng đến vài chục tỷ đồng

Từ những phân tích trên, tác giả cho rằng, quy định như trên là bất hợp lý, bởi vì liệu các thành viên, cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, hội đồng thành viên, hội đồng quản trị có đủ điều kiện và trình độ chuyên môn để định giá tài sản trí tuệ không? Bản thân tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình, việc xác định giá trị của những tài sản này muốn đảm bảo độ chính xác phải sử dụng nhiều kỹ thuật rất phức tạp. Ngay cả khi tài sản trí tuệ được định giá bởi các tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp cũng chưa chắc đã mang lại kết quả đúng. Tác giả cho rằng trong tương lai thì Luật Doanh nghiệp năm 2020 cần được sửa đổi theo hướng đối với các tài sản trí tuệ trong  khi góp vốn phải do tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Một trong những căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chi từ ngân sáng nhà nước, tính thuế, xác định giá trị tài sản đảm bảo vay vốn ngân hàng, mua bảo hiểm, cho thuê, chuyển nhượng, bán, góp vốn, cổ phần hóa, giải thể doanh nghiệp và sử dụng vào các mục đích khác ghi trong hợp đồng thẩm định giá khoản 1 Điều 6.

Ngoài ra, tài sản trí tuệ là loại tài sản phải được định giá khi góp vốn. Đối với việc góp vốn bằng quyền SHTT khi thành lập doanh nghiệp (doanh nghiệp thành lập mới) phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá thống nhất và nhất trí theo nguyên tắc thị trường tại thời điểm góp vốn. Giá trị góp vốn bằng quyền SHTT trong quá trình hoạt động do doanh nghiệp và người góp vốn thỏa thuận, hoặc do một tổ chức chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức chuyên nghiệp định giá thì giá trị quyền SHTT góp vốn phải được người góp vốn, chủ sở hữu, hội đồng thành viên hoặc hội đồng quản trị chấp thuận. Đồng thời, tổ chức định giá chuyên nghiệp phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và phải có ít nhất một thẩm định viên có kỹ năng về định giá quyền SHTT được cơ quan nhà nước cấp thẻ hành nghề.

Kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về định giá tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp

Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp cần đưa ra khái niệm định giá tài sản góp vốn.

Dưới góc độ luật thực định thì Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Doanh nghiệp 2020 không đưa ra khái niệm định giá tài sản góp vốn. Khái niệm định giá xuất hiện tại Luật Giá nhưng không phải định giá tài sản góp vốn. Liên quan đến việc xác định giá tài sản góp vốn pháp luật chỉ có thuật ngữ thẩm định giá tài sản góp vốn mà chưa có định nghĩa định giá tài sản góp vốn. Theo quy định của Luật Giá 2012  năm thì “Thẩm định giá là việc cơ quan tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với gia thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá”. Theo khái niệm trên thẩm định giá là việc xác định giá trị của các loại tài sản, giá trị này được thể hiện bằng số tiền cụ thể. Mục đích của việc định giá tài sản góp vốn cũng là xác định giá trị của tài sản góp vốn. Như vậy, bản chất và mục đích của thẩm định giá phù hợp với bản chất và mục đích của hoạt động định giá tài sản góp vốn. Tuy nhiên, việc sử dụng không đồng nhất thuật ngữ đã gây khó khăn cho các chủ thể trong việc xác định giá của tài sản góp vốn.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có quy định về tiêu chuẩn để thẩm định giá tài sản. Thông tư 126/2015/TT-BTC Ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 08, 09 và 10 trong đó tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 08 cách tiếp cận từ thị trường; tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 09 cách tiếp cận từ chi phí; tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 10 cách tiếp cận từ thu nhập. Bên cạnh đó, Thông tư 145/2016/TT-BTC Ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 11 về thẩm định giá Bất động sản Thông tư 122/2017/TT-BTC Ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 về thẩm định giá Doanh nghiệp. Thông tư 06/2014/TT-BTC Ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 13 về thẩm định giá tài sản vô hình. Các tiêu chuẩn được ban hành đã giúp các cổ đông/thành viên thực hiện việc định giá một cách chính xác hơn tránh tình trạng đình giá sai gây thiệt hại cho cổ đông/thành viên thất thoát tài sản của Nhà nước.

Vì vậy, Luật Doanh nghiệp cần sử dụng thuật ngữ thẩm định giá tài sản góp vốn thay vì dùng thuật ngữ định giá tài sản góp vốn để thống nhất các khái niệm, đồng thời các chủ thể tiến hành định giá cũng có cơ sở để tiến hành định giá tài sản Do đó, Luật Doanh nghiệp không cần luật hóa các quy định hướng dẫn tiêu chuẩn định giá bởi đã có hệ thống các thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn thẩm định giá. Tuy nhiên nếu Luật Doanh nghiệp vẫn sử dụng thuật ngữ định giá tài sản góp vốn thì Luật Doanh nghiệp nên đưa ra khái niệm cụ thể để giúp các chủ thể hiểu rõ được bản chất và nội dung của hoạt động định giá tài sản góp vốn

Thứ hai, Luật Doanh nghiệp nên hạn chế chủ thể có quyền định giá tài sản góp vốn.

Về lý thuyết, việc định giá tài sản góp vốn quyết định đến phạm vì quyền và nghĩa vụ của cổ đông/thành viên góp vốn năng lực tài chính của công ty và khả năng thu hồi nợ của các chủ nợ. Tài sản phải tiến hành định giá là các tài sản không phải là Đồng Việt Nam, giá trị chưa rõ ràng và chính xác. Tài sản góp vốn không chỉ bao gồm tài sản hữu hình mà còn bao gồm các tài sản vô hình nên rất khó định giá. Sự phong phú, đa dạng của tài sản góp vốn khiến việc định giá tài sản trở nên khó khăn và dễ sai sót. Hơn nữa, các tài sản góp vốn được đưa vào doanh nghiệp để phục vụ cho hoạt động của công ty, tài sản này có thể trực tiếp đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh để sinh lời hoặc được sử dụng để gian tiếp tạo lợi nhuận cho công ty. Trong khi đó, nhiều trường hợp, các cổ đông/thành viên sáng lập cổ ý định giá sai giá trị của tài sản góp vốn để tạo vốn ảo cho công ty.

Luật Doanh nghiệp 2020 cho phép các cổ đông/thành viên sáng lập được quyền tự định giá tài sản góp vốn, trường hợp thông qua tổ chức thẩm định giá thì giá trị cuối cùng vẫn phụ thuộc vào quyết định của các cổ đông/thành viên sáng lập. Thực tế cho thấy đa số các cổ đông/thành viên sáng lập không có chuyên môn, nghiệp vụ để định giá tài sản góp vốn Vì vậy, việc định giá sai rất dễ xảy ra. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp chưa phân định cụ thể tỷ lệ trách nhiệm giữa cổ đông/thành viên góp vốn và các cổ đông/thành viên định giá khi định giá sai giá trị tài sản góp vốn khiến việc giải quyết hậu quả rất khó khăn. 

Tuy nhiên, với quy định của LDN 2014 cũng như LDN 2020 cho thấy, sự tham gia của tổ chức thẩm định giá chỉ được đặt ra khi có yêu cầu của các thành viên góp vốn và ngay cả khi đã định giá tài sản góp vốnthì các thành viên, cổ đông sáng lập có quyền nhất trí  hoặc không nhất trí với giá mà tổ chức thẩm định giá đưa ra. Điều này sẽ không đảm bảo được tính khách quan, độc lập của tổ chức thẩm định giá. Trong khi đó, nhiều quốc gia như Pháp, Nga, Trung Quốc... đều có quy định về vai trò bắt buộc của tổ chức định giá hoặc thẩm định viên định giá độc lập, kiểm toán viên trong một số trường hợp cụ thểVí dụ như ở Pháp, việc định giá tài sản góp vốn sẽ do Hội đồng góp vốn định giá theo quy định tại Điều L,223-9 và L, 225-8 Bộ luật Thương mại Cộng hòa Pháp. Hội đồng này sẽ được chỉ định bởi Chánh tòa Thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính theo yêu cầu thống nhất giữa các thành viên tương lai của Công ty hoặc sáng lập viên hoặc một trong những sáng lập viên. Các thành viên của Hội đồng về vốn được chọn trong danh sách Hội đồng kiểm toán hoặc các chuyên gia đã đăng ký trong danh sách của Tòa án. Các chuyên gia này thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, nếu tài sản thuộc lĩnh vực chuyên môn nào sẽ chỉ định chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên môn đó tham gia Hội đồng. Còn theo pháp luật của CHLB Nga, việc định giá tài sản góp vốn là tài sản phi tiền tệ phải được thực hiện bởi thẩm định viên độc lập và thỏa thuận giữa các thành viên, cổ đông sáng lập về giá trị tài sản phi tiền tệ không được vượt quá giá trị thị trường của tài sản này được xác định bởi một thẩm định viên độc lập.Việc cho phép sự tham gia của tổ chức thẩm định giá hay thẩm định viên độc lập sẽ đảm bảo cho việc định giá được khách quan và chính xác, đồng thời vẫn có thể đảm bảo được sự thỏa thuận của các thành viên, cổ đông sáng lập trong việc định giá tài sản góp vốn. 

Vì vậy, theo tác giả, pháp luật Việt Nam cần quy định về vai trò bắt buộc của tổ chức thẩm định giá độc lập khi góp vốn thành lập doanh nghiệp trong một số trường hợp, cụ thể đó là khi vốn góp kinh doanh là quyền SHTT chiếm một tỷ lệ 50% trong tổng số vốn góp của các thành viên, cổ đông sáng lập. Bên cạnh đó, các thành viên, cổ đông sáng lập vẫn có quyền định giá tài sản góp vốn nhưng không được cao hơn giá mà tổ chức thẩm định giá độc lập đã đưa ra. Trường hợp các thành viên, cổ đông sáng lập định giá cao hơn so với giá mà tổ chức thẩm định giá độc lập đưa ra thì các thành viên, cổ đông sáng lập phải chịu trách nhiệm liên đới đối với phần định giá vượt quá. 

Mặt khác, pháp LDN cũng cần đặt ra vấn đề trách nhiệm của tổ chức thẩm định giá trong trường hợp cố ý định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm góp vốn. Một thực trạng của LDN năm 2020, đó là có quy định về sự tham gia của tổ chức thẩm định giá nhưng không đặt ra vấn đề trách nhiệm đối với tổ chức thẩm định giá khi cố ý định giá cao hơn giá trị thực tế tài sản góp vốn. Một số trường hợp, việc cố ý định giá tài sản góp vốncao hơn giá trị thực tế do sự thiếu trung thực của tổ chức thẩm định và chủ thể góp vốn. Tuy nhiên, LDN 2014 cũng như LDN 2020 chỉ đề cập đến trách nhiệm liên đới của các thành viên góp vốn mà không đề cập đến trách nhiệm của tổ chức thẩm định giá. Đây là một điểm hạn chế của LDN, bởi lẽ, thông thường khi không thể định giá thì các thành viên góp vốn mới cần đến sự tham gia của tổ chức định giá. Nhưng khi tổ chức thẩm định giá và chủ thể góp vốn có sự thống nhất trong việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế thì chỉ các thành viên góp vốn, cổ đông sáng lập phải chịu trách nhiệm liên đới là không hợp lí. Vì vậy, tác giả đề xuất, trường hợp việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn do sự thiếu trung thực của chủ thể góp vốn thành lập doanh nghiệp và tổ chức thẩm định giá thì chủ thể góp vốn thành lập doanh nghiệp và tổ chức thẩm định giá phải chịu trách nhiệm liên đới đối với phần chênh lệch giá trị, đồng thời chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá cao hơn. Bên cạnh đó, LDN cần quy định cụ thể hơn về tỷ lệ đóng góp của các thành viên góp vốn, cổ đông sáng lập trong trường hợp cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn. Tác giả cho rằng, việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn có sự đồng thuận của đa số các chủ thể góp vốn. Vì vậy, các chủ thể góp vốn đều phải có trách nhiệm như nhau trong trường hợp này mà không phụ thuộc vào tỷ lệ vốn góp. 

Ngoài ra, trong LDN có quy định về hành vi cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá nhưng không quy định căn cứ nào để xác định hành vi là cố ý hay vô ý. Vì vậy, theo tác giả, pháp luật nên quy định “trường hợp các chủ thể định giá không chứng minh được căn cứ cho việc định giá tài sản tại thời điểm góp vốn thì đều phải chịu trách nhiệm đối với việc định giá này”.

Thứ ba, Luật Doanh nghiệp cần phân định cụ thể tỷ lệ trách nhiệm giữa cổ đóng góp vốn và các cổ đông/thành viên định giá khi định giá sai giá trị tài sản góp vốn.

Luật Doanh nghiệp quy định các cổ đông/thành viên sáng lập là người quyết định giá trị tài sản góp vốn Do đó, khi định giá tài sản góp vốn sai, theo  Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định các cổ đông/thành viên sáng lập phải “liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá, đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế”. Tuy nhiên, tỷ lệ góp thêm và tỷ lệ bồi thường thiệt hại cụ thể như thế nào chưa được Luật Doanh nghiệp quy định. Khi xác định giá trị của tài sản góp vốn, nguyên tắc thông qua của các cổ đông/thành viên góp vốn là nguyên tắc nhất trí mà không phải theo tỷ lệ cổ phần/phần vốn góp cam kết mua.

Do đó, Luật Doanh nghiệp cần bổ sung quy định các cổ đông/thành viên sáng lập và cổ đông/thành viên góp vốn phải chịu trách nhiệm ngang bằng nhau khi định giá sai tài sản.

Tài liệu tham khảo:

1. Trương Nguyễn Ngọc Dung (2020), Pháp luật về góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

2. Vũ Anh Thư (2014), Định giá tài sản sở hữu trí tuệ trong giao dịch dân sự, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 15 (271), tr.49-54.

3. Nguyễn Thị Phương Thảo (2021), Góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTT theo pháp luật Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội.

4. Bùi Sưởng (2010), “Góp vốn bằng thương hiệu: Mỗi doanh nghiệp một kiểu”; xem tại: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/gop-von-bang-thuong-hieu-moi-doanh-nghiep-mot-kieu-post55099.html.

5. Phương Nga (2013), “Vinashin đã góp "nghìn tỷ" vốn thương hiệu”; xem tại: https://vnbusiness.vn/viet-nam/vinashin-da-gop-nghin-ty-von-thuong-hieu-1039418.html.

6. Astha Negi, Bhaskar Jyoti Thakuria (2010), "Principles Governing Damages in Trademark Infringement", Journal of Intellectual Property Rights, Vol 15, pp. 374-379.

7. Brad Sherman, Lionel Bently, The making of Modern intellectual property law, Cambridge University Press, 1999.

8. Nguyễn Thị Ngọc Anh (2020), Pháp luật Việt Nam về góp vốn thành lập công ty cổ phần và thực tiễn thực hiện, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.

ThS.NCS NGUYỄN NGỌC HUY

Trường Đại học Luật, Đại học Huế

Bùi Thị Thanh Loan