Đôi khi Luật sư phải biết từ chối

09/03/2023 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Tôi đang là Luật sư tham gia bảo vệ cho gia đình là nhà hàng xóm đang có tranh chấp lối đi với chị gái của bạn tôi. Khi biết tôi làm Luật sư trong vụ việc, người bạn này đã nhiều lần qua lại thăm hỏi và mời đi giao lưu. Gần nhất bạn tôi đã đặt vấn đề để tôi không tham gia bảo vệ trong vụ án này nữa và sẽ tặng tôi một món quà có giá trị lớn cùng lời mời đi du lịch dài ngày. Vậy, tôi cần làm gì để có thể từ chối mà không mất tình cảm và hài hòa cả đôi đường.

Ảnh minh họa.

Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã quy định rõ cấm Luật sư: “Nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện công việc gây thiệt hại đến lợi ích của khách hàng” (Quy tắc 9.3).

Trong trường hợp này bạn đang là Luật sư bảo vệ cho một bên trong vụ án tranh chấp và người thân, quen của phái bên kia tức bạn cũ của Luật sư đã tiếp cận, đưa ra các lời gợi ý về việc sẽ cho bạn một số tiền, lợi ích vật chất. Trong trường hợp bạn nhận và thực hiện theo sẽ vi phạm quy định 9.3 nêu trên. Đồng thời bạn sẽ vi phạm quy định, quy tắc về việc từ chối thực hiện vụ việc của khách hàng trong trường hợp không có lý do chính đáng.

Mặt khác, kể cả trong trường hợp bạn không nhận tiền tài sản của người bạn này và vẫn thực hiện công việc bảo vệ cho khách hàng nhưng nếu bạn đi chơi, đi du lịch dài ngày với người thân quen của phía đối lập với khách hàng của bạn cũng đã có thể gây ra những dư luận, sự hiểu nhầm cho bạn nói riêng và ảnh hưởng đến uy tín, nghề nghiệp nói chung. 

Chính vì vậy, tại Quy tắc 3 Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã quy định Luật sư có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa trong hành nghề và lối sống; xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của xã hội đối với Luật sư và nghề Luật sư. Mọi việc làm, ứng xử là gây nghi ngờ, giảm lòng tin hoặc có khả năng gây giảm lòng tin của xã hội đối với nghề Luật sư bạn nên tránh và cần phải tránh.

Mặt khác, như bạn nêu hiện nay chính bạn đang có phân vân, do dự trong việc ứng xử và hành động. Đây là một biểu hiện của việc có xung đột lợi ích (lợi ích về vật chất hoặc tinh thần) trong khi hành nghề.

Do vậy, tôi khuyến nghị bạn nên có ứng xử tránh việc gây hiểu nhầm cho bạn và nếu cần thiết có thể phải nói rõ và xin lỗi người bạn của bạn để hạn chế tối đa các quan hệ cá nhân gia hạn đến khi vụ việc được kết thúc. Nghề Luật sư cũng như bao nghề khác đôi khi người Luật sư cũng cần biết nói lời từ chối không chỉ  tiền, lợi ích vật chất mà cả những lợi ích, cám dỗ khác.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Luật sư có phải trả lại quà tặng khi khách hàng yêu cầu

Từ khoá : lsvn.vn LSVN luật sư