Ảnh minh họa.
Theo Tổ công tác của Thủ tướng, thực hiện yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong thời gian qua, các bộ, cơ quan đã nỗ lực, chủ động, tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết và đạt được nhiều kết quả.
Năm 2017, đã ban hành 191 văn bản, là năm đầu tiên không nợ văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền Chính phủ. Năm 2018 đã ban hành 209/213, nợ 4 văn bản. Năm 2019, phát sinh số nợ lớn hơn do tính phức tạp của văn bản, nợ 10/56 văn bản, phải chuyển sang năm 2020. Năm 2020, tình hình nợ đọng văn bản có chuyển biến tích cực: Tính đến 31/12/2020, chỉ nợ đọng 06/87 văn bản, giảm mạnh so với số lượng văn bản nợ đọng cuối nhiệm kỳ khóa XII (58 văn bản) và nhiệm kỳ khóa XIII (39 văn bản).
Tư duy xây dựng văn bản đổi mới hơn, từ quản lý thắt chặt sang tạo hành lang, khuyến khích phát triển, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể: Năm 2018, ban hành 28 văn bản (03 Luật và 25 Nghị định), cắt giảm, đơn giản được 3.345/6.191 điều kiện kinh doanh; năm 2019, tiếp tục ban hành 09 nghị định cắt giảm 309 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh đã cắt giảm lên 3.654/6.191; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỉ đồng/năm); năm 2020, tiếp tục ban hành thêm 09 Nghị định, cắt giảm thêm 239 điều kiện kinh doanh.
Tính chung giai đoạn 2016 - 2020, đã cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.
Việc xây dựng văn bản quy định chi tiết được cải cách mạnh mẽ về tư duy và phương pháp, hướng tới sự thống nhất và tạo thuận lợi cho người người dân, doanh nghiệp.
Trong năm 2020, các bộ, cơ quan đã thực hiện việc tích hợp từ 49 văn bản quy định chi tiết luật có hiệu lực từ 01/01/2021 xuống còn 29 văn bản, giảm 20 văn bản so với phân công, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: “Cắt giảm tối đa số lượng văn bản quy định chi tiết theo hướng một luật chỉ ban hành tối đa 2 Nghị định quy định chi tiết, trường hợp đặc thù báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định; 01 Nghị định chỉ ban hành 01 Thông tư hướng dẫn”.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, tình hình nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được xử lý dứt điểm, tiếp tục phát sinh nợ đọng các văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết có hiệu lực 01/01/2021. Cụ thể, đến ngày 01/3/2021, nợ đọng 16 văn bản quy định chi tiết luật đã có hiệu lực pháp luật, gây khó khăn, lúng túng trong việc thi hành luật, pháp lệnh.
Với tinh thần khách quan và cầu thị, các bộ, cơ quan đã thẳng thắn nhìn nhận: Việc chậm trình ban hành văn bản quy định chi tiết, ngoài nguyên nhân khách quan, còn do bộ, cơ quan chủ trì chưa tích cực đôn đốc, theo dõi quá trình xử lý văn bản của các bộ, cơ quan đối với đề nghị của bộ, cơ quan mình để kịp thời trao đổi, tìm kiếm sự đồng thuận, nhất là khi có ý kiến, quan điểm giải quyết khác nhau; chưa chủ động tìm kiếm, đề xuất giải pháp xử lý các văn bản có nội dung khó, phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương.
Hiện nay, việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung một số điều của văn bản hiện hành nhưng không thay thế hoặc bãi bỏ văn bản cũ đã làm tăng thêm số lượng văn bản quy phạm pháp luật, làm phức tạp hóa hệ thống pháp luật, gây khó khăn cho việc tra cứu, tiếp cận và thực thi pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
Từ buổi làm việc với 8 bộ trong tháng 02/2021, Tổ công tác kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các dự án luật, pháp lệnh đã được đưa vào Chương trình và văn bản quy định chi tiết; khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết đang nợ đọng, bảo đảm đúng tiến độ như đã cam kết, không để nợ đọng văn bản trước khi diễn ra kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV. Đồng thời, chủ động có kế hoạch xây dựng các văn bản quy định chi tiết các Luật có hiệu lực trước 31/7/2021 theo đúng tiến độ phân công, không để phát sinh nợ đọng mới.
Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ soạn thảo trình ban hành các dự án luật, pháp lệnh, văn bản quy định chi tiết.
Bộ Tư pháp nghiên cứu, báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm tối đa đầu văn bản quy phạm pháp luật theo hướng việc ban hành một văn bản mới phải bãi bỏ ít nhất một văn bản cũ nhằm tạo thông thoáng của hệ thống pháp luật, thuận lợi trong quá trình pháp điển hóa và việc tra cứu, thực thi của người dân, doanh nghiệp.
NGỌC ANH(t/h)
Tăng cường rà soát, tiêu chuẩn an toàn cho trẻ em tại chung cư