Ảnh minh họa.
Các tranh chấp về hôn nhân gia đình được coi là vụ án dân sự khi thuộc các trường hợp quy định tại Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Trong các vụ án hôn nhân gia đình - vụ án về xác định cha, mẹ, con có tính chất đặc thù là xác định quan hệ huyết thống khi các bên có tranh chấp và yêu cầu Tòa án giải quyết. Đó là sự kiện pháp lý rất quan trọng vì có sự liên quan đến huyết thống cha mẹ với con và con với cha mẹ.
Đối tượng chứng minh trong các vụ án xác định cha, mẹ, con
Để xác định được quan hệ cha, mẹ, con thì cần phải có chứng cứ để chứng minh có quan hệ huyết thống là cha, mẹ, con.
Đối tượng chứng minh là tổng hợp những sự kiện, tình tiết là cơ sở cho yêu cầu của đương sự và những tình tiết, sự kiện khác có ý nghĩa để giải quyết đúng vụ án xác định cha, mẹ, con cần được xác định bằng chứng cứ. Mỗi vụ án xác nhận cha, mẹ, con đều chứa đựng những mâu thuẫn giữa các bên nên thường rất phức tạp. Để giải quyết đúng đắn các vụ án xác định cha, mẹ, con thì mọi vấn đề liên quan đều phải được làm sáng tỏ trước khi có quyết định.
Việc xác định đúng đắn các yêu cầu của đương sự có ý nghĩa quan trọng trong việc Tòa án xác định quan hệ pháp luật, pháp luật hình thức và pháp luật nội dung giải quyết vụ án dân sự. Chỉ khi xác định được nội dung của đối tượng chứng minh, các chủ thể chứng minh mới xác định được phạm vi những tình tiết, sự kiện và chứng cứ cần phải thu thập. Nếu xác định không đúng đối tượng chứng minh, hoạt động chứng minh sẽ diễn ra không đúng trọng tâm dẫn đến hoạt động thu thập các tài liệu, chứng cứ trở nên thiếu hoặc thừa.
Các tình tiết, sự kiện thuộc đối tượng chứng minh của các vụ án xác định cha, mẹ, con rất phong phú, đa dạng, bao gồm sự kiện sinh tử; không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, cấp dưỡng con, không công nhận con... Đối tượng chứng minh không chỉ bao gồm các tình tiết, sự kiện có tính chất khẳng định mà còn bao gồm cả tình tiết, sự kiện có tính chất phủ định.
Đối tượng chứng minh trong các vụ án xác định cha, mẹ, con khi cha mẹ có hôn nhân hợp pháp:
Căn cứ vào thời kỳ hôn nhân theo quy định tại khoản 13, Điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình:
a) Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân.
b) Thời điểm bắt đầu thời kỳ hôn nhân là thời điểm hai bên cùng ký vào giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
c) Thời điểm chấm dứt hôn nhân là thời điểm có một trong các sự kiện sau:
- Do vợ hoặc chồng chết: thời điểm chấm dứt hôn nhân xác định theo ngày thực tế vợ hoặc chồng chết được ghi trong giấy chứng tử.
- Chấm dứt hôn nhân là ngày có quyết định của Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng chết.
- Chấm dứt hôn nhân do ly hôn là ngày bản án xử cho ly hôn hoặc quyết định thuận tình ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Căn cứ vào sự kiện sinh đẻ: Theo nguyên tắc suy đoán pháp lý xác định cha, mẹ, con theo Điều 88 quy định về xác định cha, mẹ: “con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng”. Có nghĩa là pháp luật chú trọng tới quá trình thai nghén và sinh con của người vợ; miễn rằng người vợ và chỉ có người vợ là người mang thai và sinh ra đứa trẻ đó. Pháp luật không thừa nhận việc mang thai hộ hay chửa đẻ thuê; người vợ phải là người thực hiện toàn bộ quá trình sinh đẻ.
Căn cứ vào sự thừa nhận của cha mẹ và con: Đây là trường hợp đặc biệt chỉ áp dụng trong trường hợp người vợ sinh con trước ngày đăng ký kết hôn. Tức là người vợ đã thực hiện toàn bộ quá trình sinh đẻ trước khi kết hôn và sau khi sinh con hai bên nam nữ có đăng ký kết hôn, đứa trẻ được trở thành con chung của vợ chồng một cách hợp pháp.
Đối tượng chứng minh trong các vụ án xác định cha, mẹ, con khi cha mẹ không có hôn nhân hợp pháp
- Căn cứ vào thời điểm thụ thai, thời gian mang thai và thời điểm sinh con. Việc xác định thời điểm thụ thai và mang thai chỉ mang tính chất tương đối; nên cần căn cứ vào thời điểm sinh con; thể trạng của thai nhi và người mẹ.
- Căn cứ vào khoảng thời gian hai bên nam nữ quan hệ tình dục.
- Căn cứ vào mối quan hệ giữa cha mẹ và con trên thực tế và có thể căn cứ vào tư cách, phẩm chất của người mẹ.
Hiện nay, đối với việc giải quyết các vụ án về xác định cha, mẹ, con thì yêu cầu xác định cha, mẹ, con khi cha mẹ không có hôn nhân hợp pháp chiếm đa số, chủ yếu tập trung vào những trường hợp như: người mẹ muốn xác định cha cho con do mình sinh ra; người con đã thành niên muốn xác định một người đàn ông là cha mình; người giám hộ xác định cha, mẹ, con cho người được giám hộ hoặc liên quan đến các vụ án hình sự như: hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em, loạn luân dẫn đến có con. Thực tiễn xét xử các tranh chấp về quan hệ cha, mẹ, con cho thấy, những chứng cứ để xác định cha, mẹ, con là gián tiếp, sức thuyết phục không cao, còn các kết luận giám định về y học ADN thì có sức thuyết phục cao nhất.
Trong những năm vừa qua, ngành y học có bước phát triển vượt trội và mang lại kết quả nhất định cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, khó có con là việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, sự phát triển vượt bậc này đã mang lại hạnh phúc cho nhiều người, cho nhiều gia đình. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, do vậy sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã không còn xa lạ với người dân. Tuy nhiên, chính phương pháp này đã làm thay đổi nguyên tắc của việc xác định cha, mẹ, con, làm đảo lộn những quan niệm truyền thống về một người cha, một người mẹ. Do sự thay đổi này, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã đưa ra những căn cứ pháp lý để quy định nguyên tắc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp này. Việc giám định gen xác định cha, mẹ, con rất có hiệu quả vì tỷ lệ người trùng gen là rất thấp. Vì vậy, pháp luật cần thừa nhận tính hợp pháp để xác định tính chính xác của quan hệ cha, mẹ, con khi giải quyết các thủ tục xác định cha, mẹ, con.
Thực trạng pháp luật và thực tiễn xác định các vấn đề cần chứng minh trong vụ án xác định cha, mẹ, con
Khi giải quyết các vụ án xác định cha, mẹ con, Tòa án phải xác định được quan hệ pháp luật tranh chấp cũng như tất cả các sự kiện, tình tiết liên quan đến vụ án, lựa chọn và áp dụng quy phạm pháp luật nội dung phù hợp để ban hành phán quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Mục đích của hoạt động chứng minh nhằm đạt được sự khẳng định những vấn đề về nội dung của đối tượng chứng minh “quan hệ huyết thống giữa cha, mẹ, con” là đúng đắn và xác thực. Trong tố tụng dân sự, đối tượng chứng minh là một vấn đề hết sức quan trọng giúp cho hoạt động chứng minh được tập trung. Xác định đúng đối tượng chứng minh là cơ sở cho việc nhận thức đúng đắn vụ việc dân sự làm căn cứ định hướng cho quá trình chứng minh vụ án.
Chủ thể có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con
Vấn đề này được quy định tại Điều 102, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
Thứ nhất, người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con phải là người cha, người mẹ hoặc người con. “Cha, mẹ” trong trường hợp này được hiểu theo hai trường hợp: là người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình; là người không được nhận là cha, mẹ của người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình.
Điều 90, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền nhận cha, mẹ, con như sau: Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết. Con đã thành niên nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ; nhận mẹ, không cần phải có sự đồng ý của cha.
Đây là một quy định không cụ thể, rõ ràng vì không quy định về việc áp dụng theo thủ tục nào. Nếu con ngoài giá thú mà các bên nhận cha, mẹ, con là hoàn toàn tự nguyện thì giải quyết theo thủ tục hành chính. Nhưng nếu con ngoài giá thú xác định cha, mẹ cho mình khi cha, mẹ đã chết hay trường hợp con ngoài giá thú mà cha, mẹ muốn xác định con cho mình khi con đã chết thì chưa có quy định cụ thể về việc cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết. Khi người cha, người mẹ chết không thể xác định được ý chí của họ là có tự nguyện hay không. Vậy trong trường hợp này nên có quy định cụ thể giải quyết việc xác định cha, mẹ, con tại Tòa án chứ không thể theo thủ tục hành chính được.
Thứ hai, ngoài chủ thể là người cha, người mẹ hoặc người con, đối tượng có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con còn có các chủ thể khác. Theo quy định tại Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, trong trường hợp có yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết thì người thân thích của người này có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con cho người yêu cầu đã chết.
Như vậy, trường hợp nếu người yêu cầu là người cha, người mẹ muốn xác định quan hệ cha, mẹ, con nhưng người cha, người mẹ này đã chết thì người thân thích như anh, chị, em ruột của người cha, người mẹ có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con cho người cha, người mẹ đã chết. Đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì chủ thể có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con trong trường hợp này là người giám hộ, người cha, người mẹ, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp có quyền tự mình yêu cầu xác định cha, mẹ cho trẻ em. Pháp luật quy định chủ thể có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con như vậy nhằm mở rộng phạm vi về mặt chủ thể khi tham gia vào yêu cầu xác định cha, mẹ, con, giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt là người con.
Thẩm quyền giải quyết và trình tự thủ tục xác định cha, mẹ, con
Pháp luật quy định 02 thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con gồm: thẩm quyền giải quyết theo thủ tục hành chính (không có tranh chấp được giải quyết tại UBND phường/xã, UBND huyện và sở tư pháp); thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tư pháp (có tranh chấp) tại Tòa án.
Thẩm quyền giải quyết xác định cha, mẹ, con theo thủ tục hành chính
Xác định cha, mẹ, con theo thủ tục hành chính được quy định tại Điều 101, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 25 Luật Hộ tịch năm 2014.
Trường hợp không có tranh chấp thì sẽ thực hiện ở cơ quan đăng ký hộ tịch với thủ tục hành chính, nếu có tranh chấp sẽ giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền theo thủ tục tư pháp.
Thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo thủ tục tư pháp
Trường hợp có tranh chấp, khi một trong các bên không công nhận mối quan hệ huyết thống cha, mẹ, con thì người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con phải làm hồ sơ khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 2, Điều 101, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Điều 89, Điều 90 và Điều 91, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Trong trường hợp người chồng không thừa nhận đứa trẻ được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân với người vợ là con của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, con. Khi khởi kiện ra Tòa án, người chồng phải cung cấp được những chứng cứ như: Trong thời gian người mẹ thụ thai người chồng đi công tác không có ở nhà; người chồng bị đau ốm bệnh tật nặng lâu ngày không thể có khả năng quan hệ vợ chồng; người chồng có giấy chứng nhận của cơ quan y tế bị mắc bệnh vô sinh nên không có khả năng có con, người vợ ngoại tình với người đàn ông khác… để chứng minh đứa con được người mẹ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân giữa hai người không phải là con của mình.
Trường hợp muốn xác định cha cho đứa trẻ, người mẹ có quyền làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định cha cho con theo khoản 2, Điều 28, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Trong hồ sơ khởi kiện, người mẹ cần cung cấp chứng cứ chứng minh về mối quan hệ cha, con. Tòa án sẽ tiến hành thụ lý và xem xét theo thủ tục tố tụng thông thường. Nếu người cha từ chối giám định ADN, Tòa án sẽ căn cứ vào chứng cứ mà người mẹ cung cấp và các căn cứ mà hoạt động nghiệp vụ của Tòa án thu thập được để giải quyết vụ việc.
Vấn đề bất cập trong việc giải quyết tranh chấp xác định cha, mẹ, con đó là chứng cứ để chứng minh quan hệ huyết thống cha, mẹ, con. Pháp luật không quy định rõ, cụ thể về tài liệu chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con bao gồm những chứng cứ cụ thể như thế nào? Chứng cứ chứng minh có thể là tài liệu, giấy tờ, băng đĩa, thư từ..., tuy nhiên, những chứng cứ này khó kiểm chứng được tính chính xác và trung thực vì vậy khó được công nhận trong việc xác định huyết thống để xác định cha, mẹ, con. Do vậy, nếu tòa căn cứ vào chứng cứ gián tiếp để xác định đó là quan hệ huyết thống thì tính thuyết phục không cao, chứng cứ yếu, chưa đầy đủ, rõ ràng chứng minh đó là quan hệ huyết thống trừ trường hợp có kết quả giám định gen giữa người nhận và người được nhận hoặc người thân thích của người nhận (ông, bà, cô, dì, chú, bác, anh, chị em, con) thì mới có thể xác định được quan hệ huyết thống để xác định cha, mẹ, con.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định con có quyền nhận cha, mẹ (Điều 90); cha mẹ có quyền nhận con (Điều 91); người thân thích của người có yêu cầu chết có quyền yêu cầu xác nhận (Điều 92) và cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con được quy định tại Điều 102. Nhưng pháp luật chỉ dừng lại ở quy định là “người thân thích” có quyền yêu cầu xác nhận cha, mẹ, con mà không quy định cụ thể người thân thích là những người nào?
Một số kiến nghị
Thứ nhất, Điều 92, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về xác định cha, mẹ, con trong trường hợp người có yêu cầu chết, cần quy định rõ: ông, bà, cô, dì, chú, bác, anh, chị, em, con của người đã chết có quyền yêu cầu xác nhận cha, mẹ, con (cho người yêu cầu đã chết), để dễ áp dụng trong thực tiễn, vì hiện nay Luật mới chỉ ghi chung chung là người thân thích có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con.
Thứ hai, bổ sung thêm người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con gồm: ông, bà, cô, dì, chú, bác, anh, chị, em chứ không chỉ có cá nhân (quy định chung chung), cơ quan, tổ chức như quy định tại Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và cũng là để phù hợp với Điều 92 Luật này quy định về người thân thích với những lý do như tác giả đã phân tích ở trên.
Thứ ba, hoàn thiện quy định pháp luật về thẩm quyền xác định cha, mẹ, con. Để bảo đảm sự việc được giải quyết đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục và thống nhất trong việc xác định thẩm quyền giải quyết, cần thay đổi quy định tại Điều 101, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 theo hướng bổ sung thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo thủ tục việc dân sự đối với trường hợp không có tranh chấp để đương sự có lựa chọn cơ quan giải quyết phù hợp và thuận tiện. Đồng thời bảo đảm sự thống nhất và phù hợp giữa Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Cụ thể, Điều 101, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cần được sửa đổi bổ sung như sau:
“…2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này hoặc có thể lựa chọn Tòa án giải quyết khi không có tranh chấp".
Lý do kiến nghị bổ sung điều này bởi thực tế hiện nay tại một số Tòa án thụ lý giải quyết các vụ án xác định cha cho con (không có tranh chấp) bằng một quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, do vậy cần bổ sung sự lựa chọn Tòa án giải quyết khi không có tranh chấp xác định cha, mẹ, con là cần thiết và phù hợp với thực tiễn.
Xác định cha, mẹ, con vừa có ý nghĩa về mặt pháp lý vừa có ý nghĩa về mặt quan hệ gia đình. Khi quan hệ cha, mẹ, con được xác lập sẽ được pháp luật và cộng đồng thừa nhận, là cơ sở để thực hiện quyền và nghĩa vụ giữa cha, mẹ và con và ngược lại, giữa con với cha, mẹ. Đồng thời là cơ sở để giải quyết những tranh chấp xảy ra đối với việc xác định quan hệ cha, mẹ, con; góp phần giữ gìn, duy trì mối quan hệ gia đình, bảo vệ tế bào của xã hội, góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội.
Luật sư HOÀNG THỊ NHÀN
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra