Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc đợt họp thứ nhất Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, trình bày báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, về nội dung kỳ họp, tài liệu kỳ họp, tại phiên họp thứ 6 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 4 nội dung dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật; Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Tờ trình của Chính phủ về cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Sau phiên họp này, căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị các cơ quan khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung. Trên cơ sở đó, Đảng đoàn Quốc hội sẽ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về chủ trương tổ chức kỳ họp và những nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị theo quy chế làm việc hiện hành. Sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có căn cứ quyết định triệu tập kỳ họp.
Về dự kiến chương trình kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ: Nếu cả 4 nội dung nêu trên đủ điều kiện trình Quốc hội thì dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 3,5 ngày. Trong đó, phiên trù bị, khai mạc, trình và thảo luận ở tổ bố trí 1 ngày; thảo luận ở hội trường 2 ngày cho 4 nội dung và phiên bế mạc cùng biểu quyết thông qua là 0,5 ngày.
Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến 3 phương án tổ chức kỳ họp.
Phương án 1: dự kiến khai mạc kỳ họp vào ngày 27/12/2021, bế mạc chiều ngày 31/12/2021.
Phương án 2: dự kiến khai mạc kỳ họp vào ngày 27/12/2021 và bế mạc kỳ họp vào sáng ngày 04/01/2022.
Phương án 3: dự kiến khai mạc kỳ họp ngày 04/01/2022 và bế mạc kỳ họp vào sáng ngày 11/01/2022.
Về phương thức tổ chức họp, Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, trong đó, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dự họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Việc chia tổ đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện như Kỳ họp thứ 2 vừa qua, chia thành 72 tổ đại biểu Quốc hội. Việc biểu quyết sẽ được thực hiện qua phần mềm cài đặt trên iPad.
Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đối với kỳ họp bất thường, hiện nay hướng dẫn không quy định cụ thể việc tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp. Do đó, đề nghị không tổ chức tiếp xúc cử tri tại kỳ họp này và kết quả kỳ họp sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và Nhân dân được biết.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đề nghị đặt tên là Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Sau này, nếu có các kỳ họp bất thường khác sẽ đánh số theo số thứ tự tiếp theo. Các kỳ họp thường lệ theo luật định được thực hiện các nội dung theo thường lệ.
Chỉ khi nào bảo đảm chất lượng mới tổ chức kỳ họp bất thường
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về căn cứ pháp lý và sự cần thiết tổ chức kỳ họp bất thường, tên gọi của kỳ họp, phương án tổ chức, dự kiến nội dung chương trình kỳ họp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định sự cần thiết và căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội, thống nhất với tên gọi là Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV; đồng thời cho rằng cần sớm hoàn thiện hồ sơ để xin ý kiến có quan có thẩm quyền về chủ trương tổ chức kỳ họp bất thường để bảo đảm yêu cầu, căn cứ chính trị.
Phát biểu bế mạc phiên họp liên quan đến việc tổ chức kỳ họp bất thường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong đợt 1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung toàn bộ thời gian hoàn thành việc cho ý kiến về các nội dung dự kiến trình kỳ họp bất thường của Quốc hội. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến cuối Phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới chốt được có bao nhiêu nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường.
Trong đó, hai nội dung sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các cơ quan trình tiếp tục hoàn thiện và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại đợt hai của Phiên họp thứ 6 là: Tờ trình về cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Tinh thần bảo đảm chất lượng là ưu tiên hàng đầu, chỉ khi nào các nội dung đã bảo đảm được về yêu cầu, chất lượng thì mới tổ chức kỳ họp, tránh trường hợp sửa xong lại xảy ra bất cập hoặc mâu thuẫn với các luật khác. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan tiếp tục chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung, hoàn thiện về chủ trương và nội dung, trình xin ý kiến của Bộ Chính trị.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý thời điểm cuối năm khối lượng công việc ở các cơ quan Trung ương, địa phương rất lớn. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sau ngày 21/12 (đợt 2 của Phiên họp thứ 6) sẽ thống nhất nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường (tối đa là 4 nội dung), đồng thời tổ chức kỳ họp bất thường vào đầu năm 2022, bố trí đủ thời gian cho các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường.
NGỌC ANH
Thần tốc hơn nữa trong tiêm chủng, giảm tối đa số ca tử vong