(LSVN) - Điều dưỡng Vũ Thị Thanh Thư (Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) chia sẻ có sốt nhẹ 37,5 độ, ngoài ra không có phản ứng gì thêm. Hiện sức khoẻ của chị ổn định.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tất cả y bác sĩ, nhân viên y tế được tiêm vaccine Covid-19 trong ngày đầu tiên tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) đều ổn định sức khỏe, làm việc bình thường.
Người có biểu hiện sốt nhẹ là điều dưỡng Vũ Thị Thanh Thư, khoa Nội Tổng hợp. "Đêm qua tôi có sốt 37,5 độ C và cảm giác hơi lạnh nhưng không vấn đề gì. Sáng nay, thân nhiệt của tôi trở lại 37 độ C, sức khỏe ổn định, chỉ còn hơi mệt và có thể đi làm bình thường", điều dưỡng Thư chia sẻ.
TS, BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bày tỏ vui mừng và may mắn khi là một trong những nhân viên y tế đầu tiên được lựa chọn để tiêm vaccine phòng Covid-19. BS Điền cho biết cũng hơi mệt mỏi giống như khi tiêm các mũi phòng cúm khác. Tuy nhiên, đó là phản ứng bình thường của cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus, nên không có gì phải lo lắng. "Sáng nay, sức khoẻ của tôi ổn định, tôi vẫn đi làm bình thường tại Trung tâm phòng, chống dịch”, BS Điền cho biết.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tất cả y bác sĩ, nhân viên y tế được tiêm vaccine Covid-19 trong ngày đầu tiên (08/3) tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) đều ổn định sức khỏe, làm việc bình thường.
Bộ Y tế cũng cho biết, người được tiêm vaccine Covid-19 cần tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong vòng 01-02 ngày. Khi gặp các dấu hiệu bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Theo GS,TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, bất cứ loại thuốc hay sinh phẩm gì đưa vào cơ thể đều có những tác dụng phụ nhất định, vì vậy chúng ta luôn phải đề phòng các trường hợp xảy ra. Ngay khi chọc mũi tiêm vào người đã có phản ứng đau tại chỗ tiêm, với vaccine Covid-19 này, tác dụng phụ ghi nhận nhiều nhất là đau ở nơi tiêm, một số trường hợp có thể áp xe cả nơi tiêm; nặng nề nhất là có thể gây sốc phản vệ.
Theo GS Kính, đây là trường hợp có thể xảy ra ở tất cả các thuốc, kể cả kháng sinh khi tiêm vào người đều có thể dẫn tới sốc phản vệ. Vì vậy, tại mỗi cơ sở, khi biết được các yếu tố bất lợi đó có thể xảy ra thì phải chuẩn bị các dụng cụ sẵn sàng để xử trí kịp thời; Đồng thời phải hỏi đầy đủ các thông tin về người được tiêm trước khi tiêm xem có tiền sử phản vệ hay không để xem xét xem có tiêm được hay không.
TRẦN MINH