/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử

Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử

06/01/2024 08:13 |

(LSVN) - Việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, một số cơ chế thực thi chưa được xây dựng và triển khai hiệu quả... Do đó cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc, thấu đáo để có hướng giải quyết, khắc phục nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp chân chính. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá làm rõ một số bất cập, hạn chế của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện.


Ảnh minh họa.

1. Các nội dung cơ bản về bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Một là, cơ chế bảo vệ minh bạch và hiệu quả: Các biện pháp, hành vi áp dụng vào môi trường thương mại điện tử nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng phải đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả giống như các biện pháp áp dụng đối với các loại hình giao dịch khác. Để thực hiện nguyên tắc này, chính phủ, các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải cùng nhau hợp tác để xác định các tính chất riêng biệt của môi trường thương mại điện tử từ đó xây dựng nên các cơ chế hiệu quả và rõ ràng.

Hai là, thực hiện các hành vi quảng cáo và kinh doanh lành mạnh: Các doanh nghiệp hoạt động trong môi trường thương mại điện tử cần chú trọng tới lợi ích của người tiêu dùng và đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh, quảng cáo và marketing. Theo đó, doanh nghiệp nên ghi nhớ và thực hiện các hành vi sau:

- Không thực hiện các hành vi lừa dối, lừa đảo, giả mạo hoặc cố ý cung cấp các thông tin có nội dung gây nhầm lẫn, hiểu nhầm hoặc đánh lừa người tiêu dùng. Không thực hiện các hành vi có khả năng gây ra tổn hại cho người tiêu dùng.

- Khi cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, doanh nghiệp cần phải thực hiện truyền thông theo cách thức rõ ràng, chính xác và dễ nhận biết cho người tiêu dùng.

- Nên lưu ý tới các đặc điểm chung của môi trường thương mại điện tử, tuy nhiên, cũng luôn nhắc nhở phải chú ý tới những đặc điểm riêng của môi trường này gắn với các vùng miền kinh doanh khác nhau. Cần nhấn mạnh rằng, việc tìm hiểu các đặc điểm riêng của môi trường thương mại điện tử tại những vùng miền, quốc gia khác nhau là nhằm để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn chứ không phải tìm ra các kẽ hở để giảm bớt trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng của doanh nghiệp.

Ba là, các thông tin cần tìm hiểu, cung cấp trong giao dịch thương mại điện tử: Các thông tin dưới đây là cần thiết và nên đăng tải để các bên có thể dễ dàng tìm hiểu như sau:

- Thông tin về doanh nghiệp: Các doanh nghiệp tham gia vào thương mại điện tử nên cung cấp thông tin chính xác, rõ ràng và dễ dàng truy cập về bản thân doanh nghiệp. Các thông tin này có thể bao gồm: Hồ sơ đăng ký kinh doanh, thông tin liên lạc của doanh nghiệp (hiện nay nên có: địa chỉ hoạt động thực tế, số điện thoại, fax, email và website); đường dây nóng liên hệ cho người tiêu dùng (nếu có); cơ chế giải quyết khiếu nại, quy trình thủ tục; …

- Thông tin về hàng hóa, dịch vụ: Doanh nghiệp nên cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng, chính xác và dễ dàng tiếp cận.

- Thông tin về giao dịch: Doanh nghiệp nên cung cấp các thông tin đầy đủ hướng dẫn người tiêu dùng thực hiện các giao dịch.

- Xác nhận giao dịch: Để tránh những quyết định nhất thời và có thời gian cân nhắc kỹ trước khi chính thức giao dịch, doanh nghiệp cần xây dựng quy trình mua hàng, kiểm tra, chỉnh sửa lại đơn hàng và các bước xác nhận giao dịch từ phía người tiêu dùng.

- Thanh toán: Thanh toán nhanh, chính xác và dễ dàng là một trong những điều kiện quyết định thành công của thương mại điện tử.

Bốn là, giải quyết tranh chấp và luật áp dụng, tính chất giao dịch không biên giới của thương mại điện tử đang đặt ra yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi các văn bản luật của các quốc gia. Khi tiến hành hoạt động rà soát, bổ sung lại các văn bản này, các chính phủ cần lưu ý, bên cạnh việc đưa ra các quy định rõ ràng, có tính khả thi và minh bạch thì cần đảm bảo rằng các quy định này không hạn chế sự phát triển của thương mại điện tử và vẫn phải đảm bảo mức độ bảo vệ người tiêu dùng không khác so với với trong môi trường giao dịch truyền thống. Bên cạnh đó, cần tạo ra các cách thức giải quyết tranh chấp mà người tiêu dùng có thể dễ dàng sử dụng với chi phí hợp lý và thời gian, quy trình đơn giản, gọn nhẹ. 

Năm là, chính sách thông tin: Doanh nghiệp phải xây dựng và đảm bảo tuân thủ các quy định tại từng thị trường đăng ký kinh doanh về chính sách bảo vệ, sử dụng và lưu chuyển thông tin cá nhân của người tiêu dùng. Chính sách thông tin còn cần tới sự phối hợp, tham gia của nhiều chủ thể, từ chính phủ, doanh nghiệp tới các phương tiện thông tin đại chúng và ngay cả bản thân người tiêu dùng trong việc định hướng các kiến thức tiêu dùng, cách thức tiến hành giao dịch thương mại điện tử an toàn và thông minh. Sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng góp phần đưa thông tin tới người tiêu dùng nhanh, kịp thời, mạng lưới bao phủ rộng và đảm bảo hiệu quả.

2. Thực trạng về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Hiện nay thói quen mua hàng của người tiêu dùng, chuyển từ thói quen mua hàng truyền thống sang mua hàng qua thương mại điện tử. Người tiêu dùng có thể mua sắm một cách thuận tiện trên các sàn giao dịch điện tử phổ biến như Lazada.vn, Sendo.vn, Tiki.vn, Adayroi.com, Lotte.vn, Shopee.vn, hoặc mua sắm trực tiếp trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo. Các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến trên trang thương mại điện tử cũng rất linh động, tạo nhiều chương trình quảng cáo, khuyến mãi để tiếp cận người tiêu dùng.

Cùng với sự ra đời của Thông tư hướng dẫn và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu đã giúp cải thiện tình hình tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động thương mại, nhiều tổ chức đã có tiến bộ rõ rệt và chủ động trong việc thực hiện tốt các quy định pháp luật. Kế hoạch hành động số 1907/QĐ-BCT của Bộ Công thương triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đã tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác tư vấn, hỗ trợ và giải quyết các yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng, ngày 07/9/2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) đã ban hành Quyết định số 82/QĐ-CT về việc thành lập Tổ Tư vấn, giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng.

Tuy nhiên so với thời gian trước thì hoạt động bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử có cải thiện hơn nhưng hiện vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để giúp nâng cao nhận thức của các tổ chức kinh doanh trên thị trường thương mại điện tử về tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Về cơ bản, các yêu cầu của người tiêu dùng đã và đang giải quyết theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền. Nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động kinh doanh trên thị trường thương mại điện tử, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để thị trường phát triển theo hướng minh bạch, bền vững, ổn định, tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến.

3. Những tồn tại hạn chế và nguyên nhân dẫn đến hạn chế việc bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử

Thứ nhất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến đảm bảo chất lượng hàng hóa

Quy định về tính chính xác, trung thực của thông tin liên quan đến hàng hóa, dịch vụ. Theo điều 12 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật số 59/2010/QH12) thì người tiêu dùng cần có những thông tin cơ bản nhất về hàng hóa như nguồn gốc xuất xứ, giá cả, chất lượng, tính năng, công dụng, cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người tiêu dùng cũng như nêu các biện pháp phòng ngừa, trách nhiệm bảo hành,… đồng thời nêu những thông tin cơ bản về tổ chức, cá nhân cung cấp, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như thương hiệu, năng lực hoạt động, địa điểm kinh doanh,… Từ những quy định trên cho thấy nghĩa vụ cung cấp thông tin của tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là hết sức cần thiết cho người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử. Bên cạnh đó văn bản pháp luật còn quy định rõ ràng cụ thể về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo hành hàng hóa, bồi thường thiệt hại do hàng hóa bị khuyết tật, không đúng như quảng cáo,… 

Thực tế hiện nay khi tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, người tiêu dùng thường nhận hàng sau khi ký vào giấy nhận hàng của bên giao hàng chứ không phải các chứng từ, hóa đơn từ bên bán. Một số trường hợp hàng hóa bị bên giao hàng làm hỏng hóc trong quá trình vận chuyển mà người mua không được biết tại thời điểm nhận hàng, đồng thời do không có giấy tờ, hóa đơn cụ thể của hàng hóa nên người tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn trong việc quy trách nhiệm hàng hóa bị hỏng hoặc không đúng thông số kỹ thuật như quảng cáo cho bên giao hàng hoặc bên bán hàng. Không cung cấp đầy đủ hóa đơn bán hàng cũng giúp cho người bán trốn tránh các nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Thứ hai, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thanh toán điện tử

Một thành phần quan trọng nữa góp phần vào sự phát triển thương mại điện tử Việt Nam, đó chính là sự phát triển vượt bậc về phương thức thanh toán trực tuyến. Khi mua hàng qua mạng, người tiêu dùng phải cung cấp những thông tin cá nhân như tài khoản ngân hàng, bệnh án, sở thích, số tài khoản, địa chỉ IP máy tính... đây là những thông tin rất nhạy cảm.

Vì thế, Điều 34 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định về các phương thức thanh toán thì thương nhân, tổ chức cá nhân kinh doanh phải công bố rõ ràng các phương thức thanh toán áp dụng cho hàng hóa dịch vụ được giới thiệu trên webisite. Nếu webite có chức năng thanh toán trực tuyến thì cần có cơ chế để khách hàng sử dụng chức năng được rà soát và xác nhận thông tin chi tiết về giao dịch trước khi thanh toán. Điều 46 Luật Giao dịch điện tử 2005 (Luật số 51/2005/QH11) ghi rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn các biện pháp bảo mật phù hợp với quy định của pháp luật khi tiến hành giao dịch điện tử. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng cũng như cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hay thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà mình tiếp cận nếu không được sự đồng ý của khách hàng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thời gian gần đây, cùng với sự bùng nổ về thương mại điện tử, ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều hiện tượng vi phạm về dữ liệu cá nhân. Lướt qua rất nhiều website thương mại điện tử và website của các doanh nghiệp Việt Nam, bên cạnh những trang có uy tín thì phần lớn các website khác không có một cam kết hay tuyên bố gì về việc đảm bảo giữ bí mật các thông tin cá nhân mà họ thu thập được khi khách hàng điền những thông tin về mình khi mua hàng. Khách hàng cũng không được biết những thông tin điền vào sẽ được sử dụng cho mục đích gì ngoài việc phục vụ cho giao dịch thương mại đang tiến hành.

Việc nới lỏng trong những chính sách về bảo vệ thông tin cá nhân cũng là mối nguy hại rất lớn đối với người tiêu dùng. Những vụ lấy trộm thông tin về tài khoản ngân hàng, làm giả thẻ thanh toán để mua hàng trên mạng hay rút tiền mà báo chí đã đăng tải trong thời gian qua là một biểu hiện cụ thể về tác hại của thông tin cá nhân bị xâm phạm, tiết lộ, gây thiệt hại không nhỏ đến tài sản, lợi ích của người thực hiện giao dịch.

Thứ ba, bảo vệ người tiêu dùng liên quan đến bí mật thông tin cá nhân

Theo khoản 2 điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh trong thương mại điện tử phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của người tiêu dùng khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trừ những trường hợp do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Luật Giao dịch điện tử 2005 cũng xác định nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức trong bảo đảm bí mật thông tin và không được chia sẻ thông tin của người khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Gần đây nhất là Luật An ninh mạng 2018 (Luật số 24/2018/QH14) cũng quy định về phòng chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng. Đồng thời Luật này cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực này.

Bên cạnh quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan trong việc bảo đảm an toàn thông tin cá nhân của người tiêu dùng, pháp luật Việt Nam còn quy định những chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm. Những người có hành vi vi phạm tùy vào tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự năm 2015.

Qua những con số cho thấy số lượng tin nhắn quảng cáo, tin nhắn rác phát hiện trên thị trường, quấy nhiễu người dùng vô cùng lớn. Bên cạnh các tin nhắn rác, người tiêu dùng cũng phải đối mặt với vấn đề là các cuộc gọi, thư rác chào mời mua bất động sản, sử dụng dịch vụ của ngân hàng, các trung tâm ngoại ngữ,… Các cuộc gọi, tin nhắn, email,… làm phiền của nhà mạng ảnh hưởng rất lớn tới thời gian của người tiêu dùng.

Thứ tư, bảo vệ người tiêu dùng liên quan đến giải quyết các tranh chấp

Bảo vệ người tiêu dùng trong quá trình sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Trong quá trình sử dụng hàng hóa, dịch vụ có thể xảy ra các vấn đề như hàng hóa bị lỗi, hư hỏng, có khuyết tật, … Từ Điều 447 đến Điều 449 Bộ luật Dân sự 2015 (Luật số 91/2015/QH13), Điều 49 Luật Thương mại 2005 đã quy định trách nhiệm bảo hành đối với sản phẩm hàng hóa dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp. Theo đó, nghĩa vụ bảo hành của bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ trong thương mại điện tử chỉ xuất hiện khi có sự thỏa thuận với người tiêu dùng hoặc bắt buộc theo quy định của pháp luật. Việc bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn chất lượng, số lượng, giá cả,… đã công bố hoặc hợp đồng đã giao kết được quy định tại Điều 23 và 24 của Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các Điều 437, Điều 438, Điều 448 của Bộ luật Dân sự 2015. Pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm, xử lý khuyết tật hàng hóa, bảo hành hàng hóa trong thương mại điện tử được quy định ở nhiều văn bản điều chỉnh các lĩnh vực chuyên môn, chưa tập trung thống nhất, nhiều thuật ngữ không được sử dụng đồng nhất nên đôi khi gây khó khăn cho người tiêu dùng khi muốn tiếp cận các quy định này để làm cơ sở bảo vệ mình trước các hành vi vi phạm của chủ thể kinh doanh trên mạng điện tử.

Bảo vệ người tiêu dùng trong vấn đề giải quyết tranh chấp về hợp đồng thương mại điện tử. Để giải quyết các tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh trong thương mại điện tử, pháp luật đã quy định trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp bằng các hình thức như thương lượng, trung gian hòa giải, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp dân sự thông qua thủ tục tố tụng tại Tòa án hoặc có thể áp dụng các biện pháp hành chính. Hiện nay, cơ chế giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng vẫn còn nhiều thiếu sót và hạn chế như chưa có quy định riêng biệt về thẩm quyền thụ lý giải quyết các vụ án, về vấn đề thu thập và đánh giá các chứng cứ.

Mặc dù vậy, người tiêu dùng chưa có ý thức trong việc khiếu nại, khởi kiện tổ chức cá nhân kinh doanh có hành vi vi phạm. Đây là một tình trạng phổ biến do người tiêu dùng chưa có ý thức trong việc tự bảo vệ quyền lợi của mình. Hơn nữa sự phức tạp trong thủ tục pháp lý và các chi phí phát sinh cũng là những cản trở lớn đối với việc khiếu nại, khiếu kiện của người tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng Việt Nam dễ dàng bỏ qua những tình huống bị tổ chức, cá nhân kinh doanh lừa dối trong quảng cáo, tiêu dùng mặc nhiên chấp nhận quyền lợi của mình bị vi phạm.

4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Thứ nhất, tăng cường hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đảm bảo chất lượng về hàng hóa

Nhà nước đã có những biện pháp nhằm tăng cường kiểm tra giám sát hạn chế hàng giả hàng nhái trong các giao dịch thương mại điện tử. Tiêu biểu là ngày 28/02/2020, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TCQLTT về việc thành lập Tổ công tác về thương mại điện tử. Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc tìm hiểu thông tin, mức độ uy tín của người bán để tránh tình trạng bị lừa đảo. người tiêu dùng cần phải kiểm tra hàng hóa cẩn thận khi nhận hàng. người tiêu dùng cũng cần yêu cầu người bán giao đầy đủ hóa đơn, chứng từ,… hợp pháp để được nhận những quyền lợi theo quy định. 

Thứ hai, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử

Triển khai hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử. Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử phải được thực hiện thường xuyên, xem trọng công tác phòng ngừa, các quy định của pháp luật phải kiểm soát được các hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ngay từ thời điểm đăng thông tin đặc tính kỹ thuật của hàng hóa, đến khi hợp đồng được xác lập, và các hoạt động sau bảo hành hàng hóa,… Kết hợp với phòng ngừa là xử lý nghiêm khắc, triệt để những hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử để ngăn ngừa, răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của các bên liên quan trong giao dịch thương mại điện tử.

Đồng thời, cần chủ động phối hợp với các đơn vị truyền hình, báo chí để cung cấp thông tin cho những sự kiện liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Thứ ba, tăng cường đảm bảo bí mật thông tin cá nhân và bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng

Nhà nước cần có sự thống nhất trong các văn bản quy phạm về thông tin cá nhân và bảo vệ thông tin cá nhân. Tăng chế tài xử phạt với những hành vi làm lộ thông tin cá nhân của người tiêu dùng. Các hành vi vi phạm xâm hại đến thông tin của người tiêu dùng có xu hướng gia tăng nhưng chế tài chưa đủ mạnh. Điều 288 Bộ luật Hình sự quy định về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên trên mạng máy tính, viễn thông” có thể chịu tù tới 7 năm nhưng chưa có quy định cụ thể trực tiếp về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới thông tin của người tiêu dùng.

Vì vậy để bảo vệ hữu hiệu quyền lợi của người tiêu dùng trong việc bảo đảm an toàn thông tin cá nhân, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh thương mại điện tử thì cần tăng chế tài đối với hành vi làm lộ thông tin người tiêu dùng đặc biệt là việc mua bán trao đổi thông tin cá nhân như hiện nay.

Thứ tư, giải pháp đối với người tiêu dùng để bảo vệ chính mình

Để có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi chính đáng của mình, người tiêu dùng cũng cần lưu ý một số điều khi thực hiện giao dịch điện tử, mua sắm trực tuyến như:

- Trước hết phải biết mình đang giao dịch với ai? Phải xác nhận được địa chỉ, số điện thoại trong trường hợp bạn có thắc mắc hoặc có vấn đề cần giải quyết.

- Phải biết chính xác những gì bạn cần mua: Đọc kỹ các hướng dẫn về sản phẩm (cách sử dụng, cách bảo quản, công dụng, cảnh báo…).

- Xác định giá cả bao gồm cả các chi phí (chi phí vận chuyển, bao gói và các chi phí có thể phát sinh). Kiểm tra các trang web cung cấp sản phẩm cùng loại để so sánh giá cả.

- Nên trả tiền bằng các thẻ tín dụng hoặc các thẻ trả tiền khác để được bảo vệ tối đa. Không nên gửi tiền mặt trong bất kỳ trường hợp nào.

- Kiểm tra kỹ các điều khoản của thỏa thuận như chính sách hoàn trả; ngày giao hàng; điều kiện bảo hành… Bạn có thể được hoàn trả tiền nếu hàng hóa không đúng như quảng cáo? Cần cụ thể ai là người phải trả các chi phí lưu kho, vận chuyển và thời hạn nhận lại tiền…

- In và lưu các hồ sơ có liên quan đến giao dịch bao gồm cả mô tả sản phẩm và giá cả, bản sao của email bạn gửi và nhận từ người bán; kiểm tra sao kê thẻ…

NGUYỄN THỊ HẢI YẾN

Đoàn 871 Tổng cục Chính trị

ĐẶNG ĐÌNH THÁI

Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4

Một số vướng mắc về tổng hợp hình phạt cải tạo không giam giữ

Bùi Thị Thanh Loan