Hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam

09/05/2019 07:04 | 4 năm trước

LSVNO - Trong những năm gần đây, xu hướng gửi tiền vào các tổ chức tín dụng (TCTD) của cá nhân, tổ chức ngày càng tăng. TCTD không ngừng hoàn thiện cơ cấu, tổ chức, quy chế hoạt động để đáp ứng nhu...

LSVNO - Trong những năm gần đây, xu hướng gửi tiền vào các tổ chức tín dụng (TCTD) của cá nhân, tổ chức ngày càng tăng. TCTD không ngừng hoàn thiện cơ cấu, tổ chức, quy chế hoạt động để đáp ứng nhu cầu gửi tiền của các chủ thể trong nền kinh tế. Tuy nhiên, kinh tế hiện nay của Việt Nam và thế giới vẫn chưa thật sự ổn định, biểu hiện thông qua các TCTD vẫn thua lỗ và đặc biệt là mất khả năng chi trả, thanh toán cho khách hàng.

Trước tình hình đó, Nhà nước đã sử dụng bảo hiểm tiền gửi (BHTG) như một công cụ để bảo vệ người gửi tiền và góp phần bảo đảm an toàn hệ thống tài chính - ngân hàng.

Vì vậy, các quy định về BHTG lần lượt ra đời, đặc biệt năm 2012, Luật Bảo hiểm tiền gửi đã được ban hành. Sau khi có hiệu lực, trải qua quá trình áp dụng trên thực tiễn, Luật BHTG đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc trong quy định pháp luật như: áp dụng mức phí BHTG đồng hạn nên không tạo ra sự bình đẳng giữa các TCTD; đồng tiền được bảo hiểm chỉ mới là đồng Việt Nam; về phí BHTG; về hạn mức trả tiền bảo hiểm…

Trước tình hình đó, đòi hỏi những nhà làm luật cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để những quy định pháp luật BHTG phù hợp hơn và đáp ứng yêu cầu thực tế của Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Những bất cập của pháp luật về BHTG ở Việt Nam

Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 có những tiến bộ hơn so với các văn bản pháp luật về BHTG trước đó. Cùng với đó là việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật như nghị định, thông tư được ban hành để hướng dẫn. Tuy nhiên, bên cạnh những tích cực, pháp luật về BHTG vẫn tồn tại những hạn chế sau:

Về đồng tiền được bảo hiểm khi tham gia BHTG

Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận. Theo đó, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của tổ chức, cá nhân bằng các loại tiền, không phân biệt nội tệ hay ngoại tệ.

Theo quy định của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2013 thì một bộ phận cá nhân không nhỏ theo quy định được sử dụng ngoại hối. Theo đó, công dân Việt Nam cũng được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm tại các TCTD được phép hoạt động ngoại hối.

Như vậy, việc nhận tiền gửi bằng ngoại tệ được quy định rất rõ trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và các văn bản pháp luật về ngoại hối. Điều này thể hiện việc nhận tiền gửi bằng ngoại tệ rất phổ biến và phát triển. Không những thế, nền kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nên trong xã hội tồn tại một nguồn ngoại tệ lớn, đặc thù là ngoại tệ khó tiêu dùng. Vì vậy, nhiều người dân đem gửi tại các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế đang phát triển, đồng nghĩa với việc thu nhập của các cá nhân ngày càng tăng cao. Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng ngoại tệ 9 tháng đầu năm 2017 ước tăng tới 12,9%, cao hơn hẳn mức 5,4% cùng kỳ năm trước. Huy động ngoại tệ tăng 4,3%, nhu cầu gửi tiền cũng ngày một tăng lên, lượng dự trữ ngoại tệ và tiền gửi ngoại tệ tại các TCTD ngày càng nhiều.  

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, đồng tiền được bảo hiểm chỉ là đồng Việt Nam của cá nhân tại các tổ chức tham gia BHTG. Do đó, chỉ BHTG đối với đồng Việt Nam như theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 là chưa phù hợp, không bảo vệ được những người gửi tiền bằng ngoại tệ tại các tổ chức tham gia BHTG, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền bằng ngoại tệ tại các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ở Việt Nam. Mặt khác, gây ra sự mất công bằng trong bảo hiểm đối với tiền gửi và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Về phí bảo hiểm tiền gửi khi tham gia BHTG

Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 không quy định rõ ràng, cụ thể về một mức phí hay khung phí mà thẩm quyền này thuộc về Thủ tướng Chính phủ theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Căn cứ vào khung phí BHTG, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức phí BHTG cụ thể đối với tổ chức tham gia BHTG trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này; tổ chức nào hoạt động tốt sẽ được hưởng mức phí thấp, tổ chức nào hoạt động kém sẽ phải áp dụng mức phí cao.

Tuy nhiên, qua hơn 5 năm Luật này có hiệu lực thì vẫn chưa có quy định bổ sung, quy định mới nào hướng dẫn chi tiết về khung phí BHTG. Phí BHTG vẫn áp dụng mức phí là 0,15%/năm tính trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG.

Việc áp dụng mức phí đồng hạng trong thời gian dài dẫn đến tình trạng không công bằng trong nộp phí bảo hiểm giữa các tổ chức tham gia BHTG. Bởi tất cả các tổ chức khi tham gia BHTG không phân biệt loại hình sở hữu, quy mô hoạt động, hiệu quả hoạt động đều áp dụng chung một mức phí; gây ra sự ỷ lại của các tổ chức tham gia BHTG, dù hoạt động thế nào đi nữa thì vẫn chịu mức phí như nhau nên các tổ chức này sẽ trở nên thụ động trong việc đề ra những chính sách đảm bảo an toàn hệ thống để bảo vệ người gửi tiền; như một sự bao cấp cho những tổ chức tham gia BHTG yếu kém, không tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các tổ chức tham gia BHTG trong hệ thống, làm gia tăng nguy cơ phát sinh rủi ro.

Dẫn đến một nghịch lý là các tổ chức tham gia BHTG gặp một số khó khăn về thanh khoản đã đẩy lãi suất huy động lên cao, đặt người gửi tiền vào rủi ro và có thể gây mất an toàn hệ thống ngân hàng. Cơ chế phí đồng hạng chưa thúc đẩy các tổ chức tham gia BHTG nâng cao chất lượng hoạt động để được áp dụng mức phí thấp hơn khi áp dụng loại phí theo mức độ rủi ro.

Như vậy, việc sử dụng công cụ phí BHTG được xem như một chế tài buộc các tổ chức tham gia BHTG thực hiện tốt các quy định pháp luật về BHTG, quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng nhằm góp phần vào sự ổn định chung của hệ thống tài chính - ngân hàng.

Khảo sát của Hiệp hội BHTG quốc tế tại 63 quốc gia trên thế giới cho thấy, năm 2017, có 38/63 nước đang áp dụng phí đồng hạng, 25/63 nước áp dụng mức phí phân biệt. Đặc biệt, hiện nay các nước áp dụng mức phí phân biệt dựa trên mức độ rủi ro như: Mỹ, Anh, Đức, Italya, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Canada, Urugoay, Phần Lan, Singapore,…

Về hạn mức tiền gửi được chi trả khi tham gia BHTG

Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

Hạn mức chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền khi Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam mới thành lập và đi vào hoạt động là 30 triệu đồng (bao gồm cả gốc và lãi). Đến năm 2005, hạn mức này đã được điều chỉnh từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng nhằm bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền theo mức tăng thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam.

Hiện nay, Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 không áp dụng cố định số tiền hạn mức chi trả, mà số tiền này sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ. Việc không quy định hạn mức BHTG bằng con số cụ thể mà do Thủ tướng Chính phủ quy định như trong Luật Bảo hiểm tiền gửi sẽ bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với từng thời kỳ, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế có nhiều biến động.

Theo quy định hiện hành, hạn mức chi trả BHTG là 75 triệu đồng (bao gồm cả gốc và lãi). Nghĩa là nếu gửi 100 triệu đồng, 500 triệu đồng hay nhiều hơn tại một tổ chức tham gia BHTG thì khi tổ chức tham gia BHTG đó mất khả năng chi trả hoặc phá sản thì người gửi tiền cũng chỉ được chi trả 75 triệu đồng.

Về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn, mặc dù hạn mức trả tiền đã được nâng lên so với năm 2005 nhưng mức này vẫn khá thấp bởi các điều kiện như tổng sản phẩm quốc nội (GDP), lạm phát, tỷ giá, lãi suất... đã có nhiều biến động trong thời gian qua. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quần đầu người năm 2005 ở nước ta là 642 USD (gần 10,1 triệu đồng), đến năm 2017 đạt 2.385 USD (gần 53,5 triệu đồng) tăng gần 5,3 lần trong khi đó hạn mức chi trả BHTG chỉ tăng 25 triệu đồng, tương đương 1,5 lần so với trước đây. Như vậy, tỷ lệ “Hạn mức/GDP bình quân đầu người” chỉ đạt hơn 1,4 lần.

Trong giai đoạn kinh tế bình thường, Hiệp hội BHTG quốc tế khuyến nghị hạn mức BHTG nên bảo vệ toàn bộ được 90% đến 95% số người gửi tiền; đồng thời tỷ lệ “Hạn mức/GDP bình quân đầu người” nên tối thiểu bằng 2 và tương đương với mức trung bình của các quốc gia có cùng trình độ phát triển dịch vụ ngân hàng.

 Hiện nay, thu nhập của người dân đã tăng khá cao so với nhiều năm trước đây. Trên 80% tiền gửi của cá nhân trên 100 triệu đồng, cao hơn so với hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định là 75 triệu đồng và con số đó có thể còn cao hơn trong thời gian tới. Do đó, trong trường hợp tổ chức tham gia BHTG mất khả năng chi trả BHTG hoặc phá sản thì đa số người gửi tiền sẽ phải chịu thiệt hại lớn hơn số tiền họ đã gửi.

Giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật về BHTG ở Việt Nam

 Qua thực tiễn đã chỉ ra những bất cập trong quy định pháp luật về BHTG. Vì vậy, tác giả đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật về BHTG như sau:

Về đồng tiền được bảo hiểm tiền gửi

Điều 18 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 quy định: “Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này”. Với quy định này cần bổ sung như sau:

1. Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này.

2. Chính phủ quy định cụ thể ngoại tệ được BHTG theo quy định tại khoản 1 Điều này trong từng thời kỳ.

Như vậy, ngoài việc chỉ quy định loại tiền được bảo hiểm là đồng Việt Nam thì cần quy định thêm ngoại tệ cũng là tiền được bảo hiểm bởi vì trong các TCTD nói chung và ngân hàng thương mại nói riêng ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại một lượng lớn tiền gửi bằng ngoại tệ. Do đó, trong từng thời kỳ, Chính phủ cần quy định về các loại ngoại tệ được bảo hiểm, một mặt để phù hợp với quy định về pháp luật ngoại hối, bảo vệ được đồng nội tệ, tránh tình trạng ngoại tệ hóa tiền tệ trong nước, mặt khác phù hợp với chính sách bảo vệ người gửi tiền.

Về phí bảo hiểm tiền gửi

Mặc dù Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 đã quy định Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định khung phí BHTG theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Căn cứ vào khung phí BHTG, Ngân hàng Nhà nước quy định mức phí BHTG cụ thể đối với tổ chức tham gia BHTG trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này. Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra là Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam vẫn áp dụng mức phí đồng hạng là 0,15%/năm tính trên số dư tiền gửi được bảo hiểm bình quân tại tổ chức tham gia BHTG.  

Để khuyến khích hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG cũng như tạo được sự công bằng cho các chủ thể, đồng thời đảm bảo được nguồn thu quan trọng cho tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để có nguồn vốn hoạt động, để thực hiện việc chi trả BHTG kịp thời, giảm bớt áp lực cho ngân sách Nhà nước, tác giả đề xuất cách tính phí BHTG như sau:

Một là, cần  xếp loại đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam không áp dụng cho quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, ngân hàng chính sách, ngân hàng phát triển vì đó là những TCTD đặc thù.

Hai là, đối với quỹ tín dụng nhân dân được xếp hạng theo Thông tư 42/2016/TT-NHNN.  

Ba là, đối với tổ chức tài chính vi mô chưa có cách xếp loại nên sẽ áp dụng mức phí đồng hạng là 1,0%/năm tính trên số dư tiền gửi được bảo hiểm bình quân tại tổ chức tham gia BHTG.

Về hạn mức chi trả BHTG

Đối với hạn mức trả tiền bảo hiểm là 75 triệu đồng (bao gồm cả gốc và lãi) theo Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg, nghĩa là người gửi tiền dù gửi bao nhiêu, 100 trăm triệu đồng hay 1 tỷ đồng thì hạn mức chi trả tiền BHTG cũng chỉ tối đa là 75 triệu đồng nếu rủi ro xảy ra. Việc áp dụng hạn mức trả tiền bảo hiểm như thế này cho tất cả các đối tượng gửi tiền sẽ gây ra tình trạng mất công bằng và không thực hiện được mục đích ban đầu của BHTG là bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền.

Để góp phần củng cố hơn nữa niềm tin người gửi tiền vào chính sách BHTG và hệ thống tài chính - ngân hàng thì đối với hạn mức trả tiền bảo hiểm cần phải thay đổi từ việc áp dụng mức chi trả tối đa là 75 triệu đồng sang áp dụng hạn mức trả tiền bảo hiểm mới cho người gửi tiền. Hiện nay, có hai quan điểm về hạn mức chi trả BHTG, đó là:

Quan điểm thứ nhất, nên nâng hạn mức chi trả BHTG lên một mức mới cố định với số tiền chi trả lớn hơn trước, được tính theo công thức hạn mức chi trả bằng 5,5 lần GDP;

Quan điểm thứ hai, hạn mức chi trả BHTG sẽ áp dụng theo tỷ lệ số tiền gửi của người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG. Tác giả đồng ý với quan điểm này và xin đề xuất hạn mức chi trả BHTG như sau:

Hiện tại, theo quy định tại Điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi:

1. Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

2. Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.

Với quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012, trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, cần quy định: “Hạn mức trả tiền bảo hiểm được tính theo tỷ lệ tối đa bằng 70% (bảy mươi phần trăm) số tiền gửi được bảo hiểm của người gửi tiền tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tùy vào điều kiện kinh tế trong từng thời kỳ”.

ThS. Trần Thế Hệ