Ảnh minh họa.
Vận dụng tinh thần văn bản hướng dẫn “hết đát”?
Vừa qua, TAND Tối cao đã ban hành Quyết định số 355/QĐ-TANDTC ngày 08/10/2021 về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ thuộc lĩnh vực của TAND Tối cao. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Theo Quyết định này, danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ thuộc lĩnh vực của TAND Tối cao gồm 08 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao và 06 Thông tư liên tịch do TAND Tối cao chủ trì soạn thảo. Lý do hết hiệu lực là các Nghị quyết, Thông tư nêu trong danh mục là văn bản hướng dẫn quy định của Bộ luật Hình sự 1999. Đến nay, Bộ luật Hình sự 1999 đã hết hiệu lực.
Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết có liên quan trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử đến nay chưa có văn bản mới hướng dẫn Bộ luật Hình sự 2015. Vấn đề này xử lý như thế nào? Chẳng hạn như việc xác định tài sản chiếm đoạt, theo tinh thần nội dung Thông tư liên tịch số 02/2001/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật Hình sự 1999, thì trường hợp qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, trực tiếp lấy lời khai người phạm tội, có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người phạm tội có ý thức chủ quan về giá trị tài sản mình chiếm đoạt trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt thì lấy giá trị tài sản đó để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ. Trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt nhưng không quan tâm đến giá trị tài sản thì áp dụng giá thị trường tại nơi xảy ra tội phạm và tại thời điểm phạm tội để truy cứu trách nhiệm hình sự… Thông tư liên tịch số 02 đã hết hiệu lực.
Khi Bộ luật Hình sự 1999 hết hiệu lực thì các văn bản hướng dẫn Bộ luật này đương nhiên hết hiệu lực. Từ ngày Bộ luật Hình sự 1999 hết hết hiệu lực đến nay đã khá lâu mới được TAND Tối cao công bố hết hiệu lực toàn bộ và đến nay vẫn chưa có văn bản mới thay thế hướng dẫn. Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn pháp luật hình sự, tố tụng hình sự gây khó khăn trong nhận thức và áp dụng pháp luật vào quá trình truy tố, xét xử, dẫn đến việc trả hồ sơ, thỉnh thị án kéo dài, không bảo đảm tính công khai minh bạch trong việc áp dụng pháp luật.
Tham khảo thực tiễn áp dụng và các công văn hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của VKSND Tối cao, TAND Tối cao cho thấy vẫn áp dụng “tinh thần” của các văn bản hướng dẫn Bộ luật Hình sự 1999, không trái với quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nhưng không viện dẫn điều, khoản của văn bản đó!
Công văn hướng dẫn và thực tiễn áp dụng pháp luật
Ngày 07/4/2017, TAND Tối cao ban hành Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC “Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ”, trong đó tại Mục 2, Phần II của Công văn này có giải đáp đối với vướng mắc “giới hạn của việc xét xử có quy định Tòa án có quyền xét xử khoản khác nặng hơn với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật. Vậy, trong quyết định đưa vụ án ra xét xử có phải ghi rõ khoản nặng hơn mà Tòa án sẽ xét xử không? Nếu không ghi rõ thì có bị xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì ảnh hưởng đến quyền bào chữa của bị cáo không?”.
TAND Tối cao giải đáp tình huống trên như sau: “Trường hợp nêu trên, Tòa án trả hồ sơ để VKS truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết. Nếu VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về khoản nặng hơn. Trong trường hợp này, quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi rõ tội danh, điều, khoản của Bộ luật Hình sự mà VKS truy tố và điều, khoản của Bộ luật Hình sự mà Tòa án sẽ xét xử để bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo; nếu quyết định đưa vụ án ra xét xử không ghi rõ tội danh, điều, khoản của Bộ luật Hình sự mà VKS truy tố và điều, khoản của Bộ luật Hình sự mà Tòa án sẽ xét xử là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”.
Hoặc tại tài liệu giải đáp về những khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự năm 2020 của VKSND Tối cao (do V7, V14 phối hợp thực hiện), theo đó tại Mục 57, Phần tố tụng hình sự, hướng dẫn: “Hội đồng xét xử có quyền áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và tình tiết định khung tăng nặng theo quy định tại khoản 2, Điều 298, Bộ luật Tố tụng hình sự để xử lý người phạm tội. Kiểm sát viên có quyền đề nghị hội đồng xét xử áp dụng thêm tình tiết tăng nặng mà không được đề nghị áp dụng thêm tình tiết định khung tăng nặng do bị giới hạn bởi quy định tại Điều 319, Bộ luật Tố tụng hình sự và khoản 3, Điều 321, Bộ luật Tố tụng hình sự”.
Vi phạm giới hạn xét xử: Hủy án
Thực tiễn báo chí đã phản ánh nhiều bản án sơ thẩm bị hủy án vì vi phạm giới hạn xét xử, gây bất lợi cho bị cáo.
Chẳng hạn tình huống bổ sung tình tiết tăng nặng không đúng bị hủy án tại Khánh Hòa. Nội dung vụ án như sau (1): Tối 06/01/2017, do mâu thuẫn từ trước, Nguyễn Phương Thịnh gọi điện thoại cho Việt, Nguyễn Đức Huy (Cu Em) cùng một số người khác đến thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đánh nhau với nhóm của Nguyễn Quốc Hưng. Sau đó, nhóm của Thịnh mang theo hung khí đi tìm nhóm Hưng. Khoảng 22 giờ cùng ngày, nhóm của Thịnh gồm chín người đi trên bốn xe mô tô từ Quốc lộ 1A đến khu tái định cư thuộc thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm. Lúc này, nhóm của Hưng cũng đang đi tới. Hai nhóm xông vào đánh nhau. Sau khi gây thương tích cho Nguyễn Quốc Tiên và Nguyễn Tấn Nhàn thì Việt bỏ trốn.
Trung tâm Pháp y tỉnh Khánh Hòa kết luận tỉ lệ thương tật của Tiên là 48%, Nhàn là 6%. Ngoài ra, Cu Em cũng bị thương tật 16%. Trong quá trình điều tra bổ sung, Nhàn có lời khai không yêu cầu khởi tố điều tra những người đã gây ra thương tích cho mình nên Cơ quan Cảnh sát điều tra không khởi tố điều tra.
Trong vụ án này, Thịnh, Hưng, Huy, Tiên, Nhàn cùng sáu bị cáo khác đã được TAND huyện Cam Lâm xử sơ thẩm hồi tháng 10/2018. Sáu bị cáo kháng cáo và đã được TAND tỉnh Khánh Hòa xử phúc thẩm hồi tháng 3/2019. Sau khi khởi tố bị can, Việt bỏ trốn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cam Lâm đã ra quyết định truy nã. Đến ngày 05/3/2019, Việt ra đầu thú.
Tháng 9/2020, TAND huyện Cam Lâm xử phạt bị cáo Việt sáu năm tù về tội cố ý gây thương tích. Việt kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Sau đó, VKSND huyện Cam Lâm kháng nghị phúc thẩm, đề nghị TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử phúc thẩm theo hướng áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2, Điều 51, Bộ luật Hình sự để giảm hình phạt cho bị cáo.
Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy cáo trạng của VKSND huyện Cam Lâm không truy tố bị cáo phạm tội với hành vi có tính chất côn đồ. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKS truy tố bổ sung tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có tính chất côn đồ là làm xấu đi tình trạng của bị cáo, gây bất lợi đối với bị cáo, vi phạm Điều 306 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Hành vi của bị cáo thể hiện tính côn đồ nhưng tòa sơ thẩm không trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm không thể hiện bị cáo có thể bị xét xử thêm hành vi có tính chất côn đồ là tình tiết tăng nặng định khung. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm vẫn xét xử và áp dụng tình tiết này đối với bị cáo là vi phạm giới hạn xét xử theo quy định tại khoản 1, Điều 298, Bộ luật Tố tụng hình sự. Vì vậy, tòa phúc thẩm quyết định hủy án sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.
Viện truy tố 01 tội, tòa xử 02 tội: Hủy án xử lại (2)
Đây là vụ án Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh phản ánh. Ngày 29/10, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã tuyên hủy án vụ Nguyễn Văn Hào (sinh năm 1982, quê quán Trà Vinh) bị VKS truy tố một tội nhưng tòa xử hai tội là “Dâm ô đối với trẻ em” và “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị là cấp sơ thẩm đã vi phạm việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội và giới hạn xét xử của Tòa án. Vì vậy, cần hủy bản án sơ thẩm để TAND TP. Hồ Chí Minh xét xử lại. Tại phiên phúc thẩm, đại diện VKS cho rằng truy tố một tội, tòa xử thêm tội là vi phạm về giới hạn xét xử. Tòa được phép đổi tội danh nặng hoặc nhẹ hơn so với cáo trạng nhưng không phải từ hành vi phạm tội lại xử thêm một tội danh mới ngoài tội VKS truy tố. Việc bản án tách tội danh tuyên xử bị cáo phạm hai tội là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Xử như vậy nhưng trước đó Luật sư và bị cáo không biết để thực hiện quyền bào chữa và tự bào chữa. Điều này là chưa bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội.
Đối với vụ án này, Cáo trạng của VKSND TP. Hồ Chí Minh truy tố Hào về tội "Hiếp dâm trẻ em" theo khoản 4, Điều 112, Bộ luật Hình sự 1999. Tuy nhiên, xử sơ thẩm, TAND TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt bị cáo Hào 04 năm tù về tội "Dâm ô đối với trẻ em" và 12 năm tù về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi", tổng hợp hình phạt là 16 năm tù. Sau đó, VKS có kháng nghị cho rằng, quyết định đưa vụ án ra xét xử đối với Hào là về tội "Hiếp dâm trẻ em". Tòa tuyên bị cáo hai tội là đã vi phạm khoản 1, Điều 298, Bộ luật Tố tụng hình sự về giới hạn xét xử “Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử”. Đồng thời, vi phạm Điều 16, Bộ luật Tố tụng hình sự về việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội. Bị cáo và Luật sư của bị cáo không biết Hội đồng xét xử sẽ áp dụng Điều 116, Bộ luật Hình sự 1999 và Điều 142, Bộ luật Hình sự 2015 để thực hiện quyền bào chữa và tự bào chữa.
Một số ý kiến cho rằng nội dung giải đáp tại Mục 2, Phần II Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của TAND Tối cao về việc hướng dẫn Tòa án các cấp trả hồ sơ để truy tố lại trong trường hợp cần xét xử về khoản khác nặng hơn với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng điều luật là không phù với quy định tại Điều 298, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Điều 7, Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP.
Cũng có ý kiến cho rằng, tài liệu giải đáp năm 2020 của VKSND Tối cao nêu trên cũng chưa phù hợp với khoản 2, Điều 21, Quy chế 505 quy định “Tại phiên tòa, sau khi xét hỏi, nếu có căn cứ rõ ràng để rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn; kết luận về khoản khác nhẹ hơn hoặc nặng hơn trong cùng điều luật làm thay đổi quyết định truy tố hoặc đường lối xử lý đã được lãnh đạo VKS cho ý kiến thì kiểm sát viên quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Sau phiên tòa, kiểm sát viên phải báo cáo ngay với lãnh đạo VKS…”.
Các công văn giải đáp hướng dẫn của TAND Tối cao và VKSND Tối cao không có giá trị pháp lý cao vì không phải nguồn luật, có mâu thuẫn với luật tố tụng nên trong thực tiễn áp dụng sẽ có khó khăn, bất cập. Điều đó cho thấy công tác ban hành văn bản hướng dẫn, giải thích pháp luật trong xét xử còn nhiều hạn chế.
Cần có hướng dẫn chính thức
Hướng dẫn xét xử cần phải được cơ quan có thẩm quyền ban hành chính thức cụ thể và không mâu thuẫn với các quy định của luật để không gây khó khăn cho công tác xét xử, phải trả hồ sơ kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị buộc tội. Với các tình huống liên quan đến “giới hạn xét xử”, cần có hướng dẫn áp dụng cho hai trường hợp sau:
(1) Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, nếu xét thấy cần xét xử bị cáo về khoản khác nặng hơn khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật thì thẩm phán ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử, nhưng phải ghi rõ tội danh, điều, khoản của Bộ luật Hình sự mà VKS truy tố và tội danh, điều, khoản của Bộ luật Hình sự mà Tòa án sẽ xét xử để bảo đảm quyền bào chữa cho người bị buộc tội.
(2) Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm mới phát hiện có đầy đủ căn cứ cho thấy bị cáo phạm ở khoản nặng hơn mà VKS đã quyết định truy tố, thì kiểm sát viên không được đề nghị áp dụng thêm tình tiết định khung tăng nặng do bị giới hạn bởi quy định tại Điều 306, 319 và khoản 3 Điều 321, Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó, Kiểm sát viên phải đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung, truy tố lại cho đúng.
Để tránh oan sai và hạn chế khiếu nại kéo dài trong hoạt động tư pháp, thực hiện cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, cần khắc phục tình trạng này. Thiết nghĩ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tăng cường thực hiện hoạt động giải thích những quy định của các đạo luật tư pháp mới ban hành, tạo sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng các quy định của pháp luật.
Theo đó, thẩm quyền hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử phải được thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chỉ Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mới có quyền ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Theo đó, các bộ, ngành cần chấm dứt việc ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật không đúng thẩm quyền.
(1) https://plo.vn/phap-luat/huy-an-vi-bo-sung-tinh-tiet-tang-nang-tai-toa-973497.html (2) https://plo.vn/phap-luat/vu-an-vien-noi-1-toi-toa-xu-2-toi-huy-an-xu-lai-1024831.html |
Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: Giới hạn của việc xét xử 1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử. 2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố. 3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh VKS truy tố thì tòa án trả hồ sơ để VKS truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu VKS vẫn giữ tội danh đã truy tố thì tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó. |
Điều 7, Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 của VKSND Tối cao - TAND Tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng, quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung: “Trường hợp tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi có căn cứ cho rằng bị can hoặc bị cáo phạm tội khác nặng hơn tội danh mà VKS đã truy tố thì thực hiện như sau: 1. Trường hợp phải thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can về tội danh khác nặng hơn thì VKS trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung để thay đổi tội danh và kết luận điều tra về tội danh khác nặng hơn; 2. Trường hợp VKS đã yêu cầu mà cơ quan điều tra không thực hiện thì VKS ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can về tội danh khác nặng hơn và yêu cầu cơ quan điều tra thực hiện theo quy định tại Điều 156 và Điều 180 của Bộ luật Tố tụng hình sự”. |
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ
Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa
Những vấn đề cần lưu ý khi áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường