(LSO) - Nhiều trường hợp, nguyên đơn hoặc tòa án liên lạc được với bị đơn qua điện thoại nhưng vì nhiều lý do khác nhau (như không muốn ly hôn, gây khó khăn cho nguyên đơn…) mà bị đơn không cho nguyên đơn hoặc tòa án biết địa chỉ nơi họ đang sinh sống, làm việc...
Một thực tế đang xảy ra là nhiều cặp vợ chồng do mâu thuẫn trong đời sống nên sống ly thân nhiều năm không gặp mặt nhau hoặc một bên vợ hoặc chồng đi làm thuê ở các tỉnh, thành phố lớn mà không cho vợ hoặc chồng biết địa chỉ. Sau khi thụ lý vụ án, tòa án không tống đạt được thông báo về việc thụ lý vụ án cho bị đơn do bị đơn không còn cư trú tại địa chỉ nguyên đơn ghi trong đơn khởi kiện.
Nhiều trường hợp, nguyên đơn hoặc tòa án liên lạc được với bị đơn qua điện thoại nhưng vì nhiều lý do khác nhau (như không muốn ly hôn, gây khó khăn cho nguyên đơn…) mà bị đơn không cho nguyên đơn hoặc tòa án biết địa chỉ nơi họ đang sinh sống, làm việc. Hoặc cũng có trường hợp người thân của bị đơn biết số điện thoại hoặc địa chỉ mới của bị đơn nhưng không cung cấp cho nguyên đơn hoặc tòa án biết. Trường hợp này, có tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án nhưng có tòa án giải quyết theo thủ tục chung. Điều này cho thấy nhận thức áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng còn khác nhau.
Một ví dụ cụ thể như sau: Anh Nguyễn Văn T. nộp đơn tại Tòa án nhân dân huyện X. yêu cầu giải quyết ly hôn vợ là chị Trần Thị H. Sau khi Tòa án thụ lý vụ án, Tòa án tiến hành tống đạt thông báo về việc thụ lý vụ án cho bị đơn là chị H. theo địa chỉ nguyên đơn ghi trong đơn khởi kiện. Tuy nhiên, khi đến nơi thì được biết chị H. đã đi làm ở thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm nay. Những dịp lễ tết chị H. có về quê thăm người thân nhưng người thân của chị H. cho biết không biết địa chỉ cụ thể nơi chị H. đang làm việc. Đại diện chính quyền địa phương nơi chị H. đăng ký hộ khẩu thường trú cũng xác nhận chị H. có hộ khẩu thường trú đúng như địa chỉ nguyên đơn ghi trong đơn khởi kiện và thỉnh thoảng cũng thấy chị H. về quê thăm người thân. Trường hợp này, thực tiễn hiện nay các tòa án vẫn còn quan điểm và cách giải quyết khác nhau.
Quan điểm thứ nhất nêu lập luận như sau: Tại các điểm a, c khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn quy định về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án (Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP) có hướng dẫn như sau: “2. Trường hợp sau khi thụ lý vụ án, tòa án không tống đạt được thông báo về việc thụ lý vụ án do bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không còn cư trú, làm việc hoặc không có trụ sở tại địa chỉ mà nguyên đơn cung cấp thì tòa án giải quyết như sau:
a) Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo địa chỉ được ghi trong giao dịch, hợp đồng bằng văn bản thì được coi là đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở. Trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thay đổi nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong giao dịch, hợp đồng mà không thông báo cho người khởi kiện biết về nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở mới theo quy định tại khoản 3 Điều 40, điểm b khoản 2 Điều 277 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tống đạt được cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
…
c) Trường hợp không thuộc điểm a, b khoản 2 Điều này mà tòa án đã yêu cầu nguyên đơn cung cấp địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng nguyên đơn không cung cấp được thì có quyền yêu cầu tòa án thu thập, xác minh địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp tòa án không xác định được địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này”.
Như vậy, hướng dẫn tại điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP là chỉ áp dụng cho các vụ án có tranh chấp liên quan đến các giao dịch, hợp đồng bằng văn bản. Vụ án ly hôn không thuộc trường hợp hướng dẫn tại điểm a khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP nên trong trường hợp trên thì Tòa án nhân dân huyện X. phải thông báo bằng văn bản để yêu cầu nguyên đơn là anh T. cung cấp địa chỉ mới của bị đơn là chị H. trong thời hạn từ 15 đến 30 ngày. Nếu anh T. không cung cấp được địa chị mới của chị H. thì Tòa án giải thích cho anh T. có quyền yêu cầu Tòa án thu thập, xác minh địa chỉ mới của chị H. theo quy định của pháp luật. Trường hợp Tòa án không xác định được địa chỉ mới của chị H. thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Tại các khoản 2, 3 Điều 5 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP có hướng dẫn như sau:
“2. Người khởi kiện đã cung cấp địa chỉ “nơi cư trú, làm việc, hoặc nơi có trụ sở” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho tòa án theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này tại thời điểm nộp đơn khởi kiện mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì được coi là đã ghi đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
3. Địa chỉ “nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan quy định tại điểm đ, e khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là địa chỉ người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã từng cư trú, làm việc hoặc có trụ sở mà người khởi kiện biết được gần nhất tính đến thời điểm khởi kiện và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh”.
Theo các tình tiết trong vụ án nêu trên thì anh T. đã “ghi đầy đủ và đúng địa chỉ của bị đơn” là chị H. nên Tòa án phải xem xét thụ lý vụ án theo thủ tục chung. Tại khoản 5 Điều 177 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt, thông báo, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, thực hiện thủ tục niêm yết công khai văn bản cần tống đạt theo quy định tại Điều 179 của Bộ luật này. Biên bản phải được lưu trong hồ sơ vụ án”. Do đó, Tòa án nhân dân huyện X. tiến hành lập biên bản về việc không tống đạt được các văn bản tố tụng của Tòa án và tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn là chị H. nếu chị H. vắng mặt.
Một lý do nữa, nếu nguyên đơn đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ của bị đơn và bị đơn không thuộc trường hợp biệt tích 02 năm liền trở lên mà tòa án yêu cầu nguyên đơn phải cung cấp cho được địa chỉ mới nơi bị đơn đang sinh sống, làm việc trong khi đó bị đơn thay đổi nơi cư trú nhưng không thông báo cho địa phương biết hoặc nhiều trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ thì vô hình chung, nguyên đơn sẽ không bao giờ ly hôn được bị đơn và quy định về việc niêm yết văn bản tố tụng hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng tại khoản 5 Điều 177 hoặc Điều 180 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không còn ý nghĩa nữa.
Ngoài ra, theo chúng tôi hiểu, hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP là áp dụng cho trường hợp trong đơn khởi kiện nguyên đơn không “ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
Khi đó, tòa án sẽ yêu cầu nguyên đơn cung cấp địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng nếu nguyên đơn không cung cấp được thì nguyên đơn có quyền yêu cầu tòa án thu thập, xác minh địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật. Còn nếu trong đơn khởi kiện nguyên đơn đã “ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” thì không áp dụng điểm c khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP để giải quyết. Trường hợp này tòa án cần áp dụng hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 của Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP để giải quyết vụ án theo thủ tục chung mà không được đình chỉ giải quyết vụ án như quan điểm thứ nhất.
Tình huống nêu trên thực tiễn rất hay xảy ra nhưng cách giải quyết giữa các tòa án hiện nay còn khác nhau. Vì vậy, rất mong bạn đọc cùng thảo luận và trao đổi thêm; đồng thời rất mong cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn hoặc giải đáp cụ thể hơn để việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn được thống nhất.
DƯƠNG TẤN THANH