/ Pháp luật - Đời sống
/ Kiến nghị xây dựng các chế tài xử lý đối với hành vi cản trở việc Luật sư gặp gỡ thân chủ

Kiến nghị xây dựng các chế tài xử lý đối với hành vi cản trở việc Luật sư gặp gỡ thân chủ

06/11/2023 18:45 |

(LSVN) – Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị xem xét, hủy bỏ khoản 3 Điều 10 Thông tư Liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2018. Đồng thời, cần xây dựng các chế tài xử lý và biện pháp xử phạt đủ tính răn đe đối với những hành vi vi phạm pháp luật của người tiến hành tố tụng, cản trở việc Luật sư gặp gỡ thân chủ, khách hàng của mình.


Ảnh minh họa.

Tại Báo cáo sơ kết thực tiễn 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) của Liên đoàn Luật sư Việt Nam gửi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao mới đây nêu rõ, khoản 2 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định: “Người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ hoặc nơi người bị tạm giữ hoặc nơi người bị tạm giữ, tạm giam đang khám bệnh, chữa bệnh; phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân, giấy tờ về việc bào chữa”.

Điểm a khoản 1 Điều 73 BLTTHS 2015 quy định người bào chữa có quyền “gặp, hỏi người bị buộc tội” và Điều 80 BLTTHS 2015 quy định khi gặp mặt người buộc tội thì “người bào chữa phải xuất trình văn bản thông báo người bào chữa, Thẻ Luật sư hoặc Thẻ Trợ giúp viên pháp lý hoặc Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân”.

Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 01/2018/TTLT lại nêu thêm quy định về “quyền giám sát” trong khi người bào chữa gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam: “3. Trường hợp cần phải giám sát cuộc gặp thì Thủ trưởng, người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức giám sát.

Mục đích của việc giám sát này chỉ là nhằm phát hiện người bào chữa vi phạm nội quy để xử lý thể hiện trong đoạn cuối của khoản 3, Điều 10: “Nếu người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người bào chữa có hành vi vi phạm nội quy cơ sở giam giữ hoặc cản trở việc giải quyết vụ án thì người có thẩm quyền giám sát phải dừng ngay cuộc gặp và lập biên bản, báo cáo với Thủ trưởng cơ sở giam giữ và thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết để xử lý.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng thực tiễn áp dụng các quy định này cho thấy: Theo quy định của BLTTHS và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, khi nhận được văn bản thông báo người bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam của cơ quan đang thụ lý vụ án thì cơ sở giam giữ tổ chức cho người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật, và luật sư chỉ cần xuất trình giấy tờ tuỳ thân, giấy tờ về việc bào chữa là đủ điều kiện để gặp người bị tạm giam, tạm giữ.

Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp, các Luật sư luôn bị hạn chế quyền gặp người bị tạm giữ, tạm giam do cơ sở giam giữ đều vận dụng quy định của Thông tư liên tịch, yêu cầu có sự giám sát của cơ quan tiến hành tố tụng (ví dụ, mặc dù vụ án đã kết thúc điều tra, Luật sư được quyền gặp và làm việc riêng với bị can, nhưng cơ sở giam giữ vẫn yêu cầu sự giám sát của Viện Kiểm sát, Tòa án). Nhiều Luật sư (người bào chữa) đã đi hàng trăm cây số đến trại tạm giam nhưng không thể có cuộc gặp với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Hiện nay, các trường hợp cần phải giám sát cuộc gặp chưa được quy định cụ thể dẫn đến khi áp dụng vào thực tiễn, quy định giám sát cuộc gặp được áp dụng chưa thống nhất, mang tính chủ quan của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Cụm từ “trường hợp cần phải giám sát” trong Thông tư đã đồng nhất thành vụ án nào cũng giám sát, gây khó khăn, cản trở người bào chữa.

Như vậy, việc gặp người bị buộc tội bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo theo quy định của BLTTHS là quyền quan trọng nhất (trừ trường hợp án an ninh quốc gia), không quy định việc cơ quan tố tụng (thụ lý vụ án) có quyền giám sát quá trình người bào chữa gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Tuy nhiên theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2018 thì lại quy định thêm về “quyền giám sát” này. 

Do vậy, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị xem xét, hủy bỏ khoản 3 Điều 10 Thông tư Liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2018.

Ngoài ra, cần xây dựng các chế tài xử lý và biện pháp xử phạt đủ tính răn đe đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong trường hợp nêu trên của người tiến hành tố tụng, cản trở việc luật sư gặp gỡ thân chủ, khách hàng của mình.

PHƯƠNG HOA

Cần xây dựng các quy định làm rõ vai trò của Luật sư trong giai đoạn thi hành án hình sự

Bùi Thị Thanh Loan