(LSO) - Trước khi chia tay người vợ vợ trẻ và con trai 7 tháng tuổi lên đường vào chiến trường miền Nam, anh Trần An hứa với vợ: Được ôm súng vào chiến trường đánh Mỹ là vinh dự, trách nhiệm của mỗi người dân, nhất là đối với lớp thanh niên như anh. Hẹn ngày thống nhất anh trở về với quê hương, trở về với gia đình, đoàn tụ với vợ con”. Thế nhưng, liệt sỹ Trần An đã ngã xuống. Ông không thể giữ được lời hứa với vợ con.

Hạnh phúc ngắn ngủi
Bà Trần Thị Liên (SN 1945), nguyên là giáo viên xã xã Đức Thanh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tỉnh- là vợ của liệt sĩ Trần An (SN 1944), hiện đang sống cùng người con trai duy nhất là Trần Văn Ninh tại khối 8, phường Hà Huy Tập, TP. Vinh, Nghệ An. Đã 52 năm trôi qua kể từ ngày tiễn chồng lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu, rồi hy sinh bà Liên chỉ mong mỏi một điều là tìm thấy hài cốt của chồng, đưa về nơi đất mẹ, sau này bà có về với tổ tiên để được nằm bên chồng, thỏa lòng mong đợi.
Bà Liên kể: “Tháng 12 năm 1966, tôi bén duyên và kết hôn với nhà tôi là Trần An, khi đó tôi mới bước sang tuổi 21. Vợ chồng sống bên nhau chưa tròn năm, thì cuối năm 1967, nhà tôi được lệnh lên đường vào chiến trường miền Nam. Ngày ấy, cháu Ninh đang chập chững những bước đi đầu tiên, chưa biết gọi bố, mẹ. Trước khi chia tay, nhà tôi dặn như an ủi vợ con: “Được ôm súng vào chiến trường đánh Mỹ là vinh dự, trách nhiệm của lớp thanh niên như anh. Hy vọng đến ngày chiến thắng anh sẽ về đoàn tụ với gia đình, sống bên em và con trai yêu quý”.
Sau 3 tháng huấn luyện tại Thanh Hóa, tiểu đội của Trần An trở lại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh 2 ngày để giao nhận quân vào chiến trường miền Nam. “Trước khi vào chiến trường, nhà tôi được ghé về nhà hai giờ đồng hồ, ăn vội bữa cơm với gia đình. Đó đó cũng là bữa cơm cuối cùng của vợ chồng tôi đã 52 năm với biết nỗi buồn và thương tiếc” bà Liên nói.
Được lệnh tăng cường vào chiến trường Quảng Trị, cắm chốt dọc đường 9 và sông Cam Lộ, trong một trận đánh, mặc dù bị thương, vì nhớ con trai đầu lòng bé nhỏ, chiến sĩ Trần An thường tranh thủ viết thư gửi về thăm hỏi gia đình, vợ con.
Trong mỗi bức thư, anh không quên động viên, dặn vợ nuôi dạy con ngoan, chăm mẹ già ốm yếu, các em nhỏ thay vì anh ở chiến trường xa, và hẹn ngày trở về đoàn tụ với gia đình. Trong bức thư viết ngày 24/5/1968, có đoạn: “Hôm nay nhân tiện có người trong đơn vị ra Bắc con tranh thủ viết thư về thăm gia đình, con chúc mẹ, vợ khỏe, con trai Trần Văn Ninh của bố chóng lớn, ngoan ngoãn là cha mừng…Mới đây, trong một trận chiến đấu tại Cam Lộ con cũng bị thương… hy vọng được ra Bắc ăn dưỡng. Nhưng vết thương đã lành lặn, nay con lại chuyển sang B dài, do đó không có điều kiện đó, mà chỉ hẹn ngày thống nhất lúc đó con mới trở về với quê hương, trở về với gia đình, với vợ và con trẻ để đoàn tụ”. Có ai ngờ đây là bức thư cuối cùng của liệt sĩ Trần An.
Bảy năm sau, kể từ ngày nhận được bức thư của chồng viết ngày 24/5/1968, bà Liên không nhận được tin tức về chồng, nhưng vẫn mòn mỏi nuôi con và chờ chồng. Trong khi vẫn đau đáu hy vọng có một ngày đón chồng trở về, thì ngày 20/4/1975, gia đình nhận được giấy báo tử Liệt sĩ Trần An đã hy sinh ngày 25/5/1968 tại chiến trường. Tức là ngày liệt sĩ Trần An hy sinh chỉ sau một ngày viết lá thư cuối cùng (24/5/1968) gửi về cho gia đình, mẹ con bà Liên.

Đoạn trường tìm mộ cha
Theo giấy báo tử số 158C, ngày 20/4/1975, liệt sỹ Trần An (SN 1944) cấp bậc Thượng sĩ, chức vụ Tiểu Đội trưởng, hy sinh ngày 25/5/1968 tại mặt trận phía Nam, mai táng tại nghĩa trang mặt trận. Do giấy báo tử không ghi cụ thể liệt sĩ Trần An mai táng tại Nghĩa trang địa phương nào…do đó việc tìm phần mộ gặp muôn vàn khó khăn, vất vả. Anh Trần Văn Ninh - con trai duy nhất của liệt sĩ Trần An tâm sự: “Những năm tìm kiếm phần mộ cha tôi là cả một hành trình gian nan và vất vả không kể hết được. Từ năm 1980, tôi cùng người thân trong gia đình nhiều lần đến các nghĩa trang liệt sĩ lớn, nhỏ các tỉnh phía tìm phần mộ cha tôi, nhưng đều thất vọng. Rất may, sau này gia đình tôi tình cờ gặp được bác Phan Văn Nông, cùng quê huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh trước đây cùng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị với cha tôi. Bác Nông cho biết, ngày 25/5/1968, trong một lần chiến đấu tại Cam Lộ, Quảng Trị, bố tôi bị thương, còn bác Nông sau đó đi bê dài, hai người mất liên lạc từ đó, không biết bố tôi mất hay sống”.

Theo lời kể của bác Phan Văn Nông thì Đơn vị sư 324 của ông có 3 Trung đoàn và 2 Tiểu đoàn trực thuộc cùng tham gia chiến đấu trên đất Quảng Trị. “Năm 1968, Tiểu đoàn của ông nhận được lệnh đánh thọc sâu xuống chợ Cam Chính (huyện Cam Lộ). Trong trận đánh này có nhiều đồng chí bị thương, trong đó có ông và đồng chí Trần An. “Riêng đồng chí An bị thương nặng, được đưa vào trạm quân y dã chiến cấp cứu. Tôi và đồng chí An mất liên lạc từ đó”, ông Phan Văn Nông kể.
Mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng với nghĩa tình đồng đội, cựu chiến binh Phan Văn Nông nhiều lần cùng anh Trần Văn Ninh - con trai Liệt sĩ Trần An có mặt tại đất Quảng Trị tìm kiếm phần mộ Liệt sĩ Trần An. Sau bao ngày nỗ lực tìm kiếm, có cả hy vọng lẫn thất vọng, giữa năm 1993, tại Khu nghĩa trang liệt sĩ xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (nơi trước đây ông Nông và đồng chí Trần An bị thương), gia đình lấy làm mừng mừng, tủi tủi khi phát hiện ngôi mộ số 419, khắc 2 chữ Trần An. Mặc dù chưa dám chắc là sự thật, nhưng mọi người đều khấp khởi trong lòng. “Bia đá khắc họ tên Trần An, nhưng không ghi năm sinh, ngày tháng hy sinh, quê quán. Theo người quản trang tại đây cho biết, phần mộ trên lâu nay không có ai đến nhận. Gia đình tôi cũng tin tưởng và hy vọng đây là phần mộ chí của cha tôi”, anh Ninh nói.

Để có cơ sở khẳng định phần mộ trên là cha ruột của mình hay không, sau khi tiến hành các thủ tục theo quy định, được sự nhất trí của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, năm 1995, gia đình đã lấy mẫu sinh phẩm hài cốt tại ngôi mộ liệt sĩ Trần An và gửi ra Hà Nội, đề nghị giám định ADN. Trong khi gia đình nóng lòng chờ đợi kết quả, 9 tháng sau (ngày 9/9/2014), Viện kỹ thuật hóa- Sinh và Tài liệu nghiệp vụ (thuộc Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) mới có thông báo trả lời: “Kết quả phân tích cho thấy mẫu không đảm bảo chất lượng để thực hiện phân tích ADN (hệ gen ty thể) lấy lại mẫu khác. “Nói là hài cốt nhưng khi bốc lên, tìm kiếm mãi chỉ thấy một vài cái răng và mẩu xương nhỏ, còn lại đã hóa thành đất”, anh Ninh nói.
Vui buồn lẫn lộn, sau bao nỗ lực tìm kiếm, mặc dù chưa có cơ sở khoa học kết luận hài cốt lấy từ phần mộ liệt sĩ Trần An là của chồng, cha, ông mình, nhưng hàng năm đến ngày giỗ liệt sĩ Trần An, ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7, anh Trần Văn Ninh - con trai duy nhất của Liệt sĩ Trần An cùng vợ con lại khăn gói lên đường vào Khu nghĩa trang Liệt sĩ xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị thành kính thắp nén nhang thơm kính dâng hương hồn Liệt sĩ Trần An.
HỮU TRỌNG