Ảnh minh họa.
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính cụ thể như sau:
"Điều 59. Xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính
1. Khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết sau đây:
a) Có hay không có vi phạm hành chính;
b) Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm hành chính;
c) Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;
d) Tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra;
đ) Trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật này;
e) Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt.
Trong quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định.
2. Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính phải được thể hiện bằng văn bản".
Việc xác minh tình tiết vi phạm được thực hiện theo biểu mẫu Biên bản số 05 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm này cùng với biên bản vi phạm hành chính ban đầu là cơ sở để người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt nếu còn thời hạn hoặc ban hành quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả nếu hết thời hạn ban hành quyết định xử phạt.
Trong thực tiễn áp dụng các quy định về xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính phát sinh những khó khăn, vướng mắc cần phải được hướng dẫn áp dụng một cách đồng bộ, thống nhất và đảm bảo tính pháp lý của biên bản xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính để người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
Những khó khăn, vướng mắc trong việc xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính:
Khoản 1 Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2012 quy định: "Khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết sau đây:...".
Quy định này trên thực tế xảy ra 03 trường hợp: Một là, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt tự mình xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính; hai là, giao cho người có thẩm quyền lập biên bản hành chính ban đầu xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính; ba là, người đại diện của cơ quan chuyên môn được ủy quyền lập biên bản xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính.
Ví dụ: Cán bộ địa chính phường A, huyện B, tỉnh C lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông K. Vụ việc không thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND phường A mà thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh C. Theo quy định thì phải chuyển biên bản vi phạm hành chính và toàn bộ hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính của ông K. đến Chủ tịch UBND tỉnh C để xử phạt theo thẩm quyền. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, Chủ tịch UBND tỉnh C xét thấy cần phải xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính để xác định rõ hành vi vi phạm hành chính trước khi ban hành quyết định xử phạt. Việc xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh C trong thực tiễn xảy ra 03 trường hợp sau:
Trường hợp 1: Chủ tịch UBND tỉnh C chuyển trả hồ sơ xử phạt đến Chủ tịch UBND phường A yêu cầu cán bộ địa chính phường A xác minh tình tiết vi phạm được thực hiện theo biểu mẫu Biên bản số 05 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ để làm rõ hành vi vi phạm hành chính của ông K. Cán bộ địa chính phường A ký vào Biên bản xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính với tư cách là người lập biên bản và chuyển đến Chủ tịch UBND tỉnh C để ban hành quyết định xử phạt (trường hợp này xảy ra rất phổ biến).
Trường hợp 2: Do vụ việc liên quan đến lĩnh vực đất đai, do đó, Chủ tịch UBND tỉnh C chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính của ông K. đến Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường để xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính. Sau đó, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giao Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (người có thẩm quyền quyền xử phạt) phối hợp với Chủ tịch UBND phường A và cán bộ địa chính phường A xác minh tình tiết vi phạm. Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ký vào biên bản xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính với tư cách là người lập biên bản và tham mưu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển hồ sơ đến Chủ tịch UBND tỉnh C để ban hành quyết định xử phạt (trường hợp này cũng xảy ra rất phổ biến).
Trường hợp 3: Chủ tịch UBND tỉnh C tự mình xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính theo quy định và trực tiếp ký vào biên bản xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính với tư cách là người lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (trường hợp này rất ít khi xảy ra).
Thực tế hiện nay, tại các địa phương đều có quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, trong đó có quy trình tiếp nhận, xử lý và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Thông thường, sau khi Văn phòng UBND cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh xử phạt vi phạm hành chính do người lập biên bản vi phạm hành chính chuyển đến thì xử lý theo hướng giao cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (lĩnh vực đất đai thì giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì; lĩnh vực xây dựng thì giao Sở Xây dựng chủ trì; lĩnh vực an ninh trật tự thì giao Công an tỉnh, thành phố chủ trì;…).
Sau đó, cơ quan chuyên môn được giao chủ trì thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành quyết định xử phạt; nếu không đủ điều kiện thì chuyển trả đến người lập Biên bản vi phạm hành chính ban đầu để hoàn chỉnh hồ sơ vi phạm, trong đó có yêu cầu người lập Biên bản vi phạm hành chính tiến hành lập biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính sau đó chuyển đến Cơ quan chuyên môn được giao chủ trì trình hoặc Văn phòng UBND cấp tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt.
Theo mục 1 Biên bản số 05 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ về xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính quy định người có thẩm quyền lập Biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính như sau: "Ghi họ và tên của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc hoặc họ và tên của người đại diện được người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ủy quyền.". Như vậy, trong trường hợp Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính thì phải là người ký vào biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính với tư cách là người lập biên bản. Trong trường hợp, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền cho cơ quan chuyên môn xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính thì Giám đốc Sở phải ký vào biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính với tư cách là người lập biên bản.
Theo quan điểm cá nhân, tác giả cho rằng quy định này là thiếu tỉnh khả thi, vì trên thực tế rất ít trường hợp Chủ tịch UBND cấp tỉnh (người có thẩm quyền xử phạt) hoặc Giám đốc Sở (người đại diện của cơ quan được Chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm) ký vào biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính với tư cách là người lập biên bản.
Kiến nghị biện pháp xử lý
Theo quy định, khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập theo đúng quy định tại Điều 58 Luật XLVPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ.
Như vậy, người lập biên bản phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, khách quan, đúng quy định đối với vụ việc vi phạm hành chính. Khi chuyển vụ việc vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nhưng biên bản vi phạm hành chính không đảm bảo theo quy định, không rõ hành vi vi phạm, không xác định được đối tượng, tang vật, phương tiện vi phạm và các tình tiết tặng, giảm nhẹ… thì buộc người có thẩm quyền xử phạt phải trả hồ sơ để xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính - trách nhiệm này thuộc về người lập biên bản vi phạm hành chính ban đầu và buộc người này phải có trách nhiệm xác minh và ký vào Biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính với tư cách là người lập biên bản; đồng thời, hoàn chỉnh hồ sơ chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt.
Từ những quy định, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị biện pháp xử lý nêu trên, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn nghiệp vụ để người có thẩm quyền xử phạt tại các địa phương áp dụng thống nhất, đồng bộ trong quá trình xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính hiện nay.
Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum