(LSO) - Pháp luật tố tụng hình sự không có quy định về xét xử lưu động, việc xét xử luôn phải bảo đảm công bằng, khách quan, toàn diện, triệt để và đầy đủ. Do vậy, dù xét xử lưu động hay xét xử tại trụ sở tòa án về nguyên tắc là giống nhau và không có sự phân biệt.
Xét xử lưu động là gì?
Pháp luật tố tụng hình sự không có quy định riêng về xét xử lưu động, về phiên tòa lưu động mà chỉ có quy định về xét xử công khai và xét xử kín. Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai. Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ một số trường hợp cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
Địa điểm mở phiên tòa được Tòa án ấn định trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Điều 255 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định quyết định đưa vụ án ra xét xử cần ghi ngày, tháng, năm ra quyết định; tên Tòa án ra quyết định; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa… Pháp luật không quy định trường hợp nào thì phải xét xử tại Trụ sở tòa án, trường hợp nào được xét xử ngoài trụ ở Tòa án tức xét xử lưu động.
Mặc dù, không được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự nhưng khái niệm xét xử lưu động được thể hiện tại một số văn bản khác như tại Nghị quyết 37/2012/QH13 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013, Quốc hội nêu rõ: Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các Tòa án tiếp tục đẩy mạnh việc tranh tụng tại phiên tòa; bảo đảm việc giải quyết, xét xử và ra bản án, quyết định đúng pháp luật, nhất là đối với các vụ án dân sự, hành chính. Nâng tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự và tăng số vụ án hình sự xét xử lưu động. Tuy nhiên, đến Nghị quyết số 96/2019/QH14 thay thế cho Nghị quyết 37, Quốc hội đã không đề cập đến vấn đề xét xử lưu động. Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân một số tỉnh cũng có quy định về chế độ hỗ trợ, chính sách đối với việc xét xử lưu động.
Tóm lại, xét xử lưu động hay phiên tòa lưu động thực chất là việc xét xử công khai được tổ chức ngoài trụ sở tòa án trong trường hợp cụ thể do Tòa án quyết định.
Xét xử lưu động có gì khác biệt?
Pháp luật tố tụng hình sự không có quy định về xét xử lưu động, việc xét xử luôn phải bảo đảm công bằng, khách quan, toàn diện, triệt để và đầy đủ. Do vậy, dù xét xử lưu động hay xét xử tại trụ sở tòa án về nguyên tắc là giống nhau và không có sự phân biệt.
Tuy vậy, qua thực tiễn tôi nhận thấy tâm lý chung của bị cáo và thân nhân của họ luôn không đồng tình việc bị đưa ra xét xử lưu động vì họ thường cho rằng mức án khi bị đưa ra xét xử lưu động thường cao.
Bị cáo bị đưa ra xét xử lưu động bị áp lực rất lớn, ảnh hưởng lớn đến tâm lý khai báo của họ. Tâm lý, uy tín của người bị xét xử lưu động bị ảnh hưởng, do đó họ sẽ khó có khả năng hòa nhập với cộng đồng sau khi phải chấp hành án. Đồng thời, việc xét xử công khai giữa hàng trăm, hàng nghìn người cũng gây nên tâm lý hoang mang, xấu hổ đối với người thân của người phạm tội.
Người bị đưa ra xét xử lưu động chịu sức ép rất lớn trước dư luận ngay khi xuất hiện tại phiên tòa mặc dù theo quy định một người không thể bị coi là có tội trước khi có phán quyết của tòa án.
Tham dự phiên tòa của Cộng hòa Liên bang Đức, tôi được giới thiệu về cái gọi là “Con đường than thở”. Tại Đức, trường hợp người bị đưa ra xét xử mà giam, giữ họ có một đường riêng dẫn đến phòng xử án để tránh việc họ có thể phải gặp mặt mọi người trên đường bị dẫn giải đến tòa và người ta gọi con đường đó là “con đường than thở” vì bị dẫn giải trên còn đường đó chỉ có bị giam giữ và những người bị giam giữ thường than thân, trách phận.
Tất nhiên, dưới góc độ răn đe tội phạm thì hoạt động xét xử lưu động vẫn là công cụ phát huy hiệu quả cao, phiên tòa lưu động là cơ hội để trực tiếp chuyển tải các quy định của pháp luật đến với người dân; ngoài tác dụng phổ biến pháp luật còn có tác dụng cảnh báo, răn đe giáo dục chung đối với mọi người.
Gần 20 năm hành nghề Luật sư, tôi đã tham gia bào chữa, bảo vệ trên chục vụ án được đưa ra xét xử lưu động và đã chứng kiến nhiều chuyện phát sinh từ những phiên tòa xét xử lưu động.
Về vấn đề an ninh, an toàn cho người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng: Trong một vụ án giết người, tôi tham gia bào chữa cho một bị cáo vị thành niên bị đưa ra xét xử tại UBND xã nơi xảy ra vụ việc. Phiên tòa có rất đông người tham dự do cả bị cáo, bị hại cùng ở một xã. Mẹ bị cáo là người giám hộ vắng mặt (bố bị cáo cũng bị đưa ra xét xử trong vụ án), với tư cách Luật sư bào chữa tôi buộc phải đề nghị hoãn phiên tòa và được Hội đồng xét xử chấp nhận. Nhưng ngay khi Hội đồng xét xử tuyên bố hoãn phiên tòa, rất đông người dân đã phản ứng quyết liệt. Rất may tôi đã được Cơ quan Công an hỗ trợ, bảo vệ và ra về bằng xe chuyên dụng của Công an.
Về cơ sở vật chất, tính tính uy nghiêm của phiên tòa: Do xét xử ngoài trụ sở, Tòa án sẽ phải bố trí hội trường xét xử theo quy định. Nhưng các hội trường xét xử này sẽ không thể được như tại trụ sở tòa án. Các phòng xét xử này thiếu tính uy nghiêm, các vị trí chỗ ngồi, âm thanh, ánh sáng… đôi khi chưa tuyệt đối đảm bảo quy định đặc biệt là với các hội trường xét xử ngoài trời.
Không phải phiên tòa lưu động nào cũng có đông người tham dự, tôi đã tham dự một phiên tòa lưu động về tội “Giết người” tại Trụ sở UBND phường nhưng vụ án đó không hiểu vì sao cũng không có người dân đến tham dự.
Về kinh phí tổ chức: Để tổ chức một phiên tòa lưu động đòi hỏi rất nhiều khâu từ công tác chuẩn bị, việc dự báo đánh giá, dự đoán tình huống, sự tham gia của nhiều lực lượng… Chi phí để tổ chức một phiên tòa lưu động cũng rất tốn kém.
Những lưu ý, chuẩn bị đối với phiên tòa xét xử lưu động
Để đảm bảo việc bào chữa, bảo vệ tại các phiên tòa lưu động, theo tôi cần một số lưu ý và yêu cầu sau:
- Hạn chế việc đề nghị hoãn phiên tòa trừ trường hợp bất khả kháng, tránh tuyệt đối việc hoãn phiên tòa, nếu cần thiết có thể trao đổi nghiệp vụ với Tòa án. Thực tế, các vụ án đưa ra xét xử lưu động Tòa án cũng thường trao đổi đề nghị Luật sư phối hợp.
- Cân nhắc và tiết chế các nội dung phát biểu tại phiên tòa đảm bảo trọng tâm, trọng điểm tránh bị kích động. Nhưng đây cũng chính là điểm hạn chế, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến kết quả của việc bào chữa.
- Phải chuẩn bị phương tiện và tìm hiểu về đường đi trước, tôi luôn đến địa điểm mở phiên tòa lưu động để tìm hiểu trước về đường đi đến địa điểm tránh bị lạc.
- Cố gắng trao đổi với bị cáo và thân nhân để có ứng xử phù hợp tại phiên tòa tránh các xung đột, mâu thuẫn không cần thiết. Nhưng đây cũng là nội dung rất khó khăn vì gần như tất cả các bị cáo và thân nhân đều đề nghị Luật sư giúp họ hoãn phiên tòa nếu bị xét xử lưu động. Còn nhớ, tôi tham gia một vụ án tòa án xét xử lưu động đối với bị cáo đang chấp hành hình phạt tù thì phạm tội mới đến giờ xét xử không thấy cảnh sát dẫn giải bị cáo đến sau đó mới được thông báo buổi sáng bị cáo đi vệ sinh bị choáng ngã không thể tham dự phiên tòa.
Vì vậy, đối với các phiên tòa lưu động, cần nâng cao hơn nữa vấn đề hỗ trợ tư pháp nhằm đảm bảo, bảo vệ an ninh, an toàn phiên tòa trong những trường hợp cần thiết.
Luật sư TRẦN VĂN AN
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang