Một số ý kiến trao đổi về 6 tình tiết giảm nhẹ chưa quy định tại BLHS 2015 do TAND Tối cao đề xuất [1]

15/04/2024 22:09 | 2 tuần trước

(LSVN) - Quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có tính mở, nhằm tạo điều kiện cho Toà án áp dụng pháp luật một cách mềm dẻo, linh hoạt, không cứng nhắc, một mặt tăng thêm thẩm quyền áp dụng pháp luật cho Toà án, mặt khác bảo đảm áp dụng pháp luật được áp dụng một cách chính xác nhất. Tuy nhiên, quy định này cũng gây khó khăn cho hoạt động thực tiễn và dễ dẫn đến khả năng Toà án đưa ra các tình tiết theo ý chí chủ quan và không có tính thuyết phục, vì thế, việc hướng dẫn áp dụng khoản 2 Điều 51 là việc làm cần thiết và có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiến.

Ảnh minh hoạ. 

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là những biểu hiện về các yếu tố, điều kiện, hoàn cảnh, tình huống có ảnh hưởng đến việc thực hiện tội phạm, qua đó phản ánh mức độ nguy hiểm thấp hơn của hành vi phạm tội và là cơ sở để người phạm tội có thể được hưởng mức án thấp hơn. Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS), trong các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật hoặc do Toà án cân nhắc, xem xét quyết định trong quá trình xét xử các vụ án cụ thể, phản ảnh chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội [2].

Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, nhà làm luật đã liệt kê 22 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại quy định này vẫn chưa bao trùm hết tất cả mọi tình huống có thể xảy ra. Vì thế khoản 2 Điều 51 quy định khi quyết định hình phạt, Toà án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

Quy định tại khoản 2 Điều 51 có tính mở, nhằm tạo điều kiện cho Toà án áp dụng pháp luật một cách mềm dẻo, linh hoạt, không cứng nhắc, một mặt tăng thêm thẩm quyền áp dụng pháp luật cho Toà án, mặt khác bảo đảm áp dụng pháp luật được áp dụng một cách chính xác nhất. Tuy nhiên, quy định này cũng gây khó khăn cho hoạt động thực tiễn và dễ dẫn đến khả năng Toà án đưa ra các tình tiết theo ý chí chủ quan và không có tính thuyết phục. Vì thế, việc hướng dẫn áp dụng khoản 2 Điều 51 là việc làm cần thiết và có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiến.

Hiện nay, Toà án nhân dân (TAND) Tối cao đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 51 của BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, dự thảo quy định về các tình tiết sau đây "có thể coi" là tình tiết giảm nhẹ (tức hướng dẫn về các tình tiết khác tại quy định tại khoản 2 Điều 51) để Toà án xem xét, quyết định nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án, bao gồm:

(1) Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;

(2) Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khỏe của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;

(3) Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu;

(4) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế được cấp có thẩm quyền xác nhận, nhưng vì lý do khách quan chưa kê khai đề nghị nên chưa có Huân, huy chương;

(5) Bị cáo có nhiều con còn nhỏ, vợ không có công ăn việc làm, gia đình khó khăn hoặc bị cáo được khen thưởng của Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, Công ty, xí nghiệp tặng giấy khen;

(6) Bị cáo có bà ngoại là người được Nhà nước tặng danh hiệu Người mẹ Việt Nam anh hùng hoặc có cha, mẹ được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen trong quá trình học tập và công tác.

Qua nghiên cứu các tình tiết trên của dự thảo, tác giả bày tổ sự đồng tình với dụ thảo. Tuy nhiên, có một số khía cạnh cần  phân tích trao đổi thêm:

Thứ nhất, về tình tiết thiệt hại do lỗi của người thứ ba

Quy định này của dự thảo là không rõ ràng, khó hiểu, khó vận dụng trong thực tiễn, rất khó hình dung khi nào thì hành vi tội phạm gây thiết hại do lỗi của người thứ 3. Do vậy, để tạo điều kiện  thuận lợi cho hoạt động thực tiễn, dự thỏa cần hoàn thiện theo hướng đưa ra một số ví dụ cụ thể để minh họa để giúp những người áp dụng pháp luật có thể hiểu một cách dễ dàng, áp dụng pháp luật một cách chính xác.

Thứ hai, về tình tiết người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khỏe của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản

Về cơ bản, tác giả tán thành với đề xuất của dự thảo. Tuy nhiên, hợp lý hơn nên mở rộng quy định trên theo hướng tình  tiết giảm nhẹ này không chỉ áp dụng đối với trường hợp trên mà áp dụng cả đối với trường hợp người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp gây thiệt hại cho nạn nhân của các vụ án chỉ được khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại. Cụ thể là các tội quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156. Cơ sở để đưa ra đề xuất này là nhà làm luật tôn trọng quyền tự quyết định của bị hại đối với việc có khởi tố để bắt buộc người gây thiệt hại cho mình phải chịu sự trừng phạt của pháp luật hay không? Vì vậy, cũng nên trao cho họ quyền được yêu cầu Toà án giảm nhẹ hình phạt cho người phạm tội.

Như vậy, tình tiết này có  thể quy đinh như sau: Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ, gây thiệt hại về tài sản, hoặc thiệt hại cho  cho bị hại trong các vụ án về các tội quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của BLHS.

Thứ ba, về tình tiết bị cáo có bà ngoại là người được Nhà nước tặng danh hiệu Người mẹ Việt Nam anh hùng hoặc có cha, mẹ được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen trong quá trình học tập và công tác

Trước hết là về tình tiết về tình tiết bị cáo có bà ngoại là người được Nhà nước tặng danh hiệu Người mẹ Việt Nam anh hùng: Dự thảo đưa ra quy định này là nhằm tri ân công lao của bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tuy nhiên, giả sử một bà mẹ Việt Nam anh hùng có người cháu ngoại bất hiếu, phạm tội, bản thân bà ngoại rất muốn người cháu này được pháp luật trừng trị để giáo dục cai tạo trở thành công dân có ích cho xã hội… thì mục đích của quy định trên không đạt được… Do đó cần có điều kiện rang buộc đó là bà ngoại là bà mẹ Việt Nam anh hùng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.

Về tình tiết bị cáo có cha, mẹ được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen trong quá trình học tập và công tác.. Theo logic thông thường nếu cha mẹ được thưởng nhiều giấy khen, bằng khen trong quá trình học tập và công tác thì có nghĩa là họ là những công dân gương mẫu, do đó con cái phải gương mẫu để không làm hoen ố truyền thống gia đình, ngược lại họ vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý hình sự và được hưởng tình tiết giảm nhẹ thì không hợp lý, hơn nữa tình tiết này không hợp lý vì vi phạm nguyên tắc mọi công dân bình đẳng trước pháp luật.

Do đó tình tiết này chỉ nên quy định: "Bị cáo có bà ngoại là người được Nhà nước tặng danh hiệu Người mẹ Việt Nam anh hùng và có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo".

Thứ tư, cần bổ sung thêm tình tiết bị cáo là cha, mẹ, hoặc là người nuôi dưỡng học sinh, sinh viên đoạt giải thưởng quốc gia hay giải thưởng quốc tế (tương tự như trường hợp một bị cáo đã được hưởng tình tiết giảm nhẹ  do có con trai có thành tích học tập xuất sắc đoạt giải thưởng trong vụ án chuyến bay giải cứu. Thiết nghị, tình tiết này dễ dàng chấp nhận vì bị cáo có công nuôi dưỡng những mầm non tài năng cho đất nước  họ xứng đáng được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

[1] Toà án nhân dân Tối cao đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 51 (tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự) và Điều 52 (tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự) của BLHS 2015.

[2] http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207223.

Tiến TRẦN ĐÌNH THẮNG

Khoa Luật, Trường Đại học Công nghệ Đông Á

Xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ đối với người nước ngoài một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện

 

 

Từ khoá : lsvn.vn LSVN