Hiện nay, với nhiều quy định mới thì vai trò của Luật sư tham gia trong vụ án hình sự càng được mở rộng. Cụ thể, Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định rất nhiều trường hợp là được tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa; tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ.
Tiếp theo đó, Thông tư số 46/2019/TT-BCA cũng có những quy định rất rõ về thời điểm, trình tự đăng ký bào chữa, bảo vệ như tại Điều 7 của Thông tư:
“1. Thời điểm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố tham gia tố tụng kể từ khi có Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và có căn cứ xác định tư cách tham gia tố tụng của bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
2. Thời điểm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự kể từ khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự và có căn cứ xác định tư cách tham gia tố tụng của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự".
Thực tiễn trong quá trình hành nghề, người tố giác có nhu cầu cần Luật sư để tư vấn, hỗ trợ pháp lý trong việc tố giác cũng như trong quá trình lấy lời khai tại các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, Luật hiện hành chưa có những quy định rõ ràng trong việc nhờ người bảo vệ trong toàn bộ quá trình tố giác. Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng không nói về vấn đề này.
Chính vì không đề cập trong các quy định của pháp luật, do vậy trong thực tế thì Cơ quan Điều tra đã gây khó khăn cho người tố giác trong việc cần Luật sư cùng mình trong những lần làm việc với cơ quan điều tra.
Thiết nghĩ, cần có những hướng dẫn, bổ sung trong các quy định của pháp luật để đảm bảo quyền của người tố giác.
Luật sư TRẦN VĂN ĐỨC
Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng
Giải quyết vụ án có đồng phạm: Một số lưu ý và sai sót thường gặp