/ Trao đổi - Ý kiến
/ Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con khi không sống cùng con

Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con khi không sống cùng con

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Hiện nay, pháp luật rất quan tâm và bảo vệ quyền và lợi ích cho trẻ em, nhất là những trẻ được sinh ra mà bố hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng, bố mẹ ly hôn. Trong thời gian tới Đảng, Nhà nước cần điều chỉnh quy định pháp luật này theo hướng tăng chế tài xử phạt hành chính và tăng nặng chế tài xử lý hình sự để buộc những người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện trách nhiệm của mình đối với con chưa thành niên khi không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con.

Ảnh minh họa.

Cha mẹ phải cấp dưỡng cho con khi không sống cùng con

Pháp luật quy định cha mẹ có nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc, giáo dục, trông nom, nuôi dưỡng, đảm bảo quyền, lợi ích của con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi sống bản thân. Do đó, những người cha, người mẹ khi sinh ra con cần thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ này đối với con.

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã quy định rõ, cha mẹ nếu không sống cùng con thì phải cấp dưỡng cho con. Cụ thể, Điều 81, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã nêu rõ về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn: "Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan; Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con; Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con".

Đối với cha mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì phải thực thực hiện các nghĩa vụ sau: Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi; Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con; Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó, thực hiện theo Điều 82, Luật Hôn nhân và Gia đình.

Người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với con: Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; Yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Thực hiện theo Điều 83, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Bởi vậy, mặc dù cha mẹ đã ly hôn, nhưng người không sống cùng con sẽ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định nêu trên.

Trường hợp không đăng ký kết hôn, thì cha mẹ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con

Tại khoản 5, Điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình nêu rõ: Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Như vậy, việc kết hôn không chỉ xác lập quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng mà còn là căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con cái, trong đó có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con. Tại khoản 24, Điều 3 cũng nêu rõ: Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu. Nên chỉ khi được xác nhận quan hệ huyết thống, hôn nhân hoặc nuôi dưỡng thì mới xảy ra nghĩa vụ cấp dưỡng.

Nếu cha mẹ chỉ sống với nhau như vợ chồng và có con chung, thì để thực hiện yêu cầu cấp dưỡng thì phải làm thủ tục xác nhận cha, mẹ, con để nhằm xác định quan hệ huyết thống theo quy định tại các Điều 88, Điều 89, Điều 90, Điều 91, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Thực hiện thủ tục xác định cha, mẹ, con theo Điều 25, Luật Hộ tịch năm 2014; Điều 14, Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1, Điều 25 và khoản 1, Điều 44 của Luật Hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con; Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con. Thông thường, các văn bản xác nhận của cơ quan y tế, cơ quan giám định xác nhận quan hệ cha, mẹ, con đều dựa trên kết luận giám định ADN.

Tại Điều 16, Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định, trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con. Nếu có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì phần khai về người mẹ được ghi theo Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ.

Nếu không có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì ghi theo thông tin do người cha cung cấp; Người cha chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp. 

Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh nhưng không có thông tin về người cha, nay vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục nhận cha, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con. 

Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, chưa được đăng ký khai sinh mà khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào Giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, con.

Trường hợp con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung hoặc người khác muốn nhận con thì do TAND xác định theo quy định pháp luật.

Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con được nêu tại Điều 24, Luật Hộ tịch là UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con. Riêng các trường hợp sau đây, thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con là UBND cấp huyện nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con: Giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; Giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; Giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; Giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài; Giữa người nước ngoài với nhau mà một hoặc cả hai bên thường trú tại Việt Nam.

Sau khi được công nhận là cha, mẹ, con thì người trực tiếp nuôi con hoàn toàn có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng cho con. Nếu người này trốn tránh nghĩa vụ thì có thể khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để buộc người này phải thực hiện nghĩa vụ của mình, mức cấp dưỡng cho con khi cha, mẹ không sống chung với con được quy định cụ thể tại Điều 116, Luật Hôn nhân và Gia đình như sau: Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Mức cấp dưỡng đối với người không trực tiếp nuôi con căn cứ vào: Thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng; Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.

Nếu người có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con nhưng không thực hiễn nghĩa vụ cấp dưỡng thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi không cấp dưỡng cho con, quy định tại Điều 22, Nghị định 144/2013/NĐ-CP người nào bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau sinh, không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm, vật chất với trẻ em thì có thể bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.

Còn sau khi bị Tòa án buộc thực hiện việc cấp dưỡng mà còn cố tình không thực hiện, trốn tránh hoặc trì hoãn, không thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận thì sẽ bị phạt từ 03 đến 05 triệu đồng theo quy định tại khoản 3, Điều 64, Nghị định 82/2020/NĐ-CP. Nếu cố tình trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng trong khả năng của mình làm con bị nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt hành chính thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 186, Bộ luật Hình sự 2015.

Hiện nay, pháp luật rất quan tâm và bảo vệ quyền và lợi ích cho trẻ em, nhất là những trẻ được sinh ra mà bố hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng, bố mẹ ly hôn. Trong thời gian tới Đảng, Nhà nước cần điều chỉnh quy định pháp luật này theo hướng tăng chế tài xử phạt hành chính và tăng nặng chế tài xử lý hình sự để buộc những người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện trách nhiệm của mình đối với con chưa thành niên khi không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con.

Luật sư HÀ THỊ KHUYÊN

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Một số bất cập, vướng mắc của Bộ luật Hình sự hiện hành và hướng hoàn thiện

Lê Minh Hoàng