Ảnh minh họa.
Khoản 2 Điều 21 Luật Luật sư quy định Luật sư có các nghĩa vụ:
- Nghĩa vụ tuân theo các nguyên tắc hành nghề Luật sư quy định tại Điều 5 Luật Luật sư;
- Nghĩa vụ nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng;
- Có thái độ hợp tác, tôn trọng người tiến hành tố tụng mà Luật sư tiếp xúc khi hành nghề;
- Nghĩa vụ tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu;
- Nghĩa vụ thực hiện trợ giúp pháp lý;
- Nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Luật sư.
Bên cạnh đó, Luật sư là thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam có nghĩa vụ, trách nhiệm tuân thủ theo Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Khoản 2 Điều 29 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 856/QĐ-TTg ngày 19/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Luật sư có các nghĩa vụ sau:
- Các nghĩa vụ trong hoạt động hành nghề theo quy định của pháp luật;
- Nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Nghị quyết, Quyết định, Quy định của Liên đoàn và Đoàn Luật sư mà mình là thành viên;
- Nghĩa vụ tham gia phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Liên đoàn, Đoàn Luật sư;
- Nghĩa vụ tham gia đầy đủ chương trình bồi dưỡng Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Liên đoàn và Đoàn Luật sư;
- Nghĩa vụ tích cực tham gia hoạt động của Liên đoàn, Đoàn Luật sư;
- Đoàn kết, hợp tác với các Luật sư khác để thực hiện tôn chỉ, mục đích của Liên đoàn Luật sư Việt Nam;
- Nghĩa vụ tạo điều kiện cho các Luật sư thành viên trong tổ chức hành nghề Luật sư do mình đứng đầu tham gia các hoạt động của Liên đoàn, Đoàn Luật sư;
- Nghĩa vụ chấp hành yêu cầu của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư về việc chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức hành nghề Luật sư do mình đứng đầu;
- Nghĩa vụ hằng năm báo cáo Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư về tổ chức, hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư do mình đứng đầu;
- Báo cáo Liên đoàn Luật sư Việt Nam về tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư do mình đứng đầu theo yêu cầu của Ban Thường vụ Liên đoàn;
- Nghĩa vụ giữ gìn uy tín của Liên đoàn, Đoàn Luật sư, Luật sư Việt Nam;
- Nghĩa vụ nộp phí thành viên đầy đủ và đúng hạn;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của Điều lệ này và Nội quy Đoàn Luật sư.
Khi hành nghề, Luật sư có nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng với tư cách mình tham gia bào chữa, bảo vệ cho người bị buộc tội, đương sự… theo quy định của pháp luật hình sự, dân sự, hành chính, khiếu nại, tố cáo,…
Bên cạnh những nghĩa vụ cơ bản mà Hiến pháp và pháp luật quy định mỗi Luật sư phải tuân theo thì trong hoạt động hành nghề của mình, Luật sư cũng cần tuân thủ những quy tắc được quy định trong Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư Việt Nam. Vì đạo đức nghề nghiệp chính là nguồn gốc, là nền tảng cơ bản của nghề Luật sư. Không có đạo đức nghề nghiệp, nghề Luật sư không thể tồn tại và phát triển.
Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư ở Việt Nam như một kim chỉ nam cho quá trình hành nghề của mỗi Luật sư. Bộ Quy tắc đã đưa ra những chuẩn mực đạo đức, những nghĩa vụ mà mỗi Luật sư cần tuân theo trong mối quan hệ với khách hàng, với đồng nghiệp; với cơ quan tiến hành tố tụng; các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác và các chuẩn mực khi cung cấp thông tin với các cơ quan truyền thông hay thực hiện hoạt động quảng cáo.
Tóm lại, mỗi Luật sư có nghĩa vụ phải tuân theo thể chế pháp lý Luật sư; quy chế trách nhiệm nghề nghiệp Luật sư được quy định trong Hiến pháp và các luật khác có liên quan trong quá trình hành nghề Luật sư và những quy tắc trong Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.
THIÊN AN