LSVNO - Đến năm 2020, đối với khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ về nhu cầu vốn đầu tư phát triển hơn 170.000 tỷ đồng; như vậy sẽ tăng cao so với năm 2019.
Ngày 14/8/2019 vừa qua, tại tỉnh Vĩnh Long, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công.
Tại Hội nghị, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá về tình hình giao kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công của vùng ĐNB và ĐBSCL cho biết, đối với vùng ĐNB, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã giao được hơn 73.000 tỉ đồng, đạt 99,63% số vốn đã được Quốc hội thông qua. Đây là khu vực có tỷ lệ kế hoạch giao lớn nhất so với 6 vùng cả nước.
Quang cảnh Hội nghị ngày 14/8/2019 tại tỉnh Vĩnh Long.
Đồng thời, ông Đông cho rằng vùng này có một tỷ lệ rất nhỏ vốn ODA chưa giao được khoảng 271 tỉ đồng. Còn đối với vùng ĐBSCL, Chính phủ giao được hơn 46.000 tỉ đồng, chiếm 98,08% số vốn được Quốc hội thông qua và hiện còn khoảng 904 tỉ đồng chưa giao được.
Những lý do chưa giao được như: Do một số địa phương chưa điều chỉnh quyết định đầu tư theo thông báo 102 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khoảng hơn 173 tỉ đồng; một số địa phương có dự án kiểm toán nhà nước của chương trình phát triển kinh - tế xã hội, khoảng 164 tỉ đồng và cuối cùng là 486 tỉ đồng vốn ODA chưa hoàn thành các thủ tục phê duyệt, ký kết.
Như vậy, nhu cầu về vốn đầu tư công sẽ tăng cao. Bởi, năm 2020 là năm bản lề quan trọng, năm cuối thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020. Do đó, 19 tỉnh vùng ĐNB và ĐBSCL đề nghị bố trí vốn còn lại trong kế hoạch để hoàn thành các dự án và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2019, giải ngân toàn vùng ĐNB chỉ đạt hơn 18.600 tỷ đồng. Còn tại vùng ĐBSCL, không có địa phương nào có mức giải ngân đạt một nửa kế hoạch đề ra. Theo đó, đây còn được xác định là do nhiều dự án đầu tư vốn ODA gặp vướng mắc, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ chậm, năng lực một số chủ đầu tư còn hạn chế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo nhanh tại Hội nghị cho thấy, năm 2020 nhu cầu vốn của vùng ĐNB là 91.760 tỉ đồng, tăng 23,3% so với số vốn đã giao của năm 2019.
Trong đó, vốn ngân sách địa phương là 68.500 tỉ đồng, tăng 10,35% so với kế hoạch năm 2019; vốn ODA là 10.748 tỉ đồng, tăng gấp 5 lần so với kế hoạch 2019; vốn trái phiếu Chính phủ là 7.146 tỉ đồng, bằng 98% so với kế hoạch năm 2019 và vốn chương trình hỗ trợ mục tiêu là 5.021 tỉ đồng, tăng gấp 2 lần so với 2019.
Còn tại khu vực ĐBSCL, kế hoạch năm 2020 cần 80.486 tỉ đồng phục vụ cho đầu tư phát triển, tăng 44% so với số vốn đã được giao năm 2019. Trong đó, vốn ngân sách địa phương là 34.108 tỉ đồng, tăng 10% so với kế hoạch 2019; vốn ODA là 5.156 tỉ đồng, bằng 90% năm 2019; vốn trái phiếu Chính phủ 1.934 tỉ đồng, bằng 90% so với kế hoạch năm 2019 và nguồn vốn từ chương trình hỗ trợ mục tiêu là 10.863 tỉ đồng, tăng 183% so với 2019.
Cũng tại Hội nghị, ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đề xuất, trong việc phân bố ngân sách cho các địa phương, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên có định hướng giữ lại một phần ngân sách để đầu tư cho phát triển chung của vùng. Ông dẫn chứng và cho rằng thay vì phân bổ cho địa phương 100 đồng, thì có thể phân bổ 60 đồng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữ lại 40 đồng để phục vụ cho đầu tư, phát triển chung của cả vùng.
Minh Sơn – Thanh Phong