/ Đạo đức & ứng xử nghề nghiệp luật sư
/ Những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp

Những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp

30/03/2023 10:59 |1 năm trước

(LSVN) - Theo Mục 18.1 Quy tắc 18, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định về ứng xử giữa Luật sư với đồng nghiệp: “Luật sư có ý thức tôn trọng, hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp trong hành nghề cũng như trong cuộc sống; góp ý kịp thời khi thấy đồng nghiệp làm điều sai trái, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp Luật sư”.

Ảnh minh họa.

Như một quy tắc của sự phát triển, trong bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, chúng ta không thể phát triển vững mạnh khi thiếu sự đoàn kết, hợp tác của những người trong nghề, cũng như mỗi cá nhân không thể hoàn thiện bản thân, kỹ năng nghề nghiệp của mình khi thiếu sự hỗ trợ, dẫn dắt, giúp đỡ của những đồng nghiệp xung quanh. Chính vì lẽ đó, tình đồng nghiệp là một trong những quy tắc ứng xử quan trọng trong nghề Luật sư. Vấn đề gặp phải của nghề Luật sư thường là những mâu thuẫn quyền lợi của khách hàng và Luật sư chính là chìa khóa quan trọng để giải quyết những mâu thuẫn đó. Do vậy, để giải quyết tốt nhất những vấn đề của khách hàng, Luật sư cần phải ứng xử tốt trong các mối quan hệ của mình, nhất là mối quan hệ với đồng nghiệp, để hạn chế tối đa việc xảy ra mâu thuẫn, gây mất tình đoàn kết cũng như làm ảnh hưởng đến vụ việc của khách hàng.

Để tránh phát sinh mâu thuẫn giữa Luật sư với đồng nghiệp, tại Quy tắc 21, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã nêu rõ 08 quy tắc cơ bản mà Luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp, cụ thể:

- Có lời nói, hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của đồng nghiệp hoặc gây áp lực, đe dọa đồng nghiệp.

- Thông đồng, đưa ra đề nghị với Luật sư của khách hàng có quyền lợi đối lập với khách hàng của mình để cùng mưu cầu lợi ích cá nhân.

- Tiếp xúc, trao đổi riêng với khách hàng đối lập về quyền lợi với khách hàng của mình để giải quyết vụ việc khi biết khách hàng đó có Luật sư mà không thông báo cho Luật sư đồng nghiệp bảo vệ quyền lợi hoặc Luật sư đại diện cho khách hàng đó biết.

- Thuê, trả tiền môi giới khách hàng hoặc môi giới khách hàng cho đồng nghiệp để nhận tiền hoa hồng.

- Thực hiện các hành vi nhằm mục đích giành giật khách hàng.

- Áp đặt hoặc cố tình chi phối làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan trong hành nghề của đồng nghiệp có quan hệ phụ thuộc với Luật sư như quan hệ thầy - trò, cấp trên - cấp dưới, huyết thống, thân thuộc.

- Có hành vi tạo thành phe, nhóm giữa các Luật sư để cô lập đồng nghiệp trong quá trình hành nghề.

- Thực hiện việc liên kết, liên danh, thành lập nhóm Luật sư hoạt động trái với quy định của pháp luật về Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Bộ Quy tắc đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư.

Ngoài ra, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam cũng quy định một số quy tắc giải quyết với đồng nghiệp khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột nhằm đảm bảo các mẫu thuẫn, xung đột ấy được giải quyết một cách ổn thỏa. Các quy tắc này chủ yếu đề cao tinh thần thương lượng, hòa giải để đi đến kết quả hài hòa, vừa giữ vững hòa khí vừa đảm bảo quyền và lợi ích của các bên, không khuyến khích các Luật sư khiếu nại, khởi kiện đồng nghiệp để giải quyết mâu thuẫn. Cụ thể, theo Mục 20.1 Quy tắc 20, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam nhấn mạnh: “Trường hợp có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp, Luật sư cần thương lượng, hòa giải để giữ tình đồng nghiệp; chỉ thực hiện việc khiếu nại, khởi kiện đồng nghiệp khi việc thương lượng, hòa giải không có kết quả”.

Do vậy, để phát huy tốt nhất năng lực hành nghề, việc phát sinh tranh chấp với đồng nghiệp là việc mà các Luật sư cần tránh và cố gắng hạn chế phát sinh. Để làm được điều đó, trong quá trình hành nghề, trước hết các Luật sư cần phải tuân thủ các quy tắc về mối quan hệ với đồng nghiệp theo Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, đồng thời có sự linh hoạt điều hòa theo từng mối quan hệ. Việc giữ gìn tốt mối quan hệ với đồng nghiệp của Luật sư không chỉ có ảnh hưởng tích cực đến quá trình hành nghề của cá nhân Luật sư mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn đoàn kết nội bộ, bảo vệ uy tín của nghề Luật sư.

THANH THỊNH

Tóm lược mối quan hệ giữa Luật sư với khách hàng

Bùi Thị Thanh Loan