Ảnh minh họa.
Quy định pháp luật về “giảm nhẹ hình phạt”
Sau khi thực hiện hành vi phạm tội cho đến khi bị đưa ra xét xử tại tòa, nếu người phạm tội nhận thức được hành vi phạm tội của mình và có ý thức khắc phục hậu quả, thì việc nộp tiền khắc phục hậu quả ở giai đoạn này được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trường hợp người phạm tội đã gây ra thiệt hại, tức là thiệt hại đã thực tế xảy ra nhưng người phạm tội đã sửa chữa, bồi thường những thiệt hại do mình gây ra cho bên bị thiệt hại hoặc đã tự nguyện khắc phục hậu quả của tội phạm. Người phạm tội phải tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả mới được coi là tình tiết giảm nhẹ. Nếu do tác động của người khác hoặc của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội buộc phải sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả, người phạm tội mới thực hiện theo thì không được xem là tình tiết giảm nhẹ để áp dụng. Việc tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả phải xảy ra trước khi tuyên án và thuộc ở cấp nào thì cấp đó coi là tình tiết giảm nhẹ.
Hiện tại, pháp luật không quy định rõ mức đền bù thiệt hại, khắc phục hậu quả là bao nhiêu thì người phạm tội sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức đền bù thiệt hại, khắc phục hậu quả phải tương xứng với thiệt hại gây ra cho bị hại, nếu vụ án có đồng phạm thì sẽ được phân hóa trách nhiệm hình sự từ đó mức bồi thường, khắc phục hậu quả cũng sẽ tương xứng với vai trò ra sao trong vụ án, thì người thực hiện hành vi mới được áp dụng tình tiết giảm nhẹ.
“Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả”
Quy định pháp luật về “giảm án”
Luật sư Duy nhất tại điểm c, khoản 3, Điều 40, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về loại hình phạt “Tử hình”, thì quy định rất rõ điều kiện về số tiền mà người bị kết án tử hình về tội "Tham ô tài sản" quy định tại Điều 353, tội "Nhận hối lộ” quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự năm 2015 thì điều kiện để giảm án, để không bị thi hành hình phạt tử hình thì người bị kết án phải chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Việc nộp tiền phải mang tính chất chủ động và ít nhất là ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ thì người bị kết án mới được giám án từ tử hình xuống hình phạt nhẹ hơn.
“Điều 40. Tử hình
3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
c. Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Ngoài ra, việc giảm án được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP quy định quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
Căn cứ khoản 1, Điều 63, Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định đối với những phạm nhân đã được tuyên án nhưng vì một số lý do mà được giảm mức hình phạt đã tuyên, Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Vì vậy, để có thể được giảm án, giảm thời gian chấp hành án phạt tù thì người chấp hành hình phạt phải thuộc các trường hợp đã quy định trên. Bởi thế, để có thể được giảm thời gian chấp hành hình phạt tù hoặc giảm án thì rất khó khăn và cần nhiều yếu tố, điều kiện chứ không riêng gì việc nộp tiền bồi thường, khắc phục hậu quả.
Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỒNG
Luật sư HÀ THỊ KHUYÊN
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Hành vi đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng có thể bị xử lý như thế nào?