/ Thư viện pháp luật
/ Quy trình kiểm tra chấp hành chủ trương, quy định của Đảng

Quy trình kiểm tra chấp hành chủ trương, quy định của Đảng

29/12/2022 08:45 |

(LSVN) - Ngày 01/12/2022, Ban Bí thư đã ban hành Quyết định số 89-QĐ/TW ban hành quy trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng của cấp ủy tỉnh và tương đương đến cơ sở. Trong đó, có quy định về quy trình của cấp ủy tỉnh và tương đương đến cơ sở khi tổ chức kiểm tra chấp hành chủ trương, quy định của Đảng.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, quy trình kiểm tra chấp hành chủ trương, quy định của Đảng gồm 03 bước:

Bước chuẩn bị

1. Thành lập đoàn kiểm tra và xây dựng kế hoạch kiểm tra:

- Cơ quan, đơn vị giúp việc cấp ủy căn cứ chương trình, kế hoạch kiểm tra của cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy hoặc nhiệm vụ cấp trên giao để tham mưu cấp ủy quyết định thành lập đoàn kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên (sau đây gọi là đối tượng kiểm tra); kế hoạch kiểm tra.

- Thường trực cấp ủy ký, ban hành quyết định, kế hoạch kiểm tra. Trưởng đoàn kiểm tra là cấp ủy viên do Ban Thường vụ phân công, nơi không có Ban Thường vụ thì do cấp ủy phân công (đối với cấp cơ sở và tương đương: Trưởng đoàn có thể là lãnh đạo các đơn vị hoặc đảng viên được giao nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cấp ủy). Căn cứ tính chất, nội dung, quy mô kiểm tra để xác định số lượng thành viên cho phù hợp.

Kế hoạch kiểm tra xác định rõ về nội dung, mốc thời gian kiểm tra; thời gian làm việc, phương pháp tiến hành,... Trong đó: Mốc thời gian kiểm tra không nên quá 05 năm gần nhất; thời gian kiểm tra đối với cấp tỉnh và tương đương không quá 90 ngày; cấp huyện và tương đương không quá 60 ngày; cấp cơ sở không quá 45 ngày.

Trường hợp cần thiết, chủ thể kiểm tra có thể quyết định gia hạn thời gian kiểm tra nhưng không quá 1/3 thời gian kiểm tra đối với từng cấp theo quy định.

Đoàn kiểm tra được sử dụng con dấu của cấp ủy để thực hiện nhiệm vụ.

2. Đoàn kiểm tra xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng kiểm tra báo cáo; lịch làm việc của đoàn và phân công nhiệm vụ từng thành viên trong đoàn; chuẩn bị các văn bản, tài liệu liên quan.

3. Văn phòng cấp ủy bảo đảm điều kiện cần thiết, kinh phí, phương tiện phục vụ đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ theo quy định (nếu có).

Bước tiến hành

1. Đoàn kiểm tra hoặc đại diện đoàn kiểm tra triển khai quyết định, kế hoạch kiểm tra, thống nhất lịch làm việc với đối tượng kiểm tra và đại diện tổ chức đảng quản lý đảng viên. Yêu cầu đối tượng kiểm tra chuẩn bị báo cáo theo đề cương gợi ý, cung cấp các hồ sơ, tài liệu; các tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp thực hiện.

Căn cứ tình hình thực tiễn, việc triển khai quyết định và kế hoạch kiểm tra có thể thực hiện theo hình thức trực tuyến hoặc gửi văn bản.

2. Đối tượng kiểm tra báo cáo tự kiểm tra bằng văn bản và các hồ sơ, tài liệu có liên quan gửi cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy (qua đoàn kiểm tra).

3. Đoàn kiểm tra thẩm tra, xác minh

- Đoàn kiểm tra nghiên cứu báo cáo tự kiểm tra, hồ sơ, tài liệu nhận được; làm việc với đối tượng kiểm tra và các tổ chức, cá nhân có liên quan để thẩm tra, xác minh.

Trong quá trình làm việc, nếu cần điều chỉnh, bổ sung nội dung, thời gian, đối tượng kiểm tra, thành viên đoàn hoặc giám định về chuyên môn, kỹ thuật thì trưởng đoàn báo cáo Ban Thường vụ cấp ủy hoặc cấp ủy xem xét, quyết định. Những nội dung cần yêu cầu đối tượng kiểm tra bổ sung giải trình làm rõ thì trao đổi bằng văn bản.

- Đoàn kiểm tra xây dựng dự thảo báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh.

4. Tổ chức hội nghị thông qua dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra (tổ chức đảng là đối tượng kiểm tra hoặc trực tiếp quản lý đảng viên được kiểm tra chủ trì và ghi biên bản hội nghị).

- Thành phần hội nghị: Đoàn kiểm tra, đại diện tổ chức đảng được kiểm tra hoặc đảng viên được kiểm tra và đại diện tổ chức đảng quản lý đảng viên đó (hoặc tuỳ nội dung, đối tượng kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra quyết định tổ chức đảng tổ chức hội nghị, thành phần tham dự).

- Hội nghị thảo luận, tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo, kết quả thẩm tra, xác minh và kiến nghị, đề xuất bằng văn bản (nếu có).

Căn cứ tình hình thực tiễn, việc tổ chức hội nghị có thể theo hình thức trực tuyến hoặc gửi văn bản.

5. Đoàn kiểm tra tiếp tục thẩm tra, xác minh những nội dung chưa rõ hoặc có ý kiến khác nhau (nếu có); hoàn chỉnh dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra; xin ý kiến ủy ban kiểm tra cấp ủy cùng cấp (nếu cần).

6. Đoàn kiểm tra phối hợp văn phòng cấp ủy báo cáo thường trực cấp ủy quyết định thời gian tổ chức hội nghị cấp ủy hoặc Ban Thường vụ cấp ủy, thành phần tham dự; gửi báo cáo kết quả kiểm tra đến các Ủy viên Ban Thường vụ hoặc cấp ủy viên theo quy chế làm việc.

Bước kết thúc

1. Tổ chức hội nghị Ban Thường vụ cấp ủy hoặc cấp ủy xem xét, kết luận:

- Đoàn kiểm tra báo cáo kết quả kiểm tra (nếu thuộc thẩm quyền cấp ủy kết luận thì Ban Thường vụ cấp ủy cho ý kiến chỉ đạo trước khi đoàn kiểm tra trình cấp ủy); trình bày đầy đủ ý kiến của đối tượng kiểm tra và các tổ chức, cá nhân có liên quan; các đề xuất, kiến nghị.

- Ban Thường vụ cấp ủy hoặc cấp ủy xem xét, kết luận. Trường hợp kết luận đối tượng kiểm tra có dấu hiệu vi phạm thì tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, nếu vi phạm đã rõ và đối tượng kiểm tra tự giác kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật tương xứng với hành vi vi phạm thì tiến hành ngay quy trình thi hành kỷ luật.

2. Đoàn kiểm tra hoàn chỉnh báo cáo kết quả kiểm tra; phối hợp với văn phòng cấp ủy dự thảo thông báo kết luận, trình thường trực cấp ủy ký, ban hành.

3. Đại diện Ban Thường vụ cấp ủy thông báo kết luận kiểm tra đến đối tượng kiểm tra và các tổ chức, cá nhân có liên quan; triển khai thực hiện quy trình thi hành kỷ luật (nếu có).

Căn cứ tình hình thực tiễn, việc thông báo kết luận kiểm tra có thể thực hiện theo hình thức trực tuyến hoặc gửi văn bản.

4. Đoàn kiểm tra họp rút kinh nghiệm; kiến nghị, đề xuất với cấp ủy hoặc Ban Thường vụ cấp ủy (nếu có); hoàn thiện hồ sơ, bàn giao cho văn phòng cấp ủy lưu trữ theo quy định.

5. Giao ủy ban kiểm tra cấp ủy cùng cấp và cấp ủy viên theo dõi địa bàn, lĩnh vực đôn đốc, giám sát đối tượng kiểm tra thực hiện kết luận kiểm tra.

Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy tỉnh và tương đương đến cơ sở thực hiện quy trình này và chỉ đạo xây dựng, ban hành quy trình của Chi bộ.

HUY HOÀNG

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải công khai những nội dung nào?

Nguyễn Hoàng Lâm