/ Trao đổi - Ý kiến
/ Quyền công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

Quyền công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

08/07/2023 07:19 |

(LSVN) - Ngày 10/11/2022, Quốc hội đã ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 tới đây. Ngay từ khi ban hành, Luật này đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân trong cả nước, đặc biệt là người dân ở các vùng nông thôn.

Ảnh minh họa.

Năm 2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, tuy nhiên Pháp lệnh này không nêu khái niệm “thực hiện dân chủ”, chưa làm rõ được nội hàm “thực hiện dân chủ” nên hiểu biết của người dân về vấn đề này còn hạn chế. Cũng vì thế nên khi triển khai thực hiện, cả cơ quan liên quan cũng lúng túng, thậm chí bị kẻ xấu lợi dụng gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến an ninh trật tự…

Để khắc phục khiếm khuyết này, khoản 2 Điều 2 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã nêu khái niệm “thực hiện dân chủ ở cơ sở” và làm rõ nội hàm của khái nhiệm này, theo đó: “Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”.

Từ quy định trên người dân có thể hiểu được rằng, trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, người dân có quyền gì; được làm gì. Và các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm thế nào để người dân phát huy được quyền thực hiện dân chủ.

Quyền của công dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở phải nằm trong giới hạn mà pháp luật quy định để tránh việc lạm dụng gây tác động xấu trong xã hội. Cụ thể, tại Điều 5 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định quyền của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở như sau:

1. Được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật.

2. Đề xuất sáng kiến, tham gia ý kiến, bàn và quyết định đối với các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

4. Được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh quyền trên, Điều 2 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở còn quy định “Nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở”, trong đó nêu rõ: “3. Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm trật tự, kỷ cương, không cản trở hoạt động bình thường của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động”. Và Điều 6 quy định “Nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở”, trong đó công dân có nghĩa vụ “Tôn trọng và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Trong Điều 9 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở như: Gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa công dân thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bao che, cản trở, trù dập hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo… Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; xuyên tạc, vu khống, gây mâu thuẫn, kích động bạo lực…

Bên cạnh đó còn quy định việc ‘‘Xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở’’ (Điều 10), trong đó quy định rõ việc xử lý hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường...

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở còn dành một chương (Chương II) quy định việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (cấp xã). Theo đó quy định rất cụ thể những nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai (gồm 14 nội dung, trong đó có tài chính, đất đai, việc thu chi…); hình thức địa điểm công khai thông tin; trách nhiệm của UBND xã, chủ tịch UBND xã trong việc tổ chức thực hiện việc công khai thông tin…

Ngoài ra, Luật này quy định rất rõ vai trò của người dân. Theo đó, quy định rõ các nội dung nhân dân bàn và quyết định; hiệu lực quyết định của người dân. Bên cạnh đó quy định các nội dung Nhân dân tham gia ý kiến, quy trình Nhân dân tham gia ý kiến. Việc kiểm tra giám sát, các hình thức giám sát của Nhân dân cũng được được quy định khá chặt chẽ. Một trong những nội dung mà nhân dân giám sát là: Công dân giám sát việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện chính sách, pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Khi phát hiện hành vi, nội dung có dấu hiệu vi phạm, công dân có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật hoặc kiến nghị, phản ánh đến chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã, trưởng thôn… xem xét, thực hiện kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ.

Luật sư NGUYỄN THANH HÀ

Chủ tịch Công ty Luật SB Law

Nguyễn Mỹ Linh