(LSO) - Lê Văn Tống (còn gọi là Lý Tống) đi lính không quân chế độ cũ từ năm 1965, tháng 4/1975 bị bắt làm tù binh và đưa đi học tập cải tạo. Mặc dù được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước, nhưng Tống luôn tìm cách trốn đi nước ngoài nhằm chống lại cách mạng nhân dân. Lý Tống đã trốn qua Thái Lan bằng đường bộ qua Campuchia rồi định cư tại Mỹ (vào tháng 9/1981).
TÓM TẮT DIỄN BIẾN VỤ ÁN
Ngày 12/8/1992, Lý Tống mua vé máy bay từ Mỹ về Bangkok (Thái Lan), ở đây y đã đột nhập vào sân bay Ubon định cướp máy bay A.37 nhưng không thành. Ngày 04/9/1992, Lý Tống mua vé máy bay từ Bangkok về Tân Sơn Nhất theo chuyến bay VN850 bằng máy bay A310-200 của hãng Jes Air bay thuê cho Hàng không Việt Nam.
Vào lúc 17 giờ kém 10 phút, Lý Tống lên máy bay mang theo 2 túi xách tay, trong đó có dù, dây dù, truyền đơn, đăng ký chỗ ngồi ghế 1B gần buồng lái để dễ bề thực hiện việc chiếm đoạt máy bay.
Vào 18 giờ kém 15 phút, khi hành khách dùng bữa ăn trên máy bay, Lý Tống phát hiện trên khay đựng thức ăn có 1 con dao inox liền lấy cắp để làm vũ khí đe dọa. Khoảng 10 phút sau, Lý Tống trả khay đồ ăn, kiểm tra lại sợi dây, tay cầm sẵn một đầu dây. Vào lúc 18 giờ 8 phút, Lý Tống bấm chuông gọi tiếp viên, khi cô Nguyễn Xuân Thủy Tiên đưa nước uống đến, vừa quay đi thì Lý Tống rút dây dù trong túi quàng vào cổ siết lại, dùng dao dí vào cổ cô tiếp viên Lê Xuân Thủy Tiên và tuyên bố “không tặc”.
Khi tiếp viên này la lên, bị Lý Tống đẩy vào phòng tiếp viên. Lúc đó phát hiện một tiếp viên nam người nước ngoài, lập tức Lý Tống đe dọa, dùng vũ lực trói tay người này lại, khống chế 2 người này và dọa nếu không nghe sẽ cho bom nổ. Lúc này, nữ tiếp viên khác tên Lê Hồng Thủy Tiên bước vào phòng để lấy tờ khai hải quan phát cho hành khách, bị Lý Tống dùng dây quàng vào cổ và dùng dao đe dọa buộc Lê Hồng Thủy Tiên phải mở cửa buồng lái.
Khi cửa được mở, Lý Tống bước vào buồng lái, mang theo 2 túi xách và tuyên bố “Máy bay bị không tặc, có bom hẹn giờ trên máy bay”, buộc tổ lái phải làm theo sự điều khiển của Lý Tống.
Sau khi đẩy Lê Hồng Thủy Tiên ra, Lý Tống đóng cửa buồng lái lại, dùng dây trói một thành viên tổ lái người nước ngoài. Lý Tống cầm dao, dây, túi xách đe dọa tổ lái sẵn sàng cho bom nổ nếu không chấp hành lệnh. Cơ trưởng là người nước ngoài cho biết, sau khi khống chế được tổ lái, Lý Tống bắt phải cho máy bay hạ thấp độ cao xuống 200 feet (khoảng 70m) lượn vòng trong khu vực cấm của TP. Hồ Chí Minh, bắt mở cửa buồng lái để Lý Tống rải truyền đơn xong, buộc tổ lái điều khiển máy bay lên độ cao 7000 feet (khoảng 2.333m) để Lý Tống nhảy dù.
Khi máy bay lên cao, Lý Tống buộc thành viên tổ lái phải mở cửa lên xuống bên trái máy bay để y nhảy dù, nhưng cơ trưởng nói rõ cho y biết việc mở cửa máy bay lúc này là hết sức nguy hiểm, không bảo đảm an toàn cho máy bay, nhưng Lý Tống vẫn buộc phải mở cửa. Do áp suất bên ngoài máy bay rất cao nên khi mở cửa, lập tức cửa máy bay bị vặn xéo, không mở được. Lý Tống chạy sang cửa bên phải để mở, cũng bị vặn xéo như cửa bên trái, y cố chui ra nhưng không lọt người. Lúc này gió lùa mạnh vào máy bay rất nguy hiểm, làm cho hành khách trên máy hoang mang lo sợ. Không có cách nào nhảy dù bằng cửa lên xuống được, Lý Tống chạy ngay vào buồng lái, buộc cơ trưởng để cho y nhảy dù qua cửa sổ buồng lái. Sau khi Lý Tống nhảy dù ra ngoài, cơ trưởng mới điều khiển được máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 19 giờ 14 phút.
Lúc đó, Lý Tống nhảy dù xuống mặt đất, bị nhân dân huyện Nhà Bè bắt giữ.
HÀNH VI KHÔNG TẶC BỊ TRỪNG PHẠT NGHIÊM KHẮC
Xuất hiện với tư cách nhân chứng tại phiên tòa sơ chung thẩm của TAND tối cao ngày 24/02/1993 xét xử vụ án Lê Văn Tống (còn gọi là Lý Tống) về tội chiếm đoạt máy bay, nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines và là diễn viên điện ảnh Lê Hồng Thủy Tiên đã gây nhiều chú ý của chủ tọa. Quãng thời gian 57 phút căng thẳng đọ sức giữa tổ lái, các tiếp viên hàng không với tên không tặc Lý Tống đã được Thủy Tiên kể lại cho phóng viên Báo Pháp luật TP. HCM ngay hôm sau phiên tòa…
Là một phi công mà theo y từng huênh hoang “đã có hơn 5000 giờ bay”, Lý Tống hiểu rất rõ tính nguy hiểm cao độ do hành vi của y gây ra, cũng như chính y đã nhìn nhận rằng hành vi không tặc bị luật pháp quốc tế lên án và trừng trị nghiêm khắc.
Ông Lê Xuân Dục, người giữ quyền công tố đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), trong phần luận tội của mình, đã phân tích rõ tính nguy hiểm do hành vi của Lý Tống gây ra, ngoài việc bắt trói, khống chế các tiếp viên, đe dọa tính mạng của mọi người bằng cách nói là có bom hẹn giờ, y đã buộc máy bay phải bay vào khu vực cấm, rất dễ bị bắn hạ hoặc va chạm, buộc bay ở tốc độ chậm, nhảy dù qua cửa sổ có thể tạo ra những tình huống nguy hiểm do vật lạ hay dù vướng vào động cơ…
Nguy hiểm nhất là Lý Tống nắm rõ nguyên tắc hàng không quốc tế khi không tặc tuyên bố có bom thì phải làm theo lệnh của không tặc để bảo đảm an toàn cho hành khách, từ đó đe dọa tổ lái, nhất là cơ trưởng, gây căng thẳng tâm lý, rất dễ xảy ra nguy hiểm. Rõ ràng, nếu không có sự bình tĩnh trong xử lý của tổ lái, không biết thảm họa sẽ khủng khiếp như thế nào nếu máy bay bị rơi vào khu vực thành phố, tính mạng của 114 hành khách cùng 12 nhân viên tổ lái cùng sinh mạng của người dân dưới đất sẽ bị nguy hiểm. Dù có đề cập đến động cơ gì, hành vi của Lý Tống rõ ràng là ngông cuồng, liều lĩnh, những tưởng mong muốn trở thành “Tổng thống”, nhưng cuối cùng chỉ là một kẻ hoang tưởng và trốn chui trốn lủi dưới ao rau muống ở huyện Nhà Bè khi nhảy dù xuống mặt đất.
Trong phần tự bào chữa, Lê Văn Tống (Lý Tống) thừa nhận hành vi phạm tội của mình và mong muốn xử đúng theo luật quốc tế(?). Lý Tống nhìn nhận thái độ nhân đạo, đúng mực, đối xử hòa nhã lịch sự của cán bộ điều tra và cán bộ trại giam, khác hẳn với suy nghĩ ban đầu của y là sẽ bị tra khảo, đánh đập hoặc “chỉ còn da bọc xương”(!?).
Hành vi phạm tội chiếm đoạt máy bay của Lê Văn Tống (Lý Tống) không chỉ vi phạm nghiêm trọng đến luật pháp của Nhà nước CHXHCN Việt Nam (Luật Hàng không, Điều 87 Bộ luật Hình sự), mà còn vi phạm đến các Công ước quốc tế và an ninh hàng không mà Việt Nam đã tham gia ký kết cùng 140 quốc gia trên thế giới. Đó là Điều 11 Công ước Tokyo 1963, Điều 1 Công ước La Haye 1970, Điều 1 Công ước Montreal 1971.
Việc áp dụng Điều 87 của Bộ luật Hình sự để xét xử Lê Văn Tống về tội "Chiếm đoạt máy bay” không chỉ do hành vi phạm tội của Lý Tống tại Việt Nam mà hoàn toàn phù hợp với Điều 7 Công ước Montreal 1971 đã quy định: “Các nhà chức trách này sẽ quyết định trong các điều kiện giống nhau như đối với các việc vi phạm nghiêm trọng luật phổ thông theo đúng luật nước mình”.
Hình phạt cao nhất của tội danh này là tử hình, tuy nhiên sau khi cân nhắc, đại diện VKSNDTC đã đề nghị mức án tù chung thân. Sau hơn một giờ nghị án, Hội đồng xét xử đã xem xét tất cả các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ theo luật định, xử phạt Lê Văn Tống 20 năm tù giam, buộc Lý Tống phải bồi thường cho Việt Nam Airlines 500.000 USD và 7 triệu đồng, tịch thu sung công quỹ 3.880 USD và tịch thu tiêu hủy các tang vật của vụ án.
PHONG LINH