/ Kinh tế - Pháp luật
/ Thiệt hại kinh tế do bão Yagi tăng lên 81.500 tỉ đồng

Thiệt hại kinh tế do bão Yagi tăng lên 81.500 tỉ đồng

28/09/2024 17:32 |

(LSVN) - Theo thông tin từ Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, bão Yagi gây thiệt hại kinh tế cho Việt Nam 81.500 tỉ đồng, tăng thêm hơn 20.000 tỉ đồng so với thống kê một tuần trước.

Ảnh minh hoạ. 

Sáng 28/9, báo cáo tại hội nghị sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão Yagi, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết Quảng Ninh tổn thất nhiều nhất với 24.800 tỉ đồng; Hải Phòng 12.200 tỉ; Hải Dương 7.400 tỉ; Lào Cai 6.600 tỉ; Yên Bái 5.730 tỉ; Bắc Giang 5.000 tỉ; Hưng Yên 3.600 tỉ đồng... Riêng thiệt hại nông nghiệp hơn 30.800 tỉ đồng, chiếm 38% tổng thiệt hại kinh tế.

Như vậy, thiệt hại về kinh tế do bão Yagi đã tăng thêm hơn 20.000 tỉ đồng so với một tuần trước. Trong bài viết ngày 21/9 về khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn thống kê thiệt hại kinh tế do bão Yagi là 61.000 tỉ đồng, khiến GDP cả nước năm 2024 có thể giảm 0,15% so với kịch bản đề ra (6,8-7%).

Bên cạnh đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đã đánh giá thiệt hại do bão lũ gây ra và đề xuất Chính phủ hỗ trợ hơn 25.000 tỉ đồng khắc phục hậu quả. Trên cơ sở này, Bộ đề xuất Thủ tướng hỗ trợ 10.000 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 cho các địa phương, tập trung hỗ trợ dân sinh, sửa chữa, tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi.

Trước mắt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các đơn vị tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và mất tích do lũ, lũ quét, sạt lở đất (Lào Cai, Cao Bằng...). Cơ quan tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho hộ dân nguy cơ thiếu đói; hỗ trợ dân sửa chữa nhà ở; rà soát gia đình mất nhà để tái định cư đến chỗ an toàn. Người dân cần được hỗ trợ nguồn giống để nhanh khôi phục sản xuất. Các địa phương huy động nguồn lực sửa chữa đê điều, thủy lợi, giao thông, cơ sở y tế, trường học. Cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thiệt hại do bão, mưa lũ cần được giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Các doanh nghiệp bảo kinh doanh bảo hiểm cần khẩn trương bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm.

Về lâu dài, ông Hoan đề xuất thực hiện đồng bộ giải pháp hướng đến mục tiêu "từ ứng phó đến hành động sớm, tăng cường khả năng chống chịu". Trong đó, cần rà soát, điều chỉnh quy chuẩn về xây dựng cơ sở hạ tầng an toàn trước thiên tai; sửa bất cập trong quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Hồng. Không gian thoát lũ trên các lưu vực sông cần được bảo vệ. Người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét cần được di dời đến nơi an toàn và được tạo sinh kế bền vững cho họ tại nơi ở mới.

Ngoài ra, về cơ sở hạ tầng, đề nghị lắp các trạm cảnh báo lũ quét tự động tại nơi nguy cơ cao. Bản đồ rủi ro thiên tai chi tiết đến những nơi bị chia cắt, vùng ngập trong đô thị cần được xây dựng. Lấy mực nước cao nhất làm cơ sở quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch hệ thống đê điều, thủy lợi...

PV

Nguyễn Mỹ Linh