/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Tìm Lăng mộ và thi hài Hoàng đế Quang Trung

Tìm Lăng mộ và thi hài Hoàng đế Quang Trung

10/04/2021 01:38 |

(LSVN) - Theo sử sách ngày 29/7 năm Nhâm Tý ( 1792) vào khoảng 11 giờ khuya Quang Trung từ trần, thọ 40 tuổi, thi hài táng tại phủ Dương Xuân. Sau khi Nguyễn Ánh lấy được Phú Xuân đã khai quật mồ mả lên để trả thù. Nhưng nhiều nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử, khảo cổ có những giả thiết khác. Ngày 7/10/2016 Viện khảo cổ, phối hợp với Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huể mở 6 hố thăm dò ở Dương Xuân, nhưng chưa có kết quả.Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi nêu lên những giả thiết, của các tác giả trong Hội thảo: “ Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng Trung Đô”.

Ông Nguyễn Hữu Bản – Nguyên Bí thư Thành ủy Vinh, người tâm huyết bỏ ra nhiều công sức tìm tòi, nghiên cứu liên hệ giữa lăng mộ Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng Trung Đô, báo cáo với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi ông về thăm Nghệ An. 

Lăng mộ và thi hài Hoàng đế Quang Trung ở đâu đang được nhiều người quan tâm. Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu sưu tầm nhiều năm mà chưa có kết quả. Tìm Lăng mộ và thi hài hoàng đế Quang Trung là tâm nguyện của nhiều dân cả nước. Nhất là người Nghệ, bởi Hoàng đế Quang Trung một người con của quê hương. Có ý định dời kinh đô về quê nhà mà chưa thành. Chính vì thế mà ngày 31/5/2011 UBND phố Vinh tổ chức Hội thảo khoa học : “ Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoamg Trung Đô” . Bài phát biểu của ông Hồ Đức Phớt hồi đó Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND  tỉnh Nghệ An: “ Là con cháu họ Hồ nhiều lần tôi có dịp về quê Quỳnh Đôi thường được nghe các bậc cao niên truyền lại. Ông tổ 4 đời của anh em Tây Sơn là Hồ Thế Viêm, từ Quỳnh Đôi lên Quỳnh Hồng rồi vào Thái Lão, huyện Hưng Nguyên lập nghiệp. Tại đây ông Sinh ra Hồ Phi Khang. Hồ Phi Khang sinh ra Hồ Phi Phúc. Khi chúa Nguyễn đưa quân tràn ra Bắc đến vùng Hưng Nguyên thúc ép dân vào phía Nam. Gia đình 2 cha con ông Hồ Phi Khang và Hồ Phi Phúc vào Gia Lai rồi xuống Bình Định sinh  sống. Hồ Phi Phúc lập gia đình với bà Nguyễn Thị Đồng sinh được 3 người con và đổi sang họ Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Mộ Hồ Phi Khang ở Bình Định, mộ ông Hồ Thế Viêm ở vùng chân núi Đại Huệ huyện Nam Đàn. 

Ông đã nêu ra những cơ sở Lăng mộ và thi hài Hoàng đế Quang Trung không thể ở tại phủ Dương Xuân, thứ nhất: Hoàng đế Quang Trung một người rất giỏi mưu lược như: Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc giả hàng để cướp thành Qui Nhơn, đưa võ sĩ đóng vai thầy bói lọt vào thành Phú Xuân, cho cháu Phạm Công Trị đóng giả thay mình sang Tàu chúc thọ vua Càn Long, di chúc cho quân thần ở Thăng Long tạo mộ giả để vua Thanh sang viếng. Do đó Quang Trung không dễ dàng để mộ mình ở Dương Xuân bị phát hiện khai quật nhanh như vậy. Cơ sở thứ hai: Khi ra Bắc đại phá quân Thanh và duyệt binh ở Nghệ An cũng như khi sắp qua đời Quang Trung chỉ dụ cho Quang Toản và Trần Quang Diệu phải nhanh chóng đem quân rút về Nghệ An, nếu không sẽ không có đất chôn thây. Căn cứ thứ ba: sau khi Hoàng đế Quang Trung qua đời 3 tháng lễ phát tang mới được thực hiện, trong thời gian đó “ nội bất xuất, ngoại bất nhập” đường bộ, đường biển đi ra phía Bắc đều cấm, đủ thời gian và điều kiện để xây mộ giả ở Huế và chuyển thi hài Hoàng đế Quang Trung ra Nghệ An.  

Vậy có khả năng Lăng mộ và hài cốt Hoàng đế Quang Trung có thể ở Nghệ An. Đây là một vấn đề nhạy cảm và hệ trọng. Để làm sáng tỏ chúng ta cần các nhà khoa học, lịch sử, khảo cổ học, xã hội học, nhà tâm linh cùng với ứng dụng các tiến bộ của khoa học vào cuộc”. Trong bài tham luận Đại tá Nguyễn Huy Toàn- nhà nghiên cứu tư tưởng văn hóa quân sự có đoạn viết: “Hơn 200 năm qua biết bao nhiêu chính khách, bao nhiêu nhà khoa học viết về Nguyễn Huệ - Quang Trung. Nhưng tài trí của ông vẫn là một bí ẩn chưa giải mã hết, ngay cả mồ mả xương cốt của ông phải chăng nhà Nguyễn đã bắn ra biển Đông?Trước tình hình ấy lãnh đạo và chính quyền thành phố Vinh tổ chức cuộc Hội thảo rất cần thiết, bởi Phượng Hoàng Trung Đô- Đô của Quang Trung nằm tại Vinh và có khả năng di mộ của ông cũng nằm tại đây”.                                

Nhà khảo cổ Đỗ  Đình Truật sau khi phân tích loại ba vị trí: Qui Nhơn, Phú Xuân, Thăng Long có thể để di mộ Quang Trung. Theo ông Phượng Hoàng Trung Đô là nơi Nguyễn Thiếp, Quang Trung và Trần Quang Diệu chọn xây lăng mộ cho vua Quang Trung. Về phong thủy vùng này là một nhánh của dãy Trường Sơn chạy từ Kỳ Sơn qua Tương  Dương, Con Cuông, Anh Sơn rồi đến Thanh Chương chia làm 2 nhánh. Nhánh phải Thiên Nhẫn, nhánh trái chạy xuống Đại Huệ, xuống núi Thai Phong nơi mộ tổ của Quang Trung táng ở đấy. Từ đó đến núi Dũng Quyết thì mạch đất dừng lại. Ở đây là đất tứ linh ( long, ly, qui, phượng). Làm cho Núi Quyết trở thành âm phù dương trợ, quần phong tụ khí, nên nó vô cùng đắc địa. Đứng đây ngoảnh mặt về chính ngọ ( phía Nam) có quần sơn Hồng Lĩnh là tả Thanh Long, dãy núi Lam Thành bên phải là Bạch Hổ. Trước dãy núi Dũng Quyết là minh đường rộng thoáng, bát ngát đồng bằng chạy từ Hưng Nguyên đến tận Đức Thọ. Xa xa có núi Trà Sơn làm Triều Sơn trở về. Đằng sau Phượng Hoàng Trung Đô là núi Dũng Quyết ( Huyền vũ). Phượng Hoàng Trung Đô là nơi đắc địa hiếm có trong đất trời. Vậy Nguyễn Thiếp và Trần Quang Diệu để lăng mộ chủ tướng ở đây là hợp lý, xây cất rất bí mật. Đứng bên ngoài mà nhìn là việc xây thành lũy, bên trong ngấm ngầm làm việc trọng đại ấy. Tôi cùng với hai đồng nghiệp nhà nghiên cứu phong thủy Nguyễn Đức Thiện và Nguyễn Ngọc Tâm nhất trí di mộ của vua Quang Trung có khả năng để ở đây.                                     

Tổ Vật lý địa cầu làm việc ở Phượng Hoàng Trung Đô (thành phố Vinh). 

Ông Nguyễn Hữu Bản nguyên Bí thư Thành ủy Vinh, một người bỏ ra nhiều công sức nghiên cứu, tìm tòi liên hệ giữa Hoàng để Quang Trung với Phượng Hoàng Trung Đô. Nêu một số chứng kiến của mình: “ Năm 1998 sau khi tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, tôi đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn ngày 01/10 làm ngày Kỷ niệm 210 năm Phượng Hoàng Trung Đô- Vinh. Cùng năm đó, Bia dẫn dẫn tích được xây dựng trên nền Phượng Hoàng Trung Đô, giữa núi Con Mèo và núi Dũng Quyết. Đồng thời xây Vọng đài Dũng Quyết, tiếp sau đó xây đền thờ Hoàng đế Quang Trung.  Khi một số nhà ngoại cảm về thắp hương ở đền và đến bia dẫn tích đã cảm nhận được lăng mộ Hoàng đế Quang Trung ở khu vực bia dẫn tích”.              

Bia dẫn tích ở Phượng Hoàng Trung Đô – Tổ Vật lý địa cầu phát hiện ở độ sâu 5-6 mét có vật lạ.

Ông Nguyễn Đắc Xuân một nhà Huế học gửi thư cho tỉnh Nghệ An và thành phố Vinh có đoạn: “ Các đồng chí nên hiểu Nguyễn Ánh Gia Long quật mộ anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ không thể nhầm: Quật mộ để cắt đứt sự trỗi dậy của dòng họ Nguyễn Tây Sơn, nếu sai thì vô cùng tai hại.         

Quật mộ phải đúng để trả thù cho chín đời, Huế là đất của nhà Nguyễn, lúc nào cũng có người nhà Nguyễn ở lại Phú Xuân theo dõi mọi động tĩnh của phong trào Tây Sơn, vì thế họ biết chắc chắn vua Quang Trung được táng nơi đâu để khi Nguyễn Ánh trở lại báo cáo cho Nguyễn Ánh. Các quan đầu hàng Nguyễn Ánh như Lê Chất, Ngô Văn Sở phải chỉ đúng mộ vua Quang Trung nếu sai bị chặt đầu…Vì thế đừng bao giờ mơ tưởng hài cốt vua Quang Trung vẫn còn ở đâu đó trên đất nước Việt Nam”.                                     

Giáo sư Phan Huy Lê- Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam vì lý do sức khỏe không tham gia Hội thảo được, có thư gửi Bí thư, chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Bí thư, Chủ tịch UBND thành phố Vinh: “ Tôi hoan nghênh việc tổ chức Hội thảo và những kết quả tích cực của Hội thảo. Về những việc tiếp tục sau Hội thảo tôi xin đề xuất với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An và thành phố Vinh như sau : Nên phát huy kết quả của Hội thảo trong việc tôn vinh sự nghiệp Anh hùng  Quang Trung- Nguyễn Huệ và nêu cao trách nhiệm trong bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích Tây Sơn trên quê hương, nhất là di tích Phượng Hoàng Trung Đô. Căn cứ vào lập luận mang tính lịch sử lô gíc, kết hợp với những thông tin gợi ý của các nhà ngoại cảm và nhất là kết quả khảo nghiệm bước đầu của phương tiện Địa- Vật lý, thì có thể nghĩ đến khả năng tại vùng Phượng Hoàng Trung Đô, gần đền thờ vua Quang Trung  có tồn tại một dấu tích vật thể gì đó?  Chưa có thể đánh giá trước, nhưng cần coi đây là một hướng tìm tòi, một khả năng phát hiện Lăng mộ Hoàng đế Quang Trung. Vì vậy tôi đề nghị các đồng chí nên lập một nhóm chuyên gia trên những lĩnh vực liên quan để cùng các nhà khảo cổ học tiền hành  điều tra, khảo sát kỹ hơn, tiến hành khai quật để xác minh một cách khoa học dấu tích mà Địa - Vật lý đã phát hiện là gì?”.                                                                                                                     

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc chủ trì cuộc Hội thảo kết luận: “ Sau 10 năm Hoàng đế Quang Trung băng hà , Gia Long đã khai quật ngôi mộ trong lăng Đan Dương ở Huế ( trên danh nghĩa đây là lăng mộ chính thức của Hoàng đế Quang Trung) để trả thù. Song, qua phân tích các nguồn sử liệu, đặt trong bối cảnh chính trị,  xã hội lúc đó, kết hợp với các nguồn tin gián tiếp khác, có nhiều câu hỏi liệu bộ hài cốt mà Gia Long đưa ra làm lễ hiến phù là hài cốt thật của Hoàng đế Quang Trung hay không? Từ thế kỷ XIX và nhất là từ đầu thế kỷ XX cho đến nay đã có nhiều nhà nghiên cứu, tìm tòi Lăng mộ của Hoàng đế Quang Trung. Các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào Huế. Cũng có một số ít tác giả quan tâm đến khu vực khác ngoài Huế…  

Việc xác định Lăng mộ và thi hài Hoàng đế Quang Trung là việc rất khó, phụ thuộc vào cả yếu tố chủ quan và khách quan. Song Hội thảo bước đầu đã tạo được sự thống nhất về cách tiếp cận và các bước cần tiến hành sau Hội thảo. Trước mắt đề nghị tỉnh Nghệ An và thành phố Vinh sớm có chủ trương và kế hoạch tổ chức nghiên cứu khảo sát về thành Phượng Hoàng Trung Đô, về Lăng mộ Hoàng đế Quang Trung tại Nghệ An. Tuy nhiên đây là vấn đề lớn và rất khó, đòi hỏi phải có một chương trình khoa học liên ngành tầm quốc gia, nghiên cứu một cách cơ bản và hệ thống, tổng hợp, tổng thể và hết sức khoa học về khu vực thành Phượng Hoàng Trung Đô, về cuộc đời, sự nghiệp và Lăng mộ Hoàng đế Quang Trung”. 

Rất tiếc từ Hội thảo đến nay việc tìm kiếm Lăng mộ Hoàng đế Quang Trung ở Phượng Hoàng Trung Đô tiến triển không được bao nhiêu. Tìm kiếm Lăng mộ Hoàng đế Quang Trung là mong muốn của người dân cả nước. Người viết bài này mong thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An cùng với các nhà khoa học vào cuộc quyết liệt hơn, khẩn trương hơn.

HẢI HƯNG

Đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế sẽ có ít nhất 7 triệu cây xanh được trồng mới

Admin