/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Tín dụng chứng từ: Nhìn từ tập quán quốc tế và án lệ của Việt Nam

Tín dụng chứng từ: Nhìn từ tập quán quốc tế và án lệ của Việt Nam

20/07/2023 05:54 |

(LSVN) - Thanh toán thông qua bộ chứng từ giao nhận hàng hoá quốc tế từ lâu đã được hình thành và phát triển thành thông lệ trong các hoạt động mua bán hàng hóa xuyên biên giới. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thì phương thức thanh toán này mới chỉ dần phổ biến trong vài năm trở lại đây nên còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi chưa có sự am hiểu một cách đầy đủ. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ trao đổi một số nội dung pháp lý cơ bản về phương thức thanh toán bằng tín dụng chứng từ Letter of Credit (L/C) để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhận diện một số rủi ro pháp lý khi sử dụng phương thức thanh toán bằng L/C trong giao thương hàng hóa quốc tế.

Ảnh minh hoạ.

Một số nội dung cơ bản về L/C

Tín dụng chứng từ là thuật ngữ được Việt hoá từ tiếng Anh là Letter of Credit, hay còn được viết tắt là L/C. Theo quy định Quy tắc thực  hành thống nhất tín dụng chứng từ (UCP), tín dụng có nghĩa là một thoả thuận, dù cho được mô tả hoặc đặt tên như thế nào, nhưng không thể huỷ bỏ và do đó là một cam kết chắc chắn của ngân hàng phát hành về việc thanh toán cho một xuất trình phù hợp [1]. Từ định nghĩa trên có thể thấy L/C mang bản chất là một cam kết thanh toán có điều kiện và các bên có thể thoả thuận để lựa chọn các điều kiện L/C, từ đó khi xuất trình bộ chứng từ đáp ứng điều kiện thì việc thanh toán sẽ được đảm bảo. 

Cơ sở áp dụng L/C

Lần đầu tiên vào năm 1933, Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) đã soạn thảo và ban hành UCP và qua nhiều lần sửa đổi, năm 2007, ICC đã ban hành phiên bản mới nhất, chính là UCP 600. Lưu ý rằng việc ban hành các phiên bản mới của UCP không đồng nghĩa với việc bãi bỏ hiệu lực áp dụng của các phiên bản UCP đã được ban hành trước đó. Việc ban hành nhiều phiên bản UCP là nhằm phù hợp với đặc thù của nhiều hình thức giao dịch và yêu cầu của các bên đối với phương thức thanh toán này. Về bản chất, UCP được xem là tập quán quốc tế, vì vậy không có giá trị bắt buộc áp dụng như văn bản pháp luật. Do đó, nếu muốn áp dụng, các bên cần phải thoả thuận để chọn UCP làm cơ sở điều chỉnh việc thanh toán, phiên bản UCP mà mình muốn áp dụng và hơn hết là các bên có thể lựa chọn áp dụng hoặc không áp dụng các điều khoản cụ thể trong phiên bản UCP mà mình lựa chọn. 

Với phiên bản mới nhất và cũng là phiên bản được sử dụng phổ biến nhất, UCP 600 có hiệu lực từ 01/7/2007 và có tổng cộng 39 điều khoản, trong đó có các điều khoản quy định cụ thể về nguyên tắc, quy trình giao dịch, cam kết của các bên (ví dụ như ngân hàng phát hành, ngân hàng thông báo, người xuất trình, người thụ hưởng…), điều kiện/yêu cầu đối với từng loại chứng từ (hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, biên lai…), chuyển nhượng tín dụng và các quy định khác cho các bên khi khi chọn L/C là phương thức thanh toán. 

Về việc áp dụng tập quán, tại Điều 5 của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định, tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự. Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.

Đặc trưng cơ bản của L/C

Cấu trúc của L/C mang bản chất của một phương thức thanh toán quốc tế nên sẽ có các đặc trưng cơ bản như sau:

Thứ nhất, tín dụng chứng từ là phương thức thanh toán có sự tham gia của nhiều ngân hàng và từng ngân hàng sẽ có vai trò khác nhau. Một giao dịch L/C cơ bản sẽ có tối thiểu sự tham gia của ngân hàng phát hành (Issuing Bank/Opening Bank) và ngân hàng thông báo (Advising Bank). Thông thường ngân hàng phát hành L/C là ngân hàng của bên mua/nhà nhập khẩu, theo đó bên mua sẽ đặt ra yêu cầu đối với bộ chứng từ mà bên bán phải cung cấp khi giao hàng. Về phía ngân hàng thông báo, ngân hàng này sẽ nhận yêu cầu về bộ L/C từ ngân hàng phát hành, sau đó thông báo cho bên bán/nhà xuất khẩu.

Theo thông báo đó, bên bán/nhà xuất khẩu sẽ chuẩn bị để cung cấp bộ chứng từ cho ngân hàng thông báo. Ngân hàng thông báo sẽ xuất trình bộ chứng từ này cho ngân hàng phát hành để thay mặt bên bán/nhà nhập khẩu tiến hành các thủ tục để yêu cầu thanh toán. Với các giao dịch phức tạp hơn thì có thể có thêm sự tham gia của ngân hàng xác nhận (Confirming Bank), ngân hàng được chỉ định (Nominated Bank), ngân hàng chuyển nhượng (Transferring Bank), ngân hàng hoàn trả (Reimbursing Bank). Mặc dù từng ngân hàng sẽ có vai trò khác nhau nhưng thông thường các ngân hàng sẽ thực hiện cùng một lúc nhiều vai trò để tối đa lợi ích trong nghiệp vụ tín dụng chứng từ [2]. 

Thứ hai, L/C mang bản chất là một thỏa thuận thanh toán. Nguyên tắc này được thể hiện ở phần định nghĩa tín dụng trong UCP 600. Tuy nhiên sự thỏa thuận này phải dựa trên các chuẩn mực quốc tế về chứng từ thanh toán. Ví dụ như đối với đơn yêu cầu phát hành L/C, mẫu đơn này thường được các ngân hàng cụ thể hóa các nguyên tắc trong UCP 600 với các điều khoản như một mẫu hợp đồng chuẩn. Bên cạnh đó, hiện nay hình thức phát hành L/C phổ biến nhất là phát hành thông qua hệ thống điện SWIFT. Đây là hệ thống được xây dựng với Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (Hiệp hội SWIFT) với những quy định, điều kiện được ban hành về nội dung và hình thức được áp dụng thống nhất trên toàn thế giới [3].

Với sự quy chuẩn mà tập quán quốc tế đặt ra cho L/C, phương thức thanh toán này được xem là một phương thức chuẩn chỉnh, được áp dụng và thừa nhận trên toàn thế giới. Vì vậy, để việc sử dụng L/C được thuận tiện và hiệu quả thì việc tìm hiểu và nghiên cứu các chuẩn mực quốc tế áp dụng cho phương thức thanh toán này là hoàn toàn cần thiết, bao gồm nhưng không giới hạn ở các quy định trong UCP, Tập quán Ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế trong kiểm tra chứng từ theo tín dụng chứng từ (ISBP), Bản phụ trương UCP về xuất trình chứng từ điện tử (eUCP), Quy tắc thống nhất về hoàn trả liên hàng theo tín dụng chứng từ (URR) [4]. 

Thứ ba, mặc dù L/C mang bản chất là một cam kết không thể hủy ngang nhưng các bên cũng có thể thỏa thuận để tu chỉnh L/C đã phát hành. Tham khảo quy định Điều 10 UCP 600 thì trừ khi đã chuyển nhượng L/C hoặc khi các Bên có thỏa thuận rõ ràng về việc không hủy bỏ, cũng như không tu chỉnh L/C thì L/C đã phát hành hoàn toàn có thể được tu chỉnh. Cụ thể hơn, tại điểm c, d, f Điều 10 UCP 600, việc tu chỉnh L/C phải được người thụ hưởng chấp nhận, bởi lẽ L/C phát hành ban đầu là phát hành trên cơ sở thỏa thuận giữa người yêu cầu và người thụ hưởng. Do đó, cho đến khi ngân hàng thông báo phát hành một thông báo về việc người thụ hưởng chấp nhận tu chỉnh thì các điều kiện và điều khoản của L/C gốc sẽ vẫn có hiệu lực. Về phương thức tu chỉnh L/C, nếu L/C được phát hành bằng điện SWIFT thì việc tu chỉnh L/C cũng phải được thực hiện bằng phương thức tương tự, do đó các chuẩn mực quốc tế áp dụng cho thông báo bằng điện SWIFT cũng sẽ được áp dụng cho thông báo tu chỉnh L/C. 

Thứ tư, L/C có thể được phân loại theo nhiều đặc điểm nghiệp vụ, theo đó nếu phân loại theo loại hình thì sẽ có L/C không hủy ngang (Irrevocable L/C), L/C hủy ngang (Revocable L/C); phân loại theo thời điểm thanh toán thì sẽ có L/C trả ngay (Sight L/C), L/C kỳ hạn (Deferred and Acceptance L/C), L/C hỗn hợp (Mixed L/C), L/C trả chậm có điều khoản trả nhanh (UPAS L/C)… Bên cạnh đó còn có một số loại L/C đặc biệt như L/C dự phòng (Standby L/C)…Việc phân loại L/C thực tế cũng là do nhu cầu thanh toán hiện nay rất đa dạng, cũng như tùy theo giao dịch thực hiện mà phương thức thanh toán đối với từng loại L/C sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.  

Nhận diện một số rủi ro pháp lý từ việc lựa chọn sử dụng L/C làm phương thức thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Như đã trình bày, L/C là một phương thức thanh toán được hình thành từ thông lệ giao dịch hàng hoá trên thế giới, được nâng lên thành tập quán quốc tế. Vì vậy, để hạn chế rủi ro khi chọn L/C làm phương thức thanh toán thì cần có một sự am hiểu nhất định về các quy định pháp luật điều chỉnh loại hình L/C để có thể cân nhắc, đánh giá, lựa chọn một loại hình L/C phù hợp với giao dịch cần được thanh toán. Bên cạnh đó, một loại hình L/C mà doanh nghiệp cần phải hết sức lưu ý khi lựa chọn đó là L/C hủy ngang (Revocable L/C). Đây là loại L/C mà người yêu cầu phát hành (bên mua/nhà nhập khẩu) có quyền đề nghị ngân hàng phát hành sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ bất cứ lúc nào mà không cần có sự chấp thuận và thông báo trước cho người thụ hưởng (bên bán/nhà xuất khẩu) [5]. Bởi nguyên tắc đơn phương này mà L/C hủy ngang không thuộc sự điều chỉnh của UCP do UCP đã nhấn mạnh L/C mang bản chất của sự thỏa thuận.

Bên cạnh đó, việc đơn phương sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ L/C có thể thấy là sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người thụ hưởng. Nếu người thụ hưởng căn cứ theo L/C đã phát hành mà chuẩn bị hàng hóa, thực hiện nghĩa vụ tương ứng, sau đó L/C lại bị sửa đổi, thậm chí là hủy bỏ nhưng hàng hóa đã ship lên tàu, hoặc không thể thu hồi thì người thụ hưởng có khả năng sẽ không được thanh toán. Vì vậy, người thụ hưởng – doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý rằng chỉ lựa chọn L/C hủy ngang khi giao dịch với các đối tác uy tín, thân thuộc hoặc đã phát sinh giao dịch trước đó để hạn chế rủi ro nêu trên. Ngoài ra, phương thức tín dụng chứng từ chỉ mới phổ biến tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây, nên các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm khi thỏa thuận điều kiện L/C với bên mua – nhà nhập khẩu. Từ đó dẫn đến việc các doanh nghiệp này đồng ý một số điều kiện L/C mang tính bất lợi, hoặc thậm chí là các điều kiện không thể thực hiện được. Ví dụ như L/C yêu cầu phải xuất trình thêm giấy chứng nhận hàng hóa do hãng tàu vận chuyển phát hành (được ký và đóng dấu), trong khi theo quy định pháp luật của một số quốc gia, một số hãng tàu không sử dụng con dấu [6].

Do đó để hạn chế rủi ro, các doanh nghiệp xuất khẩu cần rà soát, đánh giá về điều kiện L/C mà bên mua – nhà nhập khẩu đưa ra trước khi chính thức yêu cầu ngân hàng phát hành L/C bởi nếu là L/C không hủy ngang thì sẽ không thể điều chỉnh nếu không có sự chấp thuận của người yêu cầu phát hành (bên mua – nhà nhập khẩu).

Ngược lại đối với doanh nghiệp nhập khẩu – bên mua, cần lưu ý rằng điều kiện L/C càng chặt chẽ thì càng hạn chế rủi ro khi nhận hàng. Do đó trong trường hợp là bên mua bộ chứng từ yêu cầu nên bao gồm tối thiểu chứng từ về nguồn gốc, số lượng, khối lượng hàng hóa, hóa đơn, biên lai, vận đơn vận chuyển và các chứng từ cần thiết khác. Bên cạnh đó, vận chuyển hàng hóa là nghiệp vụ rủi ro cao, vì vậy quy định pháp luật và nguyên tắc quốc tế sẽ có những quy định riêng để miễn trách nhiệm cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận tải. Vì vậy nếu rủi ro phát sinh trong quá trình vận chuyển thì nhà nhập khẩu chính là bên gánh chịu rủi ro đó, đồng thời vẫn phải thanh toán cho bên bán – nhà xuất khẩu khi họ xuất trình bộ chứng từ đáp ứng điều kiện L/C. Bởi lẽ đó mà một số doanh nghiệp nhập khẩu hiện nay sẽ yêu cầu bên bán phải mua bảo hiểm đối với hàng hóa mà người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm đầu tiên sẽ là bên mua – nhà nhập khẩu, từ đó mà bộ chứng từ có thể bổ sung thêm chứng từ bảo hiểm hàng hóa.

Thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến L/C nhìn từ Án lệ số 13/2017/AL [7]

Án lệ số 13/2017/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thông qua ngày 14 tháng 12 năm 2017 và công bố theo Quyết định số 299/QĐ-CA ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với tình huống án lệ được đề cập là: “Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thỏa thuận phương thức thanh toán bằng thư tín dụng (L/C), thỏa thuận thực hiện L/C theo tập quán thương mại quốc tế (Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ lần thứ 6 năm 2007 (UCP 600) của Phòng Thương mại Quốc tế) và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cơ sở của L/C bị hủy bỏ”.[8]

Giải pháp pháp lý cho tình huống của án lệ là: “Trường hợp này, Tòa án phải xác định thư tín dụng (L/C) không bị mất hiệu lực thanh toán vì lý do hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cơ sở của thư tín dụng (L/C) bị hủy bỏ”.

Theo đó, một nội dung quan trọng nhất được rút ra từ nội dung của Án lệ này đó là: L/C là một giao dịch riêng biệt đối với Hợp đồng mua bán hàng hóa; được chi phối và áp dụng theo UCP 600, tức là: ngân hàng phát hành L/C phải thanh toán khi xác định bộ chứng từ xuất trình là phù hợp tại ngân hàng. Từ đó cho thấy, mặc dù là một thỏa thuận về phương thức thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nhưng L/C lại tồn tại một cách độc lập; một khi nó đã được phát hành hợp lệ bởi ngân hàng phát hành thì hiệu lực của nó vẫn duy trì dù cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có bị hủy bỏ.

Tín dụng chứng từ L/C là một phương thức thanh toán an toàn và được thừa nhận theo thông lệ và tập quán quốc tế. Khi giao thương hàng hoá quốc tế, việc doanh nghiệp Việt Nam am hiểu một cách đầy đủ về L/C và có cái nhìn khái quát về thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến L/C sẽ giúp cho quá trình đàm phán hợp đồng được thành công và hạn chế rủi ro.

[1] UCP 600;

[2] GS. TS. Nguyễn Văn Tiến – TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Giáo trình thanh toán quốc tế và tài trợ ngoại thương, NXB Lao Động, trang 290 – 292;

[3] GS. TS. Nguyễn Văn Tiến – TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Giáo trình thanh toán quốc tế và tài trợ ngoại thương, NXB Lao Động Giáo trình thanh toán quốc tế và tài trợ ngoại thương, trang 301;

[4] GS. TS. Nguyễn Văn Tiến – TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Giáo trình thanh toán quốc tế và tài trợ ngoại thương, NXB Lao Động Giáo trình thanh toán quốc tế và tài trợ ngoại thương, trang 283;

[5] GS. TS. Nguyễn Văn Tiến – TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Giáo trình thanh toán quốc tế và tài trợ ngoại thương, NXB Lao Động Giáo trình thanh toán quốc tế và tài trợ ngoại thương, trang 349;

[6] Án lệ số 13/2017/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thông qua ngày 14 tháng 12 năm 2017 và được công bố theo Quyết định số 299/QĐ-CA ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;

[7] Lưu Tiến Dũng, 2021. Án lệ Việt Nam - Phân tích và Luận giải, Tập 1. Nxb. Tư Pháp, Tr.225-252. 

Luật sư ĐẶNG THỊ KIỀU OANH

Luật sư NGUYỄN ANH THƯ

Thạc sĩ TRẦN MINH PHÁP

Công ty Luật TNHH Passio Lawyers

 

Nguyễn Mỹ Linh