Tòa xử buộc cơ quan thi hành án trả tiền có đúng pháp luật?

24/08/2018 17:43 | 5 năm trước

LSVNO - về bản chất thì đây là giao dịch, thỏa thuận giữa bà Bé Tư và bà Trước, chấp hành viên chỉ là người chứng kiến và lập biên bản theo yêu cầu giữa hai bên, nội dung thỏa thuận là do hai bên...

LSVNO - về bản chất thì đây là giao dịch, thỏa thuận giữa bà Bé Tư và bà Trước, chấp hành viên chỉ là người chứng kiến và lập biên bản theo yêu cầu giữa hai bên, nội dung thỏa thuận là do hai bên xác lập một cách tự nguyện, không bị ép buộc, lừa dối. Việc cơ quan thi hành án nhận tiền của bà Bé Tư nộp thay cho bà Trước để thi hành án, không liên quan gì đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà của hai bên.

Theo hồ sơ vụ việc, bà Phạm Thị Trước là người phải thi hành án theo Bản án số 387/2015/DSPT ngày 28/9/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang. Theo đó, bà Trước có nghĩa vụ trả cho bà Nguyễn Thị Cúc số tiền 357.098.000 đồng cùng với lãi suất chậm thi hành án.

Quá trình thi hành án, bà Trước không tự nguyện thi hành án nên chấp hành viên đã tiến hành xử lý quyền sử dụng đất và căn nhà số 108, tổ 6, đường Trưng Nữ Vương, khu 2, thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang để bảo đảm thi hành án.

Ngày 28/6/2016, bà Trước đã tự nguyện đến cơ quan thi hành án trình bày nguyện vọng muốn bán căn nhà và thửa đất nêu trên để thi hành án cho bà Cúc và đã được chấp hành viên ghi nhận bằng biên bản làm việc.

Ngày 11/7/2016 và ngày 23/8/2016, bà Bùi Thị Bé Tư và bà Trước cùng đến cơ quan thi hành án để nhờ chấp hành viên lập biên bản ghi nhận thỏa thuận giữa hai bên. Theo đó, bà Trước đồng ý bán căn nhà cho bà Bé Tư; bà Bé Tư tự nguyện nộp thay số tiền mà bà Trước phải thi hành theo Bản án số 387, cộng với lãi suất chậm thi hành án, số còn lại bà Bé Tư sẽ trả cho bà Trước khi bà Trước hoàn tất thủ tục mua bán nhà. Trường hợp nếu bà Trước sai với thỏa thuận thì phải trả gấp đôi số tiền mà bà Bé Tư đã trả.

Căn cứ vào thỏa thuận giữa hai bên, Cơ quan thi hành án dân sự huyện Cái Bè đã ra biên lai thu tiền của bà Bé Tư nộp thay bà Trước để thi hành án cho bà Cúc với số tiền là 379.059.927 đồng.

Ngày 21/10/2016 bà Trước được cấp giấy chứng nhận đối với phần đất và căn nhà nêu trên nhưng bà không đồng ý thực hiện thỏa thuận với bà Bé Tư. Đồng thời, bà Trước cho rằng bà không nhận tiền từ bà Bé Tư nên cũng không đồng ý trả tiền mà bà Bé Tư đã nộp để thi hành án thay cho mình.

Do đó, bà Bé Tư đã khởi kiện yêu cầu hủy thỏa thuận chuyển nhượng giữa hai bên lập ngày 11/7/2016 và ngày 23/8/2016, yêu cầu bà Trước và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Bè liên đới trả số tiền mà bà đã nộp để thi hành án thay cho bà Trước theo thỏa thuận nêu trên, cùng với lãi suất theo quy định.

Ngày 08/3/2018, Tòa án nhân dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã xét xử sơ thẩm vụ án nêu trên. Tại phiên tòa, đại diện ủy quyền của bà Bé Tư đã rút một phần yêu cầu khởi kiện, chỉ yêu cầu hủy thỏa thuận chuyển nhượng của hai bên và yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Bè trả tiền mà cơ quan này đã nhận do bà Bé Tư nộp thay để thi hành án cho bà Trước và lãi suất theo quy định; không yêu cầu bà Trước phải có trách nhiệm trả tiền.

Bị đơn là bà Trước cho rằng bà không đồng ý bán nhà và đất cho bà Bé Tư. Việc lập biên bản là do chấp hành viên tự lập và ép bà ký tên. Bà không nhận tiền từ bà Bé Tư nên không đồng ý trả tiền cho bà Bé Tư và đồng ý với yêu cầu hủy thỏa thuận chuyển nhượng của bà Bé Tư.

Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Bè tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ trong vụ án có đơn xin giải quyết vắng mặt và có ý kiến không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà Bé Tư, vì việc chuyển nhượng, mua bán là sự thỏa thuận của hai bên, chấp hành viên chỉ ghi nhận sự thỏa thuận của các bên và nhận tiền của bà Bé Tư nộp thay cho bà Trước, không liên quan gì đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà của hai bên.

Hội đồng xét xử nhận định, thỏa thuận mua bán nhà và quyền sử dụng đất giữa bà Bé Tư và bà Trước là vô hiệu về hình thức và nội dung. Tại thời điểm thỏa thuận thì bà Trước chưa được đăng ký kê khai đứng tên nên chưa thuộc quyền sử dụng của bà Trước mà đem giao dịch là không hợp pháp. Mặt khác, hợp đồng chuyển nhượng không có công chứng, chứng thực mà do chấp hành viên xác nhận là không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Lẽ ra chấp hành viên phải hướng dẫn các đương sự đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện ký kết giao dịch theo quy định. Hoặc chấp hành viên có thể kê biên và thực hiện bán đấu giá để thu tiền theo Luật Thi hành án dân sự. Tại phiên tòa, bà Bé Tư và bà Trước cũng đồng ý hủy bỏ giao dịch là tự nguyện và phù hợp pháp luật.

Do giao dịch này vô hiệu nên cần phải giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu. Trong giao dịch này, bà Bé Tư đã giao nộp tiền cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Bè nên Hội đồng xét xử đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Bé Tư, hủy thỏa thuận giữa bà Bé Tư và bà Trước; buộc Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Bè phải trả cho bà Bé Tư 379.059.927 đồng và 54.774.000 đồng tiền lãi. Việc tuyên án như trên cũng đồng quan điểm của kiểm sát viên tham gia phiên tòa. Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn tuyên buộc Chi cục Thi hành án dân sự phải chịu hơn 20 triệu đồng án phí.

Tại phiên tòa sơ thẩm, kiểm sát viên đã nêu quan điểm và đề nghị Hội đồng xét xử như bản án Tòa án đã tuyên nhưng Viện kiểm sát nhân dân huyện Cái Bè đã không đồng ý với quan điểm này và ban hành Quyết định kháng nghị số 120/QĐKNPT-VKS-DS ngày 22/3/2018, yêu cầu cấp phúc thẩm hủy bản án của Tòa án nhân dân huyện Cái Bè.

Quyết định kháng nghị đã nêu: Căn cứ vào thỏa thuận được ghi trong hai biên bản do Chi cục Thi hành án dân sự lập ngày 11/7/2016 và ngày 23/8/2016 thì bà Trước đã thỏa thuận chuyển giao nghĩa vụ thi hành án cho bà Bé Tư là đúng với quy định của pháp luật tại khoản 4 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Đến ngày 21/10/2016, bà Trước được cấp giấy chứng nhận nhưng bà Trước không thực hiện theo thỏa thuận với bà Bé Tư nên trong trường hợp này, lỗi dẫn đến không thực hiện thỏa thuận thuộc về bà Trước. Chấp hành viên chỉ là người ghi biên bản chứng kiến thỏa thuận thi hành án giữa hai bên, không thuộc trường hợp những việc chấp hành viên không được làm theo quy định tại Điều 21 Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, án sơ thẩm nhận định Chi cục Thi hành án dân sự chưa làm hết trách nhiệm, làm sai thẩm quyền để buộc Chi cục Thi hành án dân sự phải trả tiền cho bà Bé Tư là không phù hợp với chứng cứ có trong hồ sơ.

Ngoài ra, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Cái Bè cũng chỉ ra những vi phạm tố tụng khác như: không đưa bà Cúc vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, không đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu nguyên đơn đã rút, tính án phí chưa đúng.

Trước khi có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Cái Bè, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Bè đã kháng cáo yêu cầu sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu cơ quan này phải trả tiền cho bà Bé Tư.

Tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm

Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định: Xét việc thỏa thuận chuyển giao nghĩa vụ thi hành án của đương sự được pháp luật quy định tại khoản 4 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Trong vụ án này bà Bé Tư nhận chuyển giao nghĩa vụ thi hành án từ bà Trước đối với bà Cúc số tiền 379.059.927 đồng, để trừ vào số tiền bà Bé Tư thỏa thuận mua căn nhà và quyền sử dụng đất của bà Trước giá 950.000.000 đồng theo hai biên bản cam kết thỏa thuận ngày 11/7/2016 và ngày 23/8/2016. Nhưng bà Trước không thực hiện nghĩa vụ theo biên bản cam kết thỏa thuận ngày 11/7/2016 và ngày 23/8/2016 về việc chuyển nhượng căn nhà và quyền sử dụng đất ở tọa lạc tại số 108, tổ 6, khu 2, thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nên phát sinh tranh chấp.

Án sơ thẩm xét xử tuyên hủy bỏ thuận thuận bán nhà, quyền sử dụng đất ngày 11/7/2016 và ngày 23/8/2016 giữa bà Bé Tư và bà Trước, nhận định giải quyết hậu quả giao dịch vô hiệu thì các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nhưng không đưa bà Cúc vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan theo quy định tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự là chưa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Mặt khác, bà Bé Tư khởi kiện yêu cầu bà Trước và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Bè liên đới trả cho bà Bé Tư 379.059.927 đồng và tiền lãi suất theo quy định của pháp luật từ tháng 07/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện đối với bà Trước nhưng cấp sơ thẩm không nhận định trong bản án và giải quyết việc rút một phần yêu cầu khởi kiện của bà Bé Tư là vi phạm khoản 2 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã kết luận án sơ thẩm vi phạm về thủ tục tố tụng, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên cần hủy bản án sơ thẩm.

Bình luận

Xét về bản chất thì đây là giao dịch, thỏa thuận giữa bà Bé Tư và bà Trước, chấp hành viên chỉ là người chứng kiến và lập biên bản theo yêu cầu giữa hai bên, nội dung thỏa thuận là do hai bên xác lập một cách tự nguyện, không bị ép buộc, lừa dối. Việc cơ quan thi hành án nhận tiền của bà Bé Tư nộp thay cho bà Trước để thi hành án, không liên quan gì đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà của hai bên.

Mặt khác, bản chất của số tiền này là tiền mà bà Trước đã nhận trước theo thỏa thuận và bà Trước nộp tiền thi hành án để cơ quan thi hành án tiến hành thủ tục thi hành án và không xử lý căn nhà và thửa đất của bà Trước. Từ đó, tạo điều kiện cho thỏa thuận giữa bà Trước và bà Bé Tư được thực hiện. Nhưng bà Trước cố tình không thực hiện là lỗi của bà Trước nên khi bà Bé Tư khởi kiện yêu cầu hủy thỏa thuận và được hai bên đồng ý thì hậu quả của việc hợp đồng vô hiệu sẽ là hậu quả giữa bà Trước và bà Bé Tư, chứ không phải là của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Bè.

Bà Cúc là người được thi hành án theo Bản án số 387/2015/DSPT ngày 28/9/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang, không liên quan gì đến vụ tranh chấp yêu cầu hủy thỏa thuận bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở giữa bà Trước và bà Bé Tư. Việc bà Cúc nhận tiền thi hành án là theo bản án đã có hiệu lực pháp luật, xuất phát từ thủ tục thi hành án của cơ quan thi hành án. Do đó, cấp phúc thẩm hủy án với lý do cấp sơ thẩm không đưa bà Cúc vào tham gia tố tụng là không phù hợp.

Trong trường hợp này, cấp sơ thẩm xử buộc Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Bè trả tiền cho bà Bé Tư là hoàn toàn không phù hợp với quy định của pháp luật. Tòa án cần xử buộc trách nhiệm của bà Trước phải trả tiền cho bà Bé Tư và bồi thường các khoản do bà Trước có lỗi trong việc không thực hiện hợp đồng (nếu nguyên đơn có yêu cầu). Trường hợp, nếu nguyên đơn yêu cầu hủy thỏa thuận giữa hai bên, yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Bè trả tiền và bồi thường thì Tòa án cần xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: hủy thỏa thuận giữa hai bên, không chấp nhận yêu cầu buộc Chi cục Thi hành án dân sự huyện trả tiền và bồi thường cho nguyên đơn vì nguyên đơn đã yêu cầu sai người phải có trách nhiệm trả tiền và bồi thường.

Do đó, theo quan điểm của tác giả, Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm và kháng nghị của viện Kiểm sát nhân dân huyện Cái Bè đều không phù hợp với quy định của pháp luật. Tòa cấp sơ thẩm buộc trách nhiệm trả tiền và bồi thường đối với Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Bè là không đúng pháp luật. Còn cấp phúc thẩm và kháng nghị của Viện kiểm sát xác định phải đưa bà Cúc vào tham gia tố tụng là sai pháp luật vì thực tế bà Cúc không có liên quan gì đến vụ án này.

Huỳnh Minh Khánh