/ Đạo đức & ứng xử nghề nghiệp luật sư
/ Trách nhiệm của Luật sư trong hoạt động thông tin, truyền thông

Trách nhiệm của Luật sư trong hoạt động thông tin, truyền thông

13/03/2023 10:06 |1 năm trước

(LSVN) - Trong xã hội hiện đại, vai trò của truyền thông và thông tin là rất quan trọng. Truyền thông không chỉ là công cụ để cung cấp thông tin cho mọi người mà còn là nơi để con người đưa ra những ý kiến, quan điểm của bản thân. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội dẫn đến việc rất nhiều thông tin đưa ra chưa được kiểm chứng, sai sự thật gây hoang mang cho dư luận, người dân đồng thời cũng gây tổn hại đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức.

Ảnh minh họa.

Với những kiến thức xã hội phong phú và sự am hiểu sâu sắc về pháp luật, Luật sư là một địa chỉ tin cậy để báo chí tìm đến khai thác các quan điểm cá nhân của Luật sư về các vụ việc diễn ra trong đời sống xã hội, thậm chí mong muốn Luật sư tiết lộ thêm các chi tiết của vụ việc/vụ án mà Luật sư đang giải quyết. Những quan hệ giữa Luật sư với hoạt động truyền thông và những người làm nghề truyền thông cũng đặt ra cho Luật sư những vấn đề đạo đức nhất định khi Luật sư không chỉ là người đại diện cho khách hàng mà còn là một thành phần của hệ thống bảo vệ pháp luật và là một công dân có trách nhiệm đặc biệt đối với việc bảo đảm công lý.

Quy tắc 31 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư quy định trách nhiệm của Luật sư khi cung cấp thông tin cho truyền thông báo chí như sau:

“31.1. Khi cung cấp thông tin cho báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng mạng xã hội, Luật sư phải trung thực, chính xác, khách quan.

31.2. Luật sư không được sử dụng báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để cố ý phản ánh sai sự thật nhằm mục đích cá nhân, động cơ khác hoặc tạo dư luận nhằm bảo vệ quyền lợi không hợp pháp của khách hàng hoặc phát ngôn gây ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng.

31.3. Luật sư không được viết bài, phát biểu trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, tại nơi công cộng, sử dụng mạng xã hội để nói xấu, công kích, bài xích hoặc gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ giữa các Luật sư đồng nghiệp; gây tổn hại đến danh dự, uy tín của Luật sư, nghề Luật sư, Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.”.

Như quy định của Bộ Quy tắc, khi cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông Luật sư phải tuân thủ các nguyên tắc: Trung thực, chính xác, khách quan. Điều này rất quan trọng để đảm bảo lời nói của Luật sư được tin tưởng và chấp nhận bởi cộng đồng, giúp bảo vệ danh dự và uy tín của Luật sư cũng như khách hàng. Luật sư cũng cần tránh việc sử dụng thông tin không chính xác hoặc viết bài với mục đích phản ánh sai sự thật, tạo dư luận xấu hoặc bảo vệ quyền lợi bất hợp pháp của khách hàng. Ngoài ra, việc phát biểu trên truyền thông hoặc tại nơi công cộng cần phải được thực hiện với sự trách nhiệm và chuyên nghiệp. Luật sư không nên sử dụng truyền thông để nói xấu hoặc công kích đồng nghiệp, gây chia rẽ, tổn hại danh dự và uy tín của nghề Luật sư, Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Vai trò của Luật sư nói chung không chỉ là cung cấp thông tin pháp lý cho khách hàng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính chính xác và sự thật của thông tin trên truyền thông. Điều này cũng có tác động đến sự hiểu biết của mọi người về lĩnh vực pháp lý, đóng góp phần xây dựng xã hội văn minh và trách nhiệm hơn.

Việc đăng những thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội không chỉ gây tổn hại đến danh dự, uy tín và nhân phẩm của người khác mà còn vi phạm pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư Việt Nam.

Thời gian gần đây, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam một số Luật sư với tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" (Điều 331 Bộ luật Hình sự Việt Nam). Qua điều tra, xác minh, cơ quan điều tra xác định các Luật sư này đã cố ý đăng tải nhiều đoạn ghi hình trên kênh YouTube, với các nội dung chưa được kiểm chứng, những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư. Các nội dung đăng tải trên đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và bình luận; gây ảnh hưởng xấu đến ninh trật tự, gây hoang mang trong nhân dân, xâm phạm quyền cơ bản của công dân.

Trong Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư Việt Nam đã dự kiến những trường hợp mà việc đăng tải thông tin sai sự thật hoặc không kiểm tra mạng xã hội sẽ gây tổn hại cho người khác, đã đưa vào bộ quy tắc đề Luật sư có trách nhiệm trong việc đưa thông tin lên các phương tiện truyền thông tuy nhiên một vài Luật sư vẫn vi phạm dẫn đến việc bị khởi tố.

Do đó, Luật sư cần phải hiểu rõ trách nhiệm của mình trong công việc đảm bảo tính chính xác và trung thực của thông tin trên truyền thông. Luật sư cần phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư Việt Nam, tránh các hành vi vi phạm và đảm bảo tính chính xác và trung thực của thông tin trên phương tiện truyền thông. Đây cũng là cách để Luật sư xây dựng uy tín và đóng góp vào sự phát triển của nghề Luật sư.

THIÊN AN

Luật sư có phải trả lại quà tặng khi khách hàng yêu cầu

Bùi Thị Thanh Loan