/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Ưu và nhược điểm của nguyên tắc mặc cả thú tội trong tư pháp hình sự của Mỹ

Ưu và nhược điểm của nguyên tắc mặc cả thú tội trong tư pháp hình sự của Mỹ

10/02/2023 06:40 |

(LSVN) - “Mặc cả thú tội” (plea bargains), còn được biết đến với các cách dịch khác nhau như: “thỏa thuận nhận tội”, “thương lượng nhận tội”, “đàm phán thú tội”, là một trong những nguyên tắc và cũng là thủ tục tố tụng nổi tiếng của Hoa Kỳ. 90% các vụ án hình sự ở Hoa Kỳ được giải quyết bằng mặc cả thú tội, 8% các vụ án hình sự bị đình chỉ và chỉ có khoảng 2% là giải quyết bằng thủ tục xét xử đầy đủ, có bồi thẩm đoàn. Đây là một thỏa thuận thương lượng của bị cáo trong vụ án hình sự, thông thường được thực hiện bởi luật sư bào chữa và công tố viên, theo đó bị cáo đồng ý nhận tội (thú tội) để đổi lấy một kết quả mà chính bị cáo đánh giá là thuận lợi (có lợi) hơn cho mình. Kết quả này có thể là giảm nhẹ khung hình phạt, giảm mức án hoặc được áp dụng định tội danh “nhẹ hơn” với tội mà bị cáo đã phạm phải. Mặc dù có vai trò rất quan trọng trong hệ thống tư pháp hình sự nhưng mặc cả thú tội lại là một chế định tương đối mới trong lịch sử phát triển của hệ thống tư pháp hình sự Mỹ. Bài viết phân tích một số ưu và nhược điểm của nguyên tắc “mặc cả thú tội” trong tư pháp hình sự Mỹ để có những so sánh, kiến giải nhằm tìm ra hướng đi phù hợp cho nền tố tụng Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Về mức độ phổ biến của việc áp dụng mặc cả thú tội tại Mỹ và một số quốc gia trên thế giới, thống kê của bài nghiên cứu đăng trên tạp chí điện tử Luật so sánh, số tháng 12/2007 “Về mặc cả thú tội, thỏa thuận nhận tội và các thủ tục xử lý đồng thuận trong vụ án hình sự” (Plea-Bargaining, Negotiating Confession and Consensual Resolution of Criminal Cases* Stephen C. Thaman, Electronic Journal of Comparative Law, vol. 11.3 (December 2007), http://www.ejcl.org, 2007) có nêu:

- Bulgaria đã được áp dụng thủ tục mặc cả thú tội với khoảng 36,6% trường hợp (thống kê từ 2000 đến 2005).

- Guatemala, khoảng 25% tổng số tiền án đã đạt được thông qua thủ tục mặc cả thú tội (thống kê từ năm 1996-1998).

- Trong nửa đầu năm 2000, 22% số người phạm tội và 52% trọng tội đã được giải quyết ở tỉnh Buenos Aires của Argentina bằng cách sử dụng thủ tục mặc cả thú tội.

- Ở Tây Ban Nha người ta đã ước tính rằng từ 15 đến 30% các trường hợp được giải quyết bởi thủ tục mặc cả thú tội với một tuân thủ khá phổ biến.

- Patteggiamento của Ý tỷ lệ áp dụng mặc cả thú tội là từ 17 và 21% các vụ án tại các tòa án (đối với tội nhẹ) và từ 34 đến 42% đối với tội ở cấp độ trung bình (số liệu thống kê trong những năm 1990-1998).

- Trong phiên tòa xét xử chính ở tỉnh ArgentinaTierra del Fuego, so sánh 55 vụ án xét xử theo thủ tục thông thường và 52 trường hợp được giải quyết theo thủ tục mặc cả thú tội, cho thấy, trong số những người đã ra tòa, đối với 55 vụ án theo thủ tục thông thường, có 67,02% bị kết án và 32,98% được tha bổng. Trong khi đối với 52 trường hợp “mặc cả thú tội” cho thấy có 81,69% bị kết án và 16,9% được tha bổng (tức là giải quyết bằng thủ tục mặc cả thú tội).

Mặc cả thú tội cũng đã được áp dụng ở Australia, Canada, England và New Zealand.

Các ưu điểm của mặc cả thú tội

Mặc cả thú tội giúp tối đa hóa giá trị của hình phạt trong hệ thống tư pháp hình sự

Đây là một giá trị của mặc cả thú tội, được Giáo sư Scott W. Howe [1], Phó trưởng khoa Luật của Trường Đại học luật Chapman, thuộc Đại học Missouri, Michigan nhận định và chứng minh trong bài báo “The value of Plea Bargaining”  đăng trên Oklahoma Law Review, số 58, 2005 [2].

Ông cho rằng công tố viên và thẩm phán làm việc để bảo đảm rằng thỏa thuận mặc cả thú tội, dưới mọi hình thức, sẽ không được làm thay đổi lợi ích công cộng của hình phạt. Điều này được bảo đảm bởi chính sự tất yếu trong trách nhiệm chính trị gắn với chức danh tư pháp của công tố viên và thẩm phán. Bởi, hầu hết các bang (ở Mỹ) công tố viên hay luật sư công (District Antoney) là người được bầu [3], một số bang theo chế độ bổ nhiệm. Và dù là bầu hay bổ nhiệm thì công tố viên và thẩm phán đều phải nỗ lực để được bầu tiếp hoặc bổ nhiệm tiếp vào một vị trí tương tự hoặc cao hơn trong tương lai. Để có được điều đó, họ tất yếu buộc phải cân nhắc rất cẩn thận và cần phải quan tâm đúng mức tới các đánh giá của công chúng tới các mức độ “khoan hồng” và thỏa đáng trong các mặc cả thú tội [4]. Đó là một kiểu “động lực chính trị” tất yếu buộc công tố viên và thẩm phán phải đứng về phía “lợi ích công cộng”. Bên cạnh đó, công tố viên và thẩm phán cũng thường được củng cố quan điểm này bởi với vai trò là bên “buộc tội”, họ đồng quan điểm với phía nạn nhân của tội phạm, và đứng về phía quan điểm “tội phạm phải được nhận hình phạt tương xứng với hành vi và lỗi của mình”.

Vì những động lực này, công tố viên và thẩm phán sẽ luôn cân nhắc những gì mà họ cho rằng là một hình phạt xứng đáng/tương xứng và hạn chế tối đa cái gọi là “lợi ích” mà người phạm tội có thể được hưởng trong mặc cả thú tội. Tất nhiên, các đo lường về mức độ tương xứng của hình phạt là khác nhau tùy vào từng bang, từng thời điểm và từng thẩm phán hoặc công tố viên, hoặc từng trường hợp. Tuy nhiên, có một điểm chung là công tố viên và thẩm phán luôn có xu hướng thiên về và thích các bản án với hình phạt cao hơn là các bản án với hình phạt thấp. Họ chỉ dừng lại ở mức hình phạt mà họ đánh giá là “tương xứng” với hành vi phạm tội của bị cáo, ở mức gọi là hoàn toàn xứng đáng (actually deserves).

Tuy nhiên trên thực tế, không phải lúc nào cũng có thể tuyên bị cáo với mức hình phạt “hoàn toàn tương xứng” với đánh giá của công tố viên và thẩm phán. Và đặc biệt, khi cân nhắc các lợi ích chung, tổng thể của toàn cảnh tư pháp hình sự và đấu tranh phòng chống tội phạm, mà không chỉ xét riêng từng vụ án riêng lẻ, thì mặc cả thú tội lại được lựa chọn và được đánh giá là giúp “tối đa hóa giá trị của hình phạt trong hệ thống tư pháp”. Điều đó là do:

(1) Các công tố viên và thẩm phán sẵn sàng đánh đổi một số hình phạt xứng đáng trong các trường hợp cá nhân để tối đa hóa các hình phạt mà họ có thể bảo đảm. Họ phải thực hiện sự đánh đổi này vì họ có nguồn lực hạn chế. Công việc kết án theo thủ tục xét xử có bồi thẩm đoàn đòi hỏi nhiều nguồn lực hơn rất nhiều lần áp dụng thủ tục mặc cả thú tội.

(2) Khi áp dụng mặc cả thú tội, cả hai bên trong vụ án hình sự đều có động cơ vì họ có thể tránh được khả năng xảy ra kiện tụng sau xét xử.

(3) Công tố viên và thẩm phán có thể luôn cố gắng tìm kiếm hình phạt xứng đáng tối đa, nhưng hầu hết các bị cáo cũng sẽ yêu cầu xét xử bồi thẩm đoàn. Và khi đó, kịch bản xảy ra là cả hai bên đều rất tốn thời gian và công sức để có được một kết quả không chắc chắn. 

(4) Trong trường hợp đó, công tố viên và thẩm phán tối đa hóa hình phạt bằng cách mở rộng một số khoan hồng cho những lời nhận tội. Kết quả đạt được là: họ có được một bản án nhất định với một hình phạt “hợp lý” trong vụ án (đã gần như chắc chắn và bị cáo sẽ không kiện tụng) và một khoản tiết kiệm thời gian lớn có thể được sử dụng để truy tố các trường hợp khác.

Trong bài phân tích của mình (đã dẫn chứng), Giáo sư Scott lấy ví dụ minh họa cho khẳng định mặc cả thú tội luôn mang lại hiệu quả tối đa cho hình phạt xét trong cả hệ thống tư pháp hình sự Mỹ ở các phương diện sau:

- Giả sử rằng chúng tôi có một vụ án hình sự, trong đó công tố viên thương lượng không chỉ về các cáo buộc và tuyên án mà còn là về hình phạt cụ thể của bản án thực tế, trong đó thẩm phán có quyền phủ quyết. Giả sử rằng một công tố viên đang có 06 vụ cướp (có vũ khí) để truy tố, trong số nhiều vụ khác. Công tố viên này đã nói chuyện với 06 luật sư bào chữa và kết luận rằng mỗi trường hợp có 10% cơ hội được tha bổng, nhưng 90% là đủ chứng cứ kết tội với bản án xét xử theo thủ tục bồi thẩm đoàn là 15 năm tù. Thậm chí tối đa có thể là 20 năm và không áp dụng yêu cầu tuyên án tối thiểu bắt buộc. Công tố viên kết luận rằng mỗi trường hợp sẽ cần 06 giờ để xét xử bồi thẩm đoàn và 01 giờ trong phiên tòa để xét xử có tội. Trong khoảng thời gian 06 giờ đó, công tố viên có thể thử một vụ án và hy vọng, bảo đảm 90% có lẽ sẽ dẫn đến một bản án 15 năm. Đồng thời 05 bị cáo khác sẽ phải để lại sau (tức không thể truy tố cùng thời gian 06 giờ đó). Đồng nghĩa với việc nhân rộng ra, thời gian để giải quyết vụ án là có hạn, thì trong 06 giờ đó, nếu công tố viên dành để xét xử 01 vụ án có bồi thẩm đoàn, 05 vụ án khác sẽ không bị truy tố (hoặc đã điều tra nhưng phải dừng/kết thúc vì hết hạn và không truy tố được).

- Cùng bối cảnh đó, nhưng với phương án áp dụng mặc cả thú tội, thì trong 06 giờ, công tố viên có thể tiến hành 06 phiên xét xử có tội với lời mặc cả đã được thỏa thuận. Giả sử rằng công tố viên thỏa thuận được và hai bên cùng chấp nhận lời mặc cả (lấy ví dụ là 05 năm tù/01 bị cáo). Vậy, lựa chọn nào phục vụ tốt hơn lợi ích cộng đồng trong việc trừng phạt tội phạm? Rõ ràng, 06 lời mặc cả thú tội là tốt hơn khả năng 90% của 01 bản án 15 năm. Mục tiêu của việc tối đa hóa các hình phạt khi áp dụng mặc cả thú tội, xét trong cả hệ thống tư pháp, được đánh giá là có lợi hơn nằm ở điểm này.

Hiệu quả của việc tối đa hóa hình phạt trong mặc cả thú tội trên thực tế còn lớn hơn nhiều so với những tiết lộ từ giả thuyết này. Phiên tòa xét xử trung bình đòi hỏi hơn 06 giờ đồng hồ và cũng bao gồm một số phiên xét xử trước khi xét xử chính thức và nhiều thời gian chuẩn bị hơn của công tố viên. Tương tự như vậy, phiên điều trần nhận tội (trong thủ tục mặc cả thú tội) trung bình đòi hỏi phải có 01 giờ chuẩn bị tối thiểu. Với những giả định rất ước lệ trong giả thuyết được phân tích trên cho thấy, với một khoảng thời gian và nguồn lực có hạn, việc hệ thống tư pháp áp dụng mặc cả thú tội sẽ đưa ra được một tổng hình phạt luôn luôn là hiệu quả gấp đôi so với bất kỳ kết quả hình phạt nào có thể xảy ra trong phiên tòa xét xử theo thủ tục thông thường. Sự khác biệt về cái gọi là “hiệu quả của hình phạt” sẽ tăng theo cấp số nhân nếu chúng ta sử dụng các giả định thực tế hơn.

Giả thuyết này cũng cho thấy rằng việc áp dụng mặc cả thú tội thường sẽ tối đa hóa các hình phạt của bồi thẩm đoàn ngay cả khi công tố viên không theo đuổi bản án cao nhất (mà đáng lẽ công tố viên có được nếu đưa thêm lời biện hộ). Hoặc cả trường hợp công tố viên áp dụng sự khoan hồng không cần thiết hoặc cả trường hợp công tố viên khá cực đoan trong mặc cả thú tội, thì vẫn không làm giảm hiệu quả tối đa của hình phạt trong mặc cả so với hiệu quả hình phạt trong xét xử thông thường. Mặc cả thú tội luôn tạo ra được nhiều giá trị của hình phạt hơn không phải theo nghĩa là trừng trị nặng hơn/hay trừng trị thích đáng đối với từng trường hợp bị cáo đơn lẻ, mà theo nghĩa: có nhiều vụ án được giải quyết và nhiều bị cáo “đồng ý” chịu hình phạt với các lỗi mà mình đã phạm phải hơn xét về diện rộng cả hệ thống tư pháp.

Do đó, mặc cả thú tội giúp hệ thống tư pháp hình sự vận hành theo cách tạo ra nhiều vụ án được giải quyết và nhiều hình phạt được tự nguyện thi hành hơn là việc theo đuổi quy trình xét xử thông thường.

Sự khác nhau giữa các bị cáo và công tố viên trong việc phân phối “sự khoan hồng” thông qua mặc cả thú tội cũng sẽ không ảnh hưởng đến kết quả của “hiệu quả tối ưu hình phạt” này. Giả sử, thay vì cung cấp cho mỗi bị cáo một bản án 05 năm tù, công tố viên đề nghị hai trong số họ 09 năm, hai người khác 05 năm, và hai người cuối cùng chỉ 01 năm, và tất cả đều chấp nhận với thỏa thuận đó. Sự phân phối khoan hồng này có thể xuất hiện sự bất hợp lý nhất định trong một số trường hợp. Tuy nhiên, kết quả của lựa chọn mặc cả thú tội vẫn có vẻ hợp lý hơn kết quả của việc lựa chọn xét xử, trong đó tất cả các hình phạt sẽ thuộc về một bị cáo (xét trong cùng một khung thời gian hạn chế là 06 giờ với các nguồn lực giới hạn về nhân lực và tài chính cho sự vận hành của tố tụng).

Như vậy, dù xét ở góc độ nào, mặc cả thú tội vẫn đạt được mục đích tối đa hóa hình phạt hơn là xét xử thông thường.

Mặc cả thú tội giúp tối đa hóa các chi phí cơ hội trong tư pháp hình sự

Phân tích và chứng minh ưu điểm này dựa trên các căn cứ sau:

(1) Các luận cứ chứng minh sự sụp đổ của những mô hình áp dụng không mặc cả thú tội trong quá trình tố tụng:

- Thử nghiệm loại bỏ “mặc cả thú tội” ở bang Philadenphia và những hệ lụy.

- Thử nghiệm không áp dụng “mặc cả thú tội” mà áp dụng “sàng lọc chuyên sâu” được áp dụng thử ở bang New Orleans bởi Công tố viên trưởng Harry Connick năm 2020 [5].

- Thử nghiệm hạn chế áp dụng “mặc cả thú tội” cũng đã được áp dụng tại các bang có tỷ lệ phạm pháp hình sự thấp, nơi mà công tố viên và điều tra viên không bị áp lực về thời gian và tỷ lệ án, tại Alaska năm 1975, tại El Paso, Texas 1975 và bang California vào đầu những năm 1980, đều cho thấy mặc dù không áp dụng mặc cả thú tội ở các vùng nông thôn với khối lượng truy tố hình sự thấp, thì thực tế chứng minh việc mặc cả thú tội lại chuyển sang các giai đoạn khác trong quá trình xét xử, với những lợi ích mà chính nguyên tắc này đem lại cho việc xử lý vụ án hình sự, đối với các bang áp dụng thí điểm không “mặc cả thú tội” trong thời gian nêu trên, kết quả là người ta nhận thấy các vụ án hình sự bị đình trệ, khó buộc tội, việc chấp hành hình phạt không nghiêm và trên thực tế của quá trình  tố tụng, các quy định về “mặc cả thú tội” bị cấm đã chuyển từ công tố viên sang thẩm phán, hoặc chính công tố viên lật đổ lệnh cấm này thông qua kỹ thuật gọi là chiến thuật “tàu ngầm” (subter fuges).

- Giáo sư John Langbein, một chuyên gia nổi tiếng với thuyết “không ủng hộ mặc cả thú tội” đã công khai phản ứng với lập luận vào cuối những năm 1970 Hoa Kỳ nên mô phỏng hệ thống tư pháp hình sự của Tây Đức. Theo ông, người Tây Đức đã tránh không áp dụng mặc cả thú tội bằng cách giải quyết vụ án thông qua một phiên tòa nhanh chóng, không đối nghịch. Tuy nhiên, ngay sau đó, đã chứng minh lập luận này là sai vì “mặc cả thú tội” đã xuất hiện trong hệ thống Tây Đức vào những năm 1970 và trở nên phổ biến kể từ thời điểm đó đến nay.

(2) Các luận cứ chứng minh sự cần thiết và tối đa hóa chi phí cơ hội của việc áp dụng “mặc cả thú tội” trong quá trình tố tụng:

- Xét xử thông thường với bồi thẩm đoàn các vụ án hình sự rõ ràng, ít tranh cãi lại gây ra những sai lầm nghiêm trọng do các phiên tòa ngắn, bồi thẩm đoàn sử dụng quyền phủ quyết và thẩm phán không phải là người trong cuộc để có thể hiểu về vụ án với mức độ có thể “thương lượng” được với bị cáo.

- Sự thiếu hụt về đội ngũ thẩm phán, công tố viên và chi phí cũng không phải là động lực chính của việc áp dụng mặc cả thú tội mặc dù sự thiếu hụt này thúc đẩy sự phổ biến của mặc cả thú tội. Động lực chính là “những người chơi” quan trọng liên quan - công tố viên, thẩm phán, luật sư bào chữa và bị cáo - có động cơ để thúc đẩy “mặc cả thú tội” vì nó dễ “chơi”, chi phí thấp và hiệu quả hơn nhiều so với phiên tòa có bồi thẩm đoàn. Hơn nữa, “cuộc chơi” này lại chắc chắn về kết quả mà hai bên đều dự tính được và chấp nhận được. Do đó, các bên thường vẫn muốn mặc cả và lựa chọn mặc cả, vì nó có lợi cho tất cả các bên tham gia. Nhà nước, lợi ích công thì có thể “thua thiệt” trong từng vụ án cụ thể (do thương lượng hơn là giải quyết bằng xét xử).

- Lý thuyết tối đa hóa chi phí cơ hội bằng việc áp dụng mặc cả thú tội giả định rằng chi phí xét xử và chi phí của mặc cả thú tội được thử nghiệm đưa ra kết luận: bằng việc áp dụng mặc cả thú tội, việc mặc cả giảm án cho từng trường hợp cụ thể không chỉ mang lại “lợi ích” cho từng bị cáo và công tố viên, thẩm phán, mà lại bảo đảm cho tất cả các bị cáo đã phạm tội (xét trên diện rộng) đều nhận được mức án tương xứng tối đa nhất với hành vi phạm tội mà mình đã thực hiện trên thực tế.

Mặc cả thú tội giúp bảo đảm công bằng cho người bị kết án

Mặc dù lợi ích (cũng là mục tiêu) chính của mặc cả thú tội là vì tối đa hóa hiệu quả của hình phạt đối với toàn bộ hệ thống tư pháp, phục vụ lợi ích công cộng trong việc trừng phạt tội phạm với mức chi phí hợp lý nhất, vẫn có ý kiến cho rằng nó không bảo đảm công bằng giữa bị cáo được mặc cả thú tội và bị cáo không chấp nhận mặc cả thú tội. Lập luận này có lý khi cho rằng, mặc dù bị cáo được thực hiện mặc cả thú tội là do thực hiện quyền tư pháp hiến định và phục vụ cho lợi ích tối đa của việc áp dụng hình phạt của toàn bộ hệ thống tư pháp, phục vụ lợi ích công cộng trong việc trừng phạt tội phạm với mức chi phí hợp lý nhất, tuy nhiên, rõ ràng, hình phạt mà anh được hưởng thông qua “mặc cả thú tội” là “một món hời” và nó rõ ràng thấp hơn hẳn so với mức hình phạt mà “đáng lẽ” bị cáo đó sẽ “có nguy cơ cao” là phải gánh chịu nếu theo trình tự xét xử bồi thẩm đoàn. Ở nghĩa này, rõ ràng “mặc cả thú tội” đưa đến một bản án có lợi cho bị cáo, và vì vậy, bản án sau “mặc cả thú tội” (bargained sentences) trở nên “bất công” so với các bản án sau phiên tòa (post-trial sentences).

Sau đây là 02 luận điểm chứng minh cho quan điểm mặc cả thú tội vẫn bảo đảm đưa ra được một bản án với hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội và nó không làm cho các “bản án sau phiên tòa không mặc cả” trở nên nghiêm khắc hơn hay “bất công” hơn:

(1) Mặc cả thú tội giải quyết câu hỏi chấp nhận lời buộc tội (chấp nhận thú tội), và đổi lại, được thương lượng để giảm nhẹ hình phạt, trong khi phiên tòa xét xử giải quyết vấn đề: Tranh tụng, đối chất chứng cứ và đối tụng đến cùng để kết luận có tội hay không có tội và hình phạt tương xứng cho hành vi đó là bao nhiêu?

Như vậy, có thể có công thức định lượng: mặc cả thú tội = a x b.

Trong đó, a là bản án dự kiến, b là xác suất tha bổng (được tuyên vô tội).

Theo kịch bản này, các bản án sau khi xét xử (post-trial sentences) sẽ không mang hình phạt xét xử. Sự khác biệt giữa bản án mặc cả (bargained sentences) và bản án sau phiên tòa (post-trial sentences) sẽ được giải thích không phải bởi việc từ bỏ so với thực thi quyền xét xử, mà bằng khả năng so với khả năng tha bổng (được tuyên vô tội) bị mất.

(2) Hình phạt của các bản án sau khi xét xử như là hình phạt xứng đáng; hình phạt của mặc cả thú tội là áp dụng chính sách khoan hồng. Hình phạt của các bản án sau khi xét xử như là hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội. Hình phạt của mặc cả thú tội là hình phạt được áp dụng chính sách khoan hồng, được tuyên khi chưa “xét xử” và bị cáo chấp nhận lời thú tội (chấp nhận là có tội mà không phải qua quá trình chứng minh tại tòa án).

Nhược điểm của mặc cả thú tội trong mô hình tranh tụng

Các nghiên cứu kéo dài suốt từ năm 1960 đến năm 2010 cũng như hiện nay tại Mỹ và một số nước áp dụng thủ tục mặc cả thú tội đã phân tích rất nhiều đến các nhược điểm của mặc cả thú tội.

Tựu trung, các công trình đó thống nhất ở 3 điểm yếu của mặc cả thú tội phổ biến sau đây:

(1) Nguy cơ bị cáo bị ép buộc nhận là có tội, nguy cơ án oan, sai. Do bị cáo trước “cám dỗ” về một thủ tục đơn giản nên có tâm lý nhận tội. Bị cáo chấp nhận một hình phạt nhẹ và chấp nhận nhận tội tránh thủ tục xét xử, truy tố rườm rà và đặc biệt là tránh một bản án nặng nề có thể bị tuyên nếu phiên tòa rơi vào thế bất lợi cho bị cáo.

(2) Nguy cơ hình phạt không chính xác, không công bằng. Một trong những nhược điểm làm cho mặc cả thú tội thường không chính xác và công bằng là do quá trình mặc cả thú tội thời là thủ tục xử lý riêng tư, thường không có sự tham gia của bên thứ ba trung lập hoặc không có ý kiến trực tiếp từ nạn nhân. Biên bản mặc cả thú tội hiếm khi được viết hoặc ghi lại trong bất kỳ văn bản chính thức nào. Việc thiếu hồ sơ và thiếu minh bạch thường là lý do chính quan ngại về sự không công bằng trong các thương lượng, mặc cả thú tội.

(3) Thủ tục không đầy đủ, không bảo đảm các quyền của bị cáo. Ngoài việc thiếu minh bạch, việc áp dụng mặc cả thú tội đòi hỏi các bị cáo phải từ bỏ các quyền tố tụng quan trọng được thiết kế để bảo đảm kết quả công bằng và chính xác của tố tụng hình sự, như: phải thừa nhận phạm tội, khước từ quyền giữ im lặng, từ bỏ quyền đối chất với các nhân chứng, từ bỏ quyền xét xử công khai và từ bỏ quyền xét xử có bồi thẩm đoàn.

Kết luận

Với những con số khá phổ biến về tỷ lệ áp dụng mặc cả thú tội nêu trong nghiên cứu này, chúng tôi cho rằng, cần thiết phải đẩy mạnh hơn nữa các nghiên cứu về nguyên lý vận hành và cách thức áp dụng nguyên tắc “mặc cả thú tội” để có những so sánh, kiến giải và tìm ra hướng đi phù hợp cho nền tố tụng luôn trong tình trạng quá tải về số lần phải sửa đổi luật và cải cách ở nước ta hiện nay.       

[1] Associate Dean for Academic Affairs and Frank L. Williams, Jr. Professor of Criminal Law, Chapman University School of Law. A.B. 1977, University of Missouri; J.D. 1981, University of Michigan.

[2] http://digitalcommons.law.ou.edu/olr

[3] in almost all states, District Attorneys are elected

[4] Even in states in which prosecutors or judges are appointed, elected officials generally appoint ambitious lawyers who hope to be reappointed or to be appointed or elected to another position in the future. They generally give due regard to public concern about leniency in plea bargaining.

[5] See Ronald Wright & Marc Miller, The Screening/Bargaining Tradeoff, 55 STAN. L. REV. 29, 116-17 (2002) (asserting that “bargains are not inevitable” and urging “the substitution of hard prosecutorial screening practices for the use of plea bargains” – thử nghiệm sàng lọc chuyên sâu thay thế cho mặc cả thú tội.

   

Tài liệu tham khảo

1. Trung tâm nghiên cứu dữ liệu tư pháp liên bang: PEW RESRARCH, công bố ngày 11/6/2019 về tình hình xét xử các vụ án hình sự Hoa Kỳ, đăng trên trang web chính thức http://www.Pewresearch. org

2. Plea Bargaining And Its History, Albert W. Alschuler, COLUMBIA LAW REVIEW, vol 79, No 1, Jan 1979.

3. Frank Green, Tỷ lệ xét xử của tòa án ở mức thấp mọi thời đại, tham khảo tại: Va., RICHMOND TIMES-DISPATCH (ngày 18/10/2009), http://www.richmond.com/news/article_69942dd3-2cf8-52a6 -84c3-62a5faf96b86.html [https://perma.cc/J77D-VWZU

4. Associate Dean for Academic Affairs and Frank L. Williams, Jr. Professor of Criminal Law, Chapman University School of Law. A.B. 1977, University of Missouri; J.D. 1981, University of Michigan.

PGS.TS ĐINH THỊ MAI 

Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam

Vụ trộm tiền của vợ: Người chồng có thể bị xử lý thế nào?

Bùi Thị Thanh Loan