Xu hướng nhân đạo và hướng thiện trong áp dụng pháp luật hình sự

06/01/2019 17:30 | 5 năm trước

LSVNO - Chính sách pháp luật hình sự là hoạt động có căn cứ khoa học, nhất quán và hệ thống của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm xây dựng cơ chế điều chỉnh pháp luật hình sự có hiệu quả, sử dụ...

LSVNO - Chính sách pháp luật hình sự là hoạt động có căn cứ khoa học, nhất quán và hệ thống của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm xây dựng cơ chế điều chỉnh pháp luật hình sự có hiệu quả, sử dụng văn minh các phương tiện pháp luật để đạt được mục đích của hình phạt, góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm quyền con người. Chính sách pháp luật hình sự là một trong các yếu tố quan trọng tác động đến xu hướng áp dụng pháp luật hình sự.

Tính nhân đạo trong chính sách và pháp luật hình sự

Chính sách nhân đạo và hướng thiện thể hiện rõ nhất trong Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự. Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21/12/1999 về việc thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: “Các điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01/7/2000…”. Đây là một quy định bảo đảm tuân thủ nguyên tắc “Nullum crimen, nulla poena sine praevia lege poenali” (Không có tội khi không có luật). Ngược lại, đối với “Các điều luật xóa bỏ một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01/7/2000…”. Như vậy, mặc dù Bộ luật Hình sự không có hiệu lực hồi tố, nhưng với chính sách nhân đạo, hướng thiện, cho phép áp dụng những quy định làm lợi cho bị can, bị cáo, những người được coi là yếu thế trong các quan hệ pháp luật hình sự. Cũng theo nguyên tắc này, Nghị quyết số 32/1999/QH10 nhấn mạnh, không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm những tội mà Bộ luật Hình sự này đã bỏ hình phạt tử hình, đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử... Tương tự, người chưa thành niên cũng được hưởng chính sách hình sự đặc biệt: không xử lý về hình sự đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt đến bảy năm tù….

Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định “xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích”… “thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 …”. Quy định này cũng tương tự như quy định trong Nghị quyết số 32/1999/QH10 cho thấy tính nhất quán trong chính sách nhân đạo, hướng thiện trong pháp luật hình sự của Việt Nam đối với người phạm tội. Nghị quyết số 41/2017/QH14 cũng không cho phép áp dụng các quy định bất lợi cho người phạm tội đối với các hành vi được thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích.

Ngoài những Nghị quyết của Quốc hội nói trên, trong các văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao hoặc các thông tư liên ngành cũng thể hiện rất rõ xu hướng nhân đạo, hướng thiện của pháp luật hình sự. Ví dụ, Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn rất cụ thể: “…chỉ được xét xử một người chuẩn bị phạm một tội nào đó khi có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng tội phạm mà họ chuẩn bị thực hiện là tội phạm do cố ý và là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trong trường hợp qua nghiên cứu hồ sơ nếu thấy có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng họ chuẩn bị thực hiện một tội phạm, nhưng chưa có đủ căn cứ để xác định được tội phạm mà họ định thực hiện là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, thì… tuyên bố bị cáo không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị tội phạm mà họ đã bị truy tố”. Hướng dẫn này cho thấy, khi không thể xác định chính xác tội phạm mà một người định thực hiện là loại tội nào thì bắt buộc phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội để làm lợi cho bị can, bị cáo. Tương tự như vậy, “Trong trường hợp không xác định được tội phạm mà họ thực hiện không đạt thuộc khoản tăng nặng cụ thể nào của điều luật tương ứng quy định về tội phạm đó, thì áp dụng khoản nhẹ nhất của điều luật tương ứng đó”.[1] Những quy định trên đã thể hiện rất rõ chính sách nhất quán của pháp luật hình sự Việt Nam luôn thể hiện tính nhân đạo, hướng thiện, luôn dành những lợi thế nhất định cho bị can, bị cáo trong quá trình tố tụng. Công văn số 04/TANDTC-PC ngày 09/01/2018 của Tòa án nhân dân tối cao cũng chỉ rõ: Khi áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự, “nếu có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 để giải quyết”.

Xu hướng nhân đạo, hướng thiện cũng thể hiện trong nhiều quy định của pháp luật hình sự, cơ sở pháp lý của áp dụng pháp luật hình sự[2]. Khi mới thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, các văn bản pháp luật hình sự lúc bấy giờ có xu hướng xử lý nghiêm khắc hành vi phạm tội. Ví dụ, Sắc lệnh số 6 ngày 15/01/1946 quy định hành vi của những người phạm tội trộm cắp, hủy hoại dây điện thoại và điện tín bị xử phạt từ 01 năm đến 10 năm và có thể bị xử tử. Bộ luật Hình sự năm 1985 tiếp tục coi công trình thông tin liên lạc là công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, do đó hình phạt cho hành vi phá hủy công trình, phương tiện thông tin liên lạc là hình phạt tù từ ba năm đến hai mươi năm, chung thân hoặc tử hình[3]. Bộ luật Hình sự năm 1999 tiếp tục quy định hành vi phá hủy công trình hoặc phương tiện thông tin - liên lạc cũng bị xử phạt tù từ 03 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đến Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hình phạt tử hình được xóa bỏ, không áp dụng cho hành vi phạm tội thuộc loại này nữa[4]. Như vậy có thể thấy, lịch sử lập pháp sau gần 70 năm, hình phạt tử hình đã được loại bỏ khỏi hành vi phạm tội phá hủy công trình, phương tiện thông tin - liên lạc. Điều này phần nào cho thấy xu hướng nhân đạo, hướng thiện, tôn trọng quyền được sống, một trong những quyền cơ bản của con người trong pháp luật hình sự Việt Nam. Đây chỉ là một ví dụ điển hình trong tổng số 8 tội danh quy định tại 7 điều luật đã được Bộ luật Hình sự năm 2015 loại bỏ hình phạt tử hình, gồm: tội cướp tài sản (Điều 168); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252); tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); tội chống mệnh lệnh (Điều 394); tội đầu hàng địch (Điều 399). Bộ luật Hình sự năm 1985 có 29 điều luật trong tổng số 195 điều luật quy định về các tội phạm có quy định hình phạt tử hình (chiếm 14,87%)[5]. Sau bốn lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 1985 (lần thứ nhất ngày 28/12/1989, lần thứ hai ngày 12/8/1991, lần thứ ba ngày 22/12/1992 và lần thứ tư ngày 10/5/1997), số điều luật có hình phạt tử hình đã tăng lên 44 điều[6]. Có thể thấy, giai đoạn 1985 đến 1997, xu hướng lập pháp hình sự có phần nghiêm khắc với việc ngày càng mở rộng hình phạt tử hình áp dụng cho các hành vi phạm tội, nhất là các tội phạm về ma túy. Bộ luật Hình sự năm 1999 đã tạo bước chuyển biến từ xu hướng trừng trị nghiêm khắc chuyển sang một giai đoạn thực hiện chính sách nhân đạo và hướng thiện bằng việc loại bỏ hình phạt tử hình ở nhiều điều luật. Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ còn 29 trong tổng số 263 điều có quy định hình phạt tử hình (chiếm tỷ lệ 11,02%). Như vậy, xét về số lượng thì số điều luật có hình phạt tử hình của Bộ luật Hình sự năm 1999 bằng với số điều luật có hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự năm 1985 chưa sửa đổi, nhưng lại chỉ chiếm một tỷ lệ ít hơn rất nhiều (11,02% so với 14,78%). Tiếp theo xu hướng này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999 ngày 21/12/2009 tiếp tục loại bỏ hình phạt tử hình ở 7 điều nữa, chỉ còn 22 điều có hình phạt tử hình. Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ còn giữ hình phạt tử hình trong 18 điều luật trong tổng số 314 điều quy định về các tội phạm (chiếm 5,73%). Những sửa đổi này cho thấy một nỗ lực rất lớn trong chính sách pháp luật hình sự Việt Nam theo xu hướng nhân đạo, nhân văn và hướng thiện, giảm tối đa các tội phạm có mức phạt tử hình, bảo đảm tính mạng, quyền được sống của mỗi cá nhân trong xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cùng với việc bỏ hình phạt tử hình ở nhiều tội danh, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng mở rộng phạm vi đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình: không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Đối với những tội danh mà Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình thì không áp dụng hình phạt này đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Trường hợp đã tuyên hình phạt tử hình nhưng chưa thi hành thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để ra quyết định chuyển hình phạt tử hình sang tù chung thân[7]. Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng mở rộng phạm vi đối tượng không bị thi hành hình phạt tử hình thêm 02 trường hợp so với Bộ luật Hình sự năm 1999: người bị kết án là người tử đủ 75 tuổi trở lên và người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Những trường hợp này, hình phạt tử hình chuyển thành hình phạt tù chung thân.

Một quy định nữa cũng thể hiện rõ chính sách nhân đạo, hướng thiện trong pháp luật hình sự là quy định về trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội mà trước hết là độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng ở bất kỳ tội danh nào trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc 28 tội danh quy định cụ thể tại Điều 12 khoản 2 Bộ luật này. Với quy định này thì phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã được thu hẹp đáng kể. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hình sự rất hạn chế về một số tội rất đặc thù, như tội giết người (Điều 123), tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), tội hiếp dâm (Điều 141), tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi…

Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng bổ sung nguyên tắc quan trọng “Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa”[8]. Có thể thấy đây là một quy định tiến bộ vượt bậc so với các quy định của pháp luật hình sự trước đó. Quy định này cho thấy chính sách rõ ràng của pháp luật hình sự Việt Nam là chỉ áp dụng hình phạt tù như là biện pháp cuối cùng khi có đầy đủ căn cứ cho rằng các biện pháp khác không phát huy được tác dụng. Đây là nguyên tắc rất quan trọng định hướng cho hoạt động áp dụng pháp luật của hội đồng xét xử, đồng thời bảo đảm tốt nhất lợi ích cho người phạm tội dưới 18 tuổi, giúp họ có cơ hội tối đa không bị tách khỏi gia đình và cộng đồng; giúp họ có nhiều hơn cơ hội nhận được sự giúp đỡ chân tình, quý báu của gia đình, cộng đồng và xã hội để họ sớm nhận ra lỗi lầm, sớm trở thành người có ích cho xã hội.

Một chế định hoàn toàn mới được bổ sung vào Bộ luật Hình sự năm 2015 thể hiện rất rõ xu hướng nhân đạo, nhân văn, hướng thiện là quy định về việc tha tù trước thời hạn có điều kiện. Với quy định này, lần đầu tiên pháp luật hình sự mở thêm cơ hội cho những người bị xử phạt tù được trở về với cộng đồng, với xã hội sớm hơn so với mức hình phạt đã tuyên. Ngoài chế định giảm mức hình phạt đã tuyên tương tự quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999; giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt thì quy định tha tù trước thời hạn có điều kiện là quy định thể hiện rõ nét hơn chính sách nhân đạo, hướng thiện của pháp luật hình sự. Mặc dù điều luật quy định khá nhiều điều kiện để được hưởng chế định này, tuy nhiên, các điều kiện đều khá hợp lý và nhìn chung không khó để đạt được các yêu cầu này. Do vậy, phạm vi được hưởng các chế định này là rất rộng rãi. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có một số lượng lớn các phạm nhân sẽ được hưởng chế định rất nhân đạo, nhân văn và mang tính hướng thiện này để sớm được trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phạm nhân sẽ phải tích cực cải tạo tốt hơn và cần phải có ý thức trách nhiệm cao hơn trong việc khắc phục các hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

Xu hướng nhân đạo và hướng thiện trong áp dụng pháp luật hình sự

Thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự thời gian qua cho thấy, mặc dù vẫn khá coi trọng tính trừng trị, tuy nhiên, những hình phạt đã tuyên cho thấy xu hướng nhân đạo, nhân văn và hướng thiện đã thể hiện rất rõ. Có thể minh chứng bằng số liệu áp dụng pháp luật hình sự về hình phạt chính tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2013-2017 dưới đây:

 

 

 

Các chế tài áp dụng

Năm

Số

bị cáo

Cảnh cáo

Phạt tiền

Cải tạo không GG

Án treo

Tù có thời hạn

chung thân

Tử hình

2013

2.896

8 (0,28%)

4 (0,14%)

11 (0,38%)

564 (19,47%)

2185 (75,45%)

64 (2,21%)

60 (2,07%)

2014

2.650

5 (0,19%)

10 (0,38%)

14 (0,53%)

420 (15,85%)

2124 (80,15%)

33 (1,25%)

44 (1,66)

2015

1.958

14 (0,72%)

16 (0,82%)

23 (1,17%)

358 (18,28%)

1512 (77,22%)

22 (1,12%)

13 (0,66%)

2016

2.089

2 (0,09%)

18 (0,86%)

21 (1,01%)

348 (16,66%)

1671 (79,99%)

22 (1,05%)

7 (0,34%)

2017

2.211

0 (0%)

8 (0,36%)

22 (0,99%)

465 (21,03%)

1674 (74,49%)

27 (1,22%)

15 (0,68%)

Tổng

11.804

29 (0,25%)

56 (0,47%)

91 (0,77%)

2155 (18,26%)

9166 (77,65%)

168 (1,42%0

139 (1,18%)

Nguồn: Thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh[9]

Số liệu trên cho thấy, trong giai đoạn 2013-2017, hình phạt tử hình áp dụng đối với người phạm tội đã có xu hướng giảm đáng kể. Từ chỗ áp dụng cho 60 người phạm tội năm 2013 thì đến năm 2017 chỉ áp dụng cho 15 người, đặc biệt năm 2016 chỉ áp dụng cho 7 người phạm tội. Năm 2013, hình phạt này chiếm tỷ lệ 2,07% trong tổng số người phạm tội, thì đến năm 2017 chỉ chiếm 0,68%, thậm chí năm 2016 hình phạt này chỉ chiếm 0,34% trong tổng số người phạm tội.

Xu hướng nhân đạo và hướng thiện cũng được thể hiện khá rõ trong việc áp dụng hình phạt tù chung thân. Theo đó, năm 2013, số lượng người bị xử phạt tù chung thân là 64 người chiếm tỷ lệ 2,21%. Những năm sau đó, số lượng đã giảm đáng kể và tỷ lệ của loại hình phạt này trong tổng số người phạm tội cũng có xu hướng giảm. Năm 2014  chỉ có 33 người bị xử phạt tù chung thân, giảm gần 50% so với năm 2013 và chỉ chiếm 1,25% tổng số người phạm tội. Các năm 2015, 2016 mỗi năm chỉ có 22 người phạm tội bị xử phạt tù chung thân và đến năm 2017, số lượng người phạm tội bị xử phạt tù chung thân có tăng, nhưng không đáng kể, là 27 người và chiếm tỷ lệ 1,22% trong tổng số người phạm tội.

Trong khi các hình phạt nặng như chung thân và tử hình có xu hướng ít được áp dụng hơn thì các hình phạt nhẹ như phạt tiền, cải tạo không giam giữ và phạt tù cho hưởng án treo lại ngày càng được các tòa án áp dụng nhiều hơn. Hình phạt tiền năm 2013 chỉ được áp dụng cho 4 người phạm tội (chiếm tỷ lệ 0,14%) thì đến năm 2017 đã tăng gấp đôi là 8 người, đặc biệt năm 2016 có tới 18 người được áp dụng hình phạt tiền, chiếm 0,86% số người phạm tội. Hình phạt cải tạo không giam giữ chỉ áp dụng cho 11 người năm 2013 (chiếm tỷ lệ 0,38%) thì năm 2017 đã áp dụng cho 22 người, chiếm tỷ lệ 0,99% trong tổng số người phạm tội. Đặc biệt, án treo, một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có thời hạn, một chế định thể hiện rất rõ xu hướng nhân đạo, nhân văn, hướng thiện của pháp luật hình sự thì tuy có giảm về số lượng qua các năm, nhưng tỷ lệ trong tổng số người phạm tội vẫn có xu hướng tăng nhẹ, từ 19,47% năm 2013 tăng lên 21,03% năm 2017.

Có thể thấy, xu hướng tăng cường áp dụng án treo là một xu hướng tích cực trong áp dụng pháp luật hình sự ở Việt Nam trong những năm gần đây. Có thể minh chứng bằng số liệu thống kê áp dụng án treo của tòa án nhân dân các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên giai đoạn 2007-2016 sau đây:

Bảng tổng hợp số liệu bị cáo được hưởng án treo của tòa án nhân dân hai cấp thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên giai đoạn 2007 - 2016

TT

Địa phương

Tổng số bị cáo

Số được hưởng án treo

Tỷ lệ (%)

1

Quảng Bình

6.433

1.180

18,34

2

Quảng Trị

6.954

1.871

26,90

3

TT - Huế

9.933

1.676

16,87

4

Đà Nẵng

16.840

2.878

17,09

5

Quảng Nam

17.794

4.513

25,36

6

Quảng Ngãi

5.613

1.199

21,36

7

Bình Định

15.770

2.392

15,16

8

Phú Yên

12.325

2.330

18,90

9

Khánh Hòa

16.977

3.002

17,68

10

Đăk Lăk

33.380

5.433

16,27

11

Kon Tum

3.345

998

29,83

12

Gia Lai

24.841

5.263

21,18

Tổng cộng

170.205

32.735

19,23

Nguồn: Số liệu tổng hợp từ thống kê của tòa án nhân dân khu vực miền Trung và Tây Nguyên)[10]

Theo bảng trên cho thấy, tỷ lệ bình quân được hưởng án treo của 12 tỉnh, thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên là 19,23%. Tỷ lệ này cao hơn so với tỷ lệ được hưởng án treo trong tổng số tội phạm của tỉnh Quảng Ninh là 18,26%. Đặc biệt là một số địa phương, như Kon Tum có tỷ lệ số người được hưởng án treo là 29,83%. Tỉnh Quảng Trị có số người được hưởng án treo trong tổng số người phạm tội là 26,90%. Tỉnh tiếp theo là Quảng Nam có tỷ lệ số người được hưởng án treo là 25,36%, sau đó là đến Quảng Ngãi với tỷ lệ 21,36% số người được hưởng án treo trong tổng số người phạm tội. Đây là một tỷ lệ khá lớn, cho thấy một xu hướng nhân đạo, nhân văn và hướng thiện thể hiện rất rõ ràng trong áp dụng pháp luật hình sự, khi tòa án đã tăng cường áp dụng biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện (án treo), để giúp người phạm tội không bị cách ly khỏi gia đình và xã hội; giúp họ có thể tự cải tạo trở thành người có ích ngay trong môi trường gia đình và xã hội.

Xu hướng nhân đạo và hướng thiện cũng được thể hiện khá rõ khi nghiên cứu số liệu về hình phạt cải tạo không giam giữ và án treo áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, giai đoạn 2012-2017 và 6 tháng đầu năm 2018, số lượng người chưa thành niên phạm tội ở Hà Nội được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ và án treo có xu hướng tăng: từ 36,7% năm 2012 đã tăng lên 45,45% trong tổng số người chưa thành niên phạm tội 6 tháng đầu năm 2018. Mặc dù số liệu tăng này chưa nhiều nhưng đã thể hiện một xu hướng khá rõ nét thể hiện tính nhân đạo, nhân văn và hướng thiện, đồng thời thể hiện rõ chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong bảo vệ, bảo đảm môi trường xã hội tốt nhất cho việc giáo dục, cải tạo người chưa thành niên phạm tội. Mặc dù thời gian qua, vẫn có những vụ án do người chưa thành niên thực hiện rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, tuy nhiên, đó chỉ là hiện tượng cá biệt, còn phần lớn người chưa thành niên phạm tội vẫn xuất phát từ tâm lý bồng bột, thiếu suy nghĩ, thích thể hiện bản thân, do đó, việc áp dụng triệt để nguyên tắc xử phạt tù chỉ là biện pháp cuối cùng là rất cần thiết, bảo đảm cho người chưa thành niên phạm tội không bị tách biệt khỏi xã hội; bảo đảm cho họ vẫn thường xuyên nhận được sự quan tâm chăm sóc, dạy bảo của cha mẹ, thầy cô giáo, chính quyền, đoàn thể để họ có cơ hội khắc phục khuyết điểm, sửa chữa lỗi lầm, sớm trở thành người tốt, có ích cho gia đình và xã hội.

Tóm lại, một xu hướng nhân đạo, nhân văn, hướng thiện đã thể hiện rất rõ nét trong áp dụng pháp luật hình sự ở Việt Nam thời gian qua. Tiến bộ xã hội đồng nghĩa với một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, khi đó, hình phạt chỉ còn mang bản chất nhắc nhở, cảnh báo, khiển trách cá nhân, tổ chức phải có trách nhiệm hơn đối với bản thân, đối với gia đình và đối với cộng đồng; hình phạt sẽ hướng trọng tâm vào mục đích giáo dục phòng ngừa riêng và giáo dục phòng ngừa chung nhằm hạn chế tối đa những hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho xã hội.

Trong xu thế hội nhập quốc tế, để bảo đảm rõ nét hơn xu hướng nhân đạo và hướng thiện trong áp dụng pháp luật hình sự, pháp luật hình sự Việt Nam vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng:

- Tiếp tục nghiên cứu để bỏ án tử hình

Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (The Universal Declaration of Human Rights) đã chỉ rõ: Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và quyền được bảo vệ thân thể (Everyone has the right to life, liberty and security of person).[11] Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Convention on the Privileges and Immunities of the United Nations) cũng nêu rõ: “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tùy tiện”[12]. Có thể nói, quyền sống là quyền tối cao, thiêng liêng nhất của mỗi người. Đây cũng là quyền quan trọng mà hầu hết các quốc gia đều tôn trọng triệt để. Chính từ quan điểm này, hơn mười năm qua, rất nhiều quốc gia đã dần xóa bỏ hình phạt tử hình. Giai đoạn vừa qua, đã có 105 quốc gia bãi bỏ án tử hình, 38 nước không áp dụng hình thức này hơn 10 năm qua và chỉ còn 58 nước vẫn đang áp dụng án tử hình. Những nước đã bỏ hình phạt tử hình cho thấy tỷ lệ tội phạm không cao hơn các nước khác đang có hình phạt tử hình mà thậm chí còn ngược lại: tỷ lệ tội phạm ở các nước này đang thấp hơn nhiều so với các nước vẫn đang duy trì hình phạt tử hình[13]. Điều này cho thấy một xu hướng khó cưỡng lại, đó là xu hướng loại bỏ hình phạt tử hình. Mặc dầu vẫn có những quan điểm đề xuất tiếp tục duy trì hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự Việt Nam[14] cũng như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị vẫn còn bỏ ngỏ khả năng áp dụng hình phạt tử hình: “Ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xoá bỏ thì chỉ được phép áp dụng án tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất”[15]. Tuy nhiên, cần hết sức hạn chế quy định hình phạt tử hình trong các tội danh cũng như hạn chế tối đa việc áp dụng hình phạt tử hình trong thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự nhằm bảo đảm tôn trọng tối cao công ước của Liên hợp quốc.

- Tăng cường hướng dẫn áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có rất nhiều điều luật thể hiện rõ tính nhân đạo và hướng thiện. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng, cần phải nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể việc áp dụng các quy định này.

- Nâng cao đạo đức, trách nhiệm của các chủ thể áp dụng pháp luật

Áp dụng pháp luật hình sự là hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền là cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án. Bên cạnh trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công vụ của các chủ thể này giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm tính nhân đạo và hướng thiện trong áp dụng pháp luật hình sự. Chỉ khi các chủ thể thực thi nhiệm vụ không vụ lợi, không sợ trách nhiệm; thực thi công vụ với lương tâm, trách nhiệm cao nhất của mình thì khi đó, tính nhân đạo và hướng thiện sẽ được thể hiện rõ nhất.

PGS.TS Trần Hữu Tráng

 

[1] Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999.

[2] Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội 2010, tr. 219.

[3] Điều 94 Bộ luật Hình sự năm 1985.

[4] Điều 303 Bộ luật Hình sự năm 2015.

[5] Trịnh Quốc Toản, Hình phạt tử hình trong luật hình sự Việt Nam - Một số kiến nghị hoàn thiện, Tạp chí Dân chủ và pháp luật online, nguồn: http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=29.

[6] Thanh Bình, Thu hẹp áp dụng hình phạt tử hình, hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt không giam giữ. Cổng thông tin Bộ Tư pháp, nguồn: http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thong-tin-khac.aspx?ItemID=2276.

[7] Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14.

[8] Khoản 6 Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015.

[9] Nguyễn Thành Chung, Áp dụng hình phạt tù có thời hạn theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Quảng Ninh, Luận văn thạc sỹ luật học, Học viện Khoa học xã hội, 2018, trang 41.

[10] Nguyễn Văn Bường, Chế định án treo theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn miền Trung và Tây nguyên, Luận án tiến sỹ luật, Học viện Khoa học xã hội, năm 2017, trang 160.

[11]Article 3, The Universal Declaration of Human Rights, nguồn: http://www.un.org/en/universal-declaration-human-rights/.truy cập ngày 05/12/2018.

[12]Khoản 1, Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

[13] Hiền Anh, 105 nước đã bỏ án tử hình, Báo Vietnamnet online, nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/105-nuoc-da-bo-an-tu-hinh-124582.html.

[14] Nguyễn Ích Sáng, Cần tiếp tục duy trì hình phạt tử hình trong pháp luật hình sự Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Trường Đại học Kiểm sát, nguồn: http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/79/327. Đăng nhập ngày 05/12/2018.

[15] Khoản 2, Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.