Ảnh minh họa.
Thời gian qua, rất nhiều trường hợp giả danh lực lượng Công an bằng cách sử dụng trái phép quân trang, quân dụng và công cụ hỗ trợ (gọi chung là quân trang) của lực lượng Công an để thực hiện các hành vi trái pháp luật. Mới đây, Công an TP. Hà Nội phát hiện một tài khoản Tiktok đăng tải clip cô gái trẻ mặc trang phục Cảnh sát giao thông để câu like, đồng thời xác minh người này là T.D.H., SN 1989, trú tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Tại cơ quan Công an, H. khai nhận là chủ một salon tóc, không công tác trong lực lượng Công an nhưng đã sử dụng bộ trang phục Công an nhân dân (cụ thể là Cảnh sát giao thông) để livestream trên Tiktok vào các ngày 07 - 09/6/2022. Hiện nay, Công an quận Đống Đa đã lập hồ sơ xử lý H. về hành vi sử dụng trái phép trang phục Công an nhân dân.
Trên đây, là một trong số rất nhiều vụ việc sử dụng quân trang trái quy định đã bị phát hiện và xử lý. Nghiêm trọng hơn là tình trạng mua bán trái phép quân trang trên các trang mạng xã hội xuất hiện ngày càng phổ biến và thực tế, đã có rất nhiều đối tượng giả danh lực lượng Công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Đây là hành vi gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đúng đắn, uy tín và danh dự của lực lượng Công an nhân dân.
Lợi dụng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Công an nhân dân theo quy định của pháp luật nên nhiều đối tượng xấu đã giả danh lực lượng Công an để thực hiện các hành vi phạm tội một cách thuận lợi, dễ dàng. Bởi vì, đa số các nạn nhân đều nhầm tưởng đối tượng xấu giả danh chính là lực lượng Công an đang thi hành công vụ nên chấp hành và không hề chống đối.
Nhiều đối tượng giả danh lực lượng Công an để thực hiện các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc các hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian qua là do buông lỏng quản lý dẫn đến hoạt động mua bán, sử dụng trái phép quân trang của ngành Công an diễn ra phổ biến. Ngoài ra, việc sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái các loại quân trang vẫn còn xảy ra nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và xử lý triệt để.
Mặt khác, hiện nay một bộ phận người dân vẫn còn thiếu ý thức, nhất là giới trẻ, chỉ vì thích hình ảnh của chiến sĩ Công an nhân dân nên đã có hành vi mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép quân trang với mục đích là để kỷ niệm hoặc chụp ảnh đăng lên mạng xã hội cho vui hoặc câu like. Tuy nhiên, đây là hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể Điều 20 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng; hành vi hành vi mua, bán hoặc đổi trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;…
Trường hợp cá nhân có hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác mà không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 339 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Thiết nghĩ, hành vi mua bán, sử dụng trái phép quân trang là vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm khắc để giáo dục, răn đe và ngăn ngừa hành vi vi phạm, nhất là không để đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm tội làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ngành Công an. Bên cạnh đó, ngành Công an cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ trong việc sản xuất, cấp phát, quản lý, sử dụng và thu hồi quân trang thuộc phạm vi quản lý.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trang mạng xã hội hoặc các cửa hàng buôn bán, kinh doanh trái phép quân trang, đặc biệt, xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Chú trọng đề ra các giải pháp tích cực để vận động, khuyến khích người dân nhận diện, cung cấp thông tin hoặc tố giác các hành vi mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép quân trang để kịp thời ngăn chặn và xử lý.
ĐỖ VĂN NHÂN