Ảnh minh họa.
Quy định chung về pháp nhân thương mại
BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và BLTTHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 có quy định về pháp nhân thương mại nhưng lại không có quy định về khái niệm pháp nhân thương mại là gì.Qua đó, để hiểu rõ thế nào là pháp nhân thương mại phải căn cứ vào quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015. Điều 75 BLDS 2015 có quy định về pháp nhân thương mại như sau:
“1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt của pháp thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Theo quy định này, để được công nhận là pháp nhân thương mại, thì pháp nhân đó phải thỏa mãn các điều kiện sau:
Một là, để được gọi là pháp nhân thương mại trước hết phải là pháp nhân, để phân biệt với một số tổ chức không có tư cách pháp nhân [2].
Hai là, pháp nhân thương mại có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận để chia cho các thành viên, để phân biệt với các tổ chức là pháp nhân phi thương mại [3].
Ba là, pháp nhân thương mại phải là doanh nghiệp hoặc các tổ chức kinh tế khác. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 thì Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh[4].
Như vậy, có thể hiểu ngắn gọn “pháp nhân thương mại là tổ chức được thành lập hợp pháp, có cơ cấu thống nhất, có tên riêng, có trụ sở giao dịch, có tài sản riêng và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập”.
Một số bất cập về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại
Như đã đề cập, mục đích của pháp nhân mại hoạt động kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận, do đó, pháp nhân thương mại không chỉ tham gia vào các lĩnh vực mà Điều 76 BLHS đã quy định, mà còn tham gia vào nhiều giao dịch dân sự khác như hoạt động mua bán, vay mượn, thuê tài sản của các tổ chức, cá nhân...
Mặc dù đã có các yếu tố cấu thành tội phạm hình sự nhưng lại không có căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong một số trường hợp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của các cá nhân, tổ chức hiện nay luật không có quy định.
Ví dụ 1: Đầu năm 2018, bà Trần Thúy H. cho Công ty TNHH Du lịch, thương mại, vận tải A(Công ty A) có trụ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội thuê chiếc xe Inova mang biển kiểm soát 30F-xxx.xx với giá 5.000.000 (năm triệu) đồng một tháng để làm xe chạy dịch vụ taxi, với thời hạn đến hết tháng 6 năm 2022. Công ty A được thành lập hợp pháp và có tư cách pháp nhân thương mại theo quy định của pháp luật. Hợp đồng được ký kết giữa bà H. và Công ty A là hoàn toàn hợp pháp và tự nguyện, có chữ ký của bà H. và người đại diện theo pháp luật của Công ty A là ông Đ. và có đóng dấu của Công ty A.
Thời gian đầu, Công ty A có trả tiền thuê xe hàng tháng đầy đủ nhưng đến đầu năm 2021, Công ty A không trả tiền thuê xe hàng tháng cho bà H.nữa. Bà H. có đến trụ sở Công ty A làm việc với ông Đ. thì được biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động kinh doanh của Công ty A không được thuận lợi, lợi nhuận giảm sút, thua lỗ nên Công ty A đã thế chấp chiếc xe Inova thuê của bà H. để vay tiền ngân hàng B. Quá trình vay tiền, do Công ty A không thực hiện nghĩa vụ trả lãi suất hàng tháng cho ngân hàng B nên chiếc xe Inova này đã bị phía ngân hàng thu giữ. Sau đó, phía Công ty A cùng ngân hàng B đã thanh lý chiếc xe để trả khoản tiền mà Công ty A đã vay của ngân hàng B. Nhận thấy việc Công ty A đã tự ý sử dụng tài sản của mình sai mục đích giao kết hợp đồng ban đầu và đã tự ý bán chiếc xe của mà không hỏi ý kiến của mình, bà H. đã làm đơn yêu cầu phía Công ty A phải trả lại chiếc xe.
Sau nhiều lần hứa hẹn, phía Công ty A đã không trả lại xe cho bà H. và cũng không bồi thường giá trị chiếc xe cho bà H. Cuối năm 2022, bà H. đã làm đơn trình báo về hành vi của Công ty A lên Cơ quan điều tra Công an quận Đống Đa, Hà Nội.
Có thể thấy, Công ty A đã có được tài sản của bà H. là chiếc xe Inova một cách hợp pháp bằng việc giao kết hợp đồng thuê tài sản. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng tài sản, phía Công ty A đã tự ý mang tài sản thuộc sở hữu của bà H. đi thế chấp để vay ngân hàng mà không thông báo, không được sự đồng ý của bà H. Sau khi sự việc này bị bà H. phát hiện, đã có đơn yêu cầu Công ty A trả lại tài sản nhưng phía Công ty A không trả và cũng không bồi thường giá trị tài sản cho bà H.
Hành vi của Công ty A có đủ yếu tố về hành vi của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, đó là thuê tài sản của người khác, nhận tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích khác so với hợp đồng đã ký kết dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Tuy nhiên, hiện nay, BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 chỉ quy định chủ thể thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nói riêng và các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt nói chung chỉ là cá nhân nên không có căn cứ để xử lý đối với hành vi trên của Công ty A.
Ví dụ 2: Doanh nghiệp B có đủ tư cách pháp nhân được thành lập theo đúng trình tự quy định, có trụ sở tại tỉnh X, có chức năng tư vấn, tuyển dụng, hỗ trợ đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Tháng 11/2020, khi được người quen giới thiệu, chị Trần Thanh T. đã tìm đến doanh nghiệp Bvới mong muốn đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, sau khi được tư vấn thì được biết số tiền chị T. phải trả cho doanh nghiệp B là 200.000.000 đồng (đã thanh toán đủ). Như đã cam kết, tháng 01/2021 chị T. được doanh nghiệp B đưa sang Hàn Quốc, khi đến nơi đi thăm quan một số địa điểm thì chị T. bị bỏ mặc một mình và không có sự việc đưa sang xuất khẩu lao động như đã hứa.
Với hành vi trên của doanh nghiệp B đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 174 BLHS). Tuy nhiên, cũng như tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, pháp nhân thương mại cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”mà chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mặc dù đã thỏa mãn các dấu hiệu về hành vi phạm tội quy định 75 BLHS.
Như đã phân tích trên đây, pháp nhân thương mại không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do đó khi pháp nhân có hành vi vi phạm pháp luật hình sự nhưng chỉ bị xử lý về hành chính cho thấy sự bất cập, không đảm bảo tính khách quan, công bằng, tính nghiêm minh của pháp luật đối với mọi chủ thể.
Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Từ vướng mắc trên, theo quan điểm cá nhân của tác giả, cần sửa đổi quy định của BLHS hiện hành về chủ thể thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt đoạt tài sản cũng như hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo hướng chủ thể thực hiện các hành vi đã nêu bao gồm cả cá nhân và pháp nhân thương mại. Từ đó, sửa đổi các Điều 76, 174, 175 BLHS hiện hành như sau:
“Điều 76. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm quy định tại một trong các Điều 174, 175, 188,198,190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300, 324 của Bộ luật này”.
“Điều 174.Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…
6. Pháp nhân thương mại phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm”.
“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…
6. Pháp nhân thương mại phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm”.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả về những vướng mắc, tồn tại của pháp luật, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp, chia sẻ của bạn đọc.
[1] Xem Điều 76 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. [2] Xem Điều 74 BLDS 2015. [3] Xem Điều 76 BLDS 2015. [4] Xem khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020. |
LÊ XUÂN QUANG
Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 1
Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất