LSVNO - Sau loạt bài viết của LSVNO về các tình tiết còn chưa thấu tình đạt lý tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ “cố ý làm trái tại Tổng Công ty (TCT) Cà phê Việt Nam” của 2 bị cáo Nguyễn Công Hoàng và Nguyễn Nhật, để tìm hiểu thêm sự việc, PV LSVNO đã trực tiếp đi gặp các nhân chứng có mặt trong các cuộc họp của Tổng công ty để tìm sự thật.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, 2 bị cáo Hoàng và Nhật đều khẳng định có diễn ra các cuộc họp dưới sự chỉ đạo từ lãnh đạo TCT Cà phê Việt Nam. Luật sư bào chữa cho 2 bị cáo đều đưa chứng cứ viết tay ở 2 cuốn sổ theo dõi trong quá trình công tác của 2 bị cáo.
Thep đó, bị cáo Hoàng và Nhật nêu tên các thành phần tham dự trong các cuộc họp diễn ra ngày 27-28/7/2010 và cuộc họp với phía Ngân hàng BIDV có cả lãnh đạo Tổng công ty tham dự vào ngày 11/8/2010. Tại phiên tòa 2 bị cáo cũng lý giải rằng trước khi 2 Công ty con là Trung tâm Xuất nhập khẩu (TTXNK) và Vinacafe Quy Nhơn (VNQN) đi đến ký kết hợp đồng vay vốn số 01 thì phải có sự thống nhất từ các lãnh đạo cấp trên.
Sổ ghi chép của ông Nhật ghi lại cuộc họp từ ngày 27-28/7/2018.
Bị cáo Nhật lý giải: “Vì trong thời điểm khó khăn về đồng ngoại tệ, chỉ tiêu từ TCT giao xuống cho các đơn vị thành viên là rất cao. Trong khi TTXNK lại là Công ty mới thành lập và đang thừa kế một khoản nợ rất lớn mà Công ty Vinacafe Sài Gòn để lại. Vì vậy các ngân hàng từ chối cho TTXNK vay tiền để kinh doanh nên không có vốn để thu mua cà phê. Trong khi VNQN có tiền vốn do nhiều năm kinh doanh có lãi nhưng số tiền vốn này một phần còn là cho các Công ty con và các nông trường nợ phân bón. Trong đó có 2 Công ty TNHH MTV EaTul và Công Ty TNHH MTV Iagrai dư nợ tới hơn 23 tỷ đồng. Đây là số nợ khó đòi của VNQN Vì vậy, VNQN đã nhiều lần có văn bản nhờ TCT can thiệp. Trong tình thế kinh tế của cả 2 đơn vị xuất khẩu cà phê và nhập khẩu phân bón khó khăn. Trong khi các Công ty con có sản lượng cà phê và còn nợ xấu vì vậy cuộc họp ngày 27-28/7/2010 là nhất thiết phải xảy ra để dựa trên sự chỉ đạo của TCT điều động các công ty con thống nhất trả nợ và luân chuyển từ sản lượng cà phê sang trả nợ cho VNQN để VNQN có tiền cho TTXNK vay. Thay vì TTXNK phải đi mua cà phê ngoài thì lấy cà phê từ các công ty con đang nợ VNQN”. Đây là một cách giải bài toán khó trong chiến lược kinh doanh của các công ty.
Một điều rất khó hiểu tại phiên tòa, các ghi chép của 2 bị cáo đều được công an điều tra lưu giữ trong hồ sơ vụ án nhưng không được xem là chứng cứ. Và các cán bộ đại diện TCT tham dự phiên tòa đều nói không có cuộc họp nào diễn ra. Nhân chứng và là người đại diện quan trọng của TCT là ông Đoàn Đình Thiêm, ông Nguyễn Văn Minh, ông Đỗ Văn Nam đều vắng mặt.
Sau khi thấy rằng sẽ có oan sai khi phiên tòa sơ thẩm xét xử tuyên án cho bị cáo Nhật và Hoàng, vì vậy ông Nguyễn Văn Trương – Nguyên Phó Tổng Giám đốc TCT Cà Phê Việt Nam (người đã chứng kiến các hoạt động của TCT những năm qua) đã cùng PV và bị cáo Nhật có cuộc hành trình đi gặp các nhân chứng có tham dự trong các cuộc họp như trong lời khai của các bị cáo.
Tại Công ty TNHH MTV Cà Phê Eatul (Công ty Eatul, nằm tại huyện Cưmnga tỉnh Đắk Lắk) chúng tôi gặp ông Y Hô Niê - Giám đốc Công ty Eatul và ông Lê Thế Hệ. 2 ông cho biết “có các cuộc họp giữa các công ty con và các lãnh đạo TCT”. Ông Lê Thế Hệ (khi đó là Giám đốc Công ty Eatul) khẳng định, thời điểm ngày 27, 28/7/2010 có diễn ra cuộc họp và ông có tham dự. Cụ thể, theo văn bản xác nhận của 2 ông như sau: “Ngày 27 - 28/7/2010, diễn ra cuộc họp do ông Đỗ Văn Nam – Tổng giám đốc TCT chủ trì, tham dự có ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng Ban Tài chính kế toán TCT, ông Nguyễn Công Hoàng – Phó Tổng giám đốc TCT kiêm Giám đốc TTXNK, ông Nguyễn Đại Ngọc – Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Iagrai, ông Lê Thế Hệ – Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Eatul, ông Y Mon – Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Cà phê Eatul, ông Nguyễn Nhật – Giám đốc Công ty Quy Nhơn để thống nhất chủ trương”.
Theo đó, năm 2009 Công ty Eatul có mua phân của VNQN với tống giá trị trên 5.2 tỷ, đến năm 2010 vẫn chưa trả được nợ. Vì vậy VNQN yêu cầu TCT Cà phê Việt Nam can thiệp để trả nợ.
Ngày 27/7/2010, tại TCT Cà Phê Việt Nam, ông Đỗ Văn Nam chủ trì cuộc họp tại phòng khách của TCT. Tại cuộc họp này, Tổng giám đốc TCT Cà phê Việt Nam triển khai 2 nội dung chính là việc 02 đơn vị thành viên (Công ty TNHH MTV Cà phê Iagrai và Công ty TNHH MTV Cà phê Eatul) nợ tiền phân bón được đầu tư bởi VNQN nên 2 đơn vị này thống nhất sẽ bán cà phê cho TTXNK Vinacafe với giá chốt thời điểm này là 26 triệu đồng/tấn và giao hàng vào mùa thu hoạch 2010-2011 để TTXNK bán hàng xuất khẩu lấy tiền về trả thay cho VNQN.
Nội dung thứ 2 là Công ty VNQN cho TTXNK Vinacafe ứng tiền 50 tỷ đồng để thu mua cà phê tại các đơn vị thành viên TCT, sau đó xuất khẩu thu ngoại tệ về bán lại cho BIDV Bình Định để ngân hàng bán lại cho VNQN nhập khẩu phân bón phục vụ ngành cà phê (trong bối cảnh nguồn ngoại tệ khan hiếm nghiêm trọng).
Sau khi phổ biến xong các nội dung trên thì có ông Đoàn Đình Thiêm đến tham dự (lý do bận việc nên không tham gia từ đầu cuộc họp) và ông Nguyễn Công Hoàng có trình bày lại nội dung phần trước của cuộc họp, ông Thiêm đã nhất trí hoàn toàn với nội dung trên.
Tiếp theo, ông Y Mon và ông Lê Thế Hệ - Công ty TNHH MTV Cà phê Eatul có xin lãnh đạo TCT cho tiếp tục đầu tư 100 tấn phân các loại vì sắp tới trả nợ hết cho VNQN nên không có tiền đầu tư bón cây cà phê. Ông Thiêm đã đồng ý và giao cho VNQN thực hiện.
Sau đó, các bên thống nhất ký hợp đồng mua bán cà phê cùng ngày với nội dung như sau:
Về việc đề nghị của Công ty Cà phê Iagrai, TTXNK trả thay cho VNQN là 16 tỷ đồng tiền phân bón. Công ty Cà phê Eatul đề nghị TTXNK trả thay cho VNQN là 5,2 tỷ đồng tiền phân bón. Số tiền các đơn vị đề nghị TTXNK trả thay cho VNQN kể từ ngày 31/7/2010 và không tính lãi phát sinh (có biên bản đối chiếu công nợ kèm theo).
Vì vậy, chúng tôi xác nhận có cuộc họp trên với những nội dung đã được liệt kê cụ thể chi tiêt. Chúng tôi cam kết xác nhận các nội dung trong văn bản này đều là sự thật.
Văn bản xác nhận của ông Lê Thế Hệ và ông Y Hô Niê.
Gặp gỡ ông Nguyễn Đại Ngọc - nguyên Giám Đốc Công ty TNHH MTV cà phê Iagrai cùng các lãnh đạo và nhân viên hiện nay tại văn phòng làm việc của Công ty cà phê Iagrai (thuộc xã IaHrung, Huyện Iagrai, tỉnh Gia Lai), tại đây ông Ngọc đã xác nhận có xảy ra hợp đồng mua bán để trả nợ cho VNQN dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo TCT, vì vậy ngày 28/7/2010 ông đã xuống sài gòn để làm hợp đồng mua bán với TTXNK chốt giá cà phê thời điểm cà phê non là 26.000 đồng/kg. Văn bản xác nhận có chữ ký và được ông Nguyên Văn Phú – Quyền chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Iagrai ký tên đóng dấu và ông Ngọc xác nhận như sau: “Tính đến ngày 28/7/2010 công ty TNHH MTV Cà phê Iagrai có nợ tiền phân bón của công ty VNQN với số tiền là 18.572.646.355 đồng. Công ty VNQN nhiều lần yêu cầu công ty TNHH MTV Cà Phê Iagrai trả nợ và TCT Cà Phê Việt Nam cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Cà Phề Iagrai trả nợ số tiền trên cho Công ty VNQN. Song Công ty Iagrai không có tiền trả nợ nên Công ty phải chốt cà phê trước để lấy tiền trả nợ cho VNQN theo chỉ đạo của lãnh đạo TCT cà phê Việt Nam. Ngày 28/7/2010, Giám đốc Công ty Iagrai có đến tại chi nhánh TTXNK để làm hợp đồng bán cà phê lấy tiền trả nợ cho VNQN”.
Cũng tại đây, một nhân viên của Công ty Iagrai đã bắt đầu làm việc từ năm 2006 xác nhận, thời điểm làm hợp đồng mua bán café là buộc phải bán non để trả nợ. Cà phê bán đúng vào mùa thu hoạch giá thị trường lên tới 33 – 36 nghìn đồng/kg. Nhưng để trả nợ cho VNQN do chỉ đạo từ TCT nên buộc phải bán khi cà phê còn chưa đến vụ thu hoạch. Iagrai phải bán 1000 tấn cà phê với giá 26.000đ/kg. Đến vụ thu hoạch, giá cà phê có lúc lên tới 36.000 đ/kg với 1000 tấn cà phê bị bán ép thì Công ty Iagrai phải mất gần 10 tỷ, cũng may năm đó Nông Trường Iagrai thu hoạch được hơn 2000 tấn cà phê.
Sau khi gặp gỡ các nhân chứng có liên quan để thực hiện được hợp đồng vay vốn số 01 giữa TTXNK và VNQN. Đoàn chúng tôi tiếp tục tới gặp bà Bùi Thị Kim Sen - Phó Giám Đốc Ngân Hàng BIDV Bình Định (tại địa chỉ số 72, Lê Duẩn, Quy Nhơn, Bình Định). Theo đó, bà Sen cho biết: “Thời điểm đó xảy ra các sự việc cụ thể như thế nào tôi không còn nhớ rõ vì sự việc đã lâu. Lúc đó các lãnh đạo phía TCT Cà phê Việt Nam có cả ông Hoàng và ông Nhật sang Ngân Hàng BIDV để làm việc đặt vấn đề mua bán ngoại tệ. Do đang rất khan hiếm ngoại tệ nên có người bán ngoại tệ thì chúng tôi mua thôi. Về Nguyên tắc của Ngân hàng thì khi khách hàng có yêu cầu thì phía Ngân hàng sẽ cử nhân viên đi gặp gỡ để làm việc. Đây chỉ là cuộc gặp gỡ trao đổi về việc mua bán đồng ngoại tệ chứ không đưa ra văn bản ký tá nào cả”.
Theo anh Hiệu - nhân viên của Ngân Hàng BIDV Bình Định (nhân chứng có tham dự cuộc họp ngày 11/8/2010), khi vụ án xảy ra công an đã tới điều tra và các giấy tờ có liên quan anh đã cung cấp hết cho bên công an.
Kim Chi