Quy định pháp luật về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”
Đối tượng tác động
Đối tượng tác động của tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” là chế độ quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, là nguồn lực tài chính quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc phân tích cụ thể đối tượng tác động của tội này liên quan đến các khía cạnh sau:
- Định nghĩa về vốn đầu tư công: Vốn đầu tư công bao gồm các nguồn lực tài chính mà nhà nước huy động để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Các loại vốn này bao gồm: Vốn từ ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ và chính quyền địa phương, vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) và các khoản vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, và các khoản vay khác từ ngân sách địa phương.
- Tính chất và vai trò của vốn đầu tư công: Vốn đầu tư công là nguồn lực quan trọng để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng, giáo dục, y tế, và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác. Nó có tính chất công ích và ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội. Việc quản lý và sử dụng vốn này phải tuân thủ quy định pháp luật nghiêm ngặt để đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch và tránh thất thoát, lãng phí.
- Hậu quả của việc vi phạm quy định về vốn đầu tư công: Khi các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công bị vi phạm, như việc chi tiêu không đúng mục đích, thất thoát, hoặc tham ô, sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước và làm suy yếu hiệu quả của các dự án đầu tư. Hậu quả có thể là lãng phí nguồn lực, làm chậm tiến độ các dự án quan trọng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân.
- Phạm vi tác động: Đối tượng tác động chính là ngân sách nhà nước và các nguồn vốn vay, bởi vì khi vốn đầu tư công bị sử dụng sai mục đích hoặc thất thoát, gánh nặng nợ công sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến các khoản vay và uy tín của quốc gia đối với các tổ chức tài chính quốc tế. Ngoài ra, việc vi phạm quy định này có thể tác động đến các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, làm suy giảm niềm tin của người dân vào các chính sách phát triển của nhà nước.
Như vậy, tội này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách và các nguồn vốn đầu tư công, mà còn gây ra những hệ lụy sâu rộng cho cả nền kinh tế và xã hội.
Hành vi vi phạm
Người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Hành vi này có thể bao gồm một trong các hành vi vi phạm cụ thể sau:
- Vi phạm quy định về quyết định chủ trương đầu tư: Người phạm tội đưa ra hoặc phê duyệt chủ trương đầu tư không đúng với quy định pháp luật, hoặc không phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được phê duyệt, nhằm trục lợi cá nhân hoặc nhóm lợi ích.
- Vi phạm quy định về lập, thẩm định chủ trương đầu tư: Trong quá trình lập và thẩm định chủ trương đầu tư, người phạm tội có thể cố tình làm sai lệch thông tin, tài liệu, hoặc không tuân thủ quy trình thẩm định nhằm thông qua các dự án không đủ điều kiện, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
- Vi phạm quy định về quyết định đầu tư chương trình, dự án: Người phạm tội lợi dụng chức vụ để phê duyệt các dự án, chương trình đầu tư không đúng với quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua, hoặc phê duyệt các dự án không đủ điều kiện về năng lực tài chính và kỹ thuật, dẫn đến lãng phí và thất thoát nguồn vốn.
- Vi phạm quy định về tư vấn, thiết kế chương trình, dự án: Người phạm tội có thể thông đồng với các đơn vị tư vấn, thiết kế để làm sai lệch, gian lận hoặc bỏ qua các tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết trong quá trình thiết kế chương trình, dự án. Điều này có thể dẫn đến việc phê duyệt các dự án không khả thi hoặc kém hiệu quả, gây ra tổn thất lớn cho vốn đầu tư công.
Những hành vi này đều vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và tiến độ các dự án đầu tư.
Các hành vi trên bị coi là tội phạm nếu gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc tuy gây thiệt hại dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 của Bộ luật Hình sự về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".
Vướng mắc, bất cập
Quá trình nghiên cứu, áp dụng Điều 220 Bộ luật Hình sự trên thực tế có thể thấy rằng quy định này còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập cụ thể:
Thứ nhất, mặc dù tội danh thể hiện tội phạm được quy định là tội phạm có cấu thành vật chất nhưng quy định lại thể hiện hai trường hợp phạm tội khác nhau đó là “gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng” và hành vi “gây thiệt hại dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”, trong đó chỉ có một trường hợp được gắn với hậu quả nghiêm trọng còn trường hợp khác lại gắn với dấu hiệu của chủ thể của tội phạm là đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm như vậy là không tương thích với tên của điều luật, trường hợp này bị coi là tội phạm bởi vì có thỏa mãn kèm theo đặc điểm về nhân thân người phạm tội.
Thứ hai, trong quá trình áp dụng pháp luật vẫn có hai quan điểm về vấn đề xác định lỗi của tội phạm này.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Lỗi trong tội phạm này được coi là lỗi vô ý. Theo quan điểm này, cụm từ “vi phạm quy định” được xem là điều kiện cần thiết để xác định tính trái pháp luật của hành vi. Để xác định liệu hành vi có dấu hiệu tội phạm hay không, điều kiện cần là hành vi đó phải “gây hậu quả nghiêm trọng”. Như vậy, người phạm tội thường không nhận thức được và không mong muốn gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, dẫn đến việc lỗi của họ được xác định là vô ý.
Quan điểm thứ hai lại cho rằng: Người phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp. Mặc dù trong Điều 220 Bộ luật Hình sự có cụm từ “vi phạm quy định”, tuy nhiên dấu hiệu về thái độ tâm lý của người phạm là cố ý vi phạm nhằm mục đích vụ lợi. Điều này có nghĩa là người phạm tội đều nhận thức được rằng hành vi của họ là trái pháp luật và vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, nhưng vẫn quyết định thực hiện hành vi đó vì mục đích cá nhân.
Qua nghiên cứu, tác giả cho rằng cần xác định lỗi của người có hành vi phạm tội này là lỗi cố ý trực tiếp, bởi động cơ và mục đích phạm tội, trong Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015, động cơ và mục đích không được nêu lên trong cấu thành cơ bản của tội phạm, tuy nhiên tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều 220 có quy định về tình tiết tăng nặng định khung:
“a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt”.
Trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội xuất phát từ động cơ vụ lợi, có tổ chức và dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt thì không thể là do lỗi vô ý. Tuy nhiên, việc quy định không thống nhất trong Điều 220 Bộ luật Hình sự sẽ tạo khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật, dễ gây nhầm lẫn giữa Điều 220 với các điều luật khác ở nhóm tội phạm về tham nhũng.
Kiến nghị, đề xuất
Thứ nhất, cần sửa đổi tên điều luật theo hướng phù hợp với cấu thành cơ bản của điều luật quy định tại khoản 1 Điều 220. Cụ thể, tác giả kiến nghị đổi tên tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” thành tội "Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công".
Thứ hai, cần phải bổ sung, đề cập đến động cơ và mục đích phạm tội trong cấu thành cơ bản của tội phạm, quy định thống nhất giữa các khoản trong điều luật. Việc xác định động cơ và mục đích giúp làm rõ hơn về nguyên nhân thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm. Điều này không chỉ giúp phân định rõ ràng các nhóm tội phạm mà còn góp phần vào việc định tội danh chính xác. Cụ thể có thể bổ sung khoản 1 Điều 220 như sau:
“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý thực hiện một trong những hành vi sau đây gây thiệt hại từ…”.
Thứ ba, nếu xác định lỗi của tội này là lỗi cố ý thì cần đưa tội này vào nhóm tội phạm về tham nhũng. Bởi nhóm tội về tham nhũng có dấu hiệu định tội là vì động cơ vụ lợi, tại Điều 220, nếu xác định là lỗi cố ý các đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái pháp luật trong đầu tư công gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước nhằm vụ lợi thì cần xác định là hành vi tham nhũng.