Bàn về trách nhiệm của Luật sư khi đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý với khách hàng

19/03/2023 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Trong quá trình hoạt động nghề nghiệp Luật sư, việc bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng là ưu tiên hàng đầu của Luật sư khi thực hiện vụ việc của khách hàng. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, việc bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng là một điều bất khả thi với Luật sư, đòi hỏi Luật sư trong những trường hợp này cần sự bình tĩnh, cẩn trọng phân tích vấn đề, trao đổi thảo luận lại với khách hàng để đi đến thống nhất mới hoặc buộc phải đơn phương chấm dứt thực dịch vụ pháp lý cho khách hàng.

 

Ảnh minh họa.

Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư Việt Nam đã dự liệu các trường hợp Luật sư có thể lựa chọn từ chối thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc bắt buộc phải chấm dứt hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng tại Quy tắc 13 như sau:

Các trường hợp Luật sư có thể từ chối thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý

13.1.1. Khách hàng đưa ra yêu cầu mới mà yêu cầu này không thuộc phạm vi hành nghề Luật sư hoặc trái đạo đức, trái pháp luật;

13.1.2. Khách hàng không chấp nhận ý kiến tư vấn giải quyết vụ việc đúng pháp luật, phù hợp với đạo đức do Luật sư đưa ra, mặc dù Luật sư đã cố gắng phân tích thuyết phục;

13.1.3. Khách hàng vi phạm cam kết theo hợp đồng dịch vụ pháp lý mà các bên không thể thỏa thuận được hoặc quan hệ giữa Luật sư với khách hàng bị tổn hại không phải do lỗi của Luật sư;

13.1.4. Có sự đe dọa hoặc áp lực về vật chất hoặc tinh thần từ khách hàng hoặc người khác buộc Luật sư phải làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp;

13.1.5. Có căn cứ xác định khách hàng đã lừa dối Luật sư.

Các trường hợp Luật sư buộc phải từ chối thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý

13.2.1. Có căn cứ xác định khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật sư để thực hiện hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức;

13.2.2. Phát hiện vụ việc thuộc trường hợp quy định tại Quy tắc 11 Bộ Quy tắc. Các trường hợp thuộc quy tắc 11 bao gồm:

“11.1. Khách hàng thông qua người khác yêu cầu Luật sư mà Luật sư biết rõ người này có biểu hiện lợi dụng tư cách đại diện cho khách hàng để mưu cầu lợi ích không chính đáng làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

11.2. Khách hàng yêu cầu dịch vụ pháp lý của Luật sư mà Luật sư biết rõ khách hàng có ý định lợi dụng dịch vụ đó cho mục đích vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc khách hàng không tự nguyện mà bị phụ thuộc theo yêu cầu của người khác.

11.3. Có căn cứ rõ ràng xác định khách hàng đã cung cấp chứng cứ giả hoặc yêu cầu của khách hàng trái đạo đức, vi phạm điều cấm của pháp luật.

11.4. Vụ việc của khách hàng có xung đột về lợi ích theo quy định tại Quy tắc 15.

Quy tắc 15.3 quy định các trường hợp Luật sư phải từ chối nhận vụ việc hoặc từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc trong các trường hợp sau:

15.3.1. Vụ việc trong đó các khách hàng có quyền lợi đối lập nhau;

15.3.2. Vụ việc trong đó khách hàng mới có quyền lợi đối lập với khách hàng hiện tại; vụ việc khác của khách hàng là người đang có quyền lợi đối lập với khách hàng hiện tại trong vụ việc Luật sư đang thực hiện.

15.3.3. Vụ việc trong đó khách hàng mới có quyền lợi đối lập với khách hàng cũ trong cùng một vụ việc hoặc vụ việc khác có liên quan trực tiếp mà trước đó Luật sư đã thực hiện cho khách hàng cũ;

15.3.4. Vụ việc của khách hàng có quyền lợi đối lập với quyền lợi của Luật sư hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của Luật sư;

15.3.5. Vụ việc mà Luật sư đã tham gia giải quyết với tư cách người tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức khác trong cơ quan nhà nước, trọng tài viên, hòa giải viên;

15.3.6. Vụ việc của khách hàng do cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của Luật sư đang cung cấp dịch vụ pháp lý có quyền lợi đối lập với khách hàng của Luật sư;

15.3.7. Trường hợp Luật sư không được nhận hoặc thực hiện vụ việc cho khách hàng quy định tại Quy tắc 15.3 này, Luật sư khác đang làm việc trong cùng tổ chức hành nghề Luật sư cũng không được nhận hoặc thực hiện vụ việc, trừ trường hợp tại Quy tắc 15.3.4 và 15.3.6”.

13.2.3. Các trường hợp phải từ chối do quy định của pháp luật hoặc trường hợp bất khả kháng.

Ví dụ: A là bị can trong vụ án “Giết người”, A nhờ Luật sư B tham gia bào chữa cho mình. Trong quá trình trao đổi làm việc với Luật sư, A đã cung cấp những bằng chứng ngoại phạm giả mạo để chứng minh mình không giết người. Qua điều tra, A bị phát hiện giả mạo chứng cứ. Trường hợp này, Luật sư B có thể trao đổi thỏa thuận lại với A việc có tiếp tục làm Luật sư bào chữa cho A hay không. Nếu Luật sư đồng ý, sẽ tìm các tình tiết giảm nhẹ, điều kiện phạm tội để đề nghị đường lối xử lý khoan hồng giảm nhẹ hình phạt.

Trong trường hợp Luật sư B không tiếp tục thực hiện vụ việc muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ pháp lý do có căn cứ xác định khách hàng đã lừa dối Luật sư (Quy tắc 13.1.5) thì phải tuân thủ theo Quy tắc 14 Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư Việt Nam. Theo đó, dù A đã có hành vi lừa dối Luật sư, không trung thực nhưng Luật sư không được có lời nói, hành vi xúc phạm, thiếu tôn trọng đối với A. Trong mọi trường hợp Luật sư luôn phải đặt sự tôn trọng với khách hàng lên hàng đầu. Đồng thời, Luật sư phải thông báo cho A biết việc làm vi phạm của A khi không trình bày trung thực với mình và giải thích để A hiểu rõ theo quy định mình có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với A. Cũng như giải thích rõ cho A biết nếu mình tiếp tục bào chữa cho A sẽ có những hạn chế, khó khăn hoặc bất lợi gì cho A. Khi quyết định chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, Luật sư phải thông báo cho A biết trước trong một khoảng thời gian hợp lý để A có thể tìm một Luật sư khác bảo vệ cho mình. Khi kết thúc vụ việc Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư nhanh chóng giải quyết các vấn đề liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng dịch vụ pháp lý.

LÊ THỊ THANH BÌNH

Học viên lớp Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp

Tóm lược Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam