/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Bàn về việc xử lý tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng

Bàn về việc xử lý tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng

07/12/2024 06:57 |

(LSVN) - Khi vay vốn của tổ chức tín dụng, ngoài việc thế chấp tài sản bảo đảm là đất đai, nhà xưởng, các chủ thể kinh doanh có thể dùng hàng hóa trong quá trình kinh doanh, sản xuất để làm tài sản thế chấp. Tuy nhiên hiện nay, các vấn đề liên quan đến thế chấp hoặc xử lý tài sản thế chấp, đặc biệt là hàng hóa luân chuyển trong sản xuất và kinh doanh vẫn chưa được quy định rõ ràng. Bộ luật Dân sự hiện hành cũng không quy định việc đăng ký thế chấp đối với hàng hóa luân chuyển, nên trong thực tế, việc xử lý tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, có ý nghĩa quan trọng.

Bài viết tập trung phân tích thực trạng và những quy định pháp luật về xử lý tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển, những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng những quy định này, qua đó kiến nghị hoàn thiện pháp luật để nâng cao hiệu quả xử lý tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển.

Tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong sản xuất, kinh doanh

Hiện nay, có khá nhiều học giả nghiên cứu và đưa ra khái niệm về hàng hóa luân chuyển trong sản xuất kinh doanh. Tác giả Nguyễn Thị Minh quan niệm rằng “hàng hóa luân chuyển trong sản xuất kinh doanh là loại hàng hóa thường xuyên được mua bán, trao đổi, hoặc thay thế trong quá trình sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là các tài sản lưu động, thường bao gồm nguyên vật liệu, sản phẩm dở dang, hàng hóa thành phẩm hoặc hàng hóa trong kho, có tính chất tạm thời, không cố định và thường xuyên biến đổi theo nhu cầu kinh doanh”(1). Trong khi đó, tác giả Trần Quang Huy lại có nhận xét rằng: “Các hàng hóa này có vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục, và việc thế chấp chúng thường mang tính phức tạp hơn so với tài sản cố định, do tính chất biến đổi và khó quản lý”(2).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngoài các tài sản cố định, các doanh nghiệp hiện nay cũng lựa chọn tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển để thế chấp tại các tổ chức tín dụng nhằm mục đích vay vốn. Hàng hóa luân chuyển chiếm một phần lớn trong tài sản lưu động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất và thương mại. Việc thế chấp hàng hóa luân chuyển giúp doanh nghiệp mở rộng phạm vi tài sản có thể sử dụng làm bảo đảm vay vốn. Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, không bị giới hạn bởi tài sản cố định. Ngoài ra, hàng hóa luân chuyển trong kho hoặc trong quá trình sản xuất có thể được bán hoặc trao đổi liên tục, mang lại dòng tiền cho doanh nghiệp. Thế chấp hàng hóa luân chuyển giúp doanh nghiệp vừa sử dụng hàng hóa để duy trì sản xuất kinh doanh, vừa có thể thế chấp để vay vốn mà không bị gián đoạn hoạt động. Vì vậy, loại tài sản bảo đảm này đang ngày càng phổ biến tại các tổ chức tín dụng.

Pháp luật Việt Nam có thừa nhận việc thế chấp hàng hóa luân chuyển khi quy định về nội dung quyền của bên thế chấp(3), nhưng lại không có định nghĩa chính thức. Khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại hiện hành có định nghĩa chính thức về hàng hóa, nhưng đó chỉ là định nghĩa về hàng hóa tiềm năng, nghĩa là những tài sản có thể trở thành hàng hóa. Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm(4) có định nghĩa “Hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh là động sản dùng để trao đổi, mua bán, cho thuê trong phạm vi hoạt động sản xuất, kinh doanh của bên bảo đảm”.

Kết hợp cách hiểu tại khoản 4 Điều 321 và Điều 317 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thế chấp hàng hóa luân chuyển trong sản xuất kinh doanh được hiểu là việc sử dụng hàng hóa, tài sản lưu động của doanh nghiệp làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay, mà không yêu cầu doanh nghiệp phải ngừng việc sử dụng hoặc luân chuyển hàng hóa đó trong quá trình sản xuất và kinh doanh.

Vì hàng hóa luân chuyển là động sản đặc biệt nên Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có các quy định riêng đối với loại tài sản này. Theo đó, bên thế chấp hàng hóa luân chuyển được quyền bán, thay thế, trao đổi hàng hóa trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp hàng hóa được luân chuyển, thì quyền nhận thế chấp được chuyển đối tượng từ tài sản bị thay thế sang tài sản thay thế; nếu hàng hóa được đem bán, thì số tiền bán thu được là tài sản thế chấp thay thế; nếu tài sản được trao đổi, thì tài sản được trao đổi là tài sản thế chấp thay thế;… Ngoài ra, Bộ luật Dân sự không quy định việc đăng ký thế chấp đối với hàng hóa luân chuyển. Bên nhận thế chấp, nếu muốn, có thể đăng ký việc thế chấp tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, để có quyền ưu tiên xử lý tài sản trong trường hợp cần thiết.

Trên thực tế, các doanh nghiệp còn thế chấp kho hàng để vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Như vậy, khái niệm thế chấp kho hàng và thế chấp hàng hóa có tương tự nhau không? Thông thường, kho hàng được hiểu là nơi chứa hàng chờ được phân phối (bán hoặc chuyển giao). Thế chấp kho hàng không chỉ có đối tượng là nhà kho mà còn cả hàng hóa để trong kho. Điều đó có nghĩa là kho hàng đem thế chấp là kho hàng của doanh nghiệp thế chấp và là một phần tài sản có của doanh nghiệp. Về mặt lý thuyết, hàng hóa luân chuyển là khái niệm rộng hơn kho hàng. Hàng hóa luân chuyển là toàn bộ hàng hóa thuộc sở hữu của doanh nghiệp, bao gồm hàng để trong kho và hàng bày bán. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thế chấp thường chỉ được thực hiện đối với hàng hóa để trong kho. Bởi vậy, khái niệm hàng hóa luân chuyển và khái niệm kho hàng, ở góc độ giao dịch bảo đảm, thường được coi là hai khái niệm đồng nhất.

Nhìn chung, việc thế chấp hàng hóa luân chuyển diễn ra hoàn toàn giống như các động sản bình thường khác. Vấn đề chỉ khác khi thế chấp, ngoài các quy định chung đối với tài sản thế chấp, còn có một số quy định riêng đối với hàng hóa luân chuyển thế chấp. Đó là bên thế chấp được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Chính đặc điểm này khiến các giao dịch bảo đảm bằng hàng hóa luân chuyển trở nên rủi ro hơn so với các loại tài sản khác.

Quy định pháp luật về xử lý tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển

Việc xử lý tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển căn cứ vào các quy định chung tại Bộ luật Dân sự năm 2015 về xử lý tài sản bảo đảm. Như vậy, tổ chức tín dụng được xử lý tài sản thế chấp trong các trường hợp được quy định tại Điều 299 Bộ luật Dân sự năm 2015. Điều luật này quy định các nguyên tắc cơ bản để các tổ chức tín dụng tiến hành xử lý tài sản bảo đảm (khi các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm), đồng thời cũng cho phép các bên trong hợp đồng thỏa thuận các trường hợp khác mà tổ chức tín dụng có thể xử lý tài sản thế chấp. Theo đó, tổ chức tín dụng có thể xử lý tài sản thế chấp khi:

Thứ nhất, đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp. Ví dụ, khi kết thúc thời hạn trả nợ (theo kỳ, tháng hoặc quý) đã được thỏa thuận trong hợp đồng vay, bên thế chấp vẫn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc chỉ trả được một phần nợ thì tổ chức tín dụng có quyền xử lý tài sản thế chấp.

Thứ hai, bên có nghĩa vụ phải trả nợ trước hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận được ghi nhận trong hợp đồng tín dụng hoặc theo quy định của pháp luật. Nói cách khác, tổ chức tín dụng có quyền xử lý tài sản thế chấp khi bên đi vay vi phạm nghĩa vụ trong quá trình thực hiện hợp đồng và đó là căn cứ phát sinh quyền xử lý tài sản bảo đảm. Ví dụ, bên vay có sử dụng vốn vay sai mục đích hoặc biểu hiện thiếu khả năng tài chính, không thể trả đủ phần nợ nếu tiếp tục duy trì hợp đồng tín dụng đến hết thời hạn thì tổ chức tín dụng có quyền tiến hành xử lý tài sản bảo đảm nhằm thu hồi nợ. Ở trường hợp này, tổ chức tín dụng phải thông báo cho bên vay về việc chấm dứt hợp đồng tín dụng trước hạn và tiến hành xử lý tài sản bảo đảm.Thứ ba, ngoài hai trường hợp trên thì các bên có thể chủ động thống nhất với nhau các trường hợp mà tổ chức tín dụng có quyền xử lý tài sản thế chấp trong hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng thế chấp.Tóm lại, quy định về các trường hợp xử lý tài sản thế chấp tại Bộ luật Dân sự năm 2015 khá linh hoạt. Ngoài việc quy định các trường hợp xử lý tài sản thế chấp mặc định (khoản 1, 2 Điều 299 Bộ luật Dân sự năm 2015) khi các bên không có thỏa thuận cụ thể (điều này tương tự với các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005), Bộ luật Dân sự năm 2015 còn mở rộng các trường hợp này dựa trên nguyên tắc tôn trọng ý chí thỏa thuận của các bên. Theo đó, các bên có quyền lựa chọn, dự liệu các tình huống có thể làm căn cứ phát sinh việc xử lý tài sản thế chấp. Cách quy định này đặc biệt có ý nghĩa bởi tài sản thế chấp trên thực tế khá đa dạng, phong phú, một số tài sản lại tồn tại các rủi ro nhất định nên pháp luật quy định trường hợp dự phòng này nhằm đáp ứng nhu cầu của các bên đối với từng loại tài sản thế chấp trong suốt thời gian thế chấp.

Ngoài ra, việc xử lý tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong sản xuất, kinh doanh nhằm bảo vệ quyền lợi của cả bên nhận thế chấp và bên thế chấp còn được quy định tại khoản 4 Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, bên thế chấp vẫn có quyền sử dụng, quản lý, và luân chuyển tài sản để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này giúp doanh nghiệp linh hoạt duy trì hoạt động, nhưng cũng đòi hỏi phải có biện pháp quản lý phù hợp từ phía bên nhận thế chấp. Trong trường hợp bên vay không thực hiện đúng nghĩa vụ, bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu xử lý tài sản theo các thỏa thuận trước đó, bao gồm việc bán tài sản hoặc sử dụng tài sản để thanh toán nợ.

Trên thực tế, các trường hợp xử lý tài sản thế là hàng hóa luân chuyển bao gồm: Khi đến thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp phải trả nợ trước hạn) theo hợp đồng tín dụng mà bên thế chấp không thực hiện, thực hiện không đúng, không đủ hoặc vi phạm nghĩa vụ trả nợ; các trường hợp pháp luật quy định tài sản phải được xử lý để bên thế chấp thực hiện nghĩa vụ khác đã đến hạn; bên thế chấp thực hiện chuyển đổi (cổ phần hóa, chia, tách, sáp nhập, chuyển nhượng hoặc thay đổi loại hình tổ chức hoạt động) mà không trả hết nợ gốc và lãi vay hoặc bên thế chấp bị phá sản. Mỗi tổ chức tín dụng sẽ có cách quy định khác nhau về các trường hợp xử lý tài sản thế chấp, tuy nhiên đều căn cứ trên Điều 299 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Các phương thức xử lý tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển xuất phát từ các phương thức xử lý tài sản bảo đảm nói chung. Trong giao dịch dân sự, có 04 phương thức xử lý tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 303 BLDS 2015. Theo đó, bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây: bán đấu giá tài sản; bên nhận bảo đảm tự bán tài sản; bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm (hay còn gọi là “gán nợ”); phương thức khác.

Trên thực tế, tổ chức tín dụng thường bán trực tiếp hoặc bán đấu gia tài sản để thu hồi nợ. Kể từ ngày đến hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ, bên thế chấp phải chủ động phối hợp với tổ chức tín dụng để trực tiếp bán tài sản cho người mua hoặc ủy quyền cho bên thứ ba (có thể là trung tâm bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản hoặc tổ chức có chức năng được mua tài sản để bán) bán tài sản cho người mua để thu hồi nợ. Bán tài sản với giá khởi điểm do tổ chức tín dụng xác định căn cứ vào biên bản định giá, biên bản định giá lại tài sản của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất hoặc theo giá của các cơ quan, tổ chức có chức năng định giá tài sản.

Đối với hàng hóa luân chuyển trong sản xuất kinh doanh, không bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm, nhưng việc đăng ký là rất khuyến khích nhằm bảo vệ quyền lợi của bên nhận thế chấp. Đăng ký giao dịch bảo đảm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định quyền ưu tiên xử lý tài sản trong trường hợp bên thế chấp không thực hiện nghĩa vụ hoặc có tranh chấp với các bên thứ ba. Đặc biệt với tài sản là hàng hóa luân chuyển - vốn có đặc tính là được sử dụng hoặc bán trong quá trình sản xuất, việc đăng ký giúp bảo đảm rằng ngay cả khi tài sản đó đã thay đổi, quyền của bên nhận thế chấp vẫn được ưu tiên bảo vệ. Trường hợp không đăng ký, bên nhận thế chấp có thể gặp rủi ro mất quyền ưu tiên xử lý tài sản so với các chủ nợ khác hoặc bên thứ ba mua tài sản mà không biết tài sản đã được thế chấp.

Về thứ tự thanh toán, Điều 307 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau: Số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 308 của Bộ luật này. Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì số tiền chênh lệch phải được trả cho bên bảo đảm. Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán được xác định là nghĩa vụ không có bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bổ sung tài sản bảo đảm. Bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ được bảo đảm phải thực hiện phần nghĩa vụ chưa được thanh toán.

Căn cứ vào quy định của Bộ luật Dân sự, trước tiên, các chi phí liên quan đến việc xử lý tài sản, chẳng hạn như chi phí lưu kho, bảo quản và các chi phí khác, sẽ được thanh toán. Nếu có bất kỳ chi phí nào liên quan đến khoản vay hoặc hợp đồng tài chính (như lãi suất chưa thanh toán, phí phạt...), các chi phí này sẽ được thanh toán tiếp theo. Sau khi thanh toán các chi phí xử lý và chi phí liên quan đến khoản vay, số tiền còn lại sẽ được dùng để thanh toán nợ gốc của khoản vay hoặc khoản nợ bảo đảm. Nếu còn lại tiền sau khi thanh toán nợ gốc, các chi phí và phí phát sinh khác liên quan đến việc xử lý tài sản sẽ được thanh toán.

Một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện xử lý tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển

Thứ nhất, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể đối với tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển. Bên cạnh các loại tài sản thế chấp phổ biến như quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc các tài sản khác gắn liền với đất…, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng thừa nhận hàng hóa luân chuyển là đối tượng của thế chấp. Tuy nhiên, khác với các loại tài sản khác, hàng hóa luân chuyển mặc dù là đối tượng của thế chấp nhưng vẫn được bán, thay thế, trao đổi trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Bộ luật Dân sự năm 2015 không đưa ra định nghĩa về hàng hóa luân chuyển. Định nghĩa về hàng hóa luân chuyển chỉ được tìm thấy tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm, nhưng Nghị định số 163/2006/NĐ-CP cũng đã hết hiệu lực.

Ngoài ra, Luật Thương mại năm 2005 có quy định rằng trường hợp hàng hóa được bán là đối tượng của biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự thì bên bán phải thông báo cho bên mua về biện pháp bảo đảm và phải được sự đồng ý của bên nhận bảo đảm về việc bán hàng hóa đó(5). Tuy nhiên, trong thực tế giải quyết tranh chấp phát sinh không phải khi nào chúng ta cũng có thể dẫn chiếu Luật Thương mại để áp dụng. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cho bên nhận thế chấp tài sản là hàng hóa luân chuyển, Bộ luật Dân sự nên ghi nhận khái niệm về hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh được dùng để thế chấp tại các tổ chức tín dụng.

Thứ hai, pháp luật Việt Nam thiếu quy định cụ thể về đăng ký thế chấp dẫn đến việc xử lý tài sản thế chấp của tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn. Hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh thường xuyên được mua bán, trao đổi hoặc thay thế. Điều này khiến việc xác định tài sản thế chấp cụ thể gặp khó khăn, vì tài sản có thể đã không còn thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp tại thời điểm cần xử lý. Pháp luật hiện hành không quy định rõ việc bắt buộc đăng ký thế chấp đối với hàng hóa luân chuyển. Do đó, khi tài sản thế chấp được mua bán hoặc chuyển nhượng, bên nhận thế chấp có thể gặp khó khăn trong việc ưu tiên xử lý tài sản, đặc biệt là khi tranh chấp phát sinh giữa tổ chức tín dụng và bên thứ ba mua hàng hóa.

Thứ ba, khoản 4 Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015 cho phép bên thế chấp có thể bán hàng hóa trong thời gia thế chấp. Do hàng hóa luân chuyển vẫn có thể được bán hoặc trao đổi ngay cả khi đã thế chấp, tổ chức tín dụng có thể mất quyền thu hồi tài sản khi bên thế chấp bán tài sản cho bên thứ ba. Trên thực tế đã có nhiều tranh chấp liên quan đến việc doanh nghiệp đã bán hàng hóa thế chấp mà không thông báo cho tổ chức tín dụng và cũng không thay thế hàng hóa tương đương để bảo đảm giá trị hàng hóa đã thế chấp(6). Đến thời hạn thanh toán nợ, bên thế chấp không thể chi trả và tài sản bảo đảm cũng không còn để “trả nợ” cho tổ chức tín dụng khiến các tổ chức tín dụng mất quyền thu hồi tài sản thế chấp.

Thứ tư, tổ chức tín dụng có thể gặp khó khăn trong việc định giá và quản lý tài sản thế chấp là hàng hóa, bởi hàng hóa luân chuyển có giá trị thay đổi liên tục. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định giá trị tài sản khi cần xử lý, gây khó khăn cho việc thu hồi nợ và bảo đảm quyền lợi của tổ chức tín dụng. Trên thực tế, một trong những nỗi “ám ảnh” của nhân viên các tổ chức tín dụng khi nhận tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh là họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có sai phạm trong quá trình cấp tín dụng. Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm đối với hành vi vi phạm quy định pháp luật về điều kiện cấp tín dụng cùng với chế tài cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm, tùy theo mức độ thiệt hại về tài sản. “Lỗi” trong quá trình nhận tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh có thể bị coi là vi phạm quy định pháp luật về điều kiện cấp tín dụng. Trên thực tế, khi các ngân hàng đã nhận thế chấp hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nhất là các loại nông sản như cà phê, gạo, sắn lát…; các loại hàng hóa kim loại như sắt thép, đồng, nhôm… thì khối lượng thường lớn, từ vài trăm đến vài nghìn tấn trở lên. Vì vậy, rất khó cân, đo đếm hết được số lượng hàng hóa trong kho. Việc này cùng với việc xác định chất lượng của lượng hàng khổng lồ là không hề đơn giản và không khả thi về mặt kinh tế do sẽ rất mất thời gian, chi phí và hàng hóa bị hư hỏng do không có kho chứa trung gian trong quá trình kiểm đếm. Thậm chí, nhân viên của các tổ chức tín dụng cũng không có kinh nghiệm đối với tất cả các loại hàng hóa. Quy định của Bộ luật Hình sự đối với vấn đề này chưa thực sự phù hợp khiến các tổ chức tín dụng có thể không chấp nhận tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển.

Thứ năm, các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc theo dõi tài sản thế chấp trong suốt thời hạn thế chấp. Việc đăng ký dường như không đủ để giúp chủ nợ có bảo đảm có được hình ảnh vật lý và pháp lý của tài sản. Chẳng hạn, đăng ký đối với việc thế chấp hàng hóa luân chuyển là việc làm không hiệu quả về phương diện kiểm soát sự luân chuyển của hàng hóa như là giá trị của tài sản bảo đảm(7). Thậm chí, như đã đề cập ở trên, cả việc thừa nhận tính chất vật quyền cho quyền của chủ nợ nhận thế chấp đối với hàng hóa luân chuyển cũng không giúp được gì cho chủ nợ trong việc kiểm soát sự biến động về hình thức biểu hiện cũng như cập nhật về tình trạng pháp lý của tài sản.

Một số tổ chức tín dụng sau bài học đau đớn về việc mất hàng tồn kho thế chấp trong thời kỳ 2010-2014(8) đã thực hiện việc đầu tư các tổng kho riêng của mình thông qua các công ty con hoặc công ty liên kết. Trường hợp này tổ chức tín dụng khá an toàn khi hàng hóa cầm cố/thế chấp phải được để vào kho của tổ chức tín dụng và chỉ được giải chấp từng phần theo số tiền tương ứng với phần nghĩa vụ nợ đã thực hiện. Phương thức này tương đối an toàn cho tổ chức tín dụng và nhân viên của họ. Hiện tại phương thức này vẫn rất phổ biến. Theo đó, hàng hóa tồn kho là tài sản bảo đảm được để tại kho của bên khách hàng/bên thứ ba; và có hoặc không có bảo vệ chốt giữ theo quy trình quản lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng. Nếu có bên bảo vệ trông giữ sẽ làm biên bản bàn giao 03 bên cho bên bảo vệ. Khi nào có thông báo xuất hàng, bên bảo vệ mới được cho xuất theo yêu cầu của bên tổ chức tín dụng.

Việc giải chấp một phần hay toàn bộ tài sản chỉ được thực hiện sau khi khách hàng thực hiện nghĩa vụ nợ trả một phần hoặc toàn bộ cho ngân hàng để thanh toán khoản vay và/hoặc thay thế bằng tài sản bảo đảm khác được ngân hàng chấp thuận. Tuy nhiên, việc này cũng tồn tại một bất cập đó là công ty bảo vệ chỉ thực hiện “đóng dấu ăn tiền”, dẫn tới mất tài sản bảo đảm mà tổ chức tín dụng đã bàn giao (rất nhiều bảo vệ và người đại diện của công ty bảo vệ đã phải chịu án hình sự cho hành động này)(9). Các công ty bảo vệ thường có số vốn đăng ký rất nhỏ (500 triệu - 01 tỉ đồng) và tài sản chỉ gồm con người. Trong khi bảo đảm trông giữ cho hàng hóa cả 100 tỉ đồng nên việc xảy ra mất mát hàng tồn kho trong quá trình trông giữ không thực hiện đền bù được.

Thứ sáu, tổ chức tín dụng không thể kiểm soát được hàng hóa thế chấp khi một lô hàng thế chấp cho nhiều tổ chức tín dụng. Ví dụ: Công ty A là một doanh nghiệp thương mại kinh doanh vật liệu xây dựng, có nhu cầu vay vốn từ nhiều tổ chức tín dụng để duy trì hoạt động kinh doanh và mở rộng quy mô. Công ty A sử dụng lô hàng hóa luân chuyển (bao gồm xi măng, sắt thép) trong kho làm tài sản thế chấp để vay vốn từ ba tổ chức tín dụng khác nhau. Công ty A đã không minh bạch khi thế chấp cùng một lô hàng cho nhiều tổ chức tín dụng mà không thông báo cho các bên còn lại. Do hàng hóa luân chuyển dễ biến động và khó kiểm soát, công ty A đã lợi dụng sự thiếu chặt chẽ trong quá trình thẩm định và giám sát của các tổ chức tín dụng để đăng ký thế chấp cùng một lô hàng nhiều lần, sử dụng các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu khác nhau. Do pháp luật không yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm nên các tổ chức tín dụng khó kiểm soát được tình huống này.

Kiến nghị hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả xử lý tài sản thế chấp

Thứ nhất, nhằm hạn chế tình trạng thất thoát hàng hóa đã thế chấp tại các tổ chức tín dụng, khoản 4 Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015 nên sửa đổi, bổ sung theo hướng: “Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh trừ trường hợp tài sản đó đã đăng ký giao dịch bảo đảm. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp”.

Thứ hai, đối với loại tài sản thế chấp dễ dàng thay đổi thì cách tốt nhất là tạo điều kiện để người nhận thế chấp (trong trường hợp này là các tổ chức tín dụng) có thể trực tiếp theo dõi, giám sát quá trình chu chuyển hàng hóa, từ hàng trở thành tiền, rồi lại từ tiền trở thành hàng hóa. Trong điều kiện việc lập sổ sách kế toán theo dõi sự ra vào của hàng hóa tại các doanh nghiệp trong xã hội ngày nay được tin học hóa một cách phổ biến, việc kiểm soát hàng hóa luân chuyển dựa vào công nghệ thông tin là hoàn hoàn khả thi.

Thứ ba, pháp luật cần có quy định đăng ký tài sản bảo đảm đối với các giao dịch bảo đảm dùng hàng hóa luân chuyển để thế chấp. Hàng hóa luân chuyển có thể bị biến động liên tục qua quá trình mua bán, xuất nhập kho. Việc đăng ký tài sản bảo đảm giúp ghi nhận rõ ràng quyền sở hữu và quyền thế chấp của tài sản trong giao dịch. Điều này bảo đảm rằng hàng hóa được thế chấp không bị sử dụng để vay vốn hoặc làm tài sản bảo đảm cho nhiều bên một cách trái phép. Đồng thời, đăng ký tài sản bảo đảm cho phép các bên xác định rõ quyền ưu tiên khi xử lý tài sản trong trường hợp doanh nghiệp không trả nợ. Nếu có nhiều bên thế chấp cùng một lô hàng, quyền ưu tiên sẽ dựa trên thời gian đăng ký, tạo sự công bằng và minh bạch trong quá trình thu hồi nợ.

Thứ tư, với nhiều bài học đau đớn và đắt giá trong thời gian qua, một số tổ chức tín dụng đã có những giải pháp nhằm hạn chế trách nhiệm pháp lý của nhân viên tổ chức tín dụng khi xảy ra các vụ lừa đảo xuất phát từ khách hàng vay vốn và thế chấp hàng hóa tồn kho. Một số tổ chức tín dụng theo quan điểm khi nhận tài sản bảo đảm là hàng hóa tồn kho luân chuyển như một hình thức cấp tín dụng tín chấp; nên quy định biện pháp nhận hàng hóa tồn kho luân chuyển chỉ là tài sản bảo đảm bổ sung; nghĩa là tài sản bảo đảm này chỉ nhằm bảo đảm an toàn hơn cho việc thu hồi vốn sau này của ngân hàng, mà không phải là căn cứ để giải ngân. Do vậy, về nguyên tắc, nếu tài sản nhận bổ sung này bị thiếu hụt so với hợp đồng bảo đảm, hoặc có thủ tục nhận hay quản lý

chưa đáp ứng theo quy định pháp luật thì cơ quan chức năng cũng có thể không có cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự của cán bộ tín dụng. Thứ năm, nhằm hạn chế rủi ro trong việc quản lý tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển, các tổ chức tín dụng nên quy định trong chính sách về tài sản bảo đảm là hàng tồn kho luân chuyển như sau: tài sản được để tại kho của bên bảo đảm (khách hàng)/bên thứ ba; khách hàng có quyền sử dụng tài sản bảo đảm và quản lý trực tiếp tài sản bảo đảm. Ngân hàng chỉ quản lý thông qua báo cáo xuất nhập tồn kho, sổ sách kế toán. Ngoài ra, khách hàng có nghĩa vụ báo cáo hiện trạng tồn kho định kỳ theo yêu cầu của ngân hàng và bảo đảm chất lượng, duy trình giá trị tài sản bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm đã ký kết. Khách hàng chịu mọi trách nhiệm trong trường hợp tổ chức tín dụng kiểm tra và phát hiện không đủ tài sản theo quy định trong hợp đồng bảo đảm tiền vay. Theo tinh thần của Bộ luật Dân sự, khách hàng phải chịu trách nhiệm về các hành vi không trung thực của mình. Từ đó, rủi ro cho các tổ chức tín dụng sẽ được hạn chế.

Kết luận

Trong bối cảnh hiện nay, việc xử lý tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng gặp phải nhiều vướng mắc và bất cập. Các vấn đề chính bao gồm khó khăn trong việc định giá và quản lý tài sản, nguy cơ tranh chấp khi tài sản thế chấp bị thế chấp nhiều lần cho các bên khác nhau, cũng như thiếu sót trong quy định pháp lý và thực tiễn quản lý. Việc xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm nói chung và giao dịch thế chấp tài sản là hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh nói riêng là cần thiết, từ đó tạo ra một hệ thống pháp lý rõ ràng, minh bạch, giúp các bên dễ dàng quản lý và giám sát tài sản bảo đảm, từ đó khuyến khích giao dịch tín dụng và thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính.

Tài liệu tham khảo

1.  Jonh Carvan. & Jonh Gooley (1996), A guide to Bussiness Law, Eleventh edition.

2. Louise Gullifer, Goode on legal problem of credit and securrity, Fourth edition, published in 2009 by Sweet & Maxwell, 100 Avanue Eoad, London. NW3 3PF part of Thomson Reuters (prrofessional) UK Limited

3.  Nguyễn Thị Dung, Tài sản thế chấp và các quy định pháp luật liên quan, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, số 12, 2020.

4.  Nguyễn Thị Minh, Đặc điểm pháp lý của tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh,

Tạp chí Khoa học pháp lý, số 15, 2021.

5.  Nguyễn Thị Thu Thủy, Thế chấp và xử lý tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương lai, Tạp chí Tòa án, số 20, 2023.

6.  Richard A. Mann & Barry S.Roberts, (2004), Essentials of Bussiness Law and The Legal Environment(Eighth Edition), Caroline Unversity, Thomson.

7.  Trần Quang Huy, Quy định pháp luật về thế chấp tài sản luân chuyển trong kinh doanh, Tạp chí Luật học, số 35, 2020.

8.  Viện khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, Từ điển Luật học, Nxb Từ điển Bách khoa và Nxb Tư pháp, 2006, tr. 704.

9.  Vũ Thị Hồng Yến, Tài sản thế chấp và xử lý tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2013.

10.  Wilod Wolodkiewicz và GS.TS. Maria Zablocka, Giáo trình Luật La Mã của Đại học Tổng hợp Warrszawwa - Ba Lan, (Lê Nết dịch), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1999.

 

 (1) Nguyễn Thị Minh, Đặc điểm pháp lý của tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 15, 2021.

(2) Trần Quang Huy, Quy định pháp luật về thế chấp tài sản luân chuyển trong kinh doanh, Tạp chí Luật học, Vol. 35, No. 3, 2020.

(3) Khoản 4 Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015.

(4) Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm đã hết hiệu lực vào ngày 15/5/2021 và được thay thế bởi Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021. Nghị định mới này quy định cụ thể hơn về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và quản lý giao dịch bảo đảm trong nền kinh tế, thay thế và cập nhật các quy định đã lỗi thời của Nghị định số 163/2006/ NĐ-CP. Tuy nhiên, định nghĩa về hàng hóa luân chuyển trong Nghị định số 163/2006//NĐ-CP vẫn có giá trị tham khảo.

(5) Điều 48 Luật Thương mại năm 2005.

(6) Xem Bản án số 01/2023/KDTM-PT ngày 03/01/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk về tranh chấp hợp đồng tín dụng.

(7) Trong luật của Pháp, đăng ký thế chấp hàng hóa luân chuyển được thực hiện tại phòng lục sự tòa án thương mại nơi đặt trụ sở kinh doanh: xem, Ph. Simler và Ph. Delebecque, Droit civil - Le suretés, la publicité foncière, Dalloz, 2009, tr. 326.

(8) Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước vào năm 2014 cho thấy tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng lên mức báo động, với một phần lớn là từ các khoản vay có thế chấp hàng hóa luân chuyển, khi doanh nghiệp không trả được nợ và ngân hàng không thu hồi được tài sản bảo đảm. Theo dữ liệu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nhiều khoản nợ xấu liên quan đến tài sản thế chấp là hàng tồn kho đã được chuyển sang VAMC để xử lý.

(9) Xem bản án về tranh chấp hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo vệ số 18/2022/KDTM-ST của Tòa án nhân dân quận.

THS PHẠM LÊ TRÂM ANH - THS LÊ VĂN SƠN
Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

Các tin khác