/ Pháp luật - Đầu tư
/ Bến Tre: Ba năm chờ một lời xin lỗi của cô giáo chấm “điểm oan”

Bến Tre: Ba năm chờ một lời xin lỗi của cô giáo chấm “điểm oan”

05/01/2021 17:50 |4 năm trước

LSVNO - Cầm lá đơn gõ cửa nhiều cơ quan chức năng cầu cứu vì đứa con trai bị chấm “điểm oan” dẫn đến trượt kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT). Mặc dù sự việc đã được giải quyết, nhưng đế...

LSVNO - Cầm lá đơn gõ cửa nhiều cơ quan chức năng cầu cứu vì đứa con trai bị chấm “điểm oan” dẫn đến trượt kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT). Mặc dù sự việc đã được giải quyết, nhưng đến nay đã hơn 2 năm, người phụ huynh này vẫn mong muốn một lời xin lỗi từ cô giáo.

Câu chuyện bắt đầu từ 5 cột điểm “0”

Theo bà Đặng Thị Hồng Thanh (sinh năm 1973, ngụ ấp Tân Lộc, xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) cho biết, năm học 2015–2016 đứa con trai của bà tên Nguyễn Trọng Khoa, học sinh lớp 12C2 trường THPT Chê Ghê-va-ra không đủ điều kiện để xét thi tốt nghiệp với lí do môn Toán có 5 cột bị điểm “0”.

 Trường THPT Chê Ghê-va-ra

Do hoàn cảnh khó khăn, chồng bà Thanh bị khuyết tật nên không làm được công việc nặng, bản thân bà phải đi rửa chén thuê ở các quán ăn gần nhà để mưu sinh. Còn riêng Khoa, ngoài việc học, buổi tối em phải phụ sửa xe để kiếm tiền đi học. Chính vì thế mà việc học của Khoa ít nhiều bị giảm sút. “Con tôi học yếu môn Toán, năm học lớp 11, giáo viên dạy toán của trường là cô Lê Mai Phương có mở lớp dạy thêm nhưng vì không có tiền nên con tôi không đi học được, nên cuối năm con tôi xếp loại yếu không đủ điểm lên lớp 12 và phải học lại 1 năm”, bà Thanh chia sẻ.

Cũng theo lời phụ huynh này, đến năm học lớp 12, cô Phương tiếp tục dạy môn Toán. Tuy nhiên, khi đến cuối năm học, nhà trường báo là Khoa không đủ điều kiện thi tốt nghiệp với lí do môn Toán có 5 cột điểm “0”. Sau khi hay tin, bà Thanh đã tìm đến gặp Ban Giám hiệu (BGH) Trường THPT Chê Ghê-va-ra nhờ xem xét và giải quyết. Bà Thanh nói trong nước mắt: “Con tôi học yếu, đáng lí ra nhà trường và giáo viên phải thường xuyên thông báo về cho gia đình biết để tôi có cách khuyên dạy con, chứ đến gần thi tốt nghiệp nhà trường mới nói là con tôi không được thi, chồng tôi hay tin chết lặng, đòi tự tử mấy lần”.

Sau khi bà Thanh phản ánh, thì ông Nguyễn Hữu Phước - Hiệu trưởng nhà trường lúc bấy giờ (hiện người này đã mất) hứa xem xét và giải quyết bằng cách cho em Khoa kiểm tra lại để cải thiện 5 cột điểm “0”.

“Sau đó con tôi được thi tốt nghiệp, nhưng đợt thi này nó thiếu 0,5 điểm nên rớt. Tôi có đến gặp BGH để xem số điểm môn Toán mà con tôi đã cải thiện thì trong đó chỉ có duy nhất 1 cột điểm 6 còn lại là 4 cột điểm “0”. Nếu như nhà trường cho con tôi kiểm tra cải thiện điểm thì làm sao có chuyện nó rớt tốt nghiệp, vì thi tốt nghiệp có xét điểm học bạ”, bà Thanh nói.

Không đồng ý với cách giải quyết trên, bà Thanh làm đơn tố cáo gửi đến Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre. Ngày 18/11/2016, Sở này đã có thông báo kết luận về nội dung tố cáo của bà.

Ai đúng, ai sai?

Cụ thể, qua quá trình xác minh của Sở Giáo dục và Đào tạo về 5 cột điểm “0” có hai lần kiểm tra em Khoa không làm được bài, nộp giấy trắng nên bị điểm “0”, còn 2 cột còn lại do em vắng làm bài kiểm tra (có phép), còn 1 cột điểm “0” thì em Khoa hoàn toàn không biết, vậy 4 cột điểm “0” là có lí do. Tuy nhiên, theo giáo viên chủ nhiệm xác nhận cột điểm “0” thứ 5 là do thông báo nhầm của môn Vật lý. Khi kiểm tra hồ sơ lưu cũng xác nhận môn Toán học kì 2 năm học 2015–2016 em Khoa chỉ có 4 cột điểm “0”, kết luận của sở Giáo dục và Đào tạo nêu: "Xét thấy việc em Khoa vắng kiểm tra (thiếu cột) mà giáo viên cho điểm “0” khi chưa cho kiểm tra bù là sai. Ngoài ra, trách nhiệm thông báo thời gian, địa điểm kiểm tra bù cho học sinh vắng là của giáo viên. Bà Lê Mai Phương quy định học sinh vắng kiểm tra phải tự đến gặp giáo viên xin kiểm tra bù là sai.

Đối với kiểm tra miệng thì chỉ kiểm tra khi có mặt học sinh, không kiểm tra miệng khi học sinh vắng. Vì vậy, em Khoa vắng mà giáo viên cho kiểm tra miệng (dù giáo viên cho kiểm tra miệng bằng hình thức làm bài trên giấy) là sai.

Khi em Khoa bị xếp học lực kém do điểm trung bình cả năm của môn Toán là 1,9 và sau khi có sự khiếu nại của phụ huynh, bà Phương đã cho em Khoa cải thiện điểm số bằng cách kiểm tra miệng thêm một cột nữa và đạt điểm 6, nâng điểm trung bình lên 2,1 thì em Khoa đủ điều kiện thi dự thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, những quy định riêng của giáo viên không đúng theo Thông tư 58/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh và phụ huynh.

Đối với bà Phương, trong quá trình tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh đã không thực hiện đúng theo khoản 2, khoản 5 Điều 8 của Thông tư 58/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm ảnh hưởng đến quyền lợi học sinh, gây bức xúc cho phụ huynh, giảm niềm tin của nhân dân đối với nhà trường.

Riêng ông Phan Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng nhà trường thời điểm đó (hiện đang là Hiệu trưởng Trường THPT Chê Ghê-va-ra) khi nhận đơn yêu cầu của học sinh đã không giải quyết và không báo cáo đến hiệu trưởng để giải quyết đơn theo đúng quy định. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu hiệu trưởng tổ chức kiểm điểm đối với bà Phương và ông Sơn với các sai phạm nêu trên.

Tuy nhiên, theo bà Thanh vụ việc đã xảy ra cách đây hơn 2 năm. Con của bà sau khi không được dự thi tốt nghiệp, nhờ sự động viên của gia đình và bạn bè nên Khoa đã tiếp tục học tại trung tâm giáo dục thường xuyên và đã đỗ tốt nghiệp, hiện em đang theo học một trường cao đẳng về ngành cơ điện tại TP. HCM.

“Mặc dù Sở Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo xử lí kịp thời, đã biết đúng sai. Con của tôi bị oan phải học lại thêm 1 năm trời. Sau khi sự việc xảy ra tới nay, tôi mong muốn một lần cô Phương đến nhà dù một lời xin lỗi tôi và gia đình rồi mọi chuyện sẽ qua, nhưng vẫn không thấy. Tôi cảm thấy rất bức xúc về cách cho điểm của cô Phương. Một học sinh dù có học yếu đi nữa thì cũng phải tìm cách cho em ấy kiểm tra lại, không ai vô tình mà nặng tay cho 5 cột điểm “0” như vậy cả. Ảnh hưởng một đời của học sinh”, bà Thanh trần tình.

Hiện bà Đặng Thị Hồng Thanh mong muốn nhận được lời xin lỗi từ giáo viên.

Ngày 29/01/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có công văn phúc đáp đối với yêu cầu của bà Thanh. Cụ thể, Trường THPT Chê Ghê–va–ra đã ra Quyết định số 413 về việc kỉ luật đối với bà Lê Mai Phương bằng hình thức khiển trách. Đồng thời, nếu bà Thanh không đồng ý với kết quả giải quyết của trường, sở, tỉnh, bà có thể khởi kiện ra tòa án đối với nội dung đề nghị bồi thường thiệt hại.

Theo đó, bà Thanh hiện đang làm thủ tục để khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện Mỏ Cày Nam.

Cô giáo nói gì về việc phụ huynh yêu cầu xin lỗi

Liên quan đến vụ việc phụ huynh nhiều lần gửi đơn cầu cứu cơ quan chức năng vì đứa con trai bị chấm điểm “oan” dẫn đến trượt kì thi tốt nghiệp THPT xảy ra cách nay đã hơn 2 năm, phụ huynh mong muốn một lời xin lỗi từ giáo viên.  

Cô Lê Mai Phương - Giáo viên Trường THPT Chê Ghê-va–ra cho biết, vụ việc này đã xảy ra hơn 2 năm nay và cũng được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre giải quyết. Còn vấn đề bà Đặng Thị Hồng Thanh, phụ huynh em Nguyễn Trọng Khoa mong muốn yêu cầu xin lỗi thì không nằm trong quy định, quy chế. “Tôi không có làm gì sai đối với cá nhân của bà Thanh, việc yêu cầu xin lỗi chỉ là một chiều từ ý kiến cá nhân của bà này”, cô Phương khẳng định.

Nói về 5 cột điểm “0” môn Toán, cô Phương cho biết thêm, do quá trình kiểm tra em Khoa không làm bài được và 1 cột điểm “0” do giáo viên chủ nhiệm cung cấp nhầm điểm của môn Vật lý. “Tôi nhìn nhận trách nhiệm là bản thân làm sai quy chế Thông tư của Bộ Giáo dục là học sinh nghỉ học mà không cho kiểm tra lại và tôi cũng đã chịu trách nhiệm xử lí của Sở Giáo dục. Tôi khẳng định, khi em Khoa đi học trở lại tôi có thông báo những ai vắng làm bài kiểm tra gặp sẽ kiểm tra bù nhưng em này không đến nên tôi mới giữ lại điểm 0”, cô Phương chia sẻ.

Việc bà Thanh cho rằng, em Khoa trượt tốt nghiệp do thiếu 0,5 điểm nguyên nhân do môn Toán bị 4 cột điểm “0” là không chính xác. Theo cô Phương, môn Toán chỉ là một phần để xét công nhận tốt nghiệp: “Nếu tính tổng của tất cả các môn học cộng lại phải trên 5 điểm thì mới đủ đậu tốt nghiệp. Trong khi đó, em Khoa thi Toán có 2,1 điểm, môn Lí, Hóa cũng không cao. Do đó, khi chia ra điểm bình quân các môn thì em Khoa không đủ điểm. Sau đó, tôi cũng đã tạo điều kiện để em Khoa cải thiện điểm cho đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp”.

Nhận xét về cậu học trò này, cô Phương cho biết, Khoa học yếu nhiều môn học chứ không riêng môn Toán. Từ lớp 10 đến lớp 12, mỗi năm học em này đều thi lại. Trong trường là học sinh cá biệt, sử dụng xe máy, điện thoại hàng đắt tiền.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Thanh Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Chê Ghê-va-ra cho biết, vụ việc của bà Thanh đến nay đã được ngành chức năng giải quyết. Còn việc phụ huynh mong muốn nhận được lời xin lỗi từ giáo viên thì khi nào có chỉ đạo bằng văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre thì nhà trường sẽ thực hiện.

Thiên Bảo