(LSVN) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Ảnh minh họa.
Trước đó, ngày 15/6/2022, Quốc hội ban hành Luật Điện ảnh có nội dung thay đổi cơ bản so với Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh 2009, đồng thời, làm thay đổi cơ bản những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện ảnh tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Do vậy, để bảo đảm nội dung của Luật Điện ảnh năm 2022 được triển khai thi hành có hiệu quả, cần phải sửa đổi, bổ sung những hành vi vi phạm trong lĩnh vực điện ảnh và một số nội dung liên quan tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước về điện ảnh nói riêng và văn hóa nói chung.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số quy định chung tại Điều 4 về biện pháp khắc phục hậu quả (sửa đổi, bổ sung 8 biện pháp và bổ sung 1 biện pháp), Điều 5 quy định về mức tiền áp dụng đối với tổ chức, cá nhân (sửa đổi phần liên quan đến điện ảnh). Đồng thời, dự thảo sửa đổi, bổ sung Mục 1 chương II hành vi vi phạm về điện ảnh. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Điều 7 về hoạt động điện ảnh có nội dung bị nghiêm cấm và các hành vi bị cấm trong lĩnh vực điện ảnh. Hành vi vi phạm tại 2 điều này được xây dựng trên cơ sở nội dung của Điều 9 Luật Điện ảnh, dự thảo Nghị định quy định cụ thể hình thức phạt chính, hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.
Về mức phạt tiền: 2 điều này đều áp dụng mức phạt tối đa được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực văn hóa là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức. Về hình thức xử phạt bổ sung: Áp dụng hình thức đình chỉ hoạt động đối với một số hành vi. Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung còn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc xin lỗi, buộc tiêu hủy, tháo gỡ phim, tang vật vi phạm, buộc cải chính.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điều 8 vi phạm quy định về sản xuất phim. Cụ thể, rà soát bổ sung một số hành vi mới như vi phạm về nghĩa vụ của nhà sản xuất phim, biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên và thành viên khác của đoàn làm phim; hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam của tổ chức và cá nhân nước ngoài; sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; các hành vi liên quan đến việc sử dụng giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 9 vi phạm quy định về phát hành phim: Rà soát sửa đổi, bổ sung một số hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng không đúng mục đích phim nhập khẩu để phục vụ vụ hoạt động nghiên cứu, giáo dục, lưu trữ và lưu hành nội bộ; phát hành phim không đúng chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc được phê duyệt; không gửi văn bản cam kết về nội dung phim không vi phạm quy định tại Điều 9 Luật Điện ảnh.
Điều 10 vi phạm quy định về phổ biến phim cũng được sửa theo hướng rà soát, sửa đổi, bổ sung các hành vi về nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phổ biến phim; phổ biến phim trong rạp chiếu phim; phổ biến phim trên hệ thống truyền hình; phổ biến phim trên không gian mạng; phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng; giấy phép phân loại phim.
Ngoài ra, dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 10a vi phạm quy định về lưu chiểu, lưu trữ phim, liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim.
PV
Điều kiện được đề nghị đặc xá đối với người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù