Ảnh minh họa.
Hướng dẫn này thay thế Hướng dẫn lựa chọn và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống bệnh dịch Covid-19 ban hành theo Quyết định số 4159/QĐ-BYT ngày 28/8/2021 của Bộ Y tế. Theo Bộ Y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân sử dụng trong phòng, chống dịch Covid-19 phải đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn phòng, chống lây nhiễm SARS-CoV-2. Chủng loại phương tiện phòng hộ cá nhân tối thiểu theo các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tại cộng đồng phụ thuộc vào khu vực nguy cơ thấp về dịch, khu vực trung bình, khu vực cao và khu vực rất cao.
Tại hướng dẫn mới nhất này không còn khu vực cách ly tập trung F1 và khu vực dành cho người nhập cảnh. Việc sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân như khẩu trang (y tế, N95), găng tay y tế, áo choàng và tấm kính che mặt cũng đã được điều chỉnh để phù hợp với thực tế hiện nay.
Cũng tại hướng dẫn này, Bộ Y tế nêu rõ: Trước khi mang phương tiện phòng hộ cá nhân cần kiểm tra số lượng, loại, kích cỡ phù hợp với người mang; kiểm tra chất lượng (đúng tiêu chuẩn quy định, không rách, thủng, hết hạn,...). Sau đó, người dùng lần lượt tiến hành các bước: Vệ sinh tay; Mặc áo choàng chống dịch; Vệ sinh tay; Mang khẩu trang theo tình huống (khẩu trang y tế hoặc N95); Mang kính bảo hộ hoặc tấm che mặt; Mang găng theo chỉ định. Trình tự tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân gồm 8 bước: Tháo găng, khi tháo cuộn mặt trong găng ra ngoài, bỏ vào thùng đựng chất thải; Vệ sinh tay; Tháo dây buộc/khuy cài và tháo bỏ áo choàng, cuộn lại sao cho mặt trong của áo choàng lộn ra ngoài và bỏ vào thùng chất thải; Vệ sinh tay; Tháo tấm che mặt hoặc kính bảo hộ; Vệ sinh tay; Tháo khẩu trang (cầm vào phần dây đeo phía sau đầu hoặc sau tai); Vệ sinh tay.
Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế nêu rõ: Các phương tiện phòng hộ cá nhân được tháo bỏ tại phòng đệm và cho ngay vào thùng chất thải lây nhiễm sau khi tháo bỏ; luôn vệ sinh tay khi tháo bỏ từng phương tiện phòng hộ cá nhân.
Ngoài ra, có 10 lưu ý khi sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân gồm:
1. Phương tiện phòng hộ cá nhân chỉ hiệu quả khi áp dụng cùng với những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm và kiểm soát nhiễm khuẩn khác.
2. Luôn có sẵn phương tiện phòng hộ cá nhân và được bảo quản đúng quy định. Có kiểm tra số lượng hằng ngày để bảo đảm không thiếu phương tiện phòng hộ cá nhân ngay cả trong tình huống khẩn cấp.
3. Nhân viên y tế phải được đào tạo kỹ về sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trước khi làm việc. Nội dung đào tạo bao gồm cả mang và tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân.
4. Lựa chọn đúng chủng loại phương tiện phòng hộ cá nhân theo từng tình huống công việc, kích cỡ phù hợp với người sử dụng.
5. Tuân thủ tuyệt đối quy trình mang và tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân.
6. Tuyệt đối không mang trang phục phòng hộ cá nhân trong ngủ, nghỉ, sinh hoạt, ăn uống.
7. Tuyệt đối không phun hóa chất khử khuẩn lên bề mặt trang phục PHCN trong bất kỳ tình huống nào và chỉ tái sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
8. Không mặc bộ trang phục phòng hộ cá nhân cho người bệnh, người nhà người bệnh trong bất kỳ tình huống nào.
9. Phương tiện phòng hộ cá nhân sau sử dụng là chất thải lây nhiễm, phải được thu gom và xử lý như chất thải lây nhiễm.
10. Bộ trang phục phòng hộ cá nhân dạng liền hoặc rời hoặc áo choàng chống dịch chỉ sử dụng một lần, thải bỏ ngay khi không còn làm việc hoặc đi ra khỏi khu vực có nguy cơ lây nhiễm.
Đối với áo choàng sử dụng lại phải được thay ngay sau khi ra khỏi khu vực cách ly và được thu gom xử lý đúng quy định. Khu vực mang và tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân là riêng biệt; xử lý tập trung bộ quần áo mặc trong bộ trang phục phòng hộ cá nhân.
PV
Cảnh báo thủ đoạn mạo danh nhân viên y tế gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản