Ngày 23/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Góp ý tại nghị trường, Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) đề cập tới thực tế thời gian qua, có khá nhiều vụ án thương tâm liên quan đến đầu độc bằng xyanua.
Đại biểu dẫn chứng vụ việc một người phụ nữ tại tỉnh Thái Bình bơm chất độc xyanua vào trà sữa nhằm đầu độc chị họ. Hành động tàn ác này khiến một nữ điều dưỡng của Bệnh viện Phổi Thái Bình tử vong.
Gần đây là vụ án dùng xyanua đầu độc hàng loạt người ở Bình Dương đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng vì hành động này lặp đi lặp lại trong thời gian dài.
Theo Đại biểu, qua các vụ án, thấy việc mua xyanua của các đối tượng rất dễ dàng, đó là đặt mua trên mạng internet. Từ đó, cho thấy một lỗ hổng nguy hiểm của việc mua bán các chất độc, trong đó có xyanua.
Xyanua là hóa chất cực độc, song Đại biểu cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật liên quan đến các loại hóa chất này còn khá sơ sài. Dù đã có các quy định về việc mua bán xyanua phải có phiếu kiểm soát, nhưng lại không có quy định cụ thể về việc cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện nào thì mới được mua và sử dụng.
Chất xyanua và hợp chất chứa xyanua hiện được sử dụng trong thuốc trừ sâu, chất khử trùng và khai thác mỏ vàng bạc. Trong Nghị định 113/2017/NĐ-CP không có quy định xyanua là hóa chất cấm mà chỉ quy định các hợp chất xyanua trong danh mục hóa chất nguy hiểm, phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố.
Các quy định hiện hành cũng không có quy định về việc người bán phải kiểm tra điều kiện của người mua rồi mới được bán. Tình trạng này dẫn đến tình trạng bán xyanua diễn ra phổ biến, tràn lan trên thị trường.
Từ đó, Đại biểu đề nghị rà soát, đánh giá tất cả các loại hóa chất, hỗn hợp chất để đưa vào danh mục hóa chất cấm, hóa chất nguy hiểm và cần có quy định chặt chẽ trong hoạt động nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, bảo quản, sử dụng.
Cùng góp ý dự thảo Luật, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) vì hóa chất cũng phục vụ cho lợi ích quốc gia dân tộc, phát triển kinh tế, phục vụ y học.
Tuy nhiên, Đại biểu cũng chỉ rõ hóa chất cũng mang đến những độc hại cho người dân nếu không được quản lý kỹ lưỡng. Với kẻ gian, doanh nghiệp ham lợi có thể sử dụng hóa chất đưa vào các sản phẩm, vào thức ăn cũng có thể rất độc hại, nguy hiểm.
Từ đó, Đại biểu cho hay, khi ban hành luật cần khắc phục những bất cập này và giúp phát triển kinh tế - xã hội. Khi quản lý hóa chất không cẩn thận cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Đề cập về hóa chất nguy hiểm, đại biểu chỉ ra có những sản phẩm, thực phẩm công nghiệp chứa hóa chất nhưng người dân cũng không biết những loại đó có ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay không. Vì vậy, việc quản lý Nhà nước, kiểm tra an toàn thực phẩm là điều rất quan trọng.
Đại biểu cũng đề nghị những hóa chất độc hại, nguy hiểm không nên cho phép xây dựng nhà máy, cơ sở, hay nghiên cứu ở các khu đô thị mà phải đưa về những vùng không ảnh hưởng nếu xảy ra sự cố. Điều này giúp tránh ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe của người dân ở khu vực xung quanh.
Phát biểu làm rõ thêm về việc quản lý hoạt động hóa chất, nhất là hóa chất độc hại cần kiểm soát đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, để tăng cường quản lý hóa chất độc hại, kiểm soát rủi ro, mất an toàn, an ninh từ hóa chất, cơ quan soạn thảo đã đề xuất sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) một số quy định.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định hóa chất trong toàn bộ vòng đời từ khi hóa chất được tạo ra hoặc đưa vào lãnh thổ Việt Nam đến khi lưu thông, sử dụng và xử lý.
Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định quản lý các hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hóa chất với mức độ chặt chẽ khác nhau nhằm bảo đảm và phù hợp với từng danh mục hóa chất, an toàn trong sản xuất sử dụng hóa chất, bảo đảm an toàn cho môi trường.
Dự thảo Luật cũng bổ sung biện pháp tiền kiểm đối với hoạt động nhập khẩu hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, thay vì việc doanh nghiệp chỉ cần thực hiện khai báo hóa chất tự động như hiện nay, đồng thời đề xuất tăng chế tài xử phạt các vi phạm để nâng cao mức răn đe.
Ngoài ra, dự thảo Luật còn bổ sung quy định về áp dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong việc kiểm soát hoạt động mua bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt nhằm giám sát toàn bộ đường đi của hóa chất, từ nhà sản xuất nhập khẩu đến người sử dụng cuối cùng.
Sửa đổi, bổ sung quy định tăng cường phân cấp quản lý cho địa phương, cho các bộ, ngành trong việc quản lý đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ tồn trữ, vận chuyển hóa chất cần kiểm soát đặc biệt nhằm tăng cường bảo đảm công tác an toàn, an ninh, tránh thất thoát hóa chất hoặc sử dụng không đúng mục đích. Thẩm định kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và nhất là sự cố cháy, nổ như nhiều đại biểu đã quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Công thương cũng cho hay, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất cần kiểm soát đặc biệt phải đăng ký mục đích, nhu cầu sử dụng hóa chất trên cơ sở dữ liệu nhằm thiết lập hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước. Đặc biệt là công tác hậu kiểm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc hóa chất bị sử dụng sai mục đích giống như Đại biểu Trần Khánh Thu đã nêu trên.
Hơn nữa vì là độc hại cho nên cần có quy định rất cụ thể về sản xuất, tồn trữ hóa chất độc hại phải xa khu dân cư như Đại biểu Phạm Văn Hòa đã nêu và phải có cơ chế kiểm soát đặc biệt đối với loại hóa chất này trong quá trình sử dụng cũng như quá trình lưu thông.
Như vậy, theo Bộ trưởng Bộ Công thương, so với Luật Hóa chất hiện hành, Luật Hóa chất (sửa đổi) đã đồng bộ với các quy định để siết chặt tăng cường quản lý hoạt động hóa chất trong toàn bộ vòng đời, đặc biệt là đối với hóa chất cần kiểm soát đặc biệt.