/ Pháp luật - Đầu tư
/ Tăng mức xử phạt đối với hành vi đăng ký 'khống' vốn điều lệ

Tăng mức xử phạt đối với hành vi đăng ký 'khống' vốn điều lệ

29/08/2021 17:29 |

(LSVN) – Cơ quan chức năng cần xem xét tăng chế tài xử lý đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ, kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Bởi với mức phạt như hiện nay không “thấm” gì so với “hiệu quả PR” và các ý đồ khác mà nó đem lại với các doanh nghiệp khai khống vốn điều lệ, dẫn đến tình trạng có doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt nhằm đạt được mục đích của mình.

Ảnh minh họa. 

Thời gian qua, Việt Nam liên tiếp ghi nhận sự xuất hiện của những “siêu doanh nghiệp” có vốn điều lệ rất lớn. Sau những lùm xùm về việc một doanh nhân 9x lập “siêu công ty” có vốn 500 nghìn tỉ đồng tại TP. HCM, mới đây, dư luận lại ngỡ ngàng trước thông tin về một công ty có vốn đăng ký lên tới gần 128 nghìn tỉ đồng. Càng bất ngờ hơn khi trụ sở của Công ty tỉ đô được ghi trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lại chỉ là một bãi rửa xe.

Thậm chí, còn có trường hợp một doanh nghiệp đăng ký thành lập với vốn điều lệ 144 nghìn tỉ đồng, nhưng sau đó các cổ đông sáng lập thừa nhận chỉ là… “ghi nhầm”.

Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp quy mô vốn hàng trăm nghìn tỉ đồng "3 không" (không hoạt động tại trụ sở, không doanh thu, không dùng hóa đơn thuế) nhưng một số Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn để các doanh nghiệp này tồn tại. Khi được hỏi về nguyên nhân lý giải cho sự việc này, đại diện một Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng theo Luật Doanh nghiệp, người đăng ký và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ hậu kiểm.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho biết, vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào Điều lệ công ty. Pháp luật hiện hành không quy định về vốn điều lệ tối thiểu khi thành lập doanh nghiệp, mà sẽ dựa vào khả năng tài chính của các thành viên sáng lập ra công ty, tùy vào mục đích kinh doanh, phạm vi hoạt động của công ty; các chi phí thực tế sau khi thành lập và hoạt động.

Đăng ký vốn điều lệ “khủng” có đồng nghĩa với năng lực thật của doanh nghiệp?

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết, hiện nay, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp mới, các chủ thể sẽ là người tự kê khai số vốn sẽ góp vào doanh nghiệp, hay còn gọi là vốn cam kết và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung kê khai. Vì là vốn sẽ góp (vốn cam kết góp) nên tùy theo loại hình doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cho một khoảng thời gian để các chủ thể thành lập thực hiện và hoàn thành nghĩa vụ thực góp vốn vào doanh nghiệp. Sau thời gian này, trường hợp các chủ thể chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, doanh nghiệp có quyền đăng ký thay đổi vốn điều lệ của các thành viên bằng số vốn đã thực góp.

Vì vậy, con số vốn điều lệ thể hiện khi doanh nghiệp đăng ký thành lập mới được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hay Điều lệ của doanh nghiệp ban đầu không thể hiện được thực chất số vốn doanh nghiệp đó có hay năng lực của doanh nghiệp. Bởi khi đó, vốn điều lệ được thể hiện trên các văn bản này chỉ mang tính chất vốn cam kết góp. Nếu chiếu theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, chỉ sau thời gian góp vốn quy định đối với từng loại hình doanh nghiệp, vốn điều lệ của doanh nghiệp lúc này mới thể hiện thực chất số vốn của doanh nghiệp.

Ngoài ra, mức vốn điều lệ chưa dừng lại ở đó bởi trong quá trình hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có thể thực hiện tăng – giảm vốn điều lệ phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp không cần phải chứng minh vốn điều lệ tại bước đăng ký doanh nghiệp, nếu không xảy ra sai phạm trong quá trình hoạt động, các cơ quan quản lý chỉ thực hiện hậu kiểm thông qua một số công cụ như báo cáo tài chính, báo cáo thuế… nên việc giám sát vốn thực góp của doanh nghiệp rất khó khăn. Do đó, nhiều trường hợp không thể nhìn vào số vốn điều lệ để phản ánh số vốn thực có cũng như năng lực của một doanh nghiệp bởi có thể đó chỉ là vốn “ảo”.

Xử lý thế nào?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, trường hợp doanh nghiệp bị các cơ quan chức năng phát hiện là khai báo sai số vốn điều lệ so với thực tế, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo khoản 5 Điều 16 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về hành vi kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị là một trong các hành vi bị nghiêm cấm.

Do đó, trường hợp doanh nghiệp kê khai vốn điều lệ, sau thời hạn góp vốn quy định mà góp không đủ, cũng không thực hiện điều chỉnh vốn điều lệ bằng số vốn thực tế thì có thể bị xử phạt hành chính theo khoản 3 Điều 28, điểm c khoản 5 Điều 28 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính khi vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký.

Ngoài ra, doanh nghiệp buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỉ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp.

Giải pháp nào cho vấn đề này?

Việc khai khống số vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ làm sai lệch thông tin của công tác thống kê đầu tư, dự báo kế hoạch và các biến số kinh tế của các bộ, ngành, địa phương. Do đó, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần thiết phải đẩy mạnh quản lý theo cách thức, nếu có điều bất thường, doanh nghiệp sẽ bị giám sát chặt hơn.

Hiện nay, đối với việc quản lý đăng kí kinh doanh, Nhà nước áp dụng phương thức “hậu kiểm”, thay vì “tiền kiểm”. Ở thời điểm doanh nghiệp đăng ký, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không có trách nhiệm phải xác nhận tính chính xác, trung thực của hồ sơ đăng ký mà đó là nghĩa vụ của doanh nghiệp, nếu trong quá trình hoạt động cơ quan Nhà nước phát hiện sai phạm thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Tinh thần cởi mở này giúp đảm bảo, tạo điều kiện về khía cạnh linh hoạt và kịp thời cho các doanh nghiệp tham gia kinh doanh, cũng phù hợp với lĩnh vực hoạt động kinh doanh cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, vấn đề phát sinh từ việc cơ quan nhà nước không kiểm tra tính chính xác và trung thực trong thông tin đăng ký kinh doanh ở thời điểm doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký, là do cơ chế “hậu kiểm” còn chưa được quy định chặt chẽ: về quy trình, thủ tục cụ thể; về thời điểm, thời hạn kiểm tra với doanh nghiệp… đều chưa có quy định rõ ràng. Vì vậy, thiết nghĩ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần quy định về cơ chế “hậu kiểm” chi tiết, cụ thể hơn.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tuân thủ và chấp hành quy định pháp luật của người dân, doanh nghiệp, nêu ra những hệ lụy, hậu quả của hành vi kê khai vốn ảo là rất lớn với nền kinh tế chung cũng như chính doanh nghiệp đó để răn đe, định hướng hành vi.

Đồng thời, xem xét tăng chế tài xử lý đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ, kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Bởi với mức phạt như hiện nay, doanh nghiệp có các hành vi sai phạm này cũng chỉ phải chịu phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng. Mức xử phạt này khá nhẹ, không “thấm” gì so với “hiệu quả PR” và các ý đồ khác mà nó đem lại với các doanh nghiệp khai khống vốn điều lệ, dẫn đến tình trạng có doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt nhằm đạt được mục đích của mình.

LINH CHI

Thủ tướng chủ trì cuộc họp trực tuyến với 20 tỉnh, thành phố về phòng chống dịch

Lê Minh Hoàng