Chậm đóng tiền bảo hiểm, doanh nghiệp bị phạt thế nào?

20/06/2022 08:05 | 2 năm trước

(LSVN) - Việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đúng hạn là một trong những nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Vậy, doanh nghiệp chậm đóng tiền bảo hiểm sẽ bị xử phạt như thế nào?

Ảnh minh họa.

Thời hạn phải đóng tiền BHXH là khi nào?

Theo Luật sư Lê Ngọc Khánh, Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, theo Điều 85, Luật BHXH năm 2014, hàng tháng, người lao động và người sử dụng lao động đều phải trích một phần tiền lương và quỹ lương để đóng các loại bảo hiểm bắt buộc. Toàn bộ số tiền đóng bảo hiểm sẽ được nộp cho cơ quan BHXH cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Tùy vào phương thức chọn đóng BHXH mà thời hạn nộp tiền bảo hiểm sẽ được xác định theo Điều 7, Quyết định 595/QĐ-BHXH, được sửa bởi khoản 13, Điều 1, Quyết định 505/QĐ-BHXH như sau:

Trường hợp đóng hàng tháng:

Hạn nộp tiền BHXH: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng.

Lúc này, doanh nghiệp phải chuyển cùng một lúc tiền đóng BHXH của cả doanh nghiệp và của người lao động vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

Trường hợp đóng 03 tháng/lần hoặc 06 tháng/lần:

Hạn nộp tiền BHXH: Chậm nhất là ngày cuối cùng của phương thức đóng.

Doanh nghiệp phải đơn vị phải chuyển đủ tiền vào quỹ BHXH.

Doanh nghiệp được nợ tiền bảo hiểm trong bao lâu?

Theo khoản 2, Điều 17, Luật BHXH năm 2014, hành vi chậm đóng tiền BHXH, BHTN bị pháp luật đặc biệt nghiêm cấm.

Đối với việc xử lý vi phạm hành vi chậm đóng bảo hiểm, khoản 3, Điều 122, Luật BHXH 2014 đã quy định rõ: "Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3, Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH".

Theo đó, doanh nghiệp có thể chậm đóng BHXH nhưng chỉ được chậm 29 ngày so với thời hạn quy định. Trường hợp chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên, doanh nghiệp không chỉ bị xử lý vi phạm mà còn bị tính thêm tiền lãi.

Lãi suất được tính bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Căn cứ Thông báo 89/TB-BHXH ngày 13/01/2022 của BHXH Việt Nam, mức lãi suất chậm đóng bảo hiểm áp dụng cho năm 2022 sẽ được tính như sau:


Loại bảo hiểm

Lãi chậm đóng bảo hiểm năm 2022

BHXH, BHTN

0,7316%/ tháng

BHYT

0,5434%/ tháng

Chậm đóng tiền bảo hiểm, doanh nghiệp bị phạt thế nào?

Như đã chỉ ra ở mục 2, người sử dụng lao động chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên sẽ bị xử lý vi phạm pháp luật. Căn cứ điểm a, khoản 5, Điều 39, Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động vi phạm sẽ bị phạt như sau:

Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN;

Kết hợp với quy định tại khoản 1, Điều 6, Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động là cá nhân nợ tiền bảo hiểm quá thời hạn quy định sẽ bị phạt 12% - 15% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng nhưng không quá 75 triệu đồng.

Trong khi đó, nếu người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm thì sẽ bị phạt gấp đôi từ 24% - 30% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng nhưng không quá 150 triệu đồng.

TRẦN QUÝ

Vốn điều lệ có phải là vốn pháp định?