/ Nhìn ra thế giới
/ Chính sách kinh tế của bà Kamala Harris đặt trọng tâm vào người tiêu dùng

Chính sách kinh tế của bà Kamala Harris đặt trọng tâm vào người tiêu dùng

14/10/2024 19:12 |

(LSVN) - Tờ Wall Street Journal mới đây nhận định Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang thực hiện một sự chuyển hướng quan trọng trong cách tiếp cận chính sách kinh tế của mình, từ đó tạo ra sự khác biệt so với truyền thống của đảng Dân chủ.

Phó Tổng thống Kamala Harris phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở bang Wisconsin ngày 20/8/2024. Ảnh: AA/TTXVN.

Cụ thể, trong khi chương trình nghị sự của Tổng thống Joe Biden tập trung vào tạo việc làm, bà Harris lại tập trung vào kiểm soát lạm phát. Nếu ông Biden ưu tiên người lao động, bà Harris lại đặt trọng tâm vào người tiêu dùng. Phát biểu khi vận động tranh cử tại bang chiến địa Pennsylvania, bà Harris từng nói: "Tôi muốn người Mỹ và các gia đình không chỉ đủ sống mà còn có thể tiến lên phía trước - để thịnh vượng". 

Thách thức đối với Phó Tổng thống còn rất lớn vì các cuộc thăm dò cho thấy bà Harris vẫn đang được đánh giá thấp hơn cựu Tổng thống Donald Trump trong các vấn đề kinh tế và đây là lĩnh vực bà cần đẩy mạnh để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Chính quyền Tổng thống Biden đến nay đã cho thấy những kết quả tích cực trong chính sách của mình với thị trường lao động Mỹ tạo thêm 254.000 việc làm trong tháng 9/2024 và từ đầu nhiệm kỳ, nền kinh tế đã thêm 16,2 triệu việc làm. Trong cuộc vận động tại Michigan ngày 4/10, bà Harris đã ca ngợi số liệu việc làm mới, nhưng cũng cho rằng giá cả, đặc biệt chi phí cho thực phẩm vẫn còn cao, trở thành gánh nặng cho các hộ gia đình.

Mặc dù ưu tiên của bà Harris phần nào vẫn nằm trong truyền thống của đảng Dân chủ, nhưng cũng có một số khác biệt so với các cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama. Giống như ông Biden, bà Harris thận trọng hơn về thương mại so với thời của Tổng thống Clinton và Obama, đồng thời ít tin tưởng hơn vào sức mạnh của thị trường để mang lại lợi ích rộng rãi cho người Mỹ. Bà cũng dự định duy trì các khoản đầu tư chính phủ của ông Biden để tạo ra việc làm tại doanh nghiệp. Nhiều kế hoạch của bà Harris là sự mở rộng của các chính sách của ông Biden cũng vì bà đã tham gia cuộc đua muộn, sau khi ông Biden rút lui vào tháng Bảy, khiến bà ít thời gian phát triển chính sách kinh tế của riêng mình và thuyết phục cử tri.

Tuy nhiên, nền tảng chính sách kinh tế mà Phó Tổng thống Harris tập trung vào giải tỏa các lo lắng của cử tri về lạm phát, giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, giảm giá thực phẩm, nhà ở và thuốc chữa bệnh, cũng như chi phí thành lập doanh nghiệp. Mặc dù ông Biden cũng đã nói về những vấn đề này trong các chiến dịch tranh cử, nhưng bà Harris đã tập trung thúc đẩy mạnh mẽ do đây là các vấn đề mà cử tri quan tâm nhất. Các cố vấn của bà Harris cho biết bà sẵn sàng lắng nghe và làm việc với các giám đốc điều hành doanh nghiệp (CEO) - một sự thay đổi so với ông Biden, người không xây dựng mối quan hệ thân thiết với giới doanh nghiệp. Bà Harris thường xuyên tiếp xúc với các CEO hàng đầu, như Giám đốc JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon và tỷ phú Texas Mark Cuban. 

Bà Harris cũng tiếp cận thận trọng hơn trong vấn đề thương mại, đặc biệt là với Trung Quốc. Vào cuối nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Clinton đã giúp mở đường cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đến nhiệm kỳ của ông Obama, sự nổi lên và cạnh tranh của Trung Quốc đã khiến người Mỹ cho rằng nhiều khi tự do thương mại sẽ tác động tiêu cực đến nước Mỹ hơn là mang lại tích cực. Chính vì thế, chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016 đã thành công khi khai thác những bất mãn của cử tri về thương mại. Quyết định của ông Biden về việc giữ nguyên nhiều mức thuế dưới thời ông Trump làm Tổng thống đối với hàng hóa Trung Quốc và áp thuế thêm đối với 18 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc phản ánh sự thận trọng mới của đảng Dân chủ đối với thương mại.

Bà Harris được dự đoán sẽ tiếp tục cách tiếp cận của ông Biden trong thương mại với Trung Quốc và tiếp tục ủng hộ những ngành công nghiệp được đảng Dân chủ coi là quan trọng, như công nghệ sinh học và chất bán dẫn. Một phần mục tiêu là tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, nhưng mặt khác cũng để kiềm chế sự phát triển về công nghệ của Trung Quốc.

Theo TTXVN 

Nguyễn Mỹ Linh